Bức tranh kinh tế xã hội Vĩnh Phúc năm 2023, sẽ nỗ lực vượt khó phát triển trong năm 2024 (Bài 1)

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

20/12/2023 11:01

Theo dõi trên

Chỉ còn mấy ngày nữa kết thúc năm 2023, chúng ta có dịp điểm qua bức tranh tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc trong năm qua để tự soi xét, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, bất cập, vượt qua thách thức, tạo bước phát triển trong năm 2024.

Bài 1: Những gam màu tối, sáng đen xen

Trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2023, Vĩnh Phúc phải đối mặt với nhiều  thách thức hơn so với dự báo. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện những giải pháp đồng bộ thích ứng, linh hoạt, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

b2-a-ba-thien-1703044436.jpg

Khu Công nghiệp Bình Xuyên- Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

 

Trước hết, Vĩnh Phúc xác định phục hồi sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn là yếu tố quyết định để phục hồi tăng trưởng, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên, đồng thời giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh…  Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch vào thực tiễn; tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước tại các ngành, lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực đất đai, môi trường, đô thị, tài chính - ngân sách, đầu tư, phòng cháy chữa cháy, phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo đôn đốc giải quyết các vi phạm về đất đai; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án đô thị, dự án thương mại, thu hồi các dự án chậm triển khai; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đổi mới, phát triển các lĩnh vực; thu hút đầu tư, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch... Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

b3-avp1-1703044066.JPG

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Star Engineers Việt Nam, KCN Bình Xuyên - Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh.

Với sự quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, GRDP quý I giảm 0,5% (là một trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng âm), 6 tháng đầu năm tăng 1,69%, 9 tháng của năm tăng 2,1% và ước cả năm tốc độ tăng GRDP của Vĩnh Phúc là  2,37%, là mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay (so với chỉ tiêu kế hoach đề ra tăng 8 đến 9,5%). 

GRDP tăng trưởng thấp đương nhiên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã phân tích, rà soát, xác định các nguồn thu có tiềm năng để đẩy mạnh các biện pháp quản lý, tăng thu cho ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời tăng cường quản lý thuế, hạn chế nợ đọng thuế...

Tuy không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 31.218 tỷ đồng, bằng 96,36% so với dự toán và bằng 77,4% so với năm 2022 (Theo số liệu sơ bộ có hơn 30 tỉnh, thành phố không đạt dự toán thu ngân sách năm 2023). Trong đó, thu nội địa ước đạt 25.998 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán và bằng 77,3% so với năm 2022; song vẫn nằm trong 8 địa phương có số thu ngân sách nội địa cao nhất của cả nước; thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.220 tỷ đồng bằng 104,4% dự toán và bằng 77,9% so với năm 2022. Nhờ đó, Vĩnh Phúc tiếp tục không chỉ tự cân đối được ngân sách mà còn đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Nguyên nhân thu ngân sách của Vĩnh Phúc năm 2023 đạt thấp hơn so với dự toán được giao là do sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng, từ đó đã tác động mạnh đến các khoản thu ngân sách của tỉnh, nhất là các khoản thu từ các doanh nghiệp chủ lực, trong đó, việc giảm nhu cầu tiêu dùng, tăng lượng hàng tồn kho và chính sách thắt chặt tín dụng làm tăng lãi suất cho vay cộng với việc điều kiện giải ngân vốn khó khăn, đặc biệt chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã kết thúc... đã tác động đến kế hoạch sản xuất và sản lượng tiêu thụ của 2 Công ty ô tô Toyota và Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc.

Một số khoản thu, nhất là thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ở Vĩnh Phúc đạt thấp hơn so với dự toán được giao (ước đạt khoảng 93,8% dự toán), riêng Công ty Toyota và Honda số thuế nộp ngân sách năm 2023 ước đạt hơn 16,9 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng hơn 5,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Điều đáng lưu ý, tuy nguồn thu bị giảm nhưng tổng chi ngân sách địa phương của Vĩnh Phúc trong năm 2023 ước đạt 23.850 tỷ đồng, đạt 123,7% dự toán, tăng 16,5% so với năm 2022. Các khoản thu, chi ngân sách được giám sát chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điểm sáng nổi bật trong năm 2023 đối với Vĩnh Phúc là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt kế koach. Môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PARINDEX đều ở top đầu của cả nước. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm với từng chỉ số thành phần, điểm danh, nhận diện cụ  để nâng cao. Nhiều hội nghị được UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức để tiếp nhận thông tin, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh...

Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai thông qua việc phối hợp với các báo, tạp chí, kênh truyền hình của Trung ương và của tỉnh; xuất bản Bản tin đầu tư Vĩnh Phúc, đồng thời qua các kênh khác nhau để gửi thông tin tài liệu xúc tiến đầu tư tới hơn 1.000 lượt các nhà đầu tư và đại sứ quán Việt Nam tại các nước...

Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; thăm hữu nghị và tham dự Lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; Hội nghị giao lưu kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh .

Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm, cụ thể: ước năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Đồng thời, đã thu hút đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023 .

Phát triển doanh nghiệp trong năm đạt khá. Ước tổng số đăng ký thành lập mới 1.450 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% về số doanh nghiệp so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường đến nay là 328 doanh nghiệp (năm 2022 là 397 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh là 679, tăng 30% so với năm trước và số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 121, tăng 50 doanh nghiệp so với năm trước. Điều này cho thấy tình hình kinh tế  vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến cho số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều điểm sáng; Môi trường đầu tư cần được tiếp tục quan tâm, chú trọng cải thiện.

(Còn nữa)
V.X.B – N.T.D

Đón đọc Bài 2: Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh kinh tế xã hội Vĩnh Phúc năm 2023, sẽ nỗ lực vượt khó phát triển trong năm 2024 (Bài 1)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn