Cánh chim non vượt bão (Tiểu thuyết trinh thám - Tiếp 7)

Nhà văn Phạm Xuân Đào đã có gần 20 đầu sách, gồm: các tập Truyện vụ án; truyện ngắn; thơ và Tiểu thuyết. “Cánh chim non vượt bão” là một trong những tác phẩm của ông. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
pham-xuan-dao-1620459656.jpg
 

 

Kể từ khi được tha tù về nhà, Gia Linh chưa kịp điện thoại cho bố theo số máy mà bà Nghiêm, người hàng xóm đã đưa cho cô. Cô nhớ, hôm cô  mới về, Bà Nghiêm sang chơi,  đưa cho cô chùm chìa khóa và kể rằng, một hôm đi chợ về đến cổng, bà thấy một người đàn ông đang đứng ở lề đường nhìn vào nhà Gia Linh. Bà đi đến, hóa ra đó là ông giáo sư Nguyễn Hiếu. Bà mời ông vào nhà mình nhưng ông xin phép được đứng nhìn căn nhà mình từ bên ngoài. Ông giáo sư bảo với bà rằng, ông đã biết vợ ông – bà Nga đã bị thi hành án tử hình. Ông lấy làm tiếc vì bà ấy đã không biết trân trọng những gì đã có mà nhắm mắt chạy theo những dục vọng tầm thường, đang tay phá bỏ hạnh phúc để phải bị trả giá. Ông cũng nói, đã biết con gái bị vào trại vì đã tìm cách trả thù cho mẹ. Ông khoe ông vừa đi thăm Gia Linh ở trại giam về và tiện ghé qua ngắm lại ngôi nhà mà hầu như cả cuộc đời, ông đã lao động không biết mệt mỏi để mua được nó.

Thấy thế, bà Nghiêm liền chạy về nhà lấy chùm chìa khóa mà bà Nga đã trao cho bà trước khi bị bắt đưa cho giáo sư. Có chìa khóa, ông Hiếu cùng bà Nghiêm mở cổng, mở cửa vào nhà. Ông đi thăm thú tất cả các thư phòng như đang cố gắng tìm lại những kỷ niệm êm đềm một thời mà ông và vợ con đã thụ hưởng. Sau cùng, ông xin phép bà Nghiêm đi về nhà mình. Trước khi chia tay, ông đưa cho bà Nghiêm số máy điện thoại, nhờ bà trao cho Gia Linh. Vì ông tin rằng, mãn hạn tù, trở về nhà, chắc chắn Gia Linh sẽ tìm gặp ông…

Dù đã hơn 9 giờ đêm, trời đã muộn nhưng Gia Linh vẫn bấm máy. Cô hồi hộp mong muốn được nghe giọng nói thân thương của bố. Nhưng chờ mãi không thấy ai trả lời. Đang định tắt máy thì bỗng nghe thấy tiếng một phụ nữ từ đầu giây bên kia. Gia Linh ngập ngừng giây lát rồi lên tiếng:

- Xin lỗi. Tôi muốn gặp giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hiếu. Đây có phải là số máy của ông không ạ?

- Vâng, đúng là số máy của giáo sư rồi…

- Vậy bà là…? – giọng Gia Linh không được bình tĩnh cho lắm.

- Tôi… tôi cũng đang muốn hỏi, cô là thế nào với giáo sư Nguyễn Hiếu đấy?

- Tôi là con gái của giáo sư. – Gia Linh hơi gay gắt.

- Ôi, thế ra cô là Gia Linh, con gái của giáo sư sao? Tôi chỉ là người giúp việc cho giáo sư thôi. Mấy hôm nay, giáo sư nhắc đến cô luôn. Bây giờ cô đang ở đâu? Cô có thể đến thăm giáo sư ngay được không?

- Vâng, cảm ơn bà. Bố tôi có gì không ổn chăng?

- Đúng thế. Ông nhà rất yếu. Có lẽ…

Giọng của Gia Linh gấp gáp vì lo âu:

- Bà nói ngay địa chỉ để tôi có thể đến thăm ông được không ạ?

Ghi chép địa chỉ của giáo sư Nguyễn Hiếu xong, trong lòng Gia Linh như có lửa đốt. Cô không hiểu bố cô bị bệnh gì và liệu ông có qua khỏi không? Nếu ông có mệnh hệ gì thì cô xoay xở ra sao. Một người con gái vừa từ trong tù ra thì lấy tiền đâu mà lo liệu… Lại một đêm nữa mất ngủ. Gia Linh chỉ mong sao trời chóng sáng để cô đi thăm bố.

Sáng hôm sau, Gia Linh dậy rất sớm. Cô không còn bụng dạ nào mà ăn uống gì nữa. Vệ sinh cá nhân xong, cô dắt xe ra đường, quay lại khóa cửa, khóa cổng rồi nổ máy, phóng đi.

Hơn một tiếng đồng hồ, Gia Linh đã đến được nơi cô cần đến. Té ra bố cô không đi đâu xa cả mà ông ở ngay phía đông thành phố. Đón cô ở cổng nhà là một người phụ nữ trạc chừng bốn mươi tuổi. Bà nhận ra Gia Linh ngay bởi cô có nét hao hao giống bố.

Gia Linh dựng xe ở sân rồi ào vào nhà như một cơn gió. Người giúp việc dẫn cô tới một căn phòng khá sang trọng, trong có ánh đèn mờ mờ. Giáo sư Nguyễn Hiếu, đang nằm bất động trên chiếc giường có trải ga trắng tinh. Thân hình ông tiều tụy. Gia Linh đi như chạy đến chỗ bố, vừa chạy vừa thổn thức:

- Bố! bố ơi. Con đây, con Gia Linh đã về với bố đây.

Nghe tiếng con gái, giáo sư Nguyễn Hiếu khẽ cử động và từ từ mở mắt. Ông đưa bàn tay lên vẫy một cách yếu ớt.

Người giúp việc nhắc nhẹ:

- Cô lại với ông đi! Ông đang gọi cô đấy.

Gia Linh đi đến ngồi xuống nền đá hoa, rướn người lên giường và hai tay lần tìm tay bố:

- Bố! bố ơi… con có lỗi với bố…

Ông già nói đứt quãng, giọng phều phào:

- Đừng khóc… con gái! Tuổi già …và cái chết là… quy luật. Rất may là con đã...  được về. Bố con mình vẫn được gặp nhau. Bây giờ, con đừng  nói gì… cả. Hãy nghe bố... dặn đây.  

Ông ra hiệu cho người giúp việc lấy từ trong tủ ra một tờ giấy. Người giúp việc đưa cho Gia Linh tờ giấy với giọng nghẹn ngào:

- Ông đã viết tờ di chúc này khi ông còn tỉnh táo. Ông chỉ sợ cô không về kịp…

Gia Linh đưa tờ giấy lên xem. Đó là những dòng chữ do chính tay ông viết, có chữ ký làm chứng của người giúp việc. Cô cố gắng đọc thật chậm như sợ bỏ quên một chữ nào đó của đấng sinh thành. “Sau khi tôi chết, ngôi nhà tọa lạc tại địa chỉ… và số tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ 300 ngàn đola Mỹ sẽ thuộc quyền sở hữu của con gái tôi – Nguyễn Gia Linh… đó là tất cả tâm nguyện của tôi khi tôi còn minh mẫn, tỉnh táo”. Đọc tới đây, Gia Linh bật khóc thành tiếng:

- Không! Con không cần tiền, không cần nhà. Con chỉ cần bố thôi. Bố ơi… bố đừng chết. Bố chết thì con ở với ai bây giờ…

Giáo sư Nguyễn Hiếu đưa bàn tay yếu ớt đập đập vào tay con gái khi cô đang gục xuống ngực ông khóc tức tưởi:

- Đừng khóc! Quy luật mà... con. Mẹ con đã bị…bố đã nhờ người xin xác mẹ con... về mai táng… tại nghĩa trang… bên ngoại. Bố đã nhờ… cậu mợ Hằng trông… nom giúp. Con tranh thủ về thắp… cho bà ấy… mấy nén hương… âu cũng là… số kiếp con người...

Gia Linh nghe đến đây càng khóc to hơn. Lát sau cô không khóc nữa mà chỉ nấc lên từng đợt. Có lẽ cô đã hiểu ra một điều đơn giản rằng, cô có khóc thế chứ khóc nữa thì cũng chẳng thể nào lấy lại cuộc sống cho mẹ. Và cô có khẩn khoản như thế nào thì vì tuổi già, sức yếu bố cô trước sau gì thì cũng trở về với tổ tiên.

Người giúp việc đem lên một bát cháo hầm thịt rất loãng. Bà thì thầm vào tai cô gái. Như hiểu được tầm quan trọng việc làm của mình, Gia Linh nâng bố ngồi tựa vào thành giường và nhẹ nhàng bón từng thìa cháo loãng cho bố. Giáo sư ăn ngoan hiền như một trẻ nhỏ. Nét mặt ông dãn ra rạng ngời. Có vẻ như ông rất mãn nguyện khi những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình ông lại có hạnh phúc được sống bên đứa con gái duy nhất của mình, mặc dù đã có một thời nó lạnh nhạt với ông.

Ăn xong bát cháo, giáo sư Nguyễn Hiếu như thấy người khỏe hơn. Ông nói to và rõ hơn. Trong chuỗi âm thanh khó nhọc ấy và nhờ có người giúp việc "phiên dịch" lại, Gia Linh được biết, bố cô đang giục cô hãy về quê ngoại thắp cho mẹ Nga mấy nén hương để trọn tình mẫu từ. Gia Linh nhìn ông cảm động, rân rấn nước mắt. Cô thầm cảm ơn bố đã rất độ lượng, hấp hối rồi mà vẫn giữ lòng son sắt tao khang. Cô nói trong tiếng nấc:

- Để hôm nào con về. Bây giờ bố đang yếu, con đi không đành.

Ông già chậm chạp xua tay:

- Con về… ngay đi! Ở đây đã có cô Liên… trông bố rồi. Có gì… cô Liên sẽ báo… cho con… ngay…

Gia Linh nhìn bà Liên với con mắt biết ơn. Ở lại bên bố suốt buổi chiều và đêm hôm ấy, đến sáng hôm sau, cô xin phép bố về bên ngoại để thắp hương cho mẹ.

*

Sau khi cùng cậu Quân và mợ Liên nhặt những chân hương cùng những rác rưởi rơi vãi trên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng Gia Linh đặt đĩa trái cây và một bó hoa lên mộ. Nhận bó hương đã được đốt từ tay cậu Quân, cô bước  tới, cố gắng cắm bó hương lên gò đất giữa mộ. Xong xuôi, cô lùi xuống mấy bước. Đang định chắp tay khấn vái mẹ thì cô phát hiện thấy một bia đá, trên có khắc dòng chữ “Cao Thị Nga, sinh năm 1963, mất năm 2013” bị cỏ mọc che đi gần hết. Đang ngơ ngác nhìn những dòng chữ trên bia mộ, Gia Linh bỗng nghe tiếng mợ Liên:

- Tấm bia này do bố cháu khắc, đem về chôn vào đây đấy. Ông ấy bảo “sợ lâu ngày không có người trông coi, khi con Linh về lại nhận nhầm mộ mẹ thì chán quá!”.

Mắt Gia Linh lại ngân ngấn nước. Nghe chuyện ấy, Gia Linh càng cảm phục người cha hơn. Một người trí thức, sống có trước có sau như thế sao mẹ cô lại chê bai, ruồng bỏ. Để rồi bà đã chọn nhầm đối tượng trao cuộc đời mình cho kẻ súc sinh kia và nhận lấy cái chết vô cùng oan khuất. Cô chắp hai tay trước ngực, nhắm mắt lại lầm rầm khấn. Cô mong cho hương hồn mẹ sớm được siêu thoát. Và cô bật thành tiếng hứa với mẹ rằng “dù thế nào, con cũng tìm ra kẻ đã hại mẹ để đòi lại công bằng”. Cậu Quân và mợ Liên đứng gần đó nghe thấy thế sửng sốt. Họ nhìn nhau không nói. Đột nhiên Gia Linh như thấy cái gì đó lành lạnh chạy dọc sống lưng. Cô bàng hoàng mở mắt và nhìn thấy bó hương trên mộ mẹ đang cháy rần rật. Cô hấp tấp chắp tay lại, lắp bắp:

- Mẹ. Mẹ sống khôn chết thiêng, hãy hiến kế để con trả thù tên súc sinh kia. Con hứa sẽ làm bằng được điều đó.

Cậu mợ Quân cũng chắp tay vái lạy người dưới mộ.

Và khi Gia Linh đang đắm đuối vào những phương án trả thù thì đột nhiên chuông điện thoại rung lên. Cô lùi lại mấy bước, rời xa ngôi mộ cỏ đã mọc xanh um, đưa điện thoại lên nghe. Bỗng mặt cô biến sắc. Cô vâng vâng dạ dạ liên tục rồi cúp máy. Đoạn, Gia Linh xin phép cậu mợ Quân phải trở về thành phố. Hình như bố cô đang nguy kịch lắm. Cậu Quân bảo:

- Cháu cứ bình tĩnh. Về nhà cậu mợ, cơm nước xong rồi cậu cùng đi với cháu. Gia Linh nghe lời. Nhưng trong bữa cơm, hầu như cô không ăn. Tất cả tâm trí cô đang hướng về thành phố, nơi bố cô có thể sẽ trút hơi thở cuối cùng sau một quãng đời dâu bể buồn đau.

Ngay đêm hôm đó, cậu Quân cùng Gia Linh trở về thành phố trên một chiếc xe khách. Cậu bảo "thần kinh không ổn định, đi xe máy không an toàn, cháu ạ".

Có thể nói, Gia Linh đang trong ở trong thời khắc bĩ cực nhất của cuộc đời.

*

Gia Linh hết sức hoang mang, không biết phải làm gì trước đám tang của bố khi cô còn quá trẻ. Nhưng cô không phải lo nghĩ quá nhiều. Các bạn cùng cơ quan bố đủ cả đàn ông đàn bà, đủ cả người già người trẻ đã đứng ra lo tổ chức đám tang cho giáo sư Nguyễn Hiếu thật trang trọng, đàng hoàng. Hàng trăm vòng hoa của hàng trăm đoàn đại biểu đến viếng giáo sự. Đó là minh chứng cho tình cảm của những người bạn, những người đồng môn, đồng niên, những người đồng nghiệp dành cho người quá cố.

Gia Linh rất cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho bố. Cô khóc rất nhiều và rồi ngất lên ngất xuống, không biết gì nữa.

Thể thao nguyện vọng của giáo sư, thi hài ông đã được đoàn xe tang đưa về mai táng tại nghĩa trang quê nhà. Khi đoàn xe tang vừa dừng ở đầu làng, người dân ở quê đã tề tựu đông đủ sắp thành mấy hàng dài đến gần nửa cây số để tiễn đưa giáo sư Nguyễn Hiếu về nơi an nghỉ cuối cùng. Đến lúc ấy, Gia Linh mới thấy hết được tình cảm của người dân nơi đây. Cô cũng ý thức được rằng, bố cô phải sống thế nào thì người dân ở quê mới đến đưa tiễn ông đông đến như thế.

Và khi những vòng hoa cuối cùng được đặt xung quanh ngôi mộ của giáo sư vừa thơm mùi đất mới, bó hương nghi ngút khói được một người vừa cắm trên mô đất giữa mộ, thì từng đoàn đại biểu địa phương lần lượt đến trước mộ vái người quá cố lần cuối. Gia Linh như bừng tỉnh. Cô đứng bên bộ vái lạy thay cho lời chào và lời cảm tạ của mình với bà con thôn xóm. Khi đoàn người cuối cùng đến trước mộ tiễn biệt giáo sự, Gia Linh bước ra. Và với một giọng nói đầy xúc động nhưng rõ ràng, rành mạch, cô cảm ơn tất cả những tấm lòng của bà con khối xóm đã đến tiễn đưa cha cô về nơi an nghỉ cuối cùng. Cô cũng không quên nhận những thiếu sót trong lúc tang gia và xin mọi người lượng thứ.

Cuối cùng thì đoàn đưa tang cũng rời mộ giáo sư Nguyễn Hiếu ra về. Cánh thanh niên mới lớn đi gần Gia Linh xì xào bàn tán:

- Chính chị Gia Linh đấy. Chị ấy đoạt huy chương vàng môn Vovinam tại Sea games đấy.

 - Nghe đâu chị ấy mới đi tù về, đúng không?

Nghe những được những lời đàm tiếu đó, Gia Linh không quay lại. Cô biết, với thời buổi thông tin như bây giờ, dù có ở thành phố hay nông thôn, thậm chí là những vùng sâu vùng xa thì mọi người cũng đều biết hết về những vụ án như vụ của cô. Lại nghĩ “thanh minh là tự thú” nên cô không hề quan tâm. Làm sao cô có thể thanh minh với tất cả những người trên đất nước này. Những đàm tiếu đó chỉ giúp Gia Linh củng cố quyết tâm phải tìm cách trừng trị Trần Hoạt để cho bà Nga, mẹ cô ở dưới âm ti địa ngục kia được mỉm cười. Và cũng là để cho lòng cô thanh thản.

9

Trở lại thành phố, Gia Linh cảm thấy mệt mỏi và quá sốc khi trong một thời gian rất ngắn với 25 tuổi đời, cô đã phải gồng mình vượt qua những công việc rất lớn mà ở tuổi cô ít ai phải gánh chịu, đảm đương.

Cô về ngôi nhà của giáo sư Nguyễn Hiếu. Việc đầu tiên là cô lập bàn thờ cho bố ngay tại căn nhà của ông. Cô Liên, người giúp việc đã giúp cô làm cơm cúng giáo sư theo phong tục truyền thống. Sau đó, Gia Linh gửi lại người giúp việc một ít tiền. Cô đề nghị cô Liên tiếp tục trông nom căn nhà ấy và tổ chức cúng cơm cho vị giáo sư. Việc trả lương cho người giúp việc vẫn được Gia Linh thực hiện chu tất như khi giáo sư còn sống.

Rồi Gia Linh quay trở lại ngôi nhà của mẹ. Tại đây, cô cũng lập một bàn thờ cho cả bố cả mẹ. Hàng ngày, trên ban thờ đều có những đĩa trái cây thơm ngon và khói hương nghi ngút.

Những ngày sau đó, tâm hồn Gia Linh u uất. Cô không ngờ cuộc sống của cô lại có nhiều sóng gió đến như vậy. Có lúc cô trách mẹ, có khi cô trách bố, lại có khi tự trách mình. Cuối cùng thì cô trách đời. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên của bà Nghiêm, Gia Linh dần dần lấy lại thăng bằng. Cô ý thức rằng, tất cả đều đã qua, sẽ qua và bây giờ phải nhìn về phía trước để chấp nhận cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp này.

Mải lo cho cha mẹ, đến lúc này Gia Linh mới sực nhớ tới Quốc Tuấn. Cô cầu mong Tuấn hiểu được mọi điều về cô. Cô cầu mong anh vẫn chưa xây dựng gia đình mà vẫn chờ đợi cô để hai người có thể sống dưới một mái nhà hạnh phúc. Là cầu là mong vậy thôi chứ thực ra Gia Linh cũng hiểu được rằng, khi biết cô đi tù, Tuấn sẽ không chịu được điều tiếng và cũng không thể chờ đợi được nữa bởi gia đình hối thúc, nhất định anh đã có người phụ nữ khác. Nhất định anh đã có một mái ấm gia đình.

Một buổi tối, sau khi đã thắp hương cho bố mẹ xong, Gia Linh cầm máy điện thoại và cố nhớ lại số máy của Quốc Tuấn. Cô bấm số và hồi hộp chờ đợi. Cô khao khát được nghe giọng nói của anh, cho dù đó là những lời trách móc. Tiếng tút tút đều đều và ngay sau đó là có tiếng bắt máy. Nhưng đó lại là giọng của một phụ nữ rất nhỏ nhẹ:

- Alo. Tôi nghe đây. Ai ở đầu giây đấy ạ?

Gia Linh hoảng hốt giây lát rồi cố gắng lấy lại bình tĩnh. Cô lên tiếng:

- Xin lỗi. Tôi tưởng đây là số máy của anh Quốc Tuấn…

Vẫn tiếng nói nhỏ nhẹ, dễ nghe:

- Đúng rồi đấy ạ. Đây là số máy của anh Tuấn. Xin chị cho biết quý danh và xin lỗi, chị hỏi Quốc Tuấn nào đấy ạ?

- Dạ. Tôi hỏi Quốc Tuấn - xạ thủ trong đội tuyển bắn súng quốc gia ạ.

- Vậy là đúng rồi đấy. Thế chị là thế nào với anh Tuấn ạ?

- Dạ, tôi là bạn anh thôi. Thế chị là…

- Thế ạ. Chào chị à. Em là vợ anh ấy. Anh Tuấn nhà em vừa đi ra ngoài, không mang theo điện thoại. Chị cho biết quý danh, lát nữa anh ấy về em sẽ thưa dùm ạ. – có tiếng trẻ con bập bẹ vòi vĩnh gì đó, và tiếng người phụ nữ vang lên - Ừ, cún chờ mẹ tý nhá. Mẹ đang trả lời điện thoại cho ba…

Gia Linh vội vàng:

 - Xin lỗi chị. Lúc khác tôi điện lại cho anh ấy sau ạ.

Gia Linh hấp tấp tắt máy rồi vội bỏ sim ra khỏi máy. Vân vi một lúc, cô bẻ gập chiếc sim lại, vứt vào thùng rác một cách không thương tiếc. Cô sợ rằng một lúc nào đó Quốc Tuấn sẽ gọi lại. Và lúc ấy cô không biết phải ăn nói với anh thế nào nữa.

Ngày hôm sau, Gia Linh đi ra quầy gần nhà mua một sim mới, lắp vào điện thoại. Đoạn, cô ngồi trầm tư một lúc, cố gắng tập trung trí lực để nhớ số máy của Minh Huệ, cô bạn cùng đội tuyển Vovinam với mình. Cuối cùng thì số máy của Minh Huệ cũng đã được Gia Linh nhớ trọn vẹn. Cô bấm máy và hồi hộp chờ đợi. Từ đầu giây bên kia, giọng của Minh Huệ cất lên làm Gia Linh vui như mở cờ trong bụng. Cái giọng xứ Thanh của Huệ thì không thể lẫn vào đâu được:

- Alo. Minh Huệ nghe đây. Ai ở đầu giây đấy?

Im lặng.

- Alo. Xin lỗi, tôi là Minh Huệ đây. Ai ở đầu giây đấy ạ?

Giọng Gia Linh run rẩy:

- Minh Huệ à? Còn nhận được mình không?

- Ai ấy nhỉ?

- Cố nhớ xem nào!

Nghe tới đây, Minh Huệ reo lên tưởng vỡ cả màng nhĩ:

- A. Gia Linh! Phải Gia Linh không? Mày hả?

- Cảm ơn mày đã nhớ tao.

- Ôi, con ranh. Mày đang ở đâu? Ra… từ… ra hồi nào?

- Mới thôi. Mày đang ở đâu vậy?

- Ôi vui quá. Tao đang ở nhà. Mày rảnh, vào với tao được không?

- Thế này đi. Tao còn mệt lắm. Nếu không ngại, mai mày bắt xe ra tao chơi. Lâu lắm rồi. Nhớ mày quá đi mất.

- Hả? Thế cũng được. Ừ, sáng mai tao ra Hà Nội thăm mày. Mày đón tao ở bến xe chứ, con ranh hí hí?

- Không. Mày cứ đến thẳng bến Mỹ Đình rồi bắt tắc xi về nhà tao. Tao trả tiền cho. Còn nhớ số nhà và phố chứ?

- Hi hi. Con ranh, mày vẫn vậy. Thôi được rồi. Mai tao ra rồi phôn sau. Mày chỉ đường cho tao nhá!

- Ok. Hẹn gặp mày vào ngày mai nghe!

Gia Linh cúp máy. Cô nở một nụ cười thật tươi. Vậy là cô bạn rất thân cùng đội tuyển quê Thanh Hóa vẫn còn nhớ tới bạn bè. Ngày mai gặp nó, sẽ có nhiều chuyện để nói lắm đây. Gia Linh đưa mắt nhìn căn nhà khắp lượt. Trời ơi, ngôi nhà lâu quá không có người quét tước, chăm chút nên nhiều chỗ trên tường đã mốc thếch. Những bức tranh bị ẩm mốc đã tối màu. Tất cả trông thật u ám và ảm đạm. Phải cách mạng ngay thôi. Nghĩ vậy, Gia Linh trút bỏ bộ quần áo dài, vận bộ quần áo cộc và xắn tay làm tổng vệ sinh. Vừa quét dọn, Gia Linh vừa khe khẽ hát. Cô cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày cô lại được hưởng niềm vui và lại cất lên tiếng hát yêu đời. Căn nhà cứ sáng dần, sáng dần. Có bàn tay của cô, sự sống của căn nhà lại bắt đầu trở lại. Và khi đã mệt nhoài, nhìn đồng hồ trên tường, đã gần 12 giờ trưa và việc quét tước, thu dọn căn nhà đã hoàn tất. Cô đưa mắt ngắm lại căn nhà trong ánh điện lung linh và mỉm cười để tự thưởng cho mình. 

*

Trưa hôm sau, khi đang bưng đĩa trái cây đặt lên bàn thờ bố mẹ để thắp hương thì Gia Linh có điện thoại. Vội vàng đặt đĩa hoa quả lên bàn thờ, cô chạy lại cầm máy lên nghe. Đầu giây bên kia là Minh Huệ. Gia Linh vui ra mặt. Cô hỏi gấp gáp:

- Tao đây. Mày đang ở đâu rồi?

- Tao đang ở cổng nhà mày đây. Ra mở cửa mau!

- Hả? đang ở cổng nhà rồi à? Đúng không? Để tao mở cổng…

Vừa nói với bạn qua máy, Gia Linh vừa vội vàng chạy ra sân. Quả đúng thật, Minh Huệ đang đi đi lại lại vẻ bồn chồn lắm. Gia Linh mở khóa cổng rồi chạy ào ra ngoài, vừa chạy vừa hét lên:

- Huệ. Huệ ơi, Linh đây. Tao nhớ mày quá!

Hai người lao vào ôm nhau như hai đứa trẻ. Lát sau, Huệ buông bạn ra, lùi lại mấy bước, ngước mắt ngắm Gia Linh khắp lượt từ đầu tới chân rồi lại lao vào ôm chầm lấy bạn, giọng hổn hển:

- Trời ơi. Lâu quá rồi. Tao thương mày quá. Mà trông mày không đến nỗi nào. Vẫn duyên dáng, đẹp gái… chỉ có điều cứng cáp ra nhiều.

Hai cô gái ôm lấy nhau rất chặt như sợ rằng, nếu bỏ nhau ra thì một trong hai người sẽ bay đi, không tìm lại được nữa. Họ cứ đứng như thế rất lâu. Mắt ai cũng nhòa lệ. Những giọt nước mắt vui mừng và hạnh phúc. Cảnh tượng ấy đã làm cho rất nhiều người đi đường thấy lạ. Họ vừa phóng xe vừa ngoái đầu nhìn lại, không hiểu tại sao hai người con gái lại có những hành động như thế.

Rồi họ từ từ buông nhau ra. Gia Linh cũng đẩy bạn ra một bước, ngắm nhìn cô bạn thân thiết của mình rồi thốt lên:

- Gần bảy năm rồi mà mày vẫn như xưa Huệ ạ. Các anh chị và các bạn trong đội tuyển vẫn ổn chứ? Liệu họ còn nhớ đến Linh này không?

- Sao không! Tất cả đều nhớ mày, thương mày. Chỉ có điều, sự thật về câu chuyện mày phải đi trại thì mỗi người hiểu một kiểu.

- Thôi, vào nhà đi. Cứ đứng đây nói chuyện dông dài nghe kỳ quá.

Nghe Gia Linh giục, Minh Huệ gật đầu. Cô cúi xuống xách chiếc túi du lịch rồi theo bạn vào nhà.

Trong khi Minh Huệ vào tắm táp, trút bỏ bụi đường sau gần nửa ngày quăng quật trên xe thì Gia Linh quay ra thắp hương cho bố mẹ rồi vào bếp nổi lửa. Loáng một cái, mâm cơm đã được dọn ra đặt trên bàn ăn. Từ nhà tắm đi ra, Minh Huệ vô tình đưa mắt nhìn bàn thờ, trên có để đĩa trái cây và hương khói la đà. Cô khựng lại, kêu lên:

- Ơ, Gia Linh... thế này là thế…

Gia Linh đang sắp cơm vội dừng tay:

- Cái gì thế hả?

- Sao lại thế này? Cả hai ông bà về với tổ tiên rồi à?

- Ừ. Trong vòng hai năm, hai ông bà lần lượt bỏ tao mà đi mày ạ.

- Trời ơi. Sao mày lắm đau khổ, đắng cay đến thế Gia Linh.

Vừa nói, Minh Huệ vừa đi đến thắp mấy nén nhang cắm vào bát hương rồi chắp tay lại lầm rầm khấn vái. Nhìn hai tấm ảnh của giáo sư Nguyễn Hiếu và mẹ Nga của Gia Linh, Minh Huệ cầu mong hai ông bà dưới suối vàng phù hộ cho Gia Linh được mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong đường đời. Khi quay ra, Minh Huệ đã thấy bạn đang đứng phía sau mình. Gia Linh mắt cũng nhạt nhòa. Cô kéo Minh Huệ lại bàn ăn.

Hai cô gái vừa ăn cơm vừa nói biết bao nhiêu chuyện. Nào chuyện của đội tuyển Vovinam sau khi thi đấu thành công ở Sea games thì ai đi, ai ở. Người nào đã lấy chồng, lấy vợ. Người nào đã sinh con. Con trai hay con gái. Bỗng Minh Huệ quay sang hỏi bạn:

- À. Mày đã điện cho lão Tuấn chưa?

Gia Linh giả bộ:

- Tuấn có chuyện gì à?

- Chuyện gì. Mày bị bắt, Tuấn đã bay ra Hà Nội nhưng không giải quyết được gì. Thế là lão phải quay về Sài Gòn. Sau đấy, lão cũng như anh em trong đội chẳng biết lối nào mà lần. Người bảo mày phải ở trại 6 năm. Có đứa bảo chỉ có 3 năm thôi. Nhưng dù có 6 năm hay 3 năm thì làm sao người ta chờ được. Bố Quốc Tuấn bị bệnh xuất huyết não ngày ấy mày biết rồi đấy. Ông cụ cứ sống thực vật như thế. Mặc dù gia đình lão biết chúng mày yêu nhau nhưng lâu không thấy mày về, họ thúc giục con trai phải đi lấy vợ. Ban đầu, Tuấn vẫn có ý đợi mày. Nhưng sau một năm, lão ta không thể trụ được trước sự hối thúc của gia đình. Và cuối cùng anh chàng đã phải lấy vợ. Vợ Tuấn là một giáo viên cấp III, trông cũng được lắm. Tất nhiên là không thể bằng võ sĩ Gia Linh của tôi được. Nhưng được cái, cô nàng sống cũng biết điều mày ạ.

Gia Linh buồn rầu, vừa gắp thức ăn vào bát của bạn, vừa nói:

- Thú thật là tối qua, tao ngồi cố nhớ số rồi mạnh dạn bấm điện cho lão. Không biết lão đi đâu mà vợ lão bắt máy. Thấy thế, tao nói đại là sẽ điện lại cho lão sau rồi vội vàng tắt máy. Xong, tao tháo sim vứt đi luôn.

- Sao phải thế?

- Thì người ta đã có vợ con rồi, liên lạc làm gì. Không cẩn thận, sự xuất hiện của mình lại làm cho vợ chồng lão không hạnh phúc. Mà mày biết tính tao rồi đấy, đã quyết gì là quyết ngay.

- Đã đành là thế. Nhưng chả lẽ mày không còn một chút tình cảm với lão hay sao?

- Mày nghĩ tao là người thế nào mà lại hỏi thế? Nhưng có điều, khi biết sẽ chẳng đi tới đâu thì liên lạc, gặp gỡ mà làm gì.

Minh Huệ ngồi ngẩn ra ngắm bạn rồi thốt lên:

- Tao tin là nếu gặp lại mày, chàng vẫn chết mê chết mệt như thường.

- Thôi đi bà trẻ. Ăn cơm đi kẻo nguội hết thức ăn rồi. Chết hay không thì ván đã đóng thuyền rồi. Mình phải tự tìm cách cứu mình chứ.

- Mày nói thế nghĩa là sao?

- Còn sao nữa. Tao cũng phải kiếm một tấm chồng thôi. À, thế còn mày thì thế nào rồi?

- Thì vưỡn thế. Nếu dính dáng đến chồng con thì làm sao tao có thể nói một cái là phóng ra với mày ngay được.

Cả hai cùng cười. Họ quay vào mâm, “tập trung vào chuyên môn”. Có lẽ đã lâu lắm, Gia Linh và Minh Huệ mới có một bữa ăn ngon nghẻ đến thế, mặc dù thức ăn cũng không có gì là ghê gớm cả. Sau đó, họ dọn mâm rồi lăn ra giường vừa đấm nhau thùm thụp vừa buôn dưa lê cho tới khi cả hai díp mắt vào mới chịu buông nhau ra.

 Đêm ấy, trên chiếc giường đôi và trong ánh đèn ngủ màu hồng, căn phòng như ấm thêm. Gia Linh đã nói với Minh Huệ tất cả những gì đã xảy ra với mình trong những năm qua. Càng nghe, Minh Huệ càng thương bạn mình hơn. Cứ mỗi lần Gia Linh nấc lên vì uất hận, vì buồn tủi là Minh Huệ lại kéo bạn, ôm chặt vào mình. Có những lúc, cả hai không chịu đựng được những vô lý, những bất công và cả những phũ phàng đã đến với Gia Linh,  hai cô gái cùng ngồi trột dậy. Rồi họ ôm nhau trong ánh đèn mờ ảo. Một người thì có nơi có chỗ giãi bày, một người thì biết cảm thông chia sẻ. Cuối cùng, Gia Linh không giấu diếm ý định của mình. Cô nói với Minh Huệ như đinh đóng cột:

- Nhất định tao phải tìm bằng được tên Hoạt để trả thù. Thằng chó đểu ấy nợ gia đình tao quá nhiều. Nhất định hắn phải trả giá.

Nghe bạn nói vậy, Minh Huệ can ngăn:

- Thôi thôi, tao xin mày. Mày nghĩ lại đi. Mày đã đến nhà hắn để tìm sự thật, tìm lại công bằng nhưng sự thật và công bằng đâu chả thấy, mày đã bị trả giá ngần ấy năm tù rồi. Mày còn mất tiền oan cho cái tay thứ trưởng Lê Khuất nào đó. Bây giờ mày là người đang có tiền  án. Nếu động vào Trần Hoạt, mày sẽ phải trả giá đắt đấy, thậm chí phải kết thúc cuộc đời chứ chẳng chơi.

- Mày yên tâm đi. Sau khi ở trại ra, tao có thêm nhiều bài học và kinh nghiệm bổ ích lắm. Nhất định tao phải trả thù, nhưng không có nghĩa là phải giết hắn. Mày giúp tao trả mối thù này chứ?

- Gia Linh. Tao rất thương và cảm thông với mày, nhưng tao sợ pháp luật lắm. Có lẽ trong chuyện này, tao không giúp được gì cho mày đâu. Đừng trách tao nhá.

Gia Linh cười, kéo bạn nằm xuống giường, giọng ôn tồn:

- Mày nghe này. Mày sẽ giúp được tao. Tao không bao giờ yêu cầu mày phạm pháp đâu, đừng sợ. Chuyện này, tao sẽ nói cụ thể với mày sau. Còn bây giờ khuya rồi, chúng mình ngủ thôi. Đã hơn hai giờ đêm rồi, cố mà ngủ đi nhá.

Nghe bạn, Minh Huệ nằm yên. Và chỉ một lát sau cô đã nghe thấy tiếng thở đều đều từ Gia Linh. Cô cũng cố gắng không nghĩ thêm gì nữa và giấc ngủ đến với cô rất tự nhiên.

*

Buổi sáng.

Tại căn biệt thự của Gia Linh, ngoài cô và Minh Huệ ra, còn có hai thanh niên nữa. Đó là những thám tử tư, một người tên Lê Dũng, người kia là Phạm Long. Họ ngồi quây quanh chiếc bàn, trên đó có những ly café đang bốc hơi thơm phức. Gia Linh nhìn hai thanh niên, nhìn Minh Huệ với con mắt biết ơn. Đoạn cô nói với mọi người:

- Hôm nay mình mời các bạn tới đây để nhờ cậy một việc. Một việc hết sức bình thường nhưng có thể mất rất nhiều thời gian.

Mọi người chăm chú lắng nghe. Giọng Gia Linh chùng xuống:

               - Mình nhờ các bạn tìm ra tung tích của một con người. Người đó tên là Trần Hoạt, tuổi độ khoảng 45 hoặc 46. Ngày trước ông ta ở số nhà 37, phố Trần Thái Tông quận Hai Bà Trưng. Cách đây gần một năm, ông ta đã bỏ đi khỏi thành phố này, giờ không biết ở đâu.

Lê Dũng đang đăm chiêu bỗng bật thành tiếng:

- Đúng là việc bình thường thật. Nhưng trên giải đất hình chữ S này, với 63 tỉnh, thành phố, giờ biết tìm ông ta ở đâu.

- Thế tôi mới phải nhờ cậy tới các bạn. Nhưng tôi có thể bảo đảm chắc chắn rằng, Trần Hoạt chỉ đứng chân tại các thành phố lớn. Ông ta không thể chịu được cảnh sống tù túng ở các vùng nông thôn đâu. Vì vậy, trước mắt các bạn có thể vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…để tìm. Tôi sẽ cấp kinh phí thỏa đáng cho các bạn. Và ai có thông tin trước về Trần Hoạt một cách chính xác, rõ ràng, tôi sẽ thưởng.

Minh Huệ nhìn đàn em, nói:

- Chị Gia Linh đây là bạn cực thân của chị. Các chị đã có những năm tháng sống bên nhau thật hạnh phúc và vui vẻ. Trần Hoạt là người có ý nghĩa đặc biệt với chị ấy. Công việc của các em đơn giản chỉ là tìm ra tung tích của ông ta. Phải chỉ ra được ông ta đang ở thành  phố nào? Nếu tìm được số nhà, đường phố thì càng tốt.

Thám tử Phạm Long lên tiếng:

- Việc đó với bọn em không quan trọng. Nhưng… nếu không có ảnh của ông ta mà chỉ đi tìm chay thì thật khó.

Gia Linh vừa đứng dậy vừa nói:

- Cái đó không lo. Chị đã có ảnh của ông ta đây rồi.

Gia Linh đi đến hộc tủ lôi ra một cuốn sổ và đi đến bên bàn. Đặt sổ lên bàn, cô mở và lấy ra hai tấm ảnh của Trần Hoạt, đưa cho hai thám tử:

- Đây là tấm ảnh ông ta chụp chung với… – cô định nói là chụp chung mẹ cô, nhưng đã kịp dừng lại mà chỉ nói – chụp chung với một người. Chị đã cắt từ tấm ảnh chụp chung đó ra. Đường nét vẫn rõ, vẫn bảo đảm nhận dạng được chứ?!

Cầm tấm ảnh của Trần Hoạt trong tay, cả hai đều gật đầu xác nhận:

- Tốt rồi. Rất rõ chị ạ.

- Bây giờ, các em tự phân công nhau. Trước hết ta tập trung vào ba thành phố lớn ở miền Trung và miền Nam. Đó là Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn. Nếu không thấy tung tích ông ta đâu thì mới triển khai tới các tỉnh thành khác. Trước mắt, chị tạm ứng cho mỗi em ba mươi triệu đồng. Nhớ là xác định càng chi tiết càng tốt. Và khi có thông tin, các em phôn ngay cho chị theo số máy này nhé.

Vừa nói, Gia Linh vừa lấy tiền đưa cho hai thám tử và đọc số điện thoại của mình để họ lưu vào máy.

Hai cô tiễn các thám tử ra khỏi nhà. Đoạn họ quay vào và cùng ngồi xuống ghế. Minh Huệ nhìn bạn, ái ngại:

- Này! Thế sau khi có thông tin thì mày định làm gì?

- Yên tâm đi! Mày nên nhớ là tao đã hai lần bị trả giá cho hành động dại dột, ngông cuồng và ngu dốt của mình rồi. Không đời nào tao tự đưa thòng lọng vào cổ mình một lần nữa đâu.

Minh Huệ nhìn bạn với ánh mắt thăm dò. Lát sau cô đứng dậy:

- Tao tin mày Linh à. Cố gắng đừng làm gì ngu xuẩn và dại dột để phải vào trại lần nữa nghe cưng! Bây giờ tao phải về quê, ngày mốt tao phải bay vào Sài Gòn tập trung, chuẩn bị cho cuộc thi vô địch châu Á tại Ấn Độ.

Gia Linh nhìn bạn với ánh mắt khẩn cầu:

- Mày vào đó, đừng nói gì về tao nghe không? Cứ nói là không biết gì nhá!

- Thế mày không định quay lại đội tuyển sao?

Gia Linh cười buồn:

- Có hai lý do để tao chưa hoặc không quay lại. Một là tao đang phải làm cái việc mà chúng mình vừa giao cho mấy thám tử. Hai là chắc gì đội tuyển nhận lại một người vừa đi tù về như tao.

Minh Huệ nhìn bạn, thông cảm:

- Đừng nghĩ thế. Nếu tao nói tất cả sự thật về mày, tao tin lãnh đạo đội tuyển và đồng đội sẽ nhận. Mọi người vẫn tiếc và nhớ mày lắm.

- Tao cảm ơn mày. Còn một điều này nữa, mày nhớ giúp tao. Nếu gặp Quốc Tuấn, mày cho tao gửi lời thăm sức khỏe và chúc Tuấn hạnh phúc nhé.

- Rồi. Tao nhớ. Mày nhớ giữ sức khỏe và giữ liên lạc với tao nghe chưa?

- Tao đồng ý.

Gia Linh tiễn bạn ra cổng. Cô vẫy một chiếc tắc xi để Minh Huệ ra bến xe Mỹ Đình. Khi đã ngồi yên vị trong tắc xi, Minh Huệ còn choài người ra ngoài vẫy bạn. Và khi chiếc xe chở Minh Huệ đã khuất dạng ở cuối phố, Gia Linh mới trở vào sân. Gió mùa đông bắc se lạnh. Gia Linh kéo chiếc cổ áo lên cao rồi vội vã trở vào nhà, đóng cửa lại. Cô thấy người ấm lại. Nhìn tấm ảnh mẹ treo trên tường, cô như thấy mẹ đang cười. Cô nghĩ, chắc mẹ cũng đồng tình với kế hoạch của mình. Cô thầm hứa với mẹ rằng "mẹ hãy yên tâm, con sẽ trả được mối thù này!".

*

Hơn một tháng sau kể từ khi giao nhiệm vụ cho hai thám tử, Gia Linh đứng ngồi không yên. Những cú điện thoại của các thám tử gọi về đều mang một màu ảm đạm "vẫn chưa tìm thấy tung tích Trần Hoạt ở đâu". Cô như ngồi trên đống lửa. Chẳng lẽ hắn đã ra nước ngoài? Nếu quả vậy, cô cũng quyết định phải báo thù. Trừ khi hắn có phép màu độn thổ hay thăng thiên thì cô mới chịu bó tay.

Những ngày ấy, cô liên tục sắm lễ, thắp hương trên ban thờ bố mẹ. Và lần nào đứng trước hai di ảnh của những người sinh thành, cô cũng thầm khấn vái mong bố mẹ phù hộ để cô trả mối thù này. Tuy nhiên, cô cũng xin bố mẹ đừng quá lo lắng. Cô không giết hắn nhưng quyết phải làm cho hắn khuynh gia bại sản mới thôi.

Một buổi chiều Hà Nội rét tê tái. Mưa phùn giăng giăng trắng phố. Những chiếc xe tắc xi xé mưa phóng đi trên phố nghe ràn rạt. Những khách bộ hành quần áo, khăn khố kín mít, người mặc áo mưa, kẻ che ô hối hả đi trên vỉa hè như thể họ đang cố gắng thoát khỏi cái rét ngoài đường để trở về ngôi nhà ấm cúng của mình.

Gia Linh ngồi trước bàn, đưa mắt nhìn ra ngoài trời. Cô cảm thấy không khí thật nặng nề và u ám. Chẳng biết làm gì để giết thời gian, cô đến tủ lục tìm cuốn Anbum rồi trở lại bàn mở ra xem lại những tấm ảnh cô đã chụp cùng đồng đội, cùng gia đình trong suốt thời gian qua để nhớ lại những kỷ niệm vui buồn… Vừa lúc, điện thoại di động vang lên. Cô hấp tấp vồ lấy máy, liếc nhìn màn hình rồi đưa lên:

- Alo, Gia Linh nghe đây.

Đầu giây bên kia, giọng của Phạm Long hồ hởi:

- Báo cáo chị. Em đã hoàn thành nhiệm vụ.

- Hả? Em nói sao? Nói lại chị nghe nào!

- Em đã tìm ra tung tích của đối tượng.

- Hả? Chính xác chứ? – Gia Linh ngồi thẳng dậy, mắt sáng lên.

- Thôi, nói trên điện thoại e không tiện. Bây giờ hoặc là em bay ra Hà Nội, hoặc là chị bay vào Đà…

 - Thế thì tốt rồi. Đợi chị, chị sẽ bay vào ngay!

Gia Linh nhìn đồng hồ. Bây giờ đã là 1 giờ 30 chiều, không biết có còn chuyến bay nào vào Đà Nẵng nữa không. Thần người ra một lát, cô sực nhớ tới người bạn có mẹ làm ở đại lý bán vé máy bay. Gia Linh bấm máy và rất may là cô gặp được ngay người bạn đó. Trao đổi với người bạn xong, cô đi đến tủ, lục tìm vài bộ quần áo và những thứ cần thiết cho vào vali, chuẩn bị lên đường.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, Gia Linh xách vội chiếc vali nhỏ, nhanh chóng ra khỏi nhà ga. Cô vẫy một chiếc tắc xi, kêu đến khách sạn Thái Bình Dương. Xe dừng trước cổng khách sạn, Gia Linh xuống xe, nhanh nhẹn đi vào. Cô nói với lễ tân, mình có khách đang chờ tại phòng 306. Người lễ tân mỉm cười, gật đầu và làm động tác mời khách. Loáng cái, Gia Linh đã mất hút trong cầu thang máy. Đến trước phòng 306, cô đưa tay bấm chuông. Có tiếng dép lẹp kẹp rồi cửa mở. Phạm Long đã đứng chờ sẵn, trên môi nở một nụ cười rất tươi:

- Chị nhanh thật đấy. Chị vào đi!

 Gia Linh vào phòng, dựa chiếc vali kéo vào tường, quay ra đã thấy Phạm Long ngồi trên ghế, tay cầm chai nước Vital đổ nước ra hai cái cốc đặt lên bàn. Gia Linh ngồi xuống ghế đối diện, uống nước cạn cốc nước mát rồi dựa lưng vào ghế:

- Chị đói lắm rồi. Hay chị em mình tìm cái quán nào đó, vừa ăn vừa bàn chuyện được không?

- Dạ được!

Hai chị em khóa cửa, xuống cầu thang, ra phố tìm tới một quán ăn tối.  Phạm Long nhường cho Gia Linh gọi món:

- Chị đi chợ đi!

Gia Linh cười:

- Em gọi đi! Gì cũng được. Chị đang đói hoa cả mắt lên đây này.

Phạm Long kêu người phục vụ bàn đến gọi món. Trong lúc chờ đợi, anh cho Gia Linh biết đã phát hiện được một người giống Trần Hoạt, hiện đang làm chủ cửa hiệu vàng bạc Phương Bắc trong thành phố. Qua tìm hiểu, người dân ở đây không ai biết tên thật của ông ta. Họ chỉ gọi ông ta với một cái tên vừa như trân trọng, vừa như mỉa mai "Thiếu gia". Thiếu gia có vợ rất trẻ, rất xinh và một thằng con trai chừng năm, sáu tuổi. Ông ta nói giọng Bắc...

 Gia Linh ngồi nghe, mặt mỗi lúc mỗi dãn ra. Phạm Long tiếp:

- Chị Linh này, có phải ông bị thọt một chân không?

- Hẳ? Em nói sao? Trần Hoạt bị thọt chân?

- Chắc chắn rồi. Em đã vào tận cửa hàng vờ xem hàng và quan sát, thấy bước đi của ông ta tập tễnh. Nghĩa là… bước thấp bước cao.

Gia Linh thở dài:

- Thế là công cốc rồi. Ông ta có dáng tầm thước, đậm người nhưng cân đối, chân tay bình thường, không có khuyết tật gì hết.

Phạm Long cũng ngẩn người và lây cái buồn của thân chủ. Lát sau, Long bảo:

- Chị đừng buồn. Sáng mai, chị em mình đến tận nơi xem sao.

- Chị xuất hiện? Sẽ đổ bể hết nếu đó chính là Trần Hoạt …

- Thế thì khó rồi... À, hay là thế này, chị sẽ ngồi trong xe, với ống nhòm chị có thể xác định xem đúng ông ta hay không.

- Em nghĩ sao nếu chị ngồi trên xe, khi có mặt tài xế mà chĩa ống nhòm về phía nhà người ta ?

Phạm Long ngẩn người. Bần thần một lát, anh xoay người lại, mặt rạng rỡ:

- A, em nghĩ ra rồi. Em đưa chị tới quán cà phê đối diện. Dùng ống nhòm, chị có thể quan sát được ông ta. Chỉ có thế chị mới xác định được đấy có phải là người chúng ta cần tìm hay không.

Gia Linh nhíu mày suy nghĩ giây lát rồi đồng ý. Hai người nhanh chóng kết thúc bữa tối rồi rời quán ăn, cuốc bộ về khách sạn.

Đêm ấy, hầu như Gia Linh không ngủ.

Sáng hôm sau, theo đúng kế hoạch, Gia Linh cùng Phạm Long đi trên một chiếc tắcxi tới khu vực gần nhà thiếu gia. Xe dừng, hai người vào một quán cafe có cái tên nghe rất thơ mộng Gió biển đối diện với hiệu vàng bạc đá quý Phương Bắc, nơi thiếu gia đang kinh doanh. Gọi hai ly cafe, hai chị em vừa ngồi vừa uống cafe và đưa mắt hướng về phía cửa hiệu.

Chủ cửa hiệu vàng bạc thấp thoáng trước quầy. Khách hàng vào ra thưa thớt. Ngồi một lát, Phạm Long rời quán đi sang cửa hàng. Còn Gia Linh nhanh chóng vào Toilets. Cô đưa vội chiếc ống nhòm hướng về "mục tiêu". Và khi hình ảnh chủ cửa hiệu được kéo lại rất gần, rất rõ trong ống kính, Gia Linh bỗng thấy người nóng ran và toàn thân run lên giận dữ. Đúng Trần Hoạt rồi, không thể nhầm lẫn được. Ít nhất cô đã chạm khuôn mặt này ba lần trong đời. Cả ba lần ấy, cô đã có đủ thời gian để nhìn thật kỹ bộ mặt đểu giả ấy... Đôi mắt dâm đãng và tàn bạo kia chỉ có chết cô mới có thể quên được. Nhưng tại sao hắn lại bị thọt chân? Câu hỏi ấy làm cho Gia Linh không thể rời ngay chiếc ống nhòm. Cô dán mắt ngắm Thiếu gia hồi lâu rồi quả quyết rằng "Đúng mày rồi Trần Hoạt. Cái nốt ruồi ở khóe miệng kia mày không thể lẫn với bất cứ ai khác được. Được lắm. Tao sẽ thanh toán sòng phẳng với mày!". Thu vội chiếc ống nhòm cho vào túi xách, Gia Linh trở lại bàn cafe. Cô lấy điện thoại phôn cho Phạm Long khi đó đang đứng rất gần Thiếu gia trong quầy vàng bạc.

Phạm Long rời cửa hàng. Anh cuốc bộ dọc vỉa hè hướng về trung tâm thành phố. Lát sau, một chiếc tắc xi chà tới đỗ xịch ngay trước mặt. Từ trong xe, Gia Linh nhoài người ra vẫy. Phạm Long mở cửa, bước nhanh lên xe. Chiếc xe lướt nhẹ trên đường phố, đưa hai người trở lại khách sạn.

Chiều hôm ấy, Gia Linh rời Đà Nẵng ra Hà Nội ngay. Rất phấn chấn vì đã tìm ra đích danh tung tích của kẻ thù, ngồi trên máy bay, cô lên kế hoạch "thanh toán" kẻ đã đẩy mẹ cô tới cái chết và đẩy cô vào vòng lao lý.

10

Khoảng 10 giờ sáng, một chiếc xe Mercedes sang trọng dừng lại trước cửa hiệu vàng bạc Phương Bắc. Từ trên xe, một người đàn ông tầm 30 tuổi, mặc bộ comple rất mốt mở cửa xe bước xuống. Anh ta xốc lại cổ áo rồi điềm nhiên bước vào cửa hàng vàng bạc sang trọng của thiếu gia. Nở một nụ cười xã giao chào chủ cửa hiệu kim hoàn lớn nhất miền Trung, anh đi xem một lượt những nơi bày bàn vàng bạc, đá quý. Lát sau anh dừng lại trước thiếu gia khi ấy đang đứng trước quầy bán Kim cương. Người đàn ông tươi cười:

- Ông có một cửa hàng khá tuyệt vời

- Cảm ơn ông quá khen. – thiếu gia lên tiếng.

- Tôi nói thật đấy, không khách sáo đâu. Xin tự giới thiệu, tôi là Huỳnh Minh, Việt kiều từ Nga mới về. Tuy vậy, tôi đã kịp đi khắp giải đất miền Trung này, nhưng hôm nay mới gặp được một cửa hiệu ưng ý. Và muốn gửi gắm nơi ông một việc.

- Ông nói thế là sao? – Trần Hoạt có vẻ sửng sốt hỏi lại.

- Thú thật với ông... tôi có đem theo một báu vật. Và nó xứng đáng được nằm trong cửa hiệu của ông. Nếu ông không từ chối, tôi sẽ nhờ ông trưng bày và bán giúp...

- Rất hân hạnh, thưa ông?

- Cảm ơn ông. Ông vui lòng đợi cho một lát. – vừa nói, người đàn ông tự xưng là Huỳnh Minh vừa rảo bước quay ra chiếc xe đang đậu trước cửa. Anh ta mở cửa xe rồi lấy từ đó ra một chiếc hộp khá lớn. Khóa cửa xe lại, Huỳnh Minh bưng chiếc hộp đến đặt trên chiếc bàn trước mặt Trần Hoạt. Đoạn, anh ta mở hộp lấy ra một vật gì đó được bọc trong một tấm nỉ màu đỏ thắm. Tấm nỉ dần được mở ra và trước mắt Trần Hoạt hiện ra một viên Kim cương cực lớn. Nó được đặt trên một giá đỡ rất kiểu cách, bên dưới ghi một dòng tiếng Nga "ALMAZ  METEORIT".

Trần Hoạt sửng sốt, trầm trồ:

- Ôi, Kim cương. Thật tuyệt vời!

- Thưa ông chủ. Đây không phải là loại Kim cương thường đâu. Đây ông xem. Hàng tiếng Nga này được hiểu là "Kim cương thiên thạch". Nghĩa là nó được thu lượm từ trong vũ trụ chứ không phải lấy từ trái đất của chúng ta...

Trần Hoạt:

- Có thể cầm nắm đước chứ?

- Ô. Xin mời ông!

Trần Hoạt mân mê khối Kim cương to gần bằng một chiếc đĩa cỡ lớn. Dưới ánh đèn chùm ở giữa gian hàng, viên kim cương ánh lên những màu sắc lung linh, huyền ảo trông thật mê hồn. Đôi mắt Trần Hoạt sáng lên, tỏ rõ sự thèm muốn.

Huỳnh Minh lịch sự:

- Như ban đầu đã nói, tôi đi nhiều nơi nhưng đây mới là nơi được chọn để viên Kim cương này dừng chân...

- Ồ, viên Kim cương tuyệt đẹp và cực kỳ quyến rũ... nhưng tôi tin mình không có đủ tiền để mua được nó.

- Rất có thể là như vậy. Vì thế, tôi muốn gửi nó ở đây. Ông sẽ bày nó ở chỗ kia – anh ta chỉ tay vào chiếc tủ rất kiểu cách, sang trọng đặt ở giữa gian phòng, nói tiếp:

- Với chùm ánh sáng này – anh chỉ lên trần. – viên kim cương sẽ trở lên rực rỡ, lung linh và huyền ảo hơn...

- Ôi không. Thưa ông, có lẽ... tôi không thể lưu giữ nó được vì nó quá giá trị... – Trần Hoạt làm ra vẻ một người lịch sự.

- Xin ông cứ bình tĩnh. Vì giá trị cực lớn của nó, nên khi gửi trưng bày, tôi sẽ trả công xứng đáng cho ông. Ông không thiệt đâu.

- Ông trả công cho tôi?

- Tất nhiên rồi, thưa ông. Cứ mỗi ngày viên kim cương ở đây, ông sẽ nhận được 100 triệu đồng tiền Việt nam. Nếu ông đồng ý, bây giờ tôi sẽ trả trước cho ông ba ngày. Mấy ngày nữa tôi sẽ quay lại...

Trần Hoạt nghĩ nhanh "mỗi ngày chỉ đứng chơi mà được nhận 100 triệu đồng, tội gì mà không nhận lời.". Tuy nhiên, ông ta buột miệng hỏi:

- Viên này ông định bán với giá bao nhiêu?

- Ô, vâng. Nếu có người hỏi mua, ông bán giúp tôi với giá thấp nhất là 30 triệu đô la Mỹ. Được giá đó, ông sẽ có 1 tỷ đồng tiền hoa hồng nữa đấy.

Ra vẻ suy nghĩ đôi chút, cuối cùng Trần Hoạt gật đầu nhận giữ và trưng bày viên Kim cương mà theo ông ta là "có một không hai trên quả đất này".

Ngay tức khắc, viên Kim cương được đặt vào trong chiếc tủ kính đặt trang trọng giữa gian hàng. Trần Hoạt khéo léo bài trí mấy ngọn đèn màu làm cho viên Kim cương càng lung linh và rực rỡ hơn.

Huỳnh Minh đề nghị Trần Hoạt ký vào bản giao kết giữa hai người về việc lưu giữ và trưng bày viên Kim cương qua một văn bản đã được in sẵn, trên đó có in hình màu ảnh viên Kim cương quý hiếm ấy. Chờ cho Trần Hoạt đọc rồi ký vào giao kết, Huỳnh Minh gấp văn bản cất vào túi áo véc. Anh ta mở cặp, lấy ra tập tiền Việt mệnh giá 500 ngàn đồng, giao cho ông ta:

- Đây là tiền công trông giữ trong ba ngày. Ông có thể đếm lại đi. Đủ 300 triệu đồng đấy.

Trần Hoạt cầm tập tiền, cười kể cả:

- Ta tin nhau mà ông. Phải có niềm tin thì làm việc mới lâu dài được.

- Cảm ơn ông đã gửi gắm niềm tin nơi tôi. Bây giờ tôi phải đi. Mấy ngày nữa, tôi sẽ quay lại. Nếu chưa bán được, tôi nhờ ông trưng bày tiếp thêm mấy ngày nữa. Và nếu vẫn không bán được, tôi sẽ đến xin ông để đưa nó ra nước ngoài. Tôi nghĩ, Việt Nam mình trong thời điểm hiện tại, hiếm người có đủ 30 triệu đô la Mỹ để mua được nó.

- Cứ yên tâm. Tôi sẽ cố gắng. Nếu có khách, tôi sẽ bán giúp.

- Cảm ơn ông. Tôi tin ở nơi ông. Bây giờ tôi xin phép.

Hai người bắt tay nhau rất chặt. Sau đó người đàn ông có tên Huỳnh Minh lên xe và chiếc xe nhanh chóng hòa vào dòng xe cộ đang ngược xuôi trên đường phố.

*

Không hiểu sao, từ hôm người đàn ông tên Huỳnh Minh đem gửi viên Kim cương thiên thạch ở đây, người đến giao dịch, mua bán tại quầy vàng bạc đá quý của Trần Hoạt đông hẳn lên. Trần Hoạt nghĩ, có lẽ đây là điềm tốt cho việc làm ăn của mình. Khách đến giao dịch, ai cũng trầm trồ khi được chứng kiên viên Kim cương quý hiếm đó. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, khách trong giới kinh doanh đến xem ngày một đông hơn. Chỉ có điều, khi nghe Trần Hoạt ra giá 50 triệu đô la Mỹ thì ai cũng lắc đầu. Họ hiểu rằng, viên Kim cương quý thật, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để sở hữu nó. Nhưng Trần Hoạt luôn nghĩ rằng, nhất định sẽ có một ngày, một đại gia nào đó sẽ xuất hiện và mua viên Kim cương này với giá 50 triệu đô la Mỹ. Nếu quả vậy, ông ta sẽ trở thành kẻ "ngồi mát ăn bát vàng" và đàng hoàng có trong tay 20 triệu đô la. Khi ấy, ông ta sẽ dẹp bỏ quầy hàng kinh doanh vàng bạc đá quý này đi và đưa vợ con trở lại Hà Nội sống một cuộc sống điền viên đến hết đời, không phải lăn lộn để kiếm sống như những năm tháng đã qua. Nghĩ thế nên cứ có khách lạ, Trần Hoạt lại đích thân ra tận cửa mời chào, chèo kéo khách và giới thiệu về viên Kim cương thiên thạch ấy một cách nhiệt tình, sôi nổi, không biết chán. Nhưng cái người có đủ điều kiện kinh tế để mua viên Kim cương đó thì vẫn chưa thấy xuất hiện.

Cuối ngày thứ ba, Huỳnh Minh lại xuất hiện. Trần Hoạt ra tận cửa đón Huỳnh Minh. Và khi nhìn thấy viên Kim cương vẫn nằm yên trong tủ kính, đôi mắt anh ta chợt buồn. Thấy vậy, Trần Hoạt động viên:

- Xin ông cứ yên lòng. Tôi tin, nhất định sẽ có người đến mua nó.

- Tôi cũng mong như thế. – im lặng một lát, Huỳnh Minh lên tiếng:

- Đành vậy. Bây giờ, tôi xin gửi ông tiền công của ba ngày tới. – vừa nói, Huỳnh Minh vừa lấy từ trong cặp ra một cọc tiền đưa cho Trần Hoạt:

Trần Hoạt lộ rõ niềm vui:

- Vâng, tôi xin ông. Ông cứ yên tâm. Thế nào việc của chúng ta cũng sẽ thành công.

- Cảm ơn ông chủ. Tôi luôn tin như thế. Cảm phiền ông nhé. Tôi lại phải đi rồi. Hẹn gặp lại.

Huỳnh Minh chìa tay cho Trần Hoạt. Họ bắt tay nhau rất chặt.

Xe của Huỳnh Minh đi rồi, Trần Hoạt mới cất tiền vào tủ, đoạn đi đến trước tủ kính, ngây người đứng ngắm viên Kim cương tuyệt mỹ ấy, trong lòng rộn lên một niềm vui mơ hồ.

Hai ngày nữa trôi qua. Khách đến xem viên Kim cương vẫn đông nhưng chưa có ai hỏi mua. Khi hỏi giá và được Trần Hoạt trả lời, ai cũng tỏ ra bất lực vì không có đủ số tiền lớn như thế. Trần Hoạt đã bắt đầu sốt ruột. Thực ra thì – Trần Hoạt nghĩ – nếu không bán được viên Kim cương này, ông ta cũng chẳng mất gì. Bởi ông ta đã cầm chắc trong tay 600 triệu đồng tiền mặt rồi. Nhưng dù sao bán được nó vẫn hơn. Phần vì ông ta được thêm 1 tỷ tiền hoa hồng, phần vì nếu chênh lệch được 20 triệu đô la nữa thì đời ông ta sẽ lên tiên.

Gần trưa của ngày thứ tư, kể từ khi viên Kim cương xuất hiện ở đây, khi đang đứng ở trước cửa quầy hàng, Trần Hoạt thấy một chiếc ô tô sang trọng đỗ xịch trước cửa. Một người đàn ông Tây từ trên xe bước xuống. Như thường lệ, ông ta nở một nụ cười rồi đưa tay mời khách một cách lịch sự. Người đàn ông chào lại Trần Hoạt bằng tiếng Việt với một giọng lơ lớ rất đáng yêu:

- Xin chào ông! Tôi muốn thăm quan quầy hàng của ông, ông vui lòng chứ?

- Ô, rất được. Xin mời ông! – Trần Hoạt làm ra vẻ lịch sự.

Vừa bước được mấy bước, người đàn ông ngoại quốc đột ngột dừng bước trước chiếc tủ ở giữa gian phòng. Mắt ông ta sáng lên và ông ta bước vội tới chiếc tủ kính trong có viên Kim cương đang lung linh sắc màu. Và ông ta độ ngột quay lại:

- Ôi tuyệt vời. Thưa ông chủ. Viên Kim cương này ông chỉ trưng bày cho đẹp, cho sang căn phòng này... hay ông có ý định bán nó?

Trần Hoạt như mở cờ trong bụng. Ông ta nghĩ, đây rồi, người đem hạnh phúc cho gia mình đã xuất hiện. Trần Hoạt cười tươi:

- Thưa ông. Viên này tôi trưng bày để bán đấy ạ.

- Ô. Vậy là tôi gặp may rồi. Tôi đã "truy tìm nó" ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng hôm nay mới gặp nó ở đây. Thật là hạnh phúc...

- Xin mời ông xem!

- Ô, không cần đâu. Tôi đã được biết về nó khá lâu rồi. Ông tin không? Tôi còn có cả ảnh chụp nó từ nhiều năm trước mà. – vừa nói, người đàn ông nước ngoài vừa lật đật mở cặp, lấy ra từ một cuốn sổ một  bức ảnh đã ố vàng chụp viên Kim cương, đưa cho Trần Hoạt. – ông xem đi!

Trần Hoạt đón tấm ảnh đưa lên xem, mỉm cười, rồi trao lại cho khách.

- Tôi cần mua viên Kim cương này. Ông có thể ra giá được chứ!

Không cần suy nghĩ nhiều, Trần Hoạt nhìn người khách nước ngoài với ánh mắt thiện chí:

- Tôi sẽ bán nó với giá 50 triệu đôla Mỹ!

- Hả? Ôi không, lạy chúa tôi. Không đến giá đó đâu. Ông đừng nói thách. Người Việt Nam các ông hay nói thách lắm đó.

Trần Hoạt nhìn người khách, thăm dò:

- Ông quả là người am hiểu người Việt chúng tôi. Vậy ông định mua nó với giá bao nhiêu?

- Quả thực viên Kim cương này rất quý, rất quý. Nhưng 50 triệu đô là quá đắt. Không đến giá đó đâu. Tôi chỉ mua nó cùng lắm với giá 40 triệu đô la. Ông đồng ý chứ?!

Nghe tới đây, Trần Hoạt mừng rơn. Nhẩm tính nhanh, ông ta cũng đã được lời 10 triệu đô rồi. Đúng là trời giúp. Tuy vậy, ông ta vẫn tỏ ra phân vân:

- Tôi e là không được, thưa ông.

- Ô. Ông lại làm khó tôi rồi. Thôi, bây giờ thế này đi. Tôi sẽ mua nó với giá 45 triệu đôla. Nếu ông vẫn không đồng ý thì tôi đành... chào thua.

Trần Hoạt ra chiều suy nghĩ rồi nói:

- Thôi được. Tôi đồng ý.

- Xin cảm ơn ông. Ông đúng là một người biết điều. – vừa nói, ông khách vừa có vẻ lưỡng lự. Thấy vậy, Trần Hoạt lên tiếng:

- Có việc gì không ổn, thưa ông?

- Ô không. Chỉ là vì hôm nay tôi không đem tiền ở đây. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ đặt cọc trước cho ông một khoản tiền để làm tin. Ông không từ chối chứ, thưa ông?

- Đặt cọc? Cũng được! Ông định đặt bao nhiêu ?

Ông khách vui vẻ:

- Ông vui lòng đợi tôi một chút! – vừa nói, người khách vừa bước nhanh ra phía chiếc xe ô tô đang đậu. Lát sau ông quay lại. trên tay là một chiếc vali. Ông ta mở vali, lấy ra mấy cọc tiền mệnh giá 500 ngàn, tiền VND đặt lên bàn:

- Tôi chỉ đem theo có ngần này thôi. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ dùng hết chúng để đặt cọc, được chứ ?

Nhìn những cọc tiền còn mới cứng được chằng buộc gọn gàng, trái tim Trần Hoạt như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đoạn, ông ta cầm từng cọc tiền lên. Trên mỗi cọc  đều đã ghi số lượng cụ thể. Hoạt cộng nhẩm, tất cả được 1 tỷ đồng. Quay ra vị khách nước ngoài, Trần Hoạt gật đầu:

- Thế cũng được. Tất cả chỗ này vừa tròn 1 tỷ đồng Việt Nam. Bây giờ chúng ta làm giấy đặt cọc chứ?

- Ôi, rất tốt, rất tốt. Ông viết giấy đi. Tôi đọc được tiếng Việt mà.

Trần Hoạt đi đến bàn, lấy giấy bút rồi cắm cúi viết văn bản đặt cọc. Vừa viết, anh ta vừa kín đáo đưa mắt liếc nhìn ông khách khi đó đang đứng ngắm viên Kim cương với ánh mắt ngất ngây. Lát sau, Trần Hoạt lên tiếng:

- Xin ông cho biết quý danh để tôi đưa vào văn bản.

Vị khách giật mình, quay ra:

- Tên ôi ư ? Ồ đúng rồi, tôi thành thật xin lỗi. Tên tôi là Copeland. Tên đầy đủ là Jon Copeland, quốc tịch Mỹ.

- Thời gian đặt cọc là bao nhiêu ngày, thưa ông?

- Ô, ông cứ cho ba ngày đi. – Copeland trả lời.

Viết xong biên bản đặt cọc, Trần Hoạt chìa về phía Copeland:

- Ông xem đi, rồi ký giúp vào đây.

Copeland cầm tờ giấy lên đọc lướt qua rồi đặt xuống bàn:

- Ô, ông làm văn bản quá chặt chẽ, thưa ông. Bây giờ ông phô tô thêm một bản nữa rồi chúng ta cùng ký, ok?

Trần Hoạt đem văn bản đến chiếc máy phô tô đặt ở góc quầy, bấm máy. Anh ta quay trở lại, đưa cho Copeland hai bản. Copeland đặt xuống bàn, rút bút ký đánh roẹt rồi trao lại cho Trần Hoạt. Trần Hoạt cũng rút bút ký vào đó và trao lại cho Copeland một bản. Cầm tờ giấy, Copeland mở vali cất vào đó rất cẩn thận rồi quay ra hỏi:

- Thưa ông, số tiền còn lại, ông định nhận bằng Đô la hay tiền Việt nam đồng?

- Ông trả cho tôi bằng Đô la được chứ?

- Ô, rất được, rất được. Tôi sẽ quay lại sớm. Nhưng ông nên nhớ là nếu ông bội ước, bán viên Kim cương này cho người khác hoặc không bán nó cho tôi, ông sẽ bị phạt và trả tôi đủ 2 tỷ đồng tiền Việt nam đấy. Mà tôi thì không mong muốn điều đó xảy ra, ông hiểu chứ?!

- Ông Copeland thân mến. Ông yên tâm đi. Người Việt chúng tôi trọng chữ tín lắm.

