Cha, con và cánh diều

"Á!" Tiếng kêu của thằng con làm người cha hốt hoảng quay sang bên cạnh. Nhìn thằng bé mặt tái xanh đang nhăn nhó nhìn ngón tay trỏ chảy máu ròng ròng, vứt con dao và chiếc nan tre xuống đất. Rứt vội nhúm thuốc rê ấn vào chỗ vết thương để cầm máu, người cha xót xa vừa băng vừa thổi cho con.
cha-con-1648521886.jpg
Ảnh minh họa

Nhìn xuống chỗ thằng con ngồi, ông nén tiếng thở dài: thì ra nó đang vót nan làm con diều giấy. Con diều là nỗi ao ước của thằng bé mà ông đã hứa với nó sẽ làm khi nào rỗi việc… Nhưng công việc cứ đến và cuốn trôi ông vào khiến ông quên luôn lời hứa với con. Chiều nào thằng bé cũng xin ông ra sân bóng gần nhà để xem thả diều… Sau khi lo cơm nước xong, ông thả bộ ra đón con về. Nhìn thằng bé mắt ngước lên trời dõi theo những cánh diều sặc sỡ muôn màu, đang tung tăng uốn lượn trên không. Ông như đọc được nỗi khát khao sở hữu một con diều như thế trong đôi mắt lấp lánh của con, lòng ông thương lắm! Nhưng làm sao mua nổi vì nghe đâu giá vài chục ngàn một con. Nhà nghèo, ông phải chạy ăn từng bữa đã hụt hơi, còn cả tiền thuốc mỗi ngày cho căn bệnh thấp khớp của ông.

Tội nghiệp! Thằng bé dường như hiểu nỗi khổ tâm của cha nên không dám đòi hỏi, mà chỉ vụng về tự làm con diều giấy cho mình. Ông có nghề đan thúng rổ nên ở nhà vót nan và đan những chiếc rổ, thúng, ki… cho khách hàng. Chân ông đau nên không thể đi đâu xa được và thằng bé cũng tập tành cầm dao vót nan cùng ông. Sau khi băng bó xong, ông bảo thằng bé bỏ dao không làm nữa và ông hứa (lại hứa!!!) sau đợt giao hàng , ông sẽ làm cho nó con diều. Thằng bé ngoan ngoãn nghe lời cha, kéo ghế ngồi cạnh, tay chống cằm xem ông làm. Liếc nhìn thằng con, ông hơi lo lắng: mấy hôm nay nó ăn ít hẳn đi, da mặt xanh xao và thỉnh thoảng lại chảy máu cam… Ông nghĩ nó bị nhiệt nên kiếm rau má về giã cho uống và cố gắng trong bữa ăn mua cho nó thêm tí thịt nhưng thằng bé vẫn nhai uể oải như bò nhai rơm. Ông lo lắm, vợ ông đã mất khi sinh thằng con và đến nay nó được 8 tuổi, học lớp hai trường làng. Nhà có hai cha con nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Giữa nhà là chiếc bàn trên đó ông thờ người vợ quá cố của ông. Buổi sáng thằng con đi học, ông ở nhà đan thúng, rổ, lo cơm nước và đến trưa lên trường rước con về. Hai cha con thui thủi trong căn nhà tuềnh toàng thiếu hơi phụ nữ…

Một ngày… sau khi thằng con đến trường, ông với công việc thường ngày bên những thúng rổ… chất đống chuẩn bị cho chuyến giao hàng cuối năm. Có tiếng chó sũa và tiếng người lao xao trước ngõ. Ông khập khiễng chạy ra xem chuyện gì, thì thấy một đám học sinh cùng cô giáo chủ nhiệm của con ông hớt hơ chạy vào báo tin: con ông ngất và đã được chở lên bệnh viện tỉnh. Ông nghe tin, quýnh quáng chỉ kịp xỏ vội chiếc quần dài, lập cập ngồi sau xe cô giáo chạy ngay lên bệnh viện. Đến nơi, ông chạy lò cò theo cô giáo tới liền giường bệnh của thằng con. Nhìn thằng con xanh xao, mắt nhắm nghiền, trên tay chuyền chai nước biển, ông ôm mặt khóc nức nở…Trời ơi, nếu thằng con có mệnh hệ gì làm sao ông sống nổi khi bên ông chỉ còn nó là người thân duy nhất. Cô giáo đứng bên cũng lặng lẽ lau nước mắt chờ thằng bé tỉnh dậy… Người cha chợt nín khóc khi thấy vị bác sĩ đến bên, ông vội nắm tay hỏi thăm bệnh tình của thằng bé. Bác sĩ ái ngại nhìn ông trả lời: “Chúng tôi đang làm xét nghiệm máu cho con bác, chừng nào có kết quả sẽ thông báo sau”. Ông ngồi phịch xuống ghế và thẩn thờ nhìn thằng con: “Lạy trời cho thằng bé không gặp nguy hiểm!”… Có kết quả xét nghiệm máu, ông hồi hộp lắng nghe vị bác sĩ thông báo: “Con ông bị ung thư máu giai đoạn cuối, không hi vọng, nhưng chúng tôi cũng cố gắng chữa cho cháu”. Ông nghe mà có biết bệnh đó nguy hiểm như thế nào đâu, chỉ linh cảm là nguy hiểm ở ba chữ “giai đoạn cuối” mà thôi…

Cũng may, bệnh viện biết ông hoàn cảnh khó khăn bớt tiền viện phí, còn lại nhờ bà con lối xóm và ông đem cầm mảnh đất nhà ông được vài chục triệu lo cho thằng con, nhưng bệnh tình thằng bé không bớt còn có vẻ như nặng thêm. Nhìn thân hình tiều tụy của thằng con lòng ông như có lửa đốt, suốt ngày ông quanh quẩn bên giường con không rời nửa bước. Ông sợ, nếu ông đi đâu thì ông sẽ mất thằng bé… Một hôm, thằng bé chợt tỉnh hơn mọi khi, ông mừng quá ghé xuống mặt hôn nó một cái và hỏi: “Con thích gì không, ba mua cho?” Thằng bé mỉm cười nói: “Con sắp hết bệnh rồi, ba làm cho con con diều giấy ba nhé!”. Ông sung sướng trả lời: “Nhất định ba sẽ làm cho con con diều giấy thật đẹp để chiều về con thả chơi”. Thằng bé cầm tay cha lắc lắc thay cho tiếng cảm ơn làm lòng người cha ấm lại!... Không ngờ, mấy lời đó là lời nói sau cùng của thằng con. Tối hôm đó, bệnh tình thằng bé trở nặng, huyết áp không còn đo được nữa, điện tâm đồ có lúc là một đường thẳng. Bỗng miệng thằng con mấp máy, người cha ghé tai vào cố nghe: “Ba…con diều”. Ông nghe mà nước mắt lưng tròng, đến lúc này thằng bé vẫn còn ao ước có được con diều. Một thoáng suy nghĩ, ông nhờ người nhà nuôi bệnh giường bên trông giùm con, ông chạy ra ngoài thuê xe ôm về nhà ngay.

Về tới nhà, ông lôi dao, nan ra làm một con diều… Khi cái sườn đã xong, ông mới nhớ là chưa mua giấy. Nhìn quanh, thấy cuốn tập của thằng con để trên bàn, ông rứt mấy tờ ra sẵn hộp hồ của thằng con dán thủ công, ông dán nhanh lên cái sườn. Một tiếng sau, con diều giấy hoàn thành và ông bắt xe ôm về lại bệnh viện. Ông phóng như bay đến bên giường con, may quá thằng con vẫn còn thoi thóp. Xung quanh ông đầy bóng áo trắng, vị bác sĩ theo dõi bệnh tình con ông lắc đầu nói : “Không qua khỏi đêm nay!” Ông nghe mà điếng cả người, ông đến bên con, nắm lấy tay con dúi vào đó con diều ông vừa làm xong. Chợt thằng bé mở to hai mắt nhìn cha, từ trong hốc mắt hai dòng lệ từ từ chảy lăn trên đôi gò má xanh xao. Ông nắm lấy tay thằng bé đưa lên môi hôn, nụ hôn mằn mặn của nước mắt người cha khóc thương cho đứa con bé nhỏ sắp lìa đời… Bỗng đứa bé nấc lên một tiếng, đầu ngã sang một bên… người cha hốt hoảng la lên: “Bác sĩ ơi! Con tôi sao rồi!?”. Vị bác sĩ đến bên ông, nắm lấy vai ông vỗ nhẹ: “Xin chia buồn cùng ông, đứa bé mất rồi!”. Ông nghe xong, tối sầm hai mắt và không biết gì nữa…

Chiều nay, trong nghĩa trang có một người cha đến thăm con, trên tay cầm con diều giấy. Bên ngôi mộ còn mới, ông quỳ xuống bên con thủ thỉ: “Con đừng buồn ba, ba hứa sẽ dán diều cho con nhưng chưa kịp thực hiện thì con không còn nữa! ”. Khấn xong, người cha cầm con diều đưa lên môi gởi cho con một nụ hôn trong đó. Không cầm được nước mắt, người cha bật khóc nức nở, những giọt nước mắt nhớ thương nhỏ lên cánh diều làm nhòa những nét chữ tim tím của thằng con.

Ông tìm diêm quẹt và đốt con diều giấy, giữa nghĩa trang hoang vắng, dáng người cha cô đơn trong bóng hoàng hôn…

Chuyện Làng Quê