Bùi Thúy, thèm một mảnh hồn quê

“Chiếc giỏ mây trắng”, cũng mách tôi rằng, không phải Bùi Thúy mới đến với thơ lần đầu, “lóng ngóng” như đêm thứ nhất tân hôn. Dẫu khát khao nhưng vụng dại. Tên các bài thơ cho thấy, Bùi Thúy đã “tỏ đường đi lối về”, vững vàng với những mã thi ảnh. Đó là “Dưới vòm đêm”, “Gọi nắng ngày”, “Gửi mưa cho người”, “Ngược phía cơn mưa”...Tất cả dụ rằng, tập thơ “có vấn đề”, thật sự.
tho-bui-thuy1-1641723428.jpg
Bìa tập thơ “Chiếc giỏ mây trắng”

 

Tôi mới gặp Bùi Thúy hai lần, không hẹn trước. Thời gian gặp, chẳng mảy may nói chuyện thơ. Bỗng một ngày nhà thơ Vương Cường, thay mặt Bùi Thúy tặng tôi tập thơ “Chiếc giỏ mây trắng”, NXB Hội Nhà văn năm 2021 của chị. “Thơ Thúy được lắm”, nhà thơ Vương Cường chỉ nói vậy. Và rồi, tôi đọc.

Tôi theo thói quen, nhòm mục lục trước. Đơn giản là xem “giao diện” cảm xúc của tác giả như thế nào. Với “Chiếc giỏ mây trắng”, trang cuối đã mách tôi, Bùi Thúy là một người hoài niệm. Thì thế mới có “Thèm một mảnh hồn quê”, “Cội nguồn” “Đất quê hương”.... Thứ đến, tôi mới hiểu vì sao đuôi mắt đẹp của Bùi Thúy lại có những vệt chân chim ưu tư, cày xới. Đối mắt trăn trở, đong đầy nỗi niềm thân phận. Thế nên mới có “Ký ức rừng”, “Phận người”, “Một dòng sông ngừng chảy”, “Vùng đất phương Nam”, “Gửi cây cổ thụ ở đại ngàn”...Bùi Thúy, vừa gần, vừa xa trong khát khao đàn bà. Đó là mảng thơ tình yêu với “Đêm mơ”, “Hãy mang cho em giọt nước”, “Chiếc giỏ mây trắng”, “Tháng chín và anh”, “Vô tận lòng nhau”, “Phía có anh”, “Anh nợ em”...

Chiếc giỏ mây trắng”, cũng mách tôi rằng, không phải Bùi Thúy mới đến với thơ lần đầu, “lóng ngóng” như đêm thứ nhất tân hôn. Dẫu khát khao nhưng vụng dại. Tên các bài thơ cho thấy, Bùi Thúy đã “tỏ đường đi lối về”, vững vàng với những mã thi ảnh. Đó là “Dưới vòm đêm”, “Gọi nắng ngày”, “Gửi mưa cho người”, “Ngược phía cơn mưa”...Tất cả dụ rằng, tập thơ “có vấn đề”, thật sự.

Nhà thơ Vương Cường trong Tựa cho tập thơ, cho biết: “Hơn bốn mươi năm trước có cô bé chừng sáu, bảy tuổi mặt mũi nhem nhuốc, gánh hai chú chó con về chợ Rừng Lim của huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang bày bán”. Bán được chó nhưng cô bé bần thần, mắt ngân ngấn, kịp nhận ra đã mất đi điều quý giá của mình. Cô bé đó, chính là Bùi Thúy. Như vậy, Bùi Thúy cũng đã có một tuổi thơ lam lũ. Bùi Thúy nguyên quán ở Nam Đàn, Nghệ An; sinh ra và lớn lên ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang; hiện mưu sinh ở TP. Hồ Chí Minh. Điều này, giải thích, trong thơ Bùi Thúy tiếng gọi “nguồn” chảy từ tâm thức.

Chim có tổ, người có tông. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý. “Ngày giỗ tổ chúng con từ khắp nẻo / nhìn ánh trăng quê biết lối tìm về” (Cội nguồn). Ai cũng có một quê hương, nơi đầu tiên đón nhận tiếng khóc của ta và chào đón ta vừa lúc lọt lòng. Nghĩ về quê hương, trong mỗi người lại gợi lên một hình ảnh riêng nhất, đẹp nhất xen lẫn một niềm xúc cảm chân thành lẫn tự hào. Ngày xưa trên dải đất này, quê nào chẳng nghèo? Quê hương Bùi Thúy cũng vậy: “...rơm rạ đồng quê đói mèm ngày xưa nghẹn ngào dâng trong lồng ngực” (Thèm một mảnh hồn quê. Nhưng đó là cả một bầu trời ký ức, nơi “cha cõng giấc mơ oằn vai miền ký ức” và “mẹ đầm đìa quang gánh cuối chợ đầu hôm”. Thế nhưng “Con không chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nghèo” đã thành văn hóa Việt. Trong ký ức, khát khao thèm một mảnh hồn quê của Bùi Thúy có sự tri ân.

Quê hương đi vào thi ca của bất cứ nhà thơ nào cũng vậy, bóng cha, dáng mẹ và quê hương đã được chuyển hóa cho nhau thành năng lượng cảm xúc. Trong quê hương có hàng xóm láng giềng, Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tuổi thơ của mình “mẹ bện làn hương cỏ mận trầu lên tóc”, “hàng xóm gặp nhau nụ cười đơm hoa đỏ”. Quê hương mãi mãi là vùng ký ức đẹp đẽ, thanh sạch:

...

Đất sạch lắm

cỏ nằm xoài trên đất

nắng gầy trơ vắt vẻo ở trên cành

cây vươn vai hoa nắng trổ buổi mai

đám trai làng mang bùa thả lùng tùng vào hội

em mặc áo lụa hồng phơi lên mùa trăng

trẩy hoa đăng ngong ngóng đợi người

(Đêm mơ)

bui-thuy-1641723428.jpg
Nhà thơ Bùi Thúy. Ảnh: NVCC

 

Như đã nói, dẫu trình làng tập thơ đầu tay, nhưng Bùi Thúy  “khuôn mặt thơ” Bùi Thúy đã có khác biệt. Thơ Bùi Thúy là thơ tự do, nhịp điệu phi truyền thống, tứ thơ chặt... Sự rung động của thơ hiện đại không còn nằm ở sự hào nhoáng về ngôn từ và vần điều nữa mà nó được giấu kỹ trong chuỗi day dứt tự thân của tác giả. Chính sự dồn nén này của nhà thơ làm cho người đọc bị vây bủa về cảm xúc. Đọc “Chiếc giỏ mây trắng” của Bùi Thúy, dễ nhận ra điều này.

Thi ảnh, tu từ như điệp từ, điệp điệp từ, chuyển nhịp...trong thơ Bùi Thúy giúp chị sớm định hình một “giọng điệu”:

..

Gió thổi ngược chiều thưa dần trên tay từng sợi tóc

anh giữ giùm em bụi cỏ mần trầu

gội dùm em đầy lại mái tóc xưa

(Thèm một mảnh hồn quê)

Nói về sáng tạo thi ảnh, không thể không nhắc đến bài thơ “Cọng cỏ gầy”. Cỏ có thân phận, sinh động, có cảm xúc nhân vị: “Cọng cỏ gầy kéo vạt yếm đón sương / khỏa nước rửa bùn va vấp gót chân sen / thì thầm lời hát / nơi thảo nguyên và phiến đá”. Về thi pháp, Bùi Thúy đã rất chú trọng dùng động từ, thay cho xu hướng tính từ một thời đã cũ trong thi ca. “Gió” phải “thổi” mới hay, trước cơn gió đang “cố ý” như vậy, anh “giữ” bụi cỏ mần trầu, “gội” cho đầy lại năm tháng, tuổi xuân mới thật là yêu, nhân lên lên từ xa xót.

...

Anh khắc lời không quên

chị khảm đầy thương nhớ

đường mòn quanh co

lửa thức phiêu bồng

chớp sáng hừng đông

(Mùa năm ấy)

 

Ở khổ cuối bài thơ này cũng vậy. “Khắc”, “khảm” vừa là động từ, vừa là đồng âm; “lửa thức phiêu bồng/ chớp sáng hừng đông” nẩy mầm từ những động từ từ tình yêu nam nữ, tạo cảm xúc ấn tượng. Đó là sự xoắn xuýt, thề nguyền, dâng hiến, trọn vẹn của đôi lứa, tạo ra hiệu ứng của trường mỹ cảm.

