Câu mực

Phạm Thông

03/06/2022 21:45

Theo dõi trên

Thuở nhỏ, vào những đêm hè không trăng, tôi thường ngồi hàng tiếng đồng hồ nhìn ánh đèn lấp lánh phía khơi xa. Đấy là dãi đèn câu mực giăng từ Cù Lao Chàm mãi tới Bàn Than, tạo thành một viềng hoa đăng rực rỡ trên biển.

cau-muc-1654267517.jfif
 

                                                  

 

Ngày ấy nghề câu mực ven bờ rất thịnh. Mùa câu mực diễn ra từ tháng hai đến tháng năm âm lịch. Mỗi chiều, tầm mặt trời sắp gát núi ngư dân dần thúng, bơi ra chớn 5 đến 7 sải nước, cách bờ độ ba bốn cây số. Đến nơi, trời chạng vạng tối họ bắt đầu chong đèn, thả mồi câu mực.

Câu mực là nghề nhỏ. Mỗi thuyền, thúng chỉ có hai lao động, ngư cụ gồm: một đèn gió (cái đuốc) hoặc đèn măng-xông để dụ mực tới; vài ống câu; vài cái vợt xúc mực. Có ba cách câu mực là câu xóng, câu rườn và câu suốt. Tuỳ theo cách câu, ngư dân thiết kế dây câu khác nhau.

Câu xóng là cách câu bình thường như câu cá vậy. Nơi lưỡi câu có móc hoặc buộc chặt một miếng mồi, khi thả câu thì ngón tay trỏ đợ dây câu theo dõi bằng cảm giác hoặc dây câu được buộc trên một cần câu rất nhỏ, ngắn độ nửa mét để mắt quan sát động tĩnh rất nhẹ của cần câu. Mực không nuốt mồi, kéo giật mạnh dây câu như cá mà chỉ bu vào con mồi. Qua cảm giác của tay trỏ hoặc chuyển động nhẹ của cần câu, ngư dân lần kéo mối cước, dìu mực theo mồi. Mực lên sát thúng, họ dùng vợt xúc rất nhanh. Xúc mực phải chú ý: có động, tua mực quạt nước lậơ tức phóng như hoả tiễn về phía sau. Vì vậy, vợt phải chắn vợt ở phía đuôi con mực. Trúng vợt, theo bản năng tự vệ, mực phun tú (túi mực) đen ngòm một vùng nước hòng trốn thoát. Với bàn tay điêu luyện của dân biển thì những chú mực ngây thơ bị phỉnh mồi kia không thể sổng nổi. Câu xóng thường ít chắc ăn. Vì, trong quá trình kéo câu, mực có thể phát hiện dấu hiệu không tự nhiên, bỏ mồi chạy vụt mất. Tuy nhiên câu xóng hay được loại mực thước to, ngon, đắc tiền hơn.

Câu rườn là dùng rườn giật móc mực. Rườn là ba lưỡi câu lớn buộc đấu lưng lại với nhau tạo thành cái móc ba chia, buộc phía dưới con mồi độ một gang tay. Mực bu mồi, ngư dân giật mạnh dây câu, mực dính vào rườn. Cách câu này chắc ăn hơn câu xóng. Câu rườn còn ưu điểm nữa là mực phun tú tự vệ dưới nước sâu, kéo lên đến nơi thì đã được rữa sạch, không bôi bẩn thúng.

Câu suốt là cách câu cá trác, cá bạc má, nục gai... nhưng có số ít người ứng dụng để câu mực. Phía dưới cùng dây câu có buộc một hòn đản. Ở phía trên hòn đản cứ cách một gang tay buộc một lưỡi câu có gắn lông tơ gà trắng. Khúc dây câu có mồi giả ấy dài độ hơn một sải tay. Người câu suốt thả dây câu rồi vừa vung tay theo vòng xoáy ốc vừa kéo lên. Hòn đản giằng dây câu, khúc nhợ có buộc mồi giả cũng chuyển động xoáy về phía mặt nước. Tưởng đó là bầy cá con đang tung tăng, mực lập tức lần theo bu mồi. Với bàn tay điêu luyện ấy, người câu mực phỉnh chúng đến sát mặt nước, bất ngờ dùng vợt xúc gọn. Nhiều lúc có bầy mực cả chục con bu theo, xúc một vợt được  năm bảy con. Trong một vạn chài chỉ có đôi ba người rất giỏi mới có thể bắt được mực theo lối câu này. Cứ vậy, người câu mực mắt căng theo ánh đèn, thả, kéo, xúc từ tối đến hừng đông mới bơi thúng vào bờ. Ở những thời điểm nhiều mực, một đêm mỗi thúng được cả trăm con gồm đủ loại: mực lá, mực ống, mực thước. Cũng có đêm gặp nước xấu, nước chảy, gió săn không có mực nổi, thức trắng đêm chẳng câu được mấy con.

