Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là công trình cầu cổ dân gian, có giá trị nghệ thuật, di tích lịch sử, văn hóa cao, được xây dựng theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu). Cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian. Cầu ngói Thanh Toàn được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1990.
Trải qua 250 năm tồn tại, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai nên cây cầu cổ này đang dần xuống cấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến công trình cũng như du khách.
Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt dự án trùng tu cây cầu cổ nói trên. Đến tháng 4/2020 công tác hạ giải được đơn vị thi công bắt đầu triển khai. Việc tu bổ di tích cầu ngói Thanh Toàn nhằm giữ gìn các yếu tố gốc, gia cường tuổi thọ, tính bền vững công trình. Bổ sung hệ thống hạ tầng nhằm phát huy các giá trị di tích và đảm bảo an toàn.
Để trùng tu cầu ngói Thanh Toàn đơn vị thi công sẽ dùng ván lát sàn bằng gỗ lim dày 3 phân chống vênh, cong chịu lực tốt so với lát sàn cũ dày 2 phân. Phần mái lợp sẽ dùng ngói âm ống men Thanh Lưu Ly có màu xanh lục phù hợp với nét cổ kính của cây cầu và cảnh quan xung quanh.
Bờ mái, bờ nóc, bờ quyết trang trí tinh xảo, cùng hai câu đối khảm sành sứ ở đầu cầu. Hệ thống cột trụ, cấu kiện bằng gỗ được sơn chống hàu, mối mọt nhằm tăng tuổi thọ cho công trình. Việc trùng tu, tu bổ sẽ dựa trên cơ sở nguyên trạng, tận dụng vật liệu gốc tránh làm “mới” cây cầu.
Cầu ngói Thanh Toàn do Trần Thị Đạo (người làng Thanh Toàn là vợ của một vị quan đầu triều xứ Thuận Hóa) bỏ tiền ra xây dựng. Đến nay, cầu đã trải qua 5 lần trùng tu sửa chữa.
Cầu ngói Thanh Toàn cũng là địa điểm được tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức các kỳ festival... /.