CCB, Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung: "Hội chứng Tơ Vò"

CCB, Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung

10/01/2024 11:16

Theo dõi trên

   Lời BBT: CCB Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung, 84 tuổi là tác giả hai bài thơ nổi tiếng được Phạm Tuyên phổ nhạc “ Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”là những bài ca đi cùng năm tháng, sau khi đọc tiểu thuyết Tơ Vò  (Xuân Vũ, tức Vũ Xuân Bân), có bài viết “Hội chứng TƠ VÒ”. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tiểu thuyết đầu tay Tơ Vò  của Xuân Vũ (tức Vũ Xuân Bân) được NXB Hội Nhà văn xuất bản mùa Thu năm 2018 đến tay bạn đọc. Rầm rộ trong dư luận xã hội rộng rãi, nhất là ở quê tôi từ đó cho đến nay trở thành “Hội chứng Tơ Vò”.

Tôi quê ở Thượng Trưng, ‘Phủ Vĩnh Tường’ – Vĩnh Phúc nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của bạn bè văn nghệ sĩ, hỏi đã đọc Tơ Vò chưa ?.

bvd4a-1704859221.jpg

CCB, Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung (bên phải) và tác giả tiểu thuyết Tơ Vò Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân). Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng.

Đến tháng 4/2021, nghĩa là phải sau hơn hai năm tôi mới có Tơ Vò trong tay do chính tác giả ký tặng. Những năm trước chỉ nghe dư luận rỉ tai nhau tác giả là một Nhà báo từng trải. Đây là tiểu thuyết đầu tay, in 1000 bản, chỉ trong thời gian ngắn đã bán hết sạch. Nhiều người ở quê không chờ đợi mua được bản chính đã mượn bản gốc phô tô hoặc mua bản photocopy với giá còn cao hơn bản chính để đọc. Cái gì làm nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết Tơ Vò ? Theo tôi, Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Tơ Vò chính là sức hấp dẫn của sự thật đang diễn ra ở địa phương lâu nay bị bưng bít, làm méo mó mà nó đem lại cho độc giả hiểu đúng sự thật và hướng xử lý. Trong những năm trở lại đây, văn hóa đọc đã được dư luận “kêu cứu”. Vì “văn hóa đọc trên điện thoại thông minh” và “công nghệ nghe nhìn” lên ngôi chiếm lĩnh thị trường sách in. Nói như vậy không có nghĩa là không còn người đọc, còn tùy thuộc vào tác giả và tác phẩm. Ví dụ như trường hợp Nguyễn Nhật Ánh viết cho lứa tuổi teen. Trần Mai Hạnh " Biên bản chiến tranh 1,2,3,4...75" xu thế của bạn đọc  sách hiện nay nghiêng về văn học tư liệu. Như nhà thơ Hữu Thỉnh dự báo thế kỷ XXI là thế kỷ của “văn học tư liệu”. Tơ Vò cũng thuộc dạng tiểu thuyết tư liệu được tác giả sâu chuỗi các nhân vật gắn với các sự kiện một cách khéo léo ở một tỉnh diễn ra trong nhiều năm liên tục.

bui-van-dung-1-1704859955.jpg

Tác giả Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân - bên phải) tặng CCB, Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung tiểu thuyết Tơ Vò tại tư gia nhà thơ. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng.

 

          Địa danh đề cập trong tiểu thuyết Tơ Vò là dạng sáng tác văn học không nêu đích danh một địa phương nào, mà lấy bối cảnh chính là một tỉnh tái lập qua gần 4 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu đảng bộ. Là một tỉnh được tách ra từ tỉnh lớn sau bao nhiêu năm sáp nhập  bùng nhùng miền đông, miền tây và cũng rất Tơ Vò.

          Kể từ khi tái lập tỉnh sau 3 đời Bí thư tỉnh là do Trung ương tiến cử. Đến Trần Bố mới là người địa phương “tự đào tạo bí thư” đứng đầu tỉnh. Nói như vậy để thấy tình hình nhân sự cho vị trí quan đầu tỉnh này, cũng như các vị trí ghế quan cấp tỉnh là có vấn đề. Trong Tơ Vò, tác giả đề cập song song hai yếu tố liên quan đến nhau đó là những vụ việc ồn ã xẩy ra và những “quan tham” có dính líu đến các vụ việc ấy.

          Trên  20 nhân vật có mặt trong Tơ Vò, xem ra chỉ có Trương Tồn và Phụng Tiên là tồn tại xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm.

          Cơ chế thị trường có 2 mặt. Làm đúng nó sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và ngược lại. Cơ chế “xin - cho” giữa doanh nghiệp và quan chức có quyền đẻ ra tham nhũng. Tham nhũng rất đa dạng và phong phú, cả trắng trợn và tinh vi. Tham nhũng của cải, vật chất, tham nhũng quyền lực, tham nhũng bằng cấp… trong đó  tham nhũng quyền lực được tác giả sâu chuỗi khá điển hình, đậm nét nhất.

          Những vấn đề đề cập trong Tơ Vò ở phạm vi biên độ rộng các mối quan hệ chằng chịt lợi ích nhóm. Để hạ bệ đối thủ, Trương Tồn không từ một thủ đoạn nào, thậm chí lợi dụng cả bố đẻ (trước đây nguyên Bí thư tỉnh lớn) đứng ra viết đơn tố cáo đồng sự. Những vụ việc xẩy ra chủ yếu về đất đai, hoặc là tự mình tham nhũng về tội " nuốt đất" như Thạch Phí hoặc họ nhân danh nhà nước về quyền sở hữu, và vì vậy họ dùng bộ máy nhà nước có thể thu hồi đất của nông dân với một giá rất thấp rồi dùng quyền của mình biến đất đó trở thành đất xây dựng, trao lại cho nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư đó chắc sẽ phải có một động thái đi " cửa sau" để làm vừa lòng chính quyền.

          Điển hình là Công ty cổ phần sông Cái - Đô thành có khu du lịch sinh thái Bắc Hồ Cò rộng gần 100 ha. Rồi đến một vị đại gia thế hệ 7X là người ở tỉnh này mà trong tiểu thuyết Tơ Vò gọi là  là Trịnh Quỳ, người dân nơi đây gọi là “Quỳ Còi” khá nổi đình, nổi đám là chủ tịch HĐQT một tập đoàn kinh tế với cái tên viết tắt 3 chữ cái bằng tiếng Tây mà dân làng gọi là “Cô ty lưa” được bơm thổi lên như cồn nhờ truyền thông mà khi đó hắn đang ở đỉnh cao, mà mấy tờ “lá cải” ngợi ca “giàu nhất nước” trên sàn chứng khoán thì tác giả Tơ Vò đã dự báo kiểu cách làm ăn “chộp giật”, “lừa đảo” sớm muộn hắn sẽ vào “nhà đá” bóc lịch. Dự đoán trên trong tiểu thuyết Tơ Vò là chuẩn xác. Nguyên mẫu trong tiểu thuyết Tơ Vò mà tác giả mô tả trong Chương III từ trang 59 đến trang 100, đến nay đã bị bắt tạm giam về tội “thao túng thị trường…” và “lừa đảo…” cùng một số đồng phạm.

          Hắn là 1 thầy cãi, có công ty luật riêng hẳn hoi, chắc là chẳng kiếm chác được gì nhiều nên chuyển hẳn sang làm kinh tế dựa vào các quan có quyền thế “thân hữu” để "nuốt đất” của dân. Không những Trịnh Quỳ dùng mánh khóe luật sư lừa dối "nuốt đất" nông nghiệp ở chính quê hắn để xây dựng resort 5 sao mà xa hơn nữa nhờ mối quan hệ “thân hữu” với người họ “trịnh” đứng đầu tỉnh miền Trung chống lưng, hắn định chiếm nốt vài ba km bờ biển vốn là nơi kiếm sống của ngư dân vùng bãi  biển này để làm du lịch sẽ không còn bến thuyền neo đậu mưu sinh. Bị dồn vào chân tường ngư dân bức xúc đấu tranh đòi không được tự nhân hóa bãi biển, bờ biển, bến thuyền neo đậu truyền thống của ngư dân. Vị quan đầu tỉnh đã chùn bước buộc phải đối thoại với dân, tạm bỏ ý định giao vài ba km bờ biển cho tập đoàn kinh tế Trịnh Quỳ quản lý. Vị đứng đầu tỉnh này đã bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

 Tuy là “đại gia” nhưng Trịnh Quỳ cũng như cha mẹ hắn  ở quê bị mọi người coi khinh. Cả nhà Trịnh Quỳ bị dân làng cô lập. Làng xóm có việc gì cũng không ai mời cha mẹ Trịnh Quỳ. Cha mẹ hắn có đến dự cũng không ai chào hỏi, đều xa lánh, ghẻ lạnh. Việc hiếu, việc hỉ trong làng, cha mẹ Trịnh Quỳ có đến dự ngồi mâm cỗ hoặc bàn trà nào, dân làng đều tự động đứng dậy bỏ đi để cha mẹ hắn ngồi trơ một mình một mâm. Không ai thèm đến gần, chuyện trò, thăm hỏi, cha mẹ Trịnh Quỳ cảm thấy giống thân phận như kẻ làm “mõ làng” thời phong kiến.

          Trịnh Quỳ " giỏi giang" giàu có, do thiên hạ không biết gốc gác hắn nên trọng vọng hão. Chứ ở làng quê này, hắn là thằng mất gốc. Dù cố tình dùng xảo thuật để che lấp nhưng sự dối trá, mất gốc của hắn cuối cùng vẫn lòi ra. Gieo nhân nào gặp quả nấy. Cha mẹ hắn đang phải gánh chịu hậu quả, bị làng xã tẩy chay, sống trong nỗi cô đơn và lạc lõng. Nhục đến thế là cùng !

          Nhưng hài hước nhất là vụ án trang trại Đồng Cam, thực tế đây chỉ là vụ dân sự hành chính. Nhưng với những mưu mô “thôn tính” lẫn nhau để loại đối thủ, họ nâng lên thành vụ án hình sự để giành lấy ghế chóp bu cấp tỉnh mà vụ án kéo dài 10 năm. Qua vụ án trang trại Đồng Cam bộc lộ nền pháp chế có vấn đề cần phải chấn chỉnh lại. Họ thấy sai hoàn toàn nhưng không ai dám sửa. Qua mấy lần xét xử, vị kiểm sát viên gần như trích dẫn lại những cáo buộc và nhận định của các bản cáo trạng lần trước để khẳng định các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội " Lợi dụng chức vụ quyền hạn  trong khi thi hành công vụ”. Khi mà yếu tố vụ lợi của hầu hết các bị cáo đã không còn tồn tại, yếu tố thiệt hại chưa xẩy ra mà vẫn thành án.

          Một điều bất thường của vị chủ tọa phiên tòa có lẽ không hiểu rõ vị trí của mình về quyền thân nhân để không cho phép được quay phim, chụp ảnh cá nhân ông và các vị tham gia tố tụng. Đến nỗi  các phóng viên bức xúc thẳng thắn bảo: Chúng tôi chụp ảnh các ông tại phiên tòa này là chụp hình Nhà nước pháp quyền mà các ông là người nhân danh, đại diện không phải hình ảnh cá nhân ông. Nếu là cá nhân các ông đã không được ngồi đây để xét xử, phán xét. Nhưng vị chủ tọa vẫn không đồng ý. Giới truyền thông và mấy vị luật sư bào chữa tham dự phiên tòa hôm đó đều ấm ức lẩm bẩm: Đúng là “tòa tỉnh lẻ!”

           Phiên tòa phúc thẩm lần 2 kết thúc. Những lỗ hổng pháp lý của hồ sơ vụ án trang trại Đồng Cam tiếp tục được bỏ qua. Những người đã từng tham gia tiến hành tố tụng vụ án này có thể thở phào nhẹ nhõm vì vụ án đã được khép lại. Nhưng bị cáo Ngô Quyên tiếp tục khiếu nại giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm lần 2 này. " Cuộc chiến pháp lý" vụ án trang trại Đồng Cam vẫn rối như tơ vò phải đợi giám đốc thẩm. Số phận của Ngô Quyên và những bị cáo, cùng những người tham gia tố tụng vụ án chưa có hồi kết mà tác giả có thể viết tiếp trong tập tiếp theo.

          Tôi muốn đề cập đến "Quy luật quả báo" trong tiểu thuyết Tơ Vò. Đó là Phạm Vấn, nguyên Bí thư tỉnh và Ngọc Hồn nguyên Chủ tịch tỉnh, cả hai nghỉ hưu chưa được bao lâu thì có kết luận của Ủy ban kiểm tra cấp Trung ương được công bố trên các phương tiện truyền thông về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban thường vụ Tỉnh ủy, của Phạm Vấn, Bí thư và Ngọc Hồn, Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đến mức phải thi hành kỷ luật. Ngọc Hồn bị cảnh cáo về Đảng, còn Phạm Vấn thì nặng hơn, bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng và Bí thư Tỉnh ủy.

