Câu cá ở Trường Sa

Mấy hôm trước, anh bạn tôi mời sang dự bữa cơm nhân dịp được nghỉ hưu theo chế độ sau 33 năm trong quân ngũ.
truong-sa-1698292329.jpg
Đảo ở Trường Sa. Ảnh: internet

Nên tặng ông bạn đồng đội Trường Sa món quà gì? Tôi cứ đắn đo, cuối cùng quyết định: Mua cho hắn chiếc cần câu – thứ mà ngày xưa, khi còn ở ngoài đảo là một mơ ước! Nghĩ, tặng thế này mới hay, để khi hắn rỗi rãi, còn được ôn lại kỷ niệm một thời xưa cũ nơi tuyến đầu Tổ quốc: Trường Sa!

Câu cá là một thú vui, đồng thời cũng là một hoạt động cải thiện đời sống của anh em cán bộ chiến sĩ trên các đảo. Khi còn ở Đá Lớn, hầu như ngày nào chúng tôi cũng được câu cá; cứ lau chùi, bảo quản vũ khí xong là lại cầm lấy cần câu! Mà vũ khí thì có nhiều nhặn gì đâu – 15 anh em, mỗi người 1 khẩu AK 47, ngoài ra còn 1 khẩu pháo cao xạ …12,7 ly và 1 khẩu B41. Nên, cứ xong xuôi công việc là mắc mồi, đi giày, chụp kính lặn lên đầu rồi xuống biển. Biển, ngay dưới chân sàn. Đi cách nhà chòi khoảng 50, 60 m là buông câu. Phải câu xa, thì cá mới to! Toàn những con cá mú khoảng 0,4 – 0,5 kg. Giống cá này phàm ăn lắm, chỉ cần thả mồi câu ngay trước hang san hô là nó ra ngoạm lấy! Nhưng, người câu cũng phải thao tác thật nhanh; khi cá cắn mồi, quay đầu về hang là phải giật luôn, nếu để nó vào tới miệng hang san hô thì đứt ngay dây câu! Dây câu phải dùng cước khá to, đường kính khoảng 5mm mới chống chọi được với lũ cá có hàm răng sắc nhọn này. Có lần, tôi sơ ý, cá cắn câu rồi mà chưa giật lên đến lúc phát hiện nó đã vào đến cửa hang san hô. Thế là vừa gẫy cần – chiếc cần câu làm bằng một thanh tre, chỉ dài khoảng nửa mét vừa đứt mất lưỡi câu. Quay về, lấy lưỡi câu khác; lúc sau lại câu được chú cá vừa nuốt lưỡi câu của mình – đỡ tiếc!

Cá câu được hàng xâu dài vài mét, đem về, cắt đầu vứt xuống biển, nuôi các loại cá khác. Phần thân cá, rán sơ nấu me chua; hoặc luộc lên gỡ lấy thịt, xào với ớt bột, tiêu cho vào nồi cháo là được những bát cháo nóng hổi thơm phức, chỉ nghĩ đến nước miếng đã ứa ra!

Có lần cậu Hiếu – người Nha trang, vác cần đi câu; sau hơn một tiếng thấy mặt tái mét leo lên sàn nhà, ngồi thở. Hỏi, thì cậu ta bảo: Câu được một xâu hàng trăm con, nhưng đang hí húi tiếp tục tìm kiếm những con cá to hơn thì nghe: bụp, bụp… Mãi đến lúc quay nhìn lại xâu cá, thì ôi thôi, chỉ còn khoảng chục con, đằng sau mình là chú cá mập nhám đang lừng lững định xơi tiếp!

Bực mình vì lũ cá mập hỗn xược, chúng tôi quyết định “săn” bằng được! Thế là hí hoáy làm lưỡi câu, lưỡi câu được tạo bằng thông nòng AK đã bỏ đi. Uốn lưỡi câu thật khó khăn, vì loại thép thông nòng súng rất cứng! Chiều đến khi nước thủy triều sắp lên, mắc cả gần nửa con bạch tuộc nặng tới nửa cân vào một lưỡi. Và làm cả một giằng câu 5 lưỡi, 5 mồi; đưa vào hủm nước trong hồ, đóng 2 cọc sắt 2 bên rồi kéo dây cho thẳng. Xong xuôi, chúng tôi xoa tay chờ đợi thành quả... Nhưng đến sáng hôm sau, ra xem, thì ôi thôi; lưỡi câu đâu mất cả? Hóa ra, bọn cá mập mắc câu; chúng nó xoay vòng quanh để dây câu làm từ dù xoắn lại, rồi giật đến đứt! Tìm cách trị bằng được, lại lấy lõi cáp tàu để làm dây câu; tuy nhiên kết quả thì vẫn cứ là con số 0 tròn trĩnh! Lõi dây cáp tàu không thắng nổi sức mạnh của lũ cá mập. Thế là lại loay hoay tìm giải pháp! Chúng tôi lấy sắt phi 6, làm lưỡi câu, nhưng cuống lưỡi thì đánh thành lỗ, rồi nối với lõi cáp tàu theo kiểu quấn vòng. Bị mắc câu, anh chàng cá mập cứ xoay mãi, nhưng dây câu không đứt! Được hơn chục chú cá mập, từ đó anh em đi câu đỡ phải làm công không cho chúng ăn. Bắt loại cá này, chúng tôi chỉ cắt lấy vây rồi mổ bụng, lấy 2 buồng gan; rán thành dầu, còn lại thì trả về với biển khơi! Thịt chúng ăn khá gây, da lại nhám; cắt vây, mổ bụng chúng mà đã phải mài dao suốt; sức đâu mà lột da để lấy thịt?

Thú nhất là câu cá thu bè! Cứ đến giữa tháng âm lịch là anh em chúng tôi thửa dây câu thật dài, khoảng 100 m để câu loại cá “khủng” này. Mồi câu, phải thật dai, mới chịu đựng được cách ăn đặc biệt của nó. Nó cứ nhấc lên, để xuống thật lâu mới tha mồi lao đi; lúc ấy giật mạnh một chút để cá mắc câu. Mặc dù cá mắc câu rồi, nhưng không thể kéo ngay lên được vì rất dễ đứt dây cước, hoặc đứt môi cá.Món dây cước thì phải nâng niu từng ly, từng tí; bởi hàng nửa năm tàu mới ra một lần, đứt dây cước, lấy gì để câu? Khi thấy cá lao nhanh sau khi đã mắc lưỡi câu, thì thả dây để nó chạy trong tầm kiểm soát. Đến lúc nó uể oải thì kéo nhanh vào nhà chòi, móc tay vào hai hốc mắt cá; cá đau, nằm cứng đơ... thỏa sức mình kéo lên nhà! Loại cá này rất to, có con hàng 5 – 60 kg; thích nhất là ăn đôi mắt của nó.Mắt vừa béo, vừa ngậy, mềm; ăn vào đến đâu là biết đến đấy. Có đôi mắt, dành cho người câu 1 chiếc, anh em cứ phải oẳn tù tì mới được phần còn lại! Do cá quá to, thịt khô, khó ăn, chúng tôi cứ xẻ ra rồi phơi khô, lúc nào biển động mới đem ra dim nước mắm.

Giờ đây, gần 30 năm rời xa Đá Lớn, xa Trường Sa; mỗi lần được ăn cá biển lại nhớ đến những kỷ niệm một thời lính chiến, nhớ đảo thân yêu!

Viết những dòng này, tôi bỗng giật mình: Ở Cam Ranh, vùng 4 đang đưa quà Tết ra Trường Sa cho những người đang ngày đêm canh giữ biển trời, giữ từng tấc đảo thiêng liêng của Tổ quốc! Biển ơi, hãy hiền hòa để tàu ta ra khơi, mang đến cho đảo tình yêu của đất Mẹ Việt Nam yêu dấu!