Tới dự có ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các ban, sở, ngành, Hôi· nghề nghiệp; đại diện cơ quan thông tấn báo chí trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh trên) phát biểu nêu rõ: Vĩnh Phúc là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa với trên 1.300 di tích, di chỉ..., con người Vĩnh Phúc năng động sáng tạo. Đây chính là nguồn lực to lớn cần phát huy để Vĩnh Phúc phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh luôn nhất quán quan điểm: phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng văn hoá và con người; phát triển mạnh về kinh tế trong lĩnh vực văn hóa và phát triển kinh tế một cách có văn hóa, bảo đảm bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường, đồng thời phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau.
Được thiên nhiên ban tặng với nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với các chính sách thông thoáng, nhiều giải pháp hướng tới an toàn, thân thiện, hấp dẫn, Vĩnh Phúc đã và đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế với thương hiệu “Vĩnh Phúc an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Năm 2022, Vĩnh Phúc đón trên 8,2 triệu lượt khách du lịch tăng 400% so với năm 2021, doanh thu từ du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhấn mạnh: Các nhà báo và các tác phẩm báo chí đã góp phần nâng tầm văn hóa, du lịch của tỉnh bằng cách tích cực chuyển tải giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch của Vĩnh Phúc đến với đông đảo công chúng. Nhiều bài báo phản ánh một cách tích cực, có chiều sâu về những nét đẹp trong các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, cảnh quan, điểm đến của Vĩnh Phúc. Để văn hóa, du lịch của Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển và được biết đến rộng rãi hơn góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân thì vai trò truyền thông của báo chí là vô cùng quan trọng. Mong muốn các nhà báo, phóng viên sẽ có thêm nguồn thông tin, tư liệu để có những tuyến bài chất lượng, góp phần tuyên truyền, quảng bá về đất và người Vĩnh Phúc, những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; nâng cao hiệu quả truyền thông về văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã tập trung thảo luận những vấn đề như: Đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác truyền thông với văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian qua; sự phối hợp truyền thông giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, địa phương trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch; đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về văn hóa, du lịch trong thời gian tới.
Nhà báo Vũ Quang Đồng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc (ảnh trên) chia sẻ: Thời gian qua, công tác truyền thông về văn hóa, du lịch của Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc quảng bá về các địa chỉ văn hóa, di tích lịch sử nhất là các di tích lịch sử cách mạng là chưa tương xứng. Đây là trách nhiệm người người làm văn hóa, trong đó có vai trò của các nhà báo. Các tác phẩm báo chí viết về văn hóa cần tuyên truyền cái tốt, cái tích cực để đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.
Tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần làm rõ hơn vai trò, đóng góp quan trọng của truyền thông với văn hóa, du lịch của Vĩnh Phúc. Qua đó, giúp các nhà báo nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin tới công chúng; tăng cường phối hợp truyền thông về văn hóa, du lịch giữa các cơ quan quản lý báo chí và địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý di văn hóa, du lịch.
Trong dịp này, Hội nhà báo Vĩnh Phúc đã phát động đợt cao điểm viết bài tuyên truyền về văn hóa, du lịch của tỉnh.