          Tác giả khắc hoạ hai nhân vật Phạm Vấn và Ngọc Hồn khát sát với đời thực ở địa phương. Tưởng về hưu, hạ cánh an toàn, không ngờ cuối đời hai vị đứng đầu tỉnh một nhiệm kỳ lại bị một vết nhơ do bị cuốn hút vào dòng xoáy " tham thì thâm". Từ đó, Phạm Vấn nhiều đêm không ngủ được, tóc bạc trắng, người gầy rộc, ít khi ra đường, chỉ ru rú trong nhà. Nhiều lúc bị ám ảnh, tự vấn bản thân có phải khi còn đương nhiệm xẩy ra vụ cây sưa cổ thụ trong khuôn viên tỉnh ủy, nguyên là đất chùa thiêng " bị bức tử” đem bán nên bị quả báo, hậu vận mới ra nông nổi này ? Không chỉ con trai bị hư hỏng sớm mà bản thân cuối đời bị “trời - Phật quở trách”.

          Một nhân vật có tên tuổi trong hàng ngũ quan cấp tỉnh là Phụng Tiên - nguyên Giám đốc cơ quan quan trọng khi còn công tác, sống “cạn tàu ráo máng” với cấp dưới, với mọi người, khi về nghỉ hưu sớm rơi vào thế cô độc, không người thăm hỏi. Ngày lễ tết, ngày thương binh liệt sỹ, Phụng Tiên đem tiền đến ủng hộ nhưng tổ dân phố đã từ chối vì cho rằng đồng tiền của hắn bẩn thỉu nên không nhận. Hắn ít ra đường, nhà hắn làm 3 lớp cửa cổng đều gắn ca mera, có chuông báo động chống đột nhập. Đầu óc hắn bị trầm cảm, ám ảnh bởi triết lý " ác giả, ác báo" lo sợ có thể bị trả thù. Một lần đi làm về, vợ hắn thấy thằng chồng vẫn quần áo mũ mãng chỉnh tề quân hàm tươi rói đang rán mắt vào màn hình có gần chục khuôn hình Đông Tây Nam Bắc xung quanh nhà đề phòng có " thích khách" từ bên ngoài đột nhập. Vợ hắn bảo có ma nào đến với ông mà xem. Chỉ có mấy đứa hay ném cứt vào nhà khi ông ngủ nó mới ném chứ sáng thế này ai nó đến mà rình. Vợ hắn bảo bây giờ ông nghỉ hưu hết thời rồi, đến con chó nhà này nó còn cãi lại ông đấy. Nó muốn ra ngoài đực cái, ông không cho, có ngày nó cắn cả ông đấy. Ông xem bây giờ đi ăn cưới có thằng cấp dưới nào của ông ngày xưa thèm ngồi với ông không ?.

          Chi tiết rất đắt mà tác giả mô tả hoàn toàn có thật là ngày tết không còn ai đến chúc mừng, Phụng Tiên đành bỏ ra 10 triệu đồng thuê vị lái xe cũ đến chơi từ Giao thừa đến hết mồng 3 tết. Hắn trở thành cô độc theo triết lý nhà Phật, từ xưa đến nay, thiện ác tất có báo ứng.

          Còn cựu Phó chủ tịch tỉnh Hoàng Trương Cù, nguyên là giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chuyên rao giảng đạo đức làm người thì cuối đời bị lừa “cả tình lẫn tiền” mà dân tỉnh này ai cũng biết thì đau đớn ca thán:  Về hưu như chết lâm sàng. Và khi buồn ghé cơ quan  chơi / để xem bạn hữu chào mời ra sao/ chỉ chú bảo vệ ra chào/ nơi đây công sở bác vào tìm ai ?

          Đến lượt Tự Túc, nguyên là Thường vụ, Phó chủ tịch tỉnh và Trương Tồn, nguyên Phó bí thư thường trực, trưởng đoàn đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ 2015-2020 trúng cử ban chấp hành Tỉnh ủy khóa mới thuộc diện đội sổ. Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020 kỳ họp thứ nhất, các chức danh đứng đầu các cơ quan, đơn vị của UBND tỉnh cũng được bầu không có Trương Tồn và Tư Túc. Trong kỳ họp đầu tiên HĐND khóa mới cả Trương Tồn và Tư Túc đều được mời dự với tư cách là khách mời nhưng xấu hổ quá, cả hai đều không đến dự.

          Thật xúi quẩy, Tư Túc bây giờ chỉ còn là tỉnh ủy viên, hạ cố xuống làm Giám đốc Sở khoa học trí tuệ được hơn một năm thì đổ bệnh nặng. Đó là căn bệnh ung thư quái ác khi phát hiện thì quá muộn, đã di căn, chỉ nằm thờ dốc chờ chết. Gia đình đưa ra nước ngoài điều trị nhưng không qua khỏi, tắt thở trên đất khách quê người, chưa kịp nhận sổ hưu. Gia đình đưa về định chôn cất ở quê nhà nhưng dân làng ở đây không đồng ý, đồng thanh phản đối, buộc phải chôn cất ở nghĩa trang tập trung của thành phố tỉnh lỵ.

          Còn đối với Trương Tồn, sau khi ở nhà nghỉ " ăn không ngồi rồi" cả năm trời cũng buồn chán đành chấp nhận làm Giám đốc Sở Kinh tế công nghiệp và thương mại.

          Trong bối cảnh con trai bị thất sủng, thân phụ Trương Tồn tìm cách cứu vãn không được, tuổi cao sức yếu, suy nghĩ, chiêm nghiệm cuối đời, tỏ ra ân hận. Thân phụ Trương Tồn đã trút hơi thở cuối cùng, thọ hơn 90 tuổi.

          Trương Tồn hạ cố xuống làm Giám đốc sở trong tâm thế dằn vặt, thua thiệt, ấm ức, chưa được bao lâu, bệnh hen tái phát, khó thở phải đi cấp cứu, điều trị ở bệnh viện lâu dài, sau đó dính vào vụ “cave nhà” bị phạt vạ “tiền tấn” mới yên thân cho con gái tiến thân, liền xin nghỉ hưu sớm. Đúng là " phúc bất trùng lai họa vô đơn chí".

          Trường hợp Bí thư huyện Sông Cà Bé CấnVăn Đại - kiêm Chủ tịch huyện sau hàng loại vụ bê bối, từng  được mệnh danh là " ông vua con",  lợi dụng chức quyền làm rất nhiều chuyện sai trái, cậy thế có người “chống lưng”, lộng hành không coi dân ra gì. Cuối cùng bị dân tố cáo, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy về làm việc, vị này phải chuyển công tác, xin nghỉ hưu sớm. Tuy đã được nghỉ hưu, hạ cánh tưởng an toàn nhưng quy luật nhân quả lại ập đến sớm. Phải mời thầy cúng về yểm bùa, xua tan tà khí. Mới rời chốn quan trường được mấy tháng, trong lúc tâm can bất định, Cấn Vân Đại đang đi bộ trên vỉa hè suy ngẫm về triết lý nhà Phật tham, sân, si... thì bị ô tô biển trắng chữ đen phóng với tốc độ cao bỗng dưng mất lái đâm sầm vào người, ngã vật đầu xuống hè đường, bị chấn thương sọ não phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Dù qua khỏi nhưng Cấn Vận Đại bị liệt nửa người nằm liệt giường, di chuyển phải có người trợ giúp bằng xe lăn, trở thành bán thân bất toại sống thực vật. Cuối đời cũng bị quả báo, giời hành.

         

          Qua tiểu thuyết Tơ Vò, tác giả mới phơi bày một phần sự thật, chưa phải là tất cả. Dưới sự chỉ đạo của cơ quan Đảng cấp trên và Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, tình hình dần dần được khắc phục, ổn định và phát triển. Có nhiều điều được rút ra, trong đó đội ngũ cán bộ phải tự giải quyết để “ vượt qua chính bản thân”. Những vụ việc pháp trị chưa giải quyết được thì phải dùng đức trị. Bây giờ văn học nghệ thuật, báo chí là thế giới phẳng không thể che đậy được. Dư luận xã hội, nhân dân được tham gia kiểm soát và có tiếng nói nhất định.

          Phản ánh thực tiễn sống động đó, tiểu thuyết Tơ Vò trở nên khá hấp dẫn, được mọi người, nhất là tỉnh Vĩnh Phúc quê tôi tìm đọc.

                                                                  

                                                                                    B.V.D

Bạn đang đọc bài viết "CCB, Trung tá, Nhà thơ Bùi Văn Dung: "Hội chứng Tơ Vò"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn