Cá bống mũn

Là loài nhỏ bé nhất trong họ hàng nhà cá bống nước ngọt. Cá (bống mũn) sống ở ao hồ, sông ngòi, đầm nước…Môi trường nước phải sạch, không bị ô nhiễm, có nhiều rong rêu, cỏ lác làm nơi trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản cho cá bống mũn.

 

e35eac6b-e24b-4f41-a662-b6da86dd17f4-1654656146.jpeg
Ảnh do tác giả cung cấp



Cá bống mũn dài khoảng 1cm đến 1.5cm, chỉ to bằng cọng rơm, con nào lớn nhất cũng chỉ bằng đầu đũa là cùng. Thức ăn của cá bống mũn là sinh vật phù du và tép riu. Vì vậy cứ ở ao hồ, sông ngòi nào mà có tép riu sinh sống, thì ở đó có cá bống mũn.

Đánh bắt cá bống mũn có nhiều cách, như đùn te, đánh dậm, cất vó, đơm đó…nhưng khi bắt phải thật nhẹ nhàng, nếu không cá sẽ bị chết và nát thịt. Bởi vì cá bống mũn đã bé, nhưng da lại mỏng, thịt rất mềm dễ bị vỡ nát. Đánh dậm thì không được để chung cá bống mũn với cua; nếu để chung, cua sẽ cắp nát hết cá bống mũn.

Cá bống mũn chế biến được rất nhiều món ngon, như: Nấu riêu, nấu canh lá lốt, nấu canh lá hẹ, kho lá gừng, kho nước mắm với hạt tiêu…món nào cũng ngon và bổ dưỡng. Nhất là những người sau sinh đẻ, ăn cá bống mũn rất lành và tốt cho sức khỏe.

Cá bống mũn sinh sản nhiều vào cuối mùa xuân và cả mùa hè. Vào mùa sinh sản những con cá bống mũn cái, con nào cũng đầy bụng trứng. Lúc này nhìn những con cá bống mũn vừa ngắn, lại múp míp. 

Những thiếu nữ mà có dáng người lùn, béo nét căng tròn…người ta thường gọi tên, kèm theo thương hiệu (bống mũn). Ví dụ như: “Oanh bống mũn”, “Hương bống mũn”, “Hằng bống mũn”, “Điệp bống mũn”…những cái tên nghe đã thấy đậm chất làng quê, nhưng rất trìu mến và đáng yêu nữa!

Ngày nay do ao hồ bị san lấp, ô nhiễm nguồn nước. Môi trường sống của cá bống mũn ngày càng bị thu hẹp, cá bống mũn bây giờ rất hiếm. Thi thoảng ở quê mới thấy có cá bống mũn bán ở chợ.

Không biết thế hệ con, cháu chúng ta sau này có còn được thưởng thức món cá bống mũn nữa hay không.

Chuyện làng quê