- Thế thì tốt. Tôi sẽ quay lại sớm. – vừa nói, Copeland vừa rút máy ảnh ra chụp lại viên Kim cương đang ánh lên đủ sắc màu trong tủ kính. Rồi ông ta quay ra bắt tay Trần Hoạt, trên môi nở một nụ cười tươi rói.

*

Copeland ra khỏi cửa hàng và lên xe phóng đi. Trần Hoạt vẫn chưa hết phấn chấn. Ông ta quay vào nhà như một người đang phê thuốc lắc. Phen này cầm chắc trúng quả rồi. Trần Hoạt vừa đi quanh nhà vừa huýt sáo miệng những giai đoạn không đầu không cuối. Đoạn, ông ta bấm máy gọi cho các chiến hữu khắp trong nam ngoài bắc, đề nghị họ cho mượn nóng số tiền có thể. Hoạt quyết gom đủ số tiền 30 triệu đô la trong thời gian nhanh nhất để ngày một ngày hai trả cho Huỳnh Minh và sẽ nhận từ Copeland 45 triệu đô. Như vậy, vị chi Trần Hoạt đàng hoàng bỏ trong túi 15 triệu đô. Đúng là trời thương, trời giúp rồi. Trần Hoạt càng vui hơn vì tất cả bạn bè đều hứa sẽ giúp anh hoàn thành doanh vụ này. Tất cả đều hứa sẽ chuyển vào tài khoản của ông ta đủ số tiền đô mà Trần Hoạt cần.

Năm giờ chiều hôm sau, người cuối cùng trong số những người bạn được Trần Hoạt lên tiếng mượn tiền thông báo cho biết, anh đã chuyển 6 triệu đô la vào tài khoản của Trần Hoạt. Để cho chắc chắn, sáng hôm sau, Trần Hoạt tức tốc điện thoại đến Ngân hàng ngoại thương, đề nghị kiểm tra số dư trên tài khoản của mình. Và khi Ngân hàng thông báo "Thưa, hiện tài khoản của ông có năm người mới gửi tiền đến. Số dư hiện nay là 21 triệu đô la Mỹ", Trần Hoạt cảm ơn rồi tự nhiên bưng mặt khóc rưng rức. Đó là những giọt nước mắt sung sướng và hạnh phúc. Sực nhớ câu nói của người đời "Nghèo thì lâu, chứ giầu mấy chốc", Trần Hoạt bỗng cười sằng sặc. Chí lý, thật là chí lý. Điều này quá đúng, chí ít là đúng với ông ta tại thời điểm này. Vừa lúc ấy, cô vợ Phương Trinh từ phòng trong đi ra. Thấy ông chồng đang cười sặc sụa mà hai hàng nước mắt đang chảy dài lên má, cô sợ hãi, bắt chéo hai tay trước ngực, trợn mắt mũi. Cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra với chồng. Bất giác, Trần Hoạt quay lại, bắt gặp vợ đang sợ sệt đứng đó. Ông ta chạy ào tới bên vợ rồi không cần ý tứ gì hết, Trần Hoạt bế bổng Phương Trinh lên quay mấy vòng trên không rồi từ từ hạ xuống, mặc cho cô vợ trẻ hốt hoảng kêu toáng lên:

- Kìa anh. Buông em ra. Có khách vào, họ nhìn thấy thì… ra làm sao.

- Mặc kệ người đời. Anh bế vợ anh chứ có bế vợ ai đâu mà sợ. Mà em yêu, em có biết tại sao anh vui thế này không?

- Có điều gì khiến anh kỳ lạ thế? Nói cho em biết được không?

- Anh sẽ nói cho em biết, nhưng không phải là bây giờ. Anh chỉ có thể nói sơ sơ thế này: "Vợ chồng mình đã bước một chân vào chốn Thiên đàng".

Phương Trinh chẳng hiểu mô tê gì hết. Nhưng lòng cô cũng lâng lâng vì thấy chồng đang rất hạnh phúc. Từ khi lấy nhau, có bao giờ chồng bàn bạc chuyện làm ăn với cô đâu. Mỗi lần hỏi, cô chỉ nhận được từ Trần Hoạt câu trả lời "Không phải việc của em. Việc của em là trông nom và nuôi dạy con. Ngoài ra em phải làm cho anh được vui, được sướng. Nếu không làm được việc đó, anh có vợ bé thì đừng có trách". Phương Trinh mỉm cười nhìn chồng:

- Thế hôm nay anh thích ăn gì, em sẽ chiều?!

- Hôm nay hả? Em cho anh ăn món gì cũng được. Mầm đá cũng ngon mà, nhá! – vừa nói, Trần Hoạt vừa sấn tới ôm cô vợ trẻ và hôn tới tấp, hôn liên tục lên đôi môi mọng đỏ, lên đôi mắt khép hờ và hôn lên chiếc cổ trắng ngần rất nuột nà cùng vầng ngực ngồn ngộn của Phương Trinh. Cô vợ trẻ lặng im, ngây người tận hưởng những phút giây hạnh phúc.

*

Mười giờ sáng hôm sau, một chiếc ô tô phanh két trước cửa quầy vàng bạc đá quý Phương Bắc của Trần Hoạt. Huỳnh Minh mở cửa xe bước xuống. Vừa bước tới cửa phòng, nhìn thấy viên kim cương vẫn nằm yên chỗ cũ, anh ta khựng lại, đôi mắt đượm buồn. Ngồi trong quầy, Trần Hoạt quan sát tất cả những biến thái trên khuôn mặt của Huỳnh Minh. Nhưng anh ta vờ như không biết. Làm như vô tình, Trần Hoạt từ sau tủ kính bước ra. Trông thấy Huỳnh Minh, ông ta cười tươi và cất tiếng:

- Chào ông Huỳnh Minh.

- Chào ông Trần Hoạt. Vẫn chưa có ai nhòm ngó gì về viên Kim cương này của tôi sao? Có thể ở đất này không ai có đủ ngân khố để quan tâm đến nó rồi. Nhưng cũng có thể bọn người buôn bán vàng bạc đá quý ở vùng này không có mắt. Thôi được, hôm nay ông cho tôi xin lại vậy. Sang tuần, tôi sẽ phải đưa nó ra nước ngoài thôi. Việt Nam không có đất cho nó rồi.

- Đừng quá bức xúc như thế, ông Minh. Đã có người tới hỏi mua nó rồi. Tôi bán chênh lên được không đáng là bao…

- Thật thế sao? – Huỳnh Minh nghi ngờ:

- Chúc mừng ông. Ông bán chênh bao nhiêu, tôi không quan tâm. Phần đó là của ông. Tôi chỉ lấy với giá đã rao bán ban đầu.

Trần Hoạt nhoẻn miệng cười, một nụ cười viên mãn.

Im lặng một lát, Huỳnh Minh nói như đùa:

- Thế bây giờ, tôi nhận tiền hay nhận lại nó đây? Thưa ông?!

- Ấy, nhận tiền chứ. Ông nhận tiền mặt hay chuyển khoản, thưa ông?

- Có lẽ chuyển khoản thì tiện hơn.

- Vậy thì ngay bây giờ, chúng ta cùng tới Ngân hàng chứ?!

- Ok. Tôi phải giải quyết ngay trong sáng nay. Buổi chiều, tôi mắc công chuyện rồi. – Huỳnh Minh phân bua.

- Vâng. Mời ông, ta đi thôi. –  quay vào trong nhà, Trần Hoạt gọi to:

- Phương Trinh!

- Dạ.

- Em ra trông cửa hàng, anh có việc phải ra ngoài một chút.

- Vâng ạ. Em ra ngay đây.

Và khi thấy người vợ trẻ đẹp thấp thoáng nơi cửa phòng, Trần Hoạt mới yên tâm. Anh ta cầm tay Huỳnh Minh cùng đi ra xe.

Tại Ngân hàng, Trần Hoạt đã làm thủ tục chuyển toàn bộ số tiền 20 triệu đô la Mỹ từ tài khoản của mình sang tài khoản được mang tên HOÀNG LAN, theo yêu cầu của Huỳnh Minh.

Khi công việc đã hoàn tất, giữ đúng lời hứa, trước khi chia tay nhau, Huỳnh Minh lấy từ trong catap ra một cọc tiền cao ngất ngưởng, trao cho Trần Hoạt:

- Đây là tiền hoa hồng của ông. Đủ 1 tỷ đồng đấy.

Nhận khoản tiền từ tay Huỳnh Minh, Trần Hoạt tỏ vẻ cảm động:

- Rất cảm ơn ông Huỳnh Minh. Ông quả là một người chu đáo.

- Có gì đâu. Tôi vốn là người sòng phẳng, thích sự công bằng. Tôi chỉ thực hiện lời hứa với ông thôi.

- Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Chia tay Huỳnh Minh, Trần Hoạt tỏ ra bịn rịn. Anh ta cầm tay Huỳnh Minh qua cửa xe, lắc mạnh:

- Tạm biệt ông Minh nhé. Có doanh vụ nào, ông cứ đến nơi tôi.

Huỳnh Minh cười tươi:

- Nhất định rồi. Làm việc với ông thật dễ chịu. Từ giờ đến cuối năm, có thể có doanh vụ mới, tôi sẽ tới gặp ông. Ta chia tay nhau ở đây nhé.

- Vâng, chào ông Minh.

Huỳnh Minh cho xe từ từ chuyển bánh rồi bon bon trên phố. Trần Hoạt vẫn đứng ở cửa Ngân hàng, đưa tay lên vẫy vẫy. Trên môi ông ta nở một nụ cười mãn nguyện.

Đi được khoảng 2km, "Huỳnh Minh" cho xe dừng lại bên đường. Anh rút di động ra bấm số:

- Alo. Gia Linh à? Anh báo cho em một tin vui: anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Em ra ngay Ngân hàng đi!

Đầu giây bên kia, giọng Gia Linh hồ hởi:

- Em cảm ơn anh. Em sẽ ra Ngân hàng ngay. Còn anh, anh bay ngay ra Hà Nội nhé Lê Quang!

- OK. Anh sẽ bay ra Hà Nội ngay chuyến trưa nay.

- Vâng ạ. Em đợi anh.

Chiếc xe lại tiếp tục chuyển bánh. Trên môi Lê Quang, người trong vai Huỳnh Minh nở một nụ cười. Anh đánh xe đến cơ sở cho thuê cách đó vài kilomet, trả xe cho chủ và bắt tắc xi ra sân bay.