Thời trước đời sống xã hội rất thấp, người ăn sành điệu rất hiếm, thị trường xuất khẩu hải sản chưa có. Làm được nhiều mực thì cũng chỉ bán chạy cho nậu rỗi hoặc để mấy bà vợ chạy chợ, gánh đổi khoai, lúa khắp các làng quê theo kiểu “hàng đổi hàng” của nền sản xuất tự túc, tự cấp. Ngư dân làm được con mực mắt thâm quần nhưng rất rẻ mạc. Bởi mực không phải là hàng hoá như ngày nay.

Ngày nay nghề câu mực ven bờ gần như biến mất. Thay vào đó là nghề câu mực xa bờ hiện đại hơn nhiều. Ngư trường câu mực hiện nay là hải phận Quốc tế. Tàu câu mực có trọng tải cả trăm tấn, vượt trùng dương cả ngàn dặm, nằm ở những vùng biển có độ sâu hàng nghìn mét nước như vùng biển Bắc Philipin-Đông nam Đài Loan. Ngư dân nằm ngoài khơi xa đó vài ba tháng mới vào bờ.

Để chuẩn bị cho một chuyến đi câu mực, trên tàu phải chứa hàng chục tấn dầu chạy máy thuỷ; hàng trăm ngàn lít nước uống và sinh hoạt; gạo mắm muối, thịt tươi, thịt họp, mỳ tôm, rượu, bia, thuốc lá và tất cả các vật dụng khác cần thiết cho cuộc sống của cả chục người trên biển, trong thời gian hai, ba tháng. Nói chung là phải có đủ tất tần tật, chỉ thiếu nụ hôn của phụ nữ mà thôi. Mỗi tàu chở theo từ bảy đến mười cái thúng chai cỡ lớn với đường kính vành miệng hơn hai mét. Tàu chạy cả tuần lễ mới đến ngư trường. Đến nơi, bạn thợ chọn điểm đánh bắt, cho dừng tàu. Trong quá trình đánh bắt phát hiện được ngư trường nào nhiều mực lại cho tàu chạy tiếp. Cứ như vậy tàu lang thang trên biển mấy tháng trời.

       Tàu lớn chỉ là phương tiện vận chuyển và nơi trú ngụ dài ngày trên biển còn phương tiện và cách thức trực tiếp để câu mực vẫn giống như nghề câu mực truyền thống. Khác ngày nay họ chỉ dùng một phương thức câu rườn. Khác nữa là mỗi thúng có một bình ác qui để chong đèn nê ông sáng rực thu hút được nhiều mực hơn xưa; và không thể thiếu một cái đèn nhấp nháy được treo cao giữa thúng, báo hiệu cho tàu chủ biết thúng đang ở vị trí nào và để tàu khác không bươn chìm. Mỗi thúng còn trang bị một bộ đàm để liên lạc.

Ở vùng khơi xa này rất nhiều mực, có những con mực nặng vài ba chục Kg, mắc câu nó có thể dẫn thúng chạy rất xa. Khi mực đuối sức ngư dân mới kéo được lên thúng.

Đêm câu mực, ngày mổ phơi. Một chuyến đánh bắt dài ngày, tàu chở về đất liền cả chục tấn mực khô. Chủ tàu thoả thuận với bạn thợ ăn chia theo phương thức: Sau khi trừ tất cả chi phí như dầu chạy máy, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tiền còn lại chia bốn phần cho chủ tàu, sáu phần cho công đánh bắt. Một chuyến đánh bắt, mỗi bạn thợ có thể nhận đến vài chục triệu đồng. Câu mực ngày nay thu nhập cao gấp nhiều lần so với lối hành nghề nhỏ lẻ, ven bờ ngày xưa. Đời sống của ngư dân biển ngang Quảng Nam đã được cải thiện rất rõ ràng so với trước.

Hiện nay ngư dân biển ngang Tam Thanh, Tam Kỳ hành nghề hiện đại hơn trước nhiều, họ đã mua sắm những con tàu hàng tỷ đồng để đánh bắt xa bờ. Ngư trường mở rộng, tàu bè lớn hơn trước, biển ngang không có chỗ neo đậu khi trở về bãi làng sau những tháng ngày đánh bắt ở phía khơi xa. Họ phải vào An Hòa, Núi Thành hoặc ra Đà Nẵng mới có cảng sâu cập bờ. Vì vậy, trong lúc trời yên biển lặng thì các vạn chài rất thiếu vắng đàn ông. Mà ven bờ thiếu vắng ngư dân trai tráng thì biển rất cô đơn. Cho dù tôi biết rằng đó là nỗi cô đơn nảy sinh trong thời công nghiệp song những dãi hoa đen rực rỡ của ánh đèn câu mực rất thủ công năm xưa vẫn còn lưu lại gần như nguyên vẹn. Đấy là ký ức đẹp của tuổi thơ. Và mỗi lần về biển, ngồi trên bãi cát quê hương trong những đêm hè thanh vắng, bỗng dưng tôi vẫn “vô lý” luyến tiếc cái thời biển nghèo mà thơ mộng năm xưa....

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Câu mực" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn