Bố đẻ và Cha đẻ

Phạm Văn Tình

11/08/2021 21:14

Theo dõi trên

Trong một giờ tiếng Việt cho học sinh lớp 6 (mà tôi có đôi lần xin phép vào dự), khi giảng đến từ bố, một học sinh đã hỏi cô giáo: “Thưa cô, bố và cha có khác nhau không ạ?”. Sau đó em đã nhận được câu trả lời là: “Bố chính là cha chứ còn là gì nữa?”.

albert-einstein-1628690803.jpeg
A. Einstein là “cha đẻ của Thuyết Tương đối”. Ảnh internet

Cô còn nói thêm là, rất nhiều nơi con cái gọi người thân sinh ra mình là bố. Nhưng ở những vùng khác lại có cách gọi riêng, chẳng hạn nhiều nơi sử dụng các đại từ tía, ba, bọ… (giống như mẹ còn được gọi là má, bầm, u… vậy). Cũng theo cô giáo thì từ cha ít dùng hơn nhưng hoàn toàn có thể thay thế cho bố. Đó là từ đồng nghĩa.

Giải thích như thế về cơ bản là phù hợp, nhất là với lứa tuổi học sinh PTCS đang trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ. Song dưới góc độ kết hợp từ vựng và phong cách sử dụng ta thấy có một vài vấn đề cần nói thêm.

Đúng là trong nhiều trường hợp, cha hoàn toàn đồng nghĩa với một loạt đại từ dùng để chỉ “người đàn ông có con, trong quan hệ với con”: bố, ba, bọ, thầy, tía, phụ thân, thân phụ (từ Hán Việt),… Ta cũng thấy, cha và bố có thể thay thế cho nhau ở nhiều bối cảnh: Cha ơi! = Bố ơi!; Cha và con = Bố và con; Nó lớn lên không có cha = Nó lớn lên không có bố; Mặc cha nó = Mặc bố nó (giúp làm gì cho mệt xác). Tuy nhiên, từ bố mang tính trung hoà, thông dụng hơn trong giao tiếp, xưng gọi, nói năng. Số địa phương dùng cặp cha - con để xưng gọi không nhiều, không thông dụng. Nhưng từ cha lại có mặt trong các tổ hợp mà nghĩa của nó mang nét nghĩa “khái quát hoá”: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (tục ngữ); Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy (Lời bài hát); Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày (tục ngữ)… Và khi dùng một từ hàm chỉ chung một thế hệ đi trước chúng ta thì từ cha đắc dụng hơn cả: Sự nghiệp của cha ông cháu con cần gìn giữ; Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá (Chế Lan Viên); Đời cha ăn mặn, đời con khát nước (tục ngữ)… Trong những trường hợp đó, khó có thể thay cha bằng bố hay các từ tương đương.

Đặc biệt, có một kết hợp khá độc đáo và nghĩa cũng rất độc đáo. Ta thường nói “bố đẻ” với nghĩa là “người đàn ông trực tiếp sinh ra (ai đó)”, cũng còn nói là “bố ruột” (Đến bố đẻ mà nó còn không thương nói gì bố dượng). Nhưng tổ hợp “cha đẻ” không đồng nghĩa với bố đẻ như trên mà dùng chỉ “người đàn ông tạo ra, sáng lập ra cái mà trước đó chưa từng có”. Chẳng hạn, người ta vẫn thường nói: A. Einstein là “cha đẻ của Thuyết Tương đối” (Albert Einstein là nhà vật lí học nổi tiếng thế giới, đã đề xướng ra Thuyết Tương đối 1905); I. Vilmut chính là “cha đẻ của Phương pháp Nhân bản vô tính” (Năm 1996, một chú cừu tên là Dolly được tạo ra bằng nhân tế bào theo phương pháp sinh sản vô tính mà Ian Vilmut và Keith Campbell là người đề xướng cách thức này); Giải Nobel Y học 2010 được trao cho R. Edwards,”cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm” (Năm 1978, cô bé Louis Brown ra đời ở nước Anh bằng công nghệ thụ tinh trong phòng thí nghiệm theo phương pháp của Robert Edwards và Patrick Steptoe là 2 khoa học gia đã phát minh ra)… Khi nghe tới “cha đẻ” trong các trường hợp này, chúng ta suy luận ngay người đó phải là đàn ông và đã đem lại cho nhân loại một phát minh (hay là một đóng góp có ý nghĩa khoa học lớn, lần đầu tiên được công bố). Điều lạ là nếu đó là những nhà khoa học nữ cũng có công sáng tạo hay có một phát minh tương tự như vậy thì không ai gọi họ là “mẹ đẻ” với hàm nghĩa thế cả. Từ mẹ đẻ có một “độc quyền” để sử dụng trong các bối cảnh giao tiếp khác của cuộc sống.

Rõ ràng, “hành trình” của các kết hợp bố + X và cha + X không giống nhau. Đây chính là một điều làm nên sự đa dạng thú vị của tiếng Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Bố đẻ và Cha đẻ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn