“Binh pháp” chống dịch và giá trị cốt cõi

Nhà văn, thiếu tá Phạm Vân Anh vừa xuất bản “Binh pháp” chống dịch, NXB Quân đội nhân dân, quý 4/2021. Sách đến tay bạn đọc trước ngày kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2021).
binh-phap2-1640155013.jpg
 
Bìa sách “Binh pháp chống dịch"

 

 Phạm Vân Anh là người lính trực tiếp tham gia các hoạt động chống dịch của Bộ đội Biên phòng, đồng thời có mặt trong nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 gây ra, bản thân chị hết sức bận rộn. “Tôi được chứng kiến những câu chuyện đầy xúc động và cảm phục về những con người tràn đầy tính thần cống hiến, xả thân vì cộng đồng, trong đó có đồng chí, đồng đội của mình nên đã thôi thúc tôi cầm bút”, chị chia sẻ. Cuốn sách ra đời giữa “bề bộn” cảm xúc của chị.

“Binh pháp” chống dịch, là tập bút ký gồm 27 bút ký, là 27 “lát cắt” về những hành động “Vì nhân dân quên mình” của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và Quân đội nói riêng trên mặt trận phòng, chống Covid-19, trong 2 năm qua.

Là người đi nhiều nơi, từ biên giới đến hải đảo, được tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử trong lực lượng vũ trang, lão thành cách mạng, ngay trong bút ký đầu tiên của tập sách “Ta thấy gì trong gian khó hôm nay”, Phạm Vân Anh khẳng định “Trong gian khó nhân dân đã hiểu và nhắc nhiều hơn đến các anh với sự tri ân và tình cảm trìu mến, yêu thương. Đã thấm thía và đồng cảm với gian khó, hy sinh của nghề gọi là “Nghề phụng sự Tổ quốc”, “Nghề bảo vệ nhân dân”, những người lính dù mang màu áo nào cũng đang căng mình trong đại dịch. Bất cứ nơi đâu nhân dân cần, các anh có mặt. Các anh chính là tuyến đầu của mọi tuyến đầu”.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngay từ những ngày đầu năm 2020, cách đây 2 năm Việt Nam đã “vào cuộc” rất sớm. Đọc “Sớm hơn một bước và cao hơn một bước”, bạn đọc dễ hình dung sự vào cuộc chủ động ngay từ đầu. Ngày 29/01/2020, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây nên, do Thượng tướng Trần Đơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban. Ngày đầu tháng 3/2020, cuộc diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 ở 5 cấp độ với quy mô toàn quân, có sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương tại 227 điểm cầu, 267 điểm thực binh với trên 22 nghìn người tham gia đã được tổ chức.

Là nhà văn, nhà báo của lực lượng Biên phòng, Phạm Vân Anh đã có mặt ở nhiều tuyến biên giới, để ghi lại “Tình yêu Tổ quốc trên chốt biên phòng” trong những ngày các chiến sỹ Quân đội căng mình trong sương giá, tuyết lạnh để kiểm soát từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, ngăn chặn không cho người lạ xâm nhập để phòng ngừa mầm bệnh xâm nhập vào nội địa. Sau lưng họ là nhân dân, sát cánh cùng các chiến sỹ là bà con các dân tộc anh em, 1.908 chốt biên phòng thực sự là những “đóa hoa đẹp nhất” vì mùa xuân đất nước.

nha-tho-lam-tu-thien-1640156540.jpg
Nhà thơ Phạm Vân Anh trong một hoạt động từ thiện

“Binh pháp” chống dịch, không chỉ viết riêng về Biên phòng, ngòi bút Phạm Vân Anh còn phản ánh cuộc “ra quân” chưa từng có của lực lượng vũ trang, từ binh chủng phòng hóa, đội ngũ y bác sỹ, từ “sao tròn” đến “sao vuông”, màu áo xanh của lính, màu áo trắng của đội ngũ thầy thuốc đến mau áo “vô ưu” của tăng ni, phật tử.

Phạm Vân Anh đi từ các điểm nóng biên giới đến các tâm dịch từ giai đoạn 2, giai đoạn 3 như “tâm dịch” Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), “tâm dịch” Bắc Giang...cho đến hơn 100 ngày ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Có thể thấy điều này qua tên các bút ký: “Bắc Giang những ngày tháng kiên cường”, “Khi phái đẹp lên chốt”, “Thầy thuốc quân hàm xanh trên hành trình chia lửa”, “Những trung đoàn đi trong thành phố”, “Shiper áo lính”, “Sài Gòn thương từ trong gian khó”....Trong cuộc chiến đấu với Covid-19, không chỉ cần sự hy sinh của những người trên tuyến đầu chống dịch mà còn sự hy sinh âm thầm của “Những người giữ lửa” ở hậu phương.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, Covid-19 đã và đang được đẩy lùi, cả đất nước đang “thích ứng an toàn linh hoạt”, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ đã không ngại hiểm nguy, gác lại mọi nỗi niềm riêng tư để thực hiện “trách nhiệm phụng sự Nhân dân” bằng tất cả tấm lòng và trái tim. Dịch bệnh đang dần qua đi, nhưng tình quân dân mãi mãi đọng lại trong trái tim của mọi người con đất Việt”, đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chương trình  "Nghĩa tình quân dân" – chương trình giao lưu nghệ thuật, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phòng, chống dịch COVID-19 do Quân ủy Trung ương và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, diễn ra tối 19/12.

Bộ đội đánh giặc, bộ đội giúp dân chống thiên tai, bão lũ và vừa qua là bộ đội giúp dân phòng chống, vượt qua đại dịch. Trong đại dịch, bộ đội không chỉ chiến đấu bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn bằng mệnh lệnh của trái tim, lúc người dân khó, người dân khổ, người dân đau bệnh, người dân đối diện với sống chết và lo cho người dân khi không may mất đi. Lịch sử quân đội có thêm những trang mới rất đáng tự hào về bộ đội giúp dân chống dịch, một hình ảnh sáng đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ”, Chủ tịch UBND TP. HCM Pham Văn Mãi xúc động không kém.

Toát lên các trang viết là niềm tin yêu và hy vọng, không chỉ niềm tin vào Đảng, lực lượng vũ trang, đội ngũ y bác sỹ cả nước; không chỉ sức mạnh trong nước mà còn nghĩa tình quốc tế. Dù Covid-19, gây ra thiệt hại lớn lao về nhiều mặt, kể cả nhân mạng “Nhưng sau đại dịch, tình người cũng ấm nồng hơn và sự thấu hiểu, sẻ chia đã không còn phân biệt vùng miền, dân tộc. Thế mới biết nhân dân của chúng ta, dù ở đâu, lúc nào, hoàn cảnh nào cũng luôn tốt bụng, nhân hậu, chịu đựng, thậm chí là hy sinh của cá nhân vì việc chung” (Kích hoạt yêu thương).

Chiến thắng Covid-19 suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa. “Binh pháp” chống dịch cốt tử vẫn là sự “chung sức đồng lòng” của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vốn có truyền thống từ văn hóa yêu nước Việt Nam./.