Bủng người tươi đách

Đây là một câu tục ngữ nói về kinh nghiệm đánh giá ai đó, cụ thể là một phụ nữ, qua một biểu hiện ngoại hình.
bung-nguoi-tuoi-dach-1627898535.jpeg
"Bủng người" là một từ chỉ dạng người không những không được khoẻ mà còn yếu tới mức đáng lo ngại. Ảnh internet

"Bủng người" tức là "người có nước da bủng". "Bủng" là một tính từ, chỉ "[nước da] nhợt nhạt, như mọng nước, do ốm yếu" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Nước da của ai đó mà trông bủng (hay bủng beo) thì sức khoẻ (của người ấy) chắc chắn là có vấn đề. Hoặc là người đó vừa qua một trận ốm khá nặng, hoặc có bệnh kinh niên, hoặc là sau khi sinh nở bị sản phụ (với phụ nữ),.v.v. Mặt bủng da chì là thành ngữ chỉ một người có khuôn mặt béo bệu, da xạm đen, thể trạng của người ốm yếu, bệnh hoạn. Như vậy, "bủng người" là một từ chỉ dạng người không những không được khoẻ mà còn yếu tới mức đáng lo ngại. Ca dao xưa có câu:

Ngày xưa anh bủng anh beo

Tay cất chén thuốc, tay đèo múi chanh

Bây giờ anh khoẻ, anh lành

Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi.

Ấy thế mà người bủng kia lại "tươi đách" đách. "Tươi đách" nghĩa là gì vậy.

"Đách" (còn gọi là "đếch") là phương ngữ miền Trung, chỉ "âm hộ" (bộ phận sinh dục nữ). Ta từng nghe tục ngữ "Người ta là hoa đách" (chứ không phải là "người ta là hoa đất") với hàm ý "con người sinh ra trên đời như là một bông hoa nở ra từ "đách" vậy. "Tươi đách" tức "đách khoẻ, đách tốt". "Mà đách khoẻ là biểu hiện cho thể trạng sức khoẻ tốt của người phụ nữ nào đó. Điều đó hứa hẹn cho việc mang thai, sinh con để cái thuận lợi, tốt đẹp. Chà, một cô gái nào đó được đánh giá là "tươi đách" chắc chắn là một người vợ đảm, một nàng dâu đáng giá. Ông chồng nào chả mong, gia đình nhà trai nào chả muốn.

Có lẽ, theo hướng này, Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải thích câu tục ngữ "bủng người, tươi đách" như sau: "(Nó) bủng người (nhưng chẳng sao hết), miễn cái đếch (đách) của nó tươi là được. Hay dùng để nhắc mọi người chớ có quá coi trọng vẻ ngoài của người vợ vì thực chất mới là cái chủ chốt".

Thật là một kinh nghiệm rất thực tiễn, rất đời. Người đời (qua từ điển của Nguyễn Đức Dương) hiểu như thế thì ta cũng biết như thế. Nhưng thực tế, rõ ràng có một vài vấn đề cần bàn.

Bởi nói chung, ai đó có dấu hiệu sức khoẻ không tốt (ốm yếu) thì chắc chắn mọi bộ phận trong cơ thể cũng không khoẻ. Các chỉ số như cân nặng, phong thái, nước da, dáng vẻ... quyết định nền tảng thể lực mỗi người. Da bủng dứ, da xanh mai mái đâu phải là người khoẻ mạnh (có khi là dấu hiệu của một bệnh mãn tính nào đó, bệnh thận chẳng hạn). Điều này dẫn đến sự suy giảm năng lực lao động, khả năng sinh sản. Nói chung là ảnh hưởng tới chất lượng sống. Chúng ta biết, ca dao có câu:

Người xinh cái ấy cũng xinh

Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.

Hai câu thơ, có nghĩa khái quát là: "Cái ấy" của chị em luôn tỉ lệ thuận, tương xứng với dáng vẻ bề ngoài. Cô em nào khoẻ mạnh, có dáng người thon gọn và nhất là có khuôn mặt đẹp, ưa nhìn thì tất nhiên "cái kia" cũng hấp dẫn, đáng yêu. Chứ cô em nào xấu xí (chả cần so với Thị Nở, chỉ thấy dáng nàng xấu, da nàng không tươi mịn, mặt nàng không coi được) thì “cái ấy” dẫu có các vàng cũng chẳng hấp dẫn với ai cả. "Nom mặt mà bắt hình dong". Nếu được ai đó giới thiệu, các chàng trai sẽ nhanh chóng "rút quân về nước" ngay “từ vòng gửi xe”.

Tất nhiên, suy đoán như vậy hoàn toàn theo kiểu "nghe nhạc hiệu đoán chương trình" "nhìn vẻ mặt đoán cái bên trong". Rõ ràng điều này hoàn toàn dựa vào tâm lí chủ quan. Mà chủ quan thì rất dễ sa vào thiên kiến, phiến diện, không đánh giá đúng bản chất vấn đề. Nàng Vô Diệm (nước Tề) xấu hơn nàng Tây Thi (nước Việt). Đấy chỉ là vẻ bề ngoài. Còn “cái bên trong” của hai nàng thì chưa biết ai hơn ai. Song dân gian ta bao đời nay vẫn quen suy luận phi logic như thế (và nhiều đời sau vẫn thế).

Cũng bởi: Thứ nhất, làm sao mà lại có thể kết luận, từ chuyện "nhìn người thấy bủng" mà lại khẳng định là "đách tươi" được. Dựa vào luận cứ nào, nếu ai đó chưa "mục sở thị" cái "đách" của nàng để đưa ra một kết luận "như đinh đóng cột" như vậy? Tất nhiên, điều này có thể nếu cô nàng nọ đã thành vợ của ai đó (như cách diễn giải của Nguyễn Đức Dương) thì anh ta có đủ thẩm quyền để kiểm chứng (và đưa ra nhận định của riêng mình). Chứ là hai người, chàng trai cô gái đang quen nhau, đang trong giai đoạn tìm hiểu thì còn lâu anh ta mới có cơ hội "tiếp cận đối tượng" để khẳng định "tươi hay không tươi" (mà thế nào là "tươi" cũng chẳng có tiêu chí khoa học nào cả).

Thứ hai, cái này thì hoàn toàn khoa học và logic. Một ai đó, có bề ngoài "bủng người" thường là dấu hiệu tình trạng sức khoẻ không tốt (ốm đau, bệnh tật lâu ngày sinh ra thiếu máu, mất sinh khí). Thể trạng như thế thì chắc chắn mọi "cơ quan đoàn thể" trong người sẽ không bình thường, không khoẻ.

Dĩ nhiên, đây là tục ngữ nên không thể hiểu một cách máy móc. “Bủng người, tươi đách” là một cách nói dung thủ pháp “hoán dụ và ẩn dụ”. Hoán dụ là lấy cái bộ phận (đách của cô gái) làm cái tiêu biểu (cơ thể của cô ấy). Ẩn dụ là “cái thực chất (về sức khoẻ) mới quan trọng, chính nó quyết định bản chất chứ không phụ thuộc vào “cái vẻ không tích cực” bên ngoài của cô ta".

Nhưng có lẽ, đó chỉ là quan niệm mang tính nhân văn nhiều hơn là thực chất của vấn đề. Cô em nào đó cứ “bủng người” đi, tôi chắc các chàng trai sẽ lập tức quay mặt đi nơi khác.