Các nhà khoa học cần chế tạo những “cỗ máy mơ ước” qua tác phẩm văn học

Liệu rằng có mối liên hệ nào giữa nghệ thuật và khoa học hay không? Và liệu rằng khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có cần bù đắp cho nhau không? Chắc chắn là chúng tất yếu phải có mối quan hệ với nhau.
luu-quang-vu-7-1644829843.jpg
 

 

Theo các luận điểm triết học kinh điển, nền có rộng thì đỉnh mới cao. Vì thế, để đạt được những đỉnh cao khoa học và nghệ thuật thì các tác giả của nó đều phải tạo dựng được những nền tảng đủ lớn. Đó cũng là thực tế của những người thành danh trong văn học về cơ bản đều xuất thân từ những nghề nghiệp có nhiều mối quan hệ và đủ vốn sống (nhà báo, nhà giáo, bác sĩ, luật sư), tức là phải có Big Data (dữ liệu lớn). Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là họ phải có tư chất nhà văn (tức là có thể hiểu như khả năng xử lý dữ liệu).

Còn nếu nói đến mối quan hệ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì trước hết, khoa học tự nhiên càng phát triển thì sẽ càng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Đây là thực tế mà ai cũng thấy trong thời đại 4.0. Xã hội được hình thành trên mạng Internet hoàn toàn là xã hội thực chứ không hề là ảo như ý kiến của nhiều người. Chắc chắn, những thực tế nảy sinh ở Việt Nam trong thời đại 4.0 rất cần những nghiên cứu xã hội học.

Còn với nghệ thuật, đó cũng là một tố chất cần cho các nhà khoa học để yếu tố chuyên môn khoa học của họ không bị khô cứng. Chinh tố chất nghệ thuật nếu có sẽ giúp các nhà khoa học có thể có được trí tưởng tượng phong phú để ít nhất hình dung trước được những kết quả nghiên cứu, sáng tạo của chính mình. Tuy nhiên, trong những điều kiện còn hạn chế về khoa học công nghệ, chắc chắn, sản phẩm và thành quả đạt được của các nhà khoa học cũng không tránh được những hạn chế và chưa thể như được mong muốn của họ. Vì thế, chính những tưởng tượng của họ sẽ mở ra những thành tựu trong tương lai khi các điều kiện khoa học công nghệ hội đủ.

Tại các nước phát triển, trong chương trình đào tạo đại học người ta đã đưa vào một môn học là Tương lai học từ nhiều năm trước. Vì sao phải có môn Tương lai học trong chương trình đào tạo ở bậc đại học? Trước hết vì tốc độ phát triển khoa học công nghệ quá nhanh nên những kiến thức được cung cấp cho sinh viên hôm nay rất có thể sẽ bị lạc hậu khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Vì thế, vị thế của Tương lai học là nhằm cung cấp các kiến thức mang tính phương pháp luận cho sinh viên. Tại Việt Nam, hiện chưa trường đại học nào đưa Tương lai học vào chương trình đào tạo chính thức và có lẽ đây sẽ là thực tế không thể chậm trễ hơn trong những năm học sắp tới. Thậm chí, những kiến thức về Tương lai học cần được cung cấp cho chính các bậc thầy trước khi đến với đông đảo sinh viên.

Trở lại với chính các nhà khoa học, trong khi chưa chế tạo được những cỗ máy thật do điều kiện khoa học công nghệ chưa cho phép thì việc rất nên làm là cần có trí tưởng tượng phong phú cùng năng lực văn chương để chế tạo ra những “cỗ máy mơ ước” trong những trang viết chắc chắn đầy giá trị.

Có lẽ chính vì những thực tế nói trên, không ít người cho rằng khoa học giả tưởng là cuộc chơi riêng của các nhà khoa học. Song thực tế đã chứng minh là hoàn toàn không phải như vậy. Nếu như các nhà văn chuyên nghiệp thực sự quan tâm đến khoa học thì đây cũng hoàn toàn có thể là sân chơi của họ.

Trong khuôn bài viết này, tạm thời chưa thể đưa ra kết luận chính thức về khoa học giả tưởng với giới văn nghệ chuyên nghiệp do chưa có những nghiên cứu tổng kết chính thức. Tuy nhiên, ít nhất xin đề cập đến hai tác giả là nhà văn Viết Linh và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Nhà văn Viết Linh từng làm biên tập sách khoa học ở Nhà xuất bản Kim Đồng và mong muốn của ông là bên cạnh các tác phẩm khoa học giả tưởng nước ngoài như “Hai vạn dặm dưới biển”, “Người cá”, “Đầu giáo sư Dowell”… thì phải có cả các tác phẩm trong nước. Ông đã vận động các nhà khoa học đang cộng tác với mình nhưng kết quả thu được quá hạn chế nên đành tiên phong viết ra tập truyện “Quả trứng vuông” cuối thập niên 1960. Sau này, ông có thêm các tác phẩm “Hành tinh kỳ lạ” (1990) và “Biển khơi vẫy gọi” (2010).

Riêng với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, tác phẩm khoa học giả tưởng duy nhất của ông là vở kịch “Hoa cúc xanh trên đẩm lầy”. Trong tác phẩm này, nhân vật chính đã chế tạo ra 2 robot theo nguyên mẫu của những con người thật nhưng tâm tính của họ lại không thể giống với nguyên bản. Và hành trình của 2 robot này là hướng tới tự do với nơi tìm về chính là tuổi thơ của những nguyên mẫu trong đời thực. Tuy nhiên, chỉ khi là những đứa trẻ thì mới có thể đi lại trên những chiếc lá trên đầm lầy và các robot vì thế đã bị sa lầy và chết.

Trên đây là những ý kiến sơ lược và khái quát về khoa học giả tưởng của một người rất tâm huyết cho lĩnh vực này. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng.