Cái trành của bà nội

Phạm Hiếu

31/05/2022 01:46

Theo dõi trên

Một buổi chiều chớm đông mưa bay nhè nhẹ trong cái lạnh của tiết trời giao mùa, tôi tới thăm một gia đình người bạn cách nhà chừng ba mươi cây số. Tới đây tôi vô tình bắt gặp một vật dụng của nhà bạn, đó là cái trành này, bỗng dưng tôi nhớ bà nội của tôi ngày xưa cũng có một cái trành như thế.

cai-tranh-1653936318.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Ngược dòng thời gian bốn mươi năm về trước, trong con mắt trẻ thơ của tôi cái trành là một vật dụng hiện diện trong gian buồng của bà. Ngay cửa buồng của ngôi nhà năm gian ấy được treo một chiếc trành đen nhánh màu bù hóng. Một sợi dây thừng ngắn chừng hơn một mét, đầu trên được buộc chắc chắn vào cái ống luồng của mái nhà, đầu dưới được buộc vào một cái móc cũng được đẽo bằng tre để treo cái trành. Trước mỗi bữa cơm cái trành được hạ xuống xong lại được treo lên sau mỗi bữa ăn. Ngày đó nhà bà tôi có nuôi mèo nên cái trành này dùng để đựng thức ăn thì chẳng mèo nào ăn vụng được và tránh luôn được cả kiến nữa. Một hôm tôi ngồi mân mê nhìn ngắm cái trành và hỏi bà:

-Bà ơi! Cái trành này của bà ai đan cho vậy?

-Ông nội con đan cho bà đó!

-Vậy á bà, ông nội nhà mình khéo tay quá bà nhỉ?

-Ừ! Tất cả những vật dụng bằng mây hoặc tre đều do ông nội con làm bởi vì nhà mình lúc nào cũng có tre và mây con ạ, chỉ cần cầm con dao rựa ra đẵn về làm thôi chứ không phải đi mua đâu.

-Vâng bà! Tại vì ông nội nhà mình mất khi con còn bé quá nên con không biết ạ!

Bà tôi bảo:

-Để làm được cái trành đẹp cũng mất nhiều công phu của ông lắm con à, không khéo còn đứt tay chảy máu nữa nhưng đối với ông thì không thể vì đôi bàn tay của ông con đã quá chai sạn vì vất vả nhiều rồi. Đầu tiên ông phải chọn một cây tre hoá đẹp, không được sâu, không được già mà cũng chẳng được non, phải là cây tre bánh tẻ thì mới vót được những cái nan dẻo và bền. Khi vót tre phải thật nhẵn sau đó được tuốt cho thật bóng rồi mới đan.

Con nhìn xem. Kết cấu của cái trành được chia làm năm phần chính đó là nắp đậy, miệng trên, thân, đáy và thanh đỡ. Các phần được ông đan rời. Đầu tiên phải nói đến cái nắp đậy được khoáy tròn trịa như cái vung nồi. Kế tiếp là phần thân trên được khoáy theo kiểu hình rế, ở giữa tạo hình tròn của miệng. Tiếp theo là phần giữa thì công phu hơn vì phải vót tre tròn và nhỏ đều, sau đó khoáy thành hình tròn, các sợi tre ở phần này được ken dày hơn nhưng vẫn phải có độ thoáng và tạo hình hoa văn sao cho đẹp mắt nữa. Phần đáy trành thì đơn giản hơn vì nó là một tấm phên phẳng có hình tròn, các thanh tre mập mạp hơn và khoảng cách giữa các thanh đan thưa hơn. Cuối cùng phải kể đến là hai thanh đỡ quan trọng ở đáy được vắt chéo nhau để gánh lực cho toàn bộ cái trành. Tất cả các công đoạn đã xong cuối cùng được ông buộc chặt bằng những sợi mây là một chiếc trành đẹp ra đời cho bà dùng con ạ!

-Giờ con mới biết để làm ra một vật dụng ông đã phải vất vả quá bà nhỉ?

Bà nhìn tôi cười tươi với hàm răng đen nhánh vì ăn trầu.

Vậy là đã mấy chục năm trôi qua, bà nội tôi cũng không còn nữa, cái trành cũng không còn hiện diện nữa, đời sống đã đổi thay cái tủ lạnh đã được thay thế cho chiếc trành ngày xưa. Những vật dụng thô sơ ngày xưa chắc chỉ còn là hoài niệm của số ít con người, phần lớn nó đã bị nhấn chìm vào dĩ vãng. Còn đối với tôi những vật dụng thô sơ của gia đình nói chung và chiếc trành của bà nội tôi nói riêng nó đã in dấu vào trong tâm hồn, trong những ký ức tuổi thơ tôi. Hôm nay tôi ngồi đây ngắm lại hình cái trành hôm chụp của nhà bạn, viết lại những dòng này lòng tôi lại nhớ bà nội tôi nhiều lắm.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cái trành của bà nội" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn