Bạo lực học đường đã và đang trở thành một vấn nạn. Kính mời độc giả theo chân Văn hoá và Phát triển để cùng gặp gỡ và trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, về vấn này.
1. Thưa Giáo sư, tại sao bạo lực học đường trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam?
Bạo lực học đường đã có từ lâu nhưng trước đây nó thường xảy ra rải rác trong phạm vi nhỏ, là sự xung đột giữa các nhóm học sinh vì các mâu thuẫn thường ngày và nó cũng được nhanh chóng giải quyết khi các nhóm xung đột vẫn chủ yếu dựa trên tình cảm bạn bè, thân hữu. Những năm gần đây, bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam bởi diễn biến tinh vi, phúc tạp, tính thường xuyên và mức độ tàn nhẫn của nó. Hậu qủa nghiêm trọng do bạo lực học đường gây ra đã không chỉ làm mất tình cảm bạn bè mà trong nhiều trường hợp nó đã vi phạm pháp luật, trực tiếp hoặc gián tiếp gây chết người. Các trường hợp này đã khoét sâu tính thù hận giữa các nhóm học sinh, đặc biệt trong các trường hợp bị một số người ác ý điều khiển. Có em bị bạo lực học đường từ lớp 12, tốt nghiệp đại học đã không thể đi làm vì bị ám ảnh, lo sợ và mất lòng tin vào con người. Sự tổn thương đã tồn tại từ suốt tuổi thanh xuân đến trưởng thành, từ uất ức về tâm lý dẫn đến khủng hoảng tâm thần, ảnh hưởng không nhỏ với bản thân các em, gia đình, mà còn với nhà trường và toàn xã hội. Bạo lực học đường còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác, trước hết là: giảm sút kết quả học tập của học sinh, rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm và những suy nghĩ tiêu cực khác. Không chỉ nạn nhân bị bạo lực học đường, mà ngay cả nhóm thực hiện hành vi bạo lực cũng bị tác động bởi hành vi bạo lực của họ. Môi trường sống, bạn bè, mạng xã hội đã bị tổn thương và không dễ chữa lành.
Gần đây dư luận cả nước xôn xao phẫn nộ vì trường hợp một nữ sinh tại trường chuyên ở Nghệ An đã tự tử nghi do bạo lực học đường. Và chắc chắn đây chưa phải là trường hợp cuối cùng.
2. Theo Giáo sư, nguyên nhân của bạo lực học đường là gì?
Nguyên nhân của bạo lực học đường thường có thể xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta có thể không tránh khỏi. Việc khoét sâu các mâu thuẫn này “bé xé ra to” có thể là vô tình cũng có thể là từ thói ghen tuông của học sinh: ghen vì bạn học giỏi hơn mình, ghen vì bạn được thày cô và bạn bè yêu quý hơn mình, ghen vì bạn có gia đình đàng hoàng, đầm ấm hơn mình và đặc biệt là ghen vì tình yêu nam nữ. Vì vậy nguyên nhân của bạo lực học đường rất đa dạng và không đơn giản như nhiều người lầm tưởng.
Đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường không chỉ có học sinh “hư” như chúng ta vẫn thường mặc định, trái lại, có cả các học sinh bình thường trong môi trường giáo dục tinh hoa như ở các trường chuyên lớp chọn vẫn xảy ra bạo lực học đường. Điều này khiến cho nguyên nhân của bạo lực học đường trở nên rất phức tạp.
3. Bạo lực học đường ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh như thế nào?
Các hành vi bạo lực không chỉ đơn thuần về thể chất mà chúng ta có thể nhìn ở bên ngoài, bạo lực học đường còn bao gồm cả bạo lực về tinh thần, cô lập về xã hội và kéo dài rất lâu do chủ ý của những kẻ gây ra bạo lực. Đây là một sự tra tấn không nhỏ đối với nạn nhân. Nó khiến cho các em bị thu hẹp điều kiện phát triển, bị đe dọa về thân thể và tính mạng, bị xúc phạm nhân phẩm và bị hủy hoại tình yêu cuộc sống, tình yêu con người của các em. Vì những hậu quả đó, bạo lực học đường có phạm vi, mức độ không hề thua kém các dạng bạo lực khác. Ngược lại tính nghiêm trọng của nó còn cao hơn khi nó nhằm vào lứa tuổi học sinh, nó có thể chấm dứt sự phát triển của nhiều người ở ngay giai đoạn đầu đời.
4. Giáo sư có nhận định gì về tình trạng vi phạm bình đẳng giới trong các vụ bạo lực học đường?
Theo nghiên cứu, các em học sinh nữ thường là nạn nhân của bạo lực học đường nhiều hơn các em học sinh nam. Yếu tố giới tính khiến nhóm nữ thường yếu ớt, mềm mại hơn và không ham thích đánh nhau và càng không thể tự bảo vệ mình khi xử cố xảy ra. Do đó họ dễ bị kẻ khác bắt nạt. Quan điểm bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong xã hội và nhiều gia đình đã ảnh hưởng đến thái độ của một số nam học sinh khi họ muốn thể hiện tính gia trưởng, “lãnh đạo” của họ tại trưởng học còn nữ thì ưa chuộng tính dựa dẫm, phụ thuộc. Học sinh nam dễ kéo bè, kết cánh để bắt nạt các bạn khác.
5. Ngoài việc tăng cường giáo dục cho học sinh về vấn đề bạo lực học đường, theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn vấn đề này?
Nếu chỉ dùng một biện pháp thì không ngăn chặn được bạo lực học đường mà chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau: tuyên truyền, giáo dục đi đôi với trừng phạt, kỷ luật kịp thời và phù hợp để răn đe những kẻ hay gây gổ. Nhà trường nên kết hợp chặt chẽ với hội phụ huynh để giáo dục con em họ, nhạy cảm với những thay đổi của học sinh, luôn quan tâm hỏi han, để các em dễ tâm sự với mình khi có khó khăn. Trong các trường học, nên lập cơ sở Tư vấn tâm lý học đường để giải quyết các vướng mắc tâm lý của học sinh. Thực hiện nguyên tắc của trường là: Kết hợp chăm sóc sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần cho học sinh. Khi phát hiện ra nguy cơ của bạo lực học đường cần nhanh chóng, quyết liệt ngăn chặn với nhiều biện pháp khác nhau.
6. Liệu việc áp đặt hình phạt có giúp giải quyết vấn đề bạo lực học đường không?
Như trên tôi đã trình bày Nếu chỉ dùng một biện pháp thì không ngăn chặn được bạo lực học đường mà chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau (câu 5)
7. Giáo sư có gợi ý gì cho các trường học để họ có thể xây dựng một môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh?
Để bảo vệ học sinh trước những vụ bạo lực học đường chúng ta cần rất nhiều biện pháp, nhưng giải pháp quan trọng trước tiên là phải tăng cường truyền thông dưới mọi hình thức. Nhà trường phải thực sự nêu cao trách nhiệm, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, thân thiện với học sinh với gia đình, xã hội. Cần bảo vệ tính chất của trường học là nơi truyền bá kiến thức, xây dựng đạo đức làm người cho tuổi trẻ. Tạo cho học sinh tình yêu và sự ham thích khi đến trường cũng như tính lành mạnh trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Ngoài giờ học, cần tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, có ý nghĩa giáo dục về lịch sử và văn hóa của đất nước.
8. Giáo sư cho rằng vai trò của phụ huynh trong việc ngăn chặn và giải quyết vấn đề bạo lực học đường như thế nào?
Phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong vệc ngăn chặn bạo lực học đường. Sự quan tâm, giáo dục kịp thời của người thân sẽ giúp con em biết cách kiểm soát cảm xúc, không hùa theo cái xấu và biết bảo vệ mình trong các tình huống bất lợi.
9. Từ quan điểm chuyên môn, giáo sư đánh giá thế nào về chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và giải quyết bạo lực học đường?
Việt Nam đã có nhiều chính sách phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều người, bạo lực học đường chỉ là chuyện “nhỏ” giữa các em nhỏ như thời xưa đi học của họ. Vì vậy việc tuyên truyền đầy đủ về bạo lực học đường hiện nay là việc rất cần thiết và cần được mở rộng cho các đối tượng giáo viên, học sinh và cả phụ huynh để họ hiểu thấu trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ con em mình, bảo vệ sự trong sáng của giáo dục. Cần xuất bản các sách về bạo lực học đường ở các nước và Việt Nam để mọi người đánh giá đúng về tính nghiêm trọng của một dạng bạo lực không nhỏ này. Cần có những giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ học sinh, xem xét từng trường hợp cụ thể cũng như trừng phạt những kẻ hay gây bạo lực.
Việc tuyên truyền chính sách chống bạo lực học đường còn nhiều hạn chế. Ngoài giáo viên, chúng ta con có nhiều tổ chức Đoàn, Đội, câu lạc bộ trong nhà trường nhưng hoạt động của các tổ chức này còn hình thức chưa có hiệu quả tích cực và thực chất, đặc biệt chưa trở thành chỗ dựa tinh thần cho học sinh.
10. Giáo sư có những đề xuất gì cho chính phủ và các tổ chức có liên quan để họ có thể xử lý vấn đề bạo lực học đường hiệu quả hơn?
Bạo lực học đường là một dạng của bạo lực xã hội cần phải được xem xét, đánh giá đúng với bản chất của nó và cần có các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn. Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh và Đội thiếu niên tiền phong cần phát huy hơn nữa tính trách nhiệm và khả năng của mình trong việc phòng chống bạo lực học đường. Cần tư vấn cho các em những vấn đề thiết thục, những khó khăn trong cuộc sống, tránh chung chung, sáo rỗng. Các tổ chức này cần trở thành người bạn tâm giao của các em.
Nên lập những nhóm học sinh giúp đỡ lẫn nhau có sự định hướng của giáo viên hoặc cán bộ lãnh đạo Đoàn, Đội để giáo dục cho các em biết yêu thương bạn, quan tâm đến cộng đồng và ngăn chặn những hành vi bắt nạt. Đối với những học sinh hay gây gổ, bắt nạt cần được quan tâm đặc biệt và có hình thức giáo dục riêng, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, đoàn thể và gia đình.
Cần nâng cao nhận thức của phụ huynh, giáo viên và cả học sinh về cách nhận biết và ứng phó bạo lực học đường và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp. Cần có những bài trình bày công khai trước toàn trường hoặc trong các giờ học đạo đức về bạo lực học đường, những tác hại và trách nhiệm ngăn chặn bạo lực của cả nhà trường, gia đình và xã hội.
GGS.TS Lê Thị Quý là nhà Xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Giới, đặc biệt là về Nữ quyền. Bà cũng là nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng cho nữ giới. Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam.
Các lĩnh vực nghiên cứu của GGS.TS Lê Thị Quý tập trung vào lý thuyết về nữ quyền, phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Bà cũng là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình (BLGĐ) ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1989. Bà là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở nhiều địa phương. Bà đã có tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các luật khác liên quan đến Giới như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình. GS.TS Lê Thị Quý là tác giả của 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.
Năm 2005, bà là 1 trong 1.000 phụ nữ được đề cử cho giải Nobel Hoà bình.