Cậu tôi – một người lính

Nếu còn sống, năm nay Cậu tôi đã 87. Nhưng Ông mất từ khi còn trẻ lắm, mới 34 tuổi thôi. Một buổi chiều hè năm 1968, bà ngoại tôi gần như khuỵu xuống, víu lấy vai thằng cháu ngoại là tôi khi ấy chưa đầy 15 tuổi trong thời khắc khủng khiếp nghe tin báo tử con trai mình dã hy sinh.
khoi-nhang-1627202543.jpg
 

Tôi lớn lên thì Cậu đã thoát li từ bao giờ, chỉ biết mình có một người Cậu đi bộ đôi, lứa tuyển quân “tình nguyện” cuối thời kì chống Pháp. Trong kí ức tôi, Cậu là một người Vệ quốc quân, một Anh bộ đội Cụ Hồ - thần tượng của bao lớp thanh, thiếu niên hồi đó. Trí nhớ tôi còn in đậm hình ảnh cậu: dáng người cao, khuôn mặt hiền lành rất ấn tượng, giọng nói lúc nào cũng nhẹ nhàng, rất lễ phép với người già và hết lòng yêu thương con trẻ. Cậu là người rất giản dị và dường như không giận ai bao giờ.

Những lần Cậu về phép tôi sung sướng lon ton chạy theo Cậu đi thăm bà con khắp xóm, mặt vênh lên hãnh diện, khi gặp bạn thì không quên chỉ tay vào khẩu K54 Cậu đeo bên hông (Những ai sống ở thời kì này đều rất quen với kiểu đeo súng lục của mấy chú sĩ quan, Cậu tôi chắc không thuộc dạng thích khoe nhưng hồi đó quân lệnh qui định súng là vật “bất li thân”). Về nhà Cậu làm cả những việc vặt để giúp Bà, giúp Mợ. Hồi bấy giờ tôi chỉ thấy lạ khi Cậu mình là một sĩ quan mà sao lại làm cả những việc “nhỏ nhặt” như giặt giũ, quét nhà… mà đàn ông trong làng rất ít khi nhúng tay. Sau này lớn lên tôi mới hiểu cái to lớn trong những điều rất nhỏ ấy. Cậu tôi là lính nhưng rất thích đọc sách và mày mò tự học. Những cuốn sách đầu đời tôi được đọc cũng chính do Cậu mang về cho tôi. Trong đó có cuốn “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết mà đến giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng trang mở đầu: “Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vừa có một giấc mơ thú vị. Chàng mơ thấy chính tay mình bắt sống được Sài Thung, tên sứ hống hách của nhà Nguyên khinh nước Nam bằng nửa con mắt. Tháng trước Sài Thung đi Sứ, tự tiện qua Tử cấm thành, lính canh cửa ngăn lại thì Thung cầm roi ngựa quất vào đầu người lính…” Những trang sách tung mù vó ngựa của đoàn quân chàng thiếu niên Vương gia chỉ huy đã một thời làm tuổi thơ tôi say đắm…

Mẹ tôi bảo rằng, Khi cậu tôi thoát li, trình độ Quốc ngữ cũng chỉ lớp năm, lớp sáu gì đó thôi. Vậy mà sau chừng hơn chục năm đi bộ đội Cậu tôi đã tốt nghiệp Đại học bách khoa Hà Nội (được quân đội gửi đi học). Trong tay có tấm bằng kĩ sư cầu đường, ông được nhà nước cử đi học tiếp trên đại học ở nước ngoài (NCS) để đào tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quân đội. Nhưng Cậu tôi đã đi con đường khác: Cậu nói với Bà Ngoại tôi “con đi đánh giặc trước đã rồi sẽ về đi học sau!” Đường Trường Sơn cần một số cán bộ có chuyên môn như Cậu đi khảo sát. Thế là, vừa tốt nghiệp Đại học bách khoa Cậu tôi được phong quân hàm thiếu úy và lên đường Nam tiến với tư cách là kĩ sư cầu đường của Bộ tư lệnh Công binh đảm trách kĩ thuật trong một đội quân không đông, lặng lẽ vào Nam. Tôi còn nhớ rất rõ, ngày hành quân đi B, được ghé qua nhà, Cậu đã để lại cho Bà tôi một chiếc chăn len màu cỏ úa mà thời ấy ít ai có được và nói: “Chiếc chăn này hôm các con lên đường, Hồ Chủ Tịch đến thăm và tặng cho mấy kĩ sư trong đội đó!” Sau này, khi Bà mất, chiếc chăn ấy vẫn được dì Út giữ dùng tiếp một thời gian dài nữa.

Mấy năm sau, cả gia đình tôi sung sướng đón Cậu đi B trở về. Cậu trở lại miền Bắc với một thân hình nguyên vẹn nhưng sức khỏe thì yếu quá. Bị sốt rét nặng lại sống giữa đại ngàn Trường Sơn lâu ngày, người cậu vàng vọt, mắt và môi thâm xịt lại. Anh “lính cậu” vừa qua mấy năm đại học ở Thủ đô, trắng trẻo, đẹp trai như thế giờ xanh như tàu lá chuối, mẹ tôi cứ ôm lấy Cậu mà kêu lên: “Em ơi, em ơi..!” Cậu chỉ cười: Em là người may mắn nhất đấy, chỉ sốt rét tí thôi, đội của em còn một phần ba trở về thôi chị! Sự gian khổ, ác liệt không tả hết của chiến trường Miền Nam thời đó đã cướp đi không ít sinh mạng của những cán bộ, chiến sĩ đi đầu mở đường chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của quân dân cả nước!

Thật thương cho Cậu, vừa chân ướt chân ráo từ chiến trường ra trong tình trạng đang sốt rét nặng như thế, ông phải đương đầu với một chuyện nhà khủng khiếp: Mợ tôi (vợ cậu) mang bầu với một người đàn ông khác! Khi cậu tôi cất tiếng hỏi bà ngoại tôi: “Lan đâu mẹ?” (Lan là tên mợ tôi) cả Bà, cả mẹ tôi, cả dì tôi… bỗng òa khóc như trẻ nhỏ. Đến lúc này tôi mới mang máng hiểu chuyện lâu nay người lớn cứ xì xầm. Rồi dì cả tôi lên tiếng trước, giọng chìm trong nước mắt (Ở quê tôi gọi chị của mẹ là dì chứ không gọi bác như ngoài Bắc): “Em về mà giải quyết chuyện con Lan, về mà tống cổ nó ra khỏi nhà! Em đi cứu nước mà nó ở nhà dám…”

Nhanh chóng đoán ra mọi chuyện, vẫn cái giọng hiền lành quen thuộc xưa nay, Cậu tôi nói rất khẽ: “Có chuyện gì mẹ và các chị bình tĩnh nói cho con biết. Mấy năm con ở chiến trường xa quá…” Bà tôi không khóc nữa, xếp lại mấy chiếc ghế chuẩn bị đón bà con bên xóm đang rục rịch sang thăm người lính chiến trường về quê… Mợ tôi từ phòng trong đi ra, 2 mắt đỏ hoe, nhìn Cậu rồi oà khóc nức nở. Cậu tôi vẫn rất bình tĩnh: “Lan cứ vào trong đi! Để anh tiếp chuyện mấy bác đang sang, vợ chồng mình sẽ nói chuyện sau.”

Cậu tôi chỉ tạt về nhà được vài hôm rồi lại đi (cậu bảo là ra Bộ). Tôi chỉ nghe thêm câu chuyện về Cậu – Mợ tôi một lần nữa khi Cậu tôi đến nhà chia tay bố mẹ và bọn nhỏ chúng tôi để lên đường ra Hà Nội. (Tất nhiên vì còn nhỏ tôi chỉ biết loáng thoáng, sau này lớn lên mới được nghe bố mẹ kể tường tận).

Mẹ tôi hỏi:

- Chuyện Lan em tính sao rồi? Nó đã phụ bạc thế em bỏ quách cho xong.

Vẫn cái giọng từ tốn vốn có:

- Em cũng buồn lắm anh chị ạ! Nhưng nghĩ cho cùng, tại em cứ đi biền biệt, lỗi của Lan cần được bỏ qua. Người ở nhà còn hi sinh hơn cả chúng em. Đây cũng là sự mất mát trong chiến tranh. Em là Đảng viên, em không thể làm điều thất đức.

“Là đảng viên, em không thể làm điều thất đức!” Trời ơi, Cậu tôi luôn nhớ phẩm chất của một người theo Đảng là phải làm điều đạo đức. Cậu chỉ muốn nhận phần thiệt thòi, mất mát về mình. Thời ấy “Người Đảng” đẹp quá, trong sáng quá! Sau này lớn lên tôi mới hiểu hết lòng vị tha, chất Nhân văn trong con người Cậu mà không phải người đảng viên nào cũng có được. Mà cái chất “Đảng viên” ở Cậu tôi sao nó gắn chặt được với chất “Người” đến vậy. Nếu ai cũng thấy, làm Đảng viên trước hết phải làm người đã, thì chắc chắn đất nước này sẽ vững bước trên con đường đến với văn minh, dân tộc này sẽ hạnh phúc biết mấy! Thật lòng, tôi đã chịu ảnh hưởng cậu tôi rất nhiều về hình ảnh một đảng viên- Một con người trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ để rồi sau này tôi vào Đảng cũng chỉ vì muốn được làm một con người thực sự!

Ngày 13-6-1968, Người Cậu yêu quí của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Bia đá trong Nghĩa trang liệt sĩ của xã trang trọng khắc dòng tên: Thiếu úy Nguyễn Xuân Kỳ, sinh: 1934, hi sinh: ngày 13-6-1968.

Chiều hè năm ấy, tại quân y viện 354 ở Hà Nội, vết thương tái phát cộng với cơn sốt ác tính đã khiến trái tim Cậu tôi ngừng đập. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Cậu đã để lại những lời trăng trối nhờ một cô y tá ghi bằng chiếc bút mực thời ấy gửi cho người em trai là cậu Nguyễn Văn Quí lúc bấy giờ đang tức tốc từ Phú Thọ về Hà nội gặp anh nhưng không kịp. Mấy dòng chúc thư ngắn ngủi nhưng hiện lên thật rõ chân dung một người lính của một thời kì lịch sử.

"Quý em!

Anh lỡ hẹn với em. Vì sự nghiệp cách mạng, anh phải hi sinh. Em đừng buồn, đừng phiền, đừng suy nghĩ về anh nhiều mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Gắng mà học, học xong về nuôi mẹ thay anh. Đừng để mẹ khổ! Em nói với mẹ, anh đã cướp công mẹ, anh xin lỗi mẹ. Xin chào các anh các chị, xin hôn các cháu lần cuối cùng.

Em về nói với vợ anh đi lấy chồng, anh không bao giờ về nữa!

Và em vào nói với các đồng chí trong bộ, nhiệm vụ cách mạng chưa hoàn thành nhưng anh không còn sức nữa, xin phép Đảng anh dừng lại đây!

Vĩnh biệt em!

Anh: Kỳ".