Bóng ma nơi hòn Lụi

Con người ta thật lạ, trưởng thành rồi tất cả những chuyện của quá khứ dù có ấu trĩ, ngu ngốc, dại dột thế nào cũng cảm thấy nhớ tiếc. Còn nhỏ thì thấy xấu hổ mất mặt, lớn lên lại thấy hoài niệm không thôi.

bong-ma-noi-hon-lui-1628844785.jpg

Ráng chiều hun mây trời một mảnh đỏ rực tựa như ngọn lửa đang cháy, chiều tàn vẽ lên những đốm sáng lấp lánh trên bầu trời. Sao Hôm gõ cửa, bóng tối e ấp len lỏi vào những ngõ nhỏ, đi sâu vào ngôi làng be bé chỉ có chừng vài chục hộ dân.

Đêm buông lơi trên cánh đồng còn vương mùi rạ cháy, từng cột khói vấn vít dây dưa lên tận trời cao, ở cái nghĩa địa rộng, cây cối lùm xùm ngả nghiêng kéo theo những đợt lao xao nhờ gió.

Thằng Tư co giò bỏ chạy.

Sau lưng là tiếng gió, gió khẽ khàng rít lên theo bước chân nó, đánh lên quần áo phần phật. Nó chực khóc tới nơi, lại phải tỏ vẻ mình ổn.

Hôm nay nó làm mất trâu rồi. Nó đã chạy đi tìm khắp nơi mà chẳng thấy, mọi người về hết cả, và trời cũng đã tối. Trời tối kéo theo nỗi sợ của một đứa nhỏ bảy tuổi tràn về. Nó nhát lắm, một tiếng hù thôi cũng khiến tim nó rớt ra ngoài.

Cánh đồng vắng tanh, đêm không trăng, sao trời điểm xuyết lấp lánh, bình thường giờ này mọi người còn túc tắc trên lưng trâu, ngửa mặt lên trời xem ngôi sao nào sáng nhất. Hôm nay ai cũng bận cả. Đầu tháng bảy âm lịch, bà nó bảo thời điểm này Địa phủ mở cửa cho quỷ hồn về nhân gian. Ma có nhà sẽ về nhà, còn ma không nhà thì đi lang thang, bà gọi đó là "ma lạc".

Thằng Tư vừa nghĩ vừa sợ, đến cái bóng mờ nhạt của chính mình cũng doạ cho nó nhảy dựng lên. Nó vừa chạy lại vừa ngoái nhìn cái hòn con Cóc mà dân làng gọi là hòn Lụi, cây cối rậm rạp bỗng có tiếng sột soạt rung động.

Các cụ trong làng kể ngày xưa hòn Lụi cũng là nơi ẩn nấp của các chú bộ đội lúc đánh giặc, giữa đỉnh còn có một cái hào sâu. Ban ngày thằng Tư cũng theo các anh chạy tới đó chơi, nhưng nó sợ chui vào sâu bên trong hào lắm, cây cối rậm rạp vô cùng, nhiều cây dại chằng chịt vướng chân. Có lần nó không cẩn thận, ngã lăn vào lăng mộ người ta. Lúc đấy nó sợ tới mức tè ra quần. Cụ hàng xóm độ ấy đã gần trăm tuổi kể rằng nơi đây có rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh, sau này hoà bình lập lại, chỗ đó cũng thành nghĩa địa.

Nó nhìn thấy lăng mộ trắng thấp thoảng trong những lùm cây mà mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, dù trời đêm tháng bảy gió nồm thổi mát rượi. Đom đóm cứ lập loè, trời mỗi lúc một tối, nó vừa chạy vừa ngoái lại nhìn như thể có ai níu chân nó vậy. Bố mẹ nó cũng đang đi tìm trâu. Nó không dám ngồi nhà đợi vì sợ sẽ bị ăn đòn.

Mùi đất ẩm vương trong không khí, kéo theo cả một một chút mùi hương xa lạ, khen khét khó nói thành lời. Nó chạy nhanh, vệ cỏ tối thẫm bắt đầu ướt sương đêm, cho tới khi nó nghe tiếng gọi, từ đằng xa, ngay tại hòn Lụi, tiếng gọi khàn khàn vang lên, còn có chút thở dốc mỏi mệt.

"Tư ơi!"

Nó giật mình. Thằng Tư cảm thấy lạnh hết sống lưng, giữa trời đêm tối mịt chẳng rõ mặt người, ở hòn Lụi, trong những lùm cây vang lên tiếng rào rào, như tiếng quát mắng của ai đó, loáng thoáng, nghe không rõ, trong đầu nó bỗng nhảy ra ý nghĩ hoang đường là ma quỷ đang cãi nhau vì không biết đường đi, nhờ nó dẫn đường sao?

Nghĩ đến đây, tim nó đập như trống, hai chân nhũn lại, run lẩy bẩy, nhấc không nổi, nó bật khóc, bắt đầu gọi bố gọi mẹ thảm thiết.

Phía lùm cây xa xa lại tiếp tục gọi:

"Tư ơi Tư, lại đây!"

Giọng nói khàn khàn, nó chưa từng nghe qua, giọng nói tựa như người đang bị siết cổ họng, nghẹn bứ lại, có chút khó nhọc, nó cảm thấy dường như con ma kia đang mỏi mệt, lại còn có chút tức giận hậm hực. Nó chết trân tại chỗ.

"Tư, lại đây. Khóc cái gì?"

Nó chết sững, đứng như trời trồng. Gió thổi làm những tán bạch đàn đung đưa, tạo ra vài âm thanh vi vu êm tai thường ngày, giờ trong lòng nó lại là một mảnh sợ hãi, sợ hãi tràn ra như lũ về đê vỡ. Hồn ma kia biết cả tên nó, không lẽ là người nhà nó sao? Ngay cả người nhà nó đi chăng nữa thì các cụ đã mất từ lâu lắm rồi. Không khéo mặt bố mẹ nó còn không biết, làm sao biết mặt nó, thằng Tư trong đầu vừa nghĩ, cả cơ thể mảnh gầy trong bộ quần áo cộc run bần bật, đang mùa hè mà nó thấy lạnh toát, không kìm được. Nó còn thấy quần nó ướt. Mẹ ơi, nó sợ tè ra quần rồi.

"Tư!"

Nó còn chưa kéo mình ra khỏi ngỡ ngàng về cái sự việc xấu hổ kia thì tiếng gọi mất kiên nhẫn kia lại vang lên, lần này nó còn nghe cả tiếng quát tháo rõ ràng:

"Đi, đi nhanh, mày không đi hả? Muốn chết không?"

Kèm theo tiếng quát khàn khàn ầm ĩ như người ta bị đau họng, còn có cả tiếng vụt xé gió rơi vào tai nó, thằng Tư lúc này làm gì còn can đảm mà đứng phân tích nữa. Nó nhìn lùm cây rùng rùng chuyển động thì quỳ rạp xuống, vừa lạy vừa khóc lóc thảm thiết:

"Các cụ tha cho con. Con chỉ mới bảy tuổi. Các cụ tha cho con." Nó vừa nói vừa nấc, lát sau khóc oà nức nở, nước mắt nước mũi tèm lem: "Bố mẹ ơi cứu con, hu hu hu... cứu con với... bố mẹ ơi là bố mẹ ơi...hu..hu..huuuu..."

Giữa đồng không mông quạnh chẳng còn bóng người, lỡ mà có người, trong mắt thằng Tư đều biến thành ma hết. Nó chưa từng thấy ma, nhưng nỗi sợ từ những câu chuyện ngày xưa được nghe kể, cộng thêm sự tưởng phong phú của một đứa nhỏ cũng đều khiến bất kỳ đứa trẻ nào trong cảnh tượng này khóc không thành tiếng. Thằng Tư vẫn còn quỳ rạp trên đất không dậy nổi, mặc cho sợ hãi bủa vây, vẫn vừa lạy vừa khóc. Chị Hi từng nói nó là đứa ra chiến trường sẽ không chết vì địch bắn mà chết vì sợ tiếng súng tiếng bom. Nó đã giận chị lắm, nhưng giờ phút này nó cảm thấy chị nói đúng vô cùng. Tự nhiên nó ước được gặp chị Hi quá. Ít nhất chị Hi sẽ toe toét cười mà không sợ giống nó.

"Tư, lại đây giúp chị lùa trâu, làm cái chi mà mãi rứa? Không nghe chị gọi à? Lại còn khóc lóc ỉ ôi như gặp quỷ rứa?"

Nó giật mình, ngẩn người hồi lâu, như thế không tin vào tai mình. Chị? Chị nào? Lại còn lùa trâu?

"Nhanh lên."

Nó lúc này mới bần thần đứng lên, ngó vào lùm cây rập rạp, đen thui loáng thoáng bóng người, nó đánh bạo hỏi lại:

"Ai đó ạ?"

"Ai chi mà ai? Chị Hi đây. Không lẽ ma gọi em nãy giờ?"

Nó cố gắng lắng nghe, nghe mãi mới cảm thấy giọng nói có chút quen thuộc, nhưng nó vẫn không dám chạy lại. Biết đâu con ma kia giả vờ làm chị Hi thì sao?

"Cái thằng này, không lẽ em nghĩ chị là ma à?"

Bóng người trong lùm cây hùng hổ đi ra, vừa đi vừa bực bội giật mấy cái dây leo vướng víu, nó nhận ra đó là chị Hi. Không sai vào đâu được, nó vừa khóc vừa mếu chạy lại chỗ chị, đưa tay quệt nước mắt nước mũi nhem nhuốc cả mặt.

Chị Hi nhìn nó chạy lại, trời tối om, loáng thoáng thấy nó vừa xoa mặt vừa nấc, chị Hi bảo:

"Trâu nhà em vướng trong hào đây, toàn dây rợ nãy giờ chị giật mãi không được, chị thấy em đang chạy đi tìm trâu mà gọi mãi nỏ thấy trả lời chi cả. Đang khóc đấy à?"

Chị Hi có chút bực bội, nhưng nó nghe ra chị đang lo lắng, giọng chị khàn đặc. Nó nhìn chị, hỏi:

"Chị ốm hả? Mấy bữa nay em không gặp chị."

"Ừ. Ốm ba bốn bữa nay rồi. Đau hết họng còn bắt chị gào ầm ĩ nãy giờ."

Thằng Tư nửa áy náy nửa sợ hãi nhìn chị Hi chằm chằm, mãi một lúc sau mới lí nhí hỏi:

"Mà chị làm chi mà ở trong đó? Còn biết em làm mất trâu?"

Nó nhìn chị Hi nghi hoặc, tim vẫn còn đập như trống đánh.

"Chị đi làm mạ gieo ở đồng trên về, nãy gặp bố em đi tìm trâu nên mới biết. Chị đi tắt qua khu nghĩa địa ni về cho nhanh chớ đi đường cái lâu lắm."

"Mà chị chui vào hào làm chi?"

Thằng Tư hỏi, vừa hỏi vừa đứng dựa sát vào chị.

Chị Hi đi lại chỗ lùm cây, giật mớ lây leo chằng chịt ra, nó cũng đi theo. Nương theo chút ánh sáng ít ỏi trong đêm tối, nó nhận ra ngay đây là trâu nhà nó, chỗ dây thừng xâu vánh mũi còn buộc mảnh vải làm dấu, ai từng đi chăn trâu cùng nó đều biết. Chị Hi nhận ra là chuyện bình thường.

Trâu nhà nó vướng vào mớ dây leo, quấn hẳn vào chân. Con trâu ngu ngốc vẫn đứng ợ ra rồi nhai nhồm nhoàm, đuôi thì quất qua quất lại đuổi ruồi muỗi. Thằng Tư thấy mà vừa mừng vừa tức. Chui trong này thì có trời mới biết mà tìm. Nó quay sang hỏi chị Hi, chị cười toe toét hở hàm răng trắng tinh làm nó hết hồn.

"Răng chị biết nó ở trong này?"

Chị Hi nói tỉnh bơ:

"Nãy chị đi qua thấy sột soạt nên chạy lại nhòm thử mới thấy đó chớ."

Thằng Tư há mồm trợn mắt:

"Chị...chị không sợ à?" Nó liếc ngang liếc dọc rồi nhỏ tiếng: "Ma ấy?"

"Trời, ma mô ra mà ma? Mà kể cả có ma thật thì nếu nó muốn bắt mình có chạy đằng trời. Sợ bóng sợ gió không."

Chị Hi lắc đầu ngao ngán, nói đoạn chị quay sang nhìn nó:

"Nãy giờ em sợ ma nên không dám qua à?"

Chị Hi vừa hỏi vừa ra sức giật dây leo. Nó nhìn chị Hi gồng mình tới cánh tay nhỏ căng cứng, tự nhiên nó thấy vừa có lỗi lại vừa cảm động.

"Em tưởng ma gọi. Còn khóc kêu cha gọi mẹ."

Chị Hi phì cười. Có vẻ muốn nói lại thôi. Sau đó chị bảo:

"Giờ chị nắm dây thừng kéo, em ở đằng sau lấy cây que vụt thật mạnh cho trâu nó nhảy lên nha."

"Dạ."

Nó gật đầu, vẻ mặt nghiêm túc.

Chị Hi nhìn nó, sau đó bẻ một cành bạch đàn to bằng cổ tay đưa cho nó rồi dặn:

"Chị đếm một hai ba rồi em vụt, nhớ là vụt thật mạnh vô nha. Không là còn lâu mà lên được."

Nó cầm cây gậy chị Hi đưa, căng thăng không trả lời.

Chị Hi gỡ dây thừng vướng vào cây bạch đàn, sau đó cầm đầu dây tận đằng xa, chị bắt đầu đếm. Nó ra sức vụt vào mông con trâu, tiếng quất xé gió phang vào da trâu khiến người ta nghe mà sợ hãi. Con trâu lì đòn có lẽ bị giật mình, hốt hoảng nhảy vọt lên, cuối cùng ra khỏi hố, nó lao nhanh một đoạn, may mà chị Hi nhanh chân chạy sang bên cạnh, nếu không chắc bị nó dẫm bẹp dí.

Cuối cùng cũng kéo trâu lên, nó dắt về, vừa đi vừa toe toét cười với chị Hi. Trong đêm tối chẳng rõ, cũng che đi phần nào sự xấu hổ vì sợ ma. Phía xa xa xóm làng nhà nào nhà nấy đã lên đèn sáng choang. Thằng Tư có chút đói bụng.

Nó thắc mắc sao ngay từ đầu chị Hi không vụt vậy cho nhanh, lại đứng loay hoay mãi trong đấy, dọa cho nó hồn vía lên mây.

Chị Hi lắc đầu chẳng nói gì, tay giấu phía sau lưng.

Nó không để ý lắm. Tìm được trâu mừng quá mà quên hết mọi chuyện xung quanh. Mãi sau này nó mới biết chị Hi vì giật dây leo trong đấy mà lòng bàn tay bị cứa một mảnh sâu hoắm, máu chảy ướt cả áo. Sau hôm đấy thì ốm liệt giường luôn, không dậy được. Mặc dù nguyên nhân chẳng phải vì nó, nhưng mà nó vẫn cảm động kinh khủng. Chị Hi giống như chị gái của nó vậy. Mãi sau này khi nó lớn lên, gặp chị vẫn ngoan ngoãn như hồi còn nhỏ.

Thuở ấy trẻ con đứa nào cũng sợ ma hết. Chỉ cần bị doạ một chút là tè ra quần, nhưng vẫn thích chơi mấy cái trò "đứa nào ra hòn Lụi rồi vòng về tao khen giỏi". Chỉ vì mỗi câu "tao khen giỏi" mà hùng hùng hổ hổ đi, nửa đường lại khóc hu hu chạy về vì sợ.

Cả làng may ra được mình chị Hi là không sợ. Chị hay bảo rằng, nếu ma muốn bắt thì trốn không nổi, sợ cái gì mà sợ. Nhưng mà chị Hi của hiện tại không còn gan dạ như trước nữa. Ngày nhỏ chị không biết sợ là gì, lớn lên lại sợ đủ thứ, đừng nói là ma, chỉ cần có đám tang xuất hiện là chị lại không yên trong lòng rồi, lại còn không dám bước chân ra khỏi nhà nữa.

Con người ta thật lạ, trưởng thành rồi tất cả những chuyện của quá khứ dù có ấu trĩ, ngu ngốc, dại dột thế nào cũng cảm thấy nhớ tiếc. Còn nhỏ thì thấy xấu hổ mất mặt, lớn lên lại thấy hoài niệm không thôi. Đám nhóc một thời chăn trâu thân thiết như thể anh chị em một nhà, giờ đây mỗi người một ngả, gặp nhau chào đôi ba câu rồi lại chẳng biết nói chuyện gì nữa.

Thằng Tư bây giờ hết sợ ma rồi, nó chỉ sợ không giữ nổi những điều đẹp đẽ của một thời đã qua mà thôi...

Theo Chuyện làng quê