Bùi Thúy là người nặng tình, năng nghĩa. Đọc thơ chị thấy vẻ đẹp của nỗi buồn, huyền bí của day dứt, luôn làm mới được những điều dễ cũ: “đón gió chớm đầu mùa / cài giùm em nhành hoa bưởi lên tóc trăng dưới khuya / ăn nắm cơm vắt thương bàn tay gầy gò của mẹ / rót mời cha bát nước vối ngày hè” (Phương trời).

Là người phụ nữ, vai gầy gánh nặng thiên chức. Những bài thơ đầy tính tự sự, sẻ chia thân phận đàn bà của Bùi Thúy, được quán chiếu bằng những thi ảnh mới lạ: “Em từng chịu / những giọt mồ hôi gánh gồng quanh hũ gạo / những lời chỉ nồng nặc mùi men / xếp chồng gầy vạt áo / nụ cười không thể mọc lên” (Hãy mang cho em giọt nước). Hãy chú ý các động từ “gánh”, “xếp”, “mọc”...trong mấy câu thơ này. Không dễ, nếu, cảm xúc thơ không bật lên từ ý thức thơ tìm tòi.

Đọc thơ Bùi Thúy, tình yêu làng quê, đất nước sâu nặng. “Khơi mạch nước hồn quê nuôi những câu chuyện dài không nghỉ / trong cánh đồng tâm hồn trinh nguyên / nơi thời gian chưa từng chạm đến / phía có anh bản nhạc của hai mùa cộng hưởng / nhân bản về em” (Phía có anh). Chị yêu từng ngọn cỏ gầy, đến đất quê hương; từ có thực đến vô vi. Bởi, Bùi Thúy nhận ra trong đất quê hương có “lớp lớp hồng cầu giữ dáng quê hương / người yêu đất lặn dần vào trong đất” (Đất quê hương). 

Quê hương với Bùi Thúy không chỉ là cội nguồn, không hẳn là ý thức tìm về mà còn là tất cả những nơi chị từng qua, từng sống, từng yêu thương gửi lại. Tôi đọc thơ của các nhà thơ viết về mảnh đất phương Nam, về châu thổ đồng bằng sông Cửu Long khá nhiều nhưng cách quan sát của Bùi Thúy không lẫn:

...

Mẹ vắt sữa ngâm thơm từng hạt lúa

Luống cày cha chìm nổi giữa triều cường

ứ nghẹn bờ thương

dầm mình dâu bể

 

Em đã xanh ngăn ngắt đến bật mầm tuổi trẻ

đã hồng hào chín đỏ tháng năm

chở gánh đời đi nghiêng khúc nắng

chở tấm đa đoan giằng díu cõi người

(Vùng đất phương Nam)

*

          Nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh từng xác quyết: “Bản chất của thơ là tình, là điệu, là hồn. Nếu thiếu cảm xúc thơ sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên như vị vàng ươm ngọt thơm vốn có của nắng”. Bay bằng cảm xúc, bằng men tình nên thơ Bùi Thúy lay động và ám ảnh. Có thể nói, trong thơ Bùi Thúy, những “thực thể” chữ tạo sinh đan cài với lớp động từ tác động qua lại nên thơ tinh tế, và có độ chín của tư tưởng. Dễ nhận ra điều này ở những bài thơ có “hơi hướng” của sinh thái, vấn đề thuộc về phát triển bền vững mà thi ca với thiên chức thức tỉnh, dự báo không thể đứng ngoài cuộc. “Cây đã đứng cả thiên thu trầm mặc / người quện hồn người trong tán lá vươn xa / khoác áo gió thả những hạt mầm sao đêm rì rào nứt nẩy / mở ngàn trang xanh biếc phía hừng đông” (Gửi cây cổ thụ ở đại ngàn).

Chiếc giỏ mây trắng” chỉ có 39 bài thơ nhưng có nhiều bài thơ đáng đọc, nhiều câu thơ hay, nhiều thi ảnh khác biệt, ám gợi. Đó là thành công của Bùi Thúy. Thơ là buồn, là vẻ đẹp của cô đơn. Nhưng nỗi buồn trong thơ Bùi Thúy tự nó tạo sinh nên hy vọng. Vẻ đẹp cựa quậy, tách vỏ cô đơn mà nẩy mầm. Đó là thiên chức đi đến tận cùng vẻ đẹp của thi ca.

...

Em cầm lên chiếc giỏ mây trắng

Đựng đầy hạt mầm nước mắt và trăng

Anh gieo vào mảnh vườn

Những ký tự mọc xanh lên

(Chiếc giỏ mây trắng)./.

 

Hà Nội, 23/11/2021

NĐH