Cây ổi ngày thơ

Thật "buồn cười" tôi nhớ về cây ổi. Nay ngẫm lại thì cây ổi nhà tôi không hề là cây ổi ngon hay là cây sai quả gì. Chỉ đơn giản cây ổi này gắn bó một thời với tuổi thơ tôi.

Cây ổi mọc dại ở góc bờ ao, hình như từ thời bố tôi còn trai trẻ, bởi lẽ, khi tôi biết về nó thì thân nó đã to hơn cả cột nhà tôi rồi. Cây ổi nằm nghiêng nghiêng từ bờ mà hướng ra ao như người nghệ sĩ xiếc uốn mình xòa tay vuốt ve mặt nước. Xung quanh người nghệ sĩ ấy được bao bọc bởi hai bụi tre um tùm. Nhờ vậy mà "bạn quý" của tôi ít bị người qua đường hái trộm.

Gốc ổi to hơn bắp đùi tôi, rất rắn chắc, da màu đậm như đùi chiến binh da đỏ. Tùy mùa mà có đợt nó bong lớp vỏ ngoài ra, tựa như mấy loài giáp xác thay da cho mau lớn. Da nó nhẵn bóng, khi đặt chân vào có cảm giác trơn trơn, man mát chứ không có xù xì như cái thân cây khế chua ở góc bờ bên kia. Thỉnh thoảng leo lên, tay cầm cành ổi, chân giậm vào thân làm cây nhún nhảy áp xuống gần mặt ao, rất là thích. Ấy vậy mà nó rất dẻo dai, chưa từng gãy bao giờ.

cay-oi-1649727141.jpg
Ảnh minh họa do tác lựa chọn.

Khi hè tới thì anh tôi đem dao rạ ra chặt cành to như cái bắp tay tôi để làm cù. Ngày nhỏ tôi cũng thích chơi cù, nhưng chỉ sợ không may nó văng lên mặt. May mắn cho tôi ngày đó chưa bị cù bay lên mặt lần nào, chứ bạn tôi thì đã có đứa từng bị u đầu. Cù làm từ gỗ ổi rất tốt. Anh tôi đẽo đều rồi gọt cho thật nhẵn, thật tròn. Cù gỗ ổi thường nặng, khi quay thường rất lâu, lại bền. Nó cũng gan cóc tía khi bị con cù khác mổ vào đầu. Cù ổi chơi chán, cất để tận mùa sau vẫn còn dùng tốt.

Cây ổi dại quả cũng không to, nó thường bằng cái nắm tay của tôi hồi đó. Khi quả to lông lống, tôi cũng hay hỏi thăm nó lắm. Chân tôi xoạc từ bờ mà vươn ra thân nghiêng của nó. Mà phải khéo léo, vì xung quanh cây ổi là hai bụi tre gai, dễ bị chúng cào cấu như chơi. Tôi thường dùng móng tay cái bấm vào kiểm tra xem nó đã chín chưa. Vì vậy mà ở cuống và đít quả, đầy những dấu móng tay tôi. Bẵng đi mấy hôm bận học quên đi em ổi, y như rằng ra thăm được cơ man là ổi chín, ổi ương. Thường thì tôi vặt ném sang bên bờ cho em gái để nó dồn lại, đem vào nhà ăn cùng với mẹ.

Ổi khi chín da cũng phơn phớt vàng, khi ăn vị cũng hơi ngòn ngọt, chua chua. Em gái tôi thì thích cái màu hồng hồng đèm đẹp của ruột ổi. Mẹ thì không thích loại ổi này vì nó rất nhiều hạt. Nhưng mẹ vẫn bảo "ăn cũng được". Bà tôi chỉ thích giữ quả ổi chín, bà đem đặt vào đầu giường để ngửi mùi thơm thơm của nó. Mỗi khi thấy mùi thơm đậm của nó, anh tôi lại trêu bà bằng bài thơ về hương ổi:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se...

Mà đúng là khi để lâu, mùi hương ổi từ thơm thành khó chịu.

Những ngày hè, tôi cùng bọn bạn cũng hay leo qua cây ổi chơi. Nhưng nó nhụng nhịnh cứ muốn xô bọn tôi xuống ao nên tôi cũng hơi sợ. Không phải sợ rơi xuống ao, vì nếu có rơi tắm luôn cũng thích. Chỉ là chỗ dưới cây ổi có cả những cành tre gai và gốc cây dứa gai, ngoài ra góc ao đó rậm rạp rất dễ có rắn ở. Vì vậy mà chúng tôi hay rủ nhau sang góc ao có cây khế chua chơi vui hơn.

Lá ổi được phát huy nhất vào dịp tết khi bố giao cho leo hái về gói nem. Mùa tết thì lá ổi lại vừa già vừa xấu. Tôi thường phải lựa níu cành xuống để chọn lá bánh tẻ, sao cho không được già, nhưng phải to to, dài dài gói vừa cái nem. Đôi khi lười quá, tôi hái vội luôn cả cái đọt non. Ấy vậy mà khi dỡ nem ra, chúng tôi rất thích ăn cái ngọn non đó, nó chan chát, mềm mềm lại bùi bùi.

Cây ổi dại không có tác dụng kinh tế gì nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến đất vườn nhà. Những ngọn ổi lại được dùng như một vị thuốc chữa đau bụng. Cây ổi đã gắn bó với tôi suốt quãng tuổi thơ. Rồi thời gian trôi, tôi lớn lên xa dần cây ổi. Cuộc sống tang hải, nhà cửa cũng đổi thay, khi nhớ về cây ổi thì nó đã bỏ về sống trong miền kí ức của tôi tự lúc nào.

Đôi khi ăn những quả ổi ngon nhớ về ngày xửa ngày xưa có cây ổi làm bạn, thấy thật tuyệt vời có kí ức đẹp bên nhau. Ngày ấy chẳng có Zalo hay Facebook... những trò chơi dân dã cùng lũ bạn, cây cối vườn nhà cũng để lại biết bao niềm vui. Hạnh phúc giản đơn của một thời tuổi ngố, đến hôm nay hồi lại cũng thấy thật lâng lâng.

Chuyện làng quê