Mẹ cười trả lời “Quê hương là tất cả những gì ở xung quanh con, đó là những cái con nhìn thấy và cả những cái con không nhìn thấy nhưng con lại có thể cảm nhận, con ạ!”
Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, quê hương chính là hơi ấm, là vòng tay chở che của của mẹ, quê hương là hai bầu sữa mẹ nuôi tôi dần lớn lên theo năm tháng. Quê hương là khuôn mặt của cha và những người thân yêu đang nhìn tôi và cười chào đón tôi đến với một thế giới tươi đẹp nhưng vô cùng lạ lẫm, lúc tôi chào đời. Quê hương cũng là khoảng trời xanh bao la, xa xăm mà tôi ngước nhìn, mỗi khi nằm trong lòng mẹ. Đối với một đứa trẻ thơ như tôi, quê hương là mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ khiến cho tôi không ngủ được khi phải xa hơi ấm của mẹ dù chỉ dù chỉ vài phút giây.
Quê hương là tiếng ru êm êm của mẹ đưa tôi vào những giấc ngủ thiên thần hằng đêm. Nhưng có lần đang chìm vào giấc ngủ bình yên tôi chợt giật mình tỉnh giấc khi gặp cơn ác mộng. Tiếng tôi kêu lên sợ hãi khiến mẹ tỉnh dậy, mẹ ôm tôi vỗ về “Mẹ đây! Lại ngủ mơ rồi à con! Ngủ đi con! Chắc ban ngày chơi nghịch lắm đây mà!” Tôi lại thiếp đi trong tiếng vỗ về thương yêu của mẹ.
Lớn thêm chút nữa quê hương là khoảng sân hay nơi đầu ngõ, nơi tôi bập bẹ gọi mẹ, nơi tôi bước chập chững những bước đi đầu tiên và những vấp ngã đầu đời. Mẹ đỡ tôi đứng dậy và lau cho ta những giọt nước mắt và để rồi khi tôi lớn lên, phải học cách tự đứng dậy khi vấp ngã trong cuộc đời nhiều bon chen sau này. Tuổi thơ êm đềm của tôi đã dần trôi qua như dòng nước sông quê tôi mùa trong, mùa đục, lững lờ trôi đi mãi. Nướcc đã trôi đi là không bao giở lại. Đó là quy luật của thiên nhiên.
Quê hương cũng là những khuôn mặt thân quen của những đứa bạn cùng lối xóm. Có cái gì cũng chia sẻ với nhau, từ miếng bánh đa mẹ đi chợ về đến chiếc kẹo dồi giòn tan và ngọt lịm. Cùng chơi với nhau những trò chơi của trẻ thôn quê, cùng đi chăn trâu, trèo cây hái quả trộm của hàng xóm, cùng nhau đi ra đồng đi bắt cá, cùng nhau ra sông tắm truồng những chiều hè nóng nực.
Đến tuổi cắp sách tới trường thì quê hương lại là ngôi trường làng, làm bằng mái tranh, vách đất nơi tôi ê a học nhưng con chữ đầu tiên. Có những giờ ra chơi, ham vui quên cả tiếng trống giục vào lớp. Quê hương gắn liền với những kỷ niệm vui buồn với lũ bạn cùng lớp, cùng thôn. Lúc chơi vui, có lúc lại giận nhau, thậm chí đánh nhau nhưng rồi lại hết giận và tiếp tục chơi những trò chơi dại dột, bất tận của con trẻ.
Quê hương còn là đôi mắt đen, nụ cười tinh nghịch của cô bạn thân da ngăm đen cùng lứa, cùng đi học cùng lớp, nhà chỉ cách nhà tôi một quãng đê thôi. Hai đứa thường chia sẻ cho nhau những bí mật trẻ con, cùng vô tư chơi với nhau những trò chơi trẻ con và cùng cởi truồng tắm sông và tắm mưa những ngày hè nóng nực.
Tôi dần lớn lên và cha mẹ tôi cũng già đi. Những nếp nhăn xuất hiện trên trán cha mẹ càng nhiều. Những lũy tre, con đường, khoảng trời rất quen thuộc và gần gũi nhưng dường như đã trở nên chật hẹp và quá quen thuộc, cũ kỹ. Tôi cần những cái gì đó mới lạ và và những chân trời rộng lớn hơn. Tôi quyết định rời xa quê hương để khám phá những miền đất xa lạ, để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn, khác với với cuộc sống hàng ngày ở sau lũy tre làng quê hương. Cô bạn ngày xưa cũng lớn lên cùng tôi, vẫn thân nhau nhưng giờ đây giữa cả hai có một khoảng cách vì chúng tôi đã lớn rồi. Đó là sự e thẹn của người thiếu nữ xuân thì và chàng trai đang bước vào tuổi dậy thì.
Mẹ đã chuẩn bị hành trang cho tôi lên đường. Đêm trước ngày lên đường mẹ dậy sớm đồ xôi và giã muối vừng và gói vào chiếc mo cau để tôi có cái ăn khi đói lòng trên con đường đi tìm cuộc sống mới. Không biết những khó khăn hay thuận lợi đang đợi tôi ở phía trước. Mẹ dúi vội vào tay tôi một số tiền nhàu nát . Không biết do mẹ tôi dành dụm lâu nay hay mẹ vay tạm bà con lối xóm. Mẹ cha tiễn ra ngõ mà đứng nhìn mãi cho đến khi tôi khuất dạng. Lúc đó tôi chỉ ước mong mình trở về đứa trẻ nhỏ ngày xưa, dù chỉ một lúc thôi, để tôi được ôm lấy mẹ để được trong vòng tay ấm áp của mẹ, để được thắc mắc “Sao mẹ lại khóc?”, để mẹ vội vàng nói lảng, giọng ngèn ngẹn: “Đâu có! Cái gì bay vào mắt mẹ mà!”. Quê hương là hình bóng cha mẹ già dõi nhìn theo mãi đứa con đang rời xa quê hương trong một buổi sáng sớm tinh mơ, chưa hẹn ngày về.
Những ngày tôi xa quê là những ngày mẹ nhớ tôi, lo cho tôi, có những đêm thao thức thương con nhưng mẹ không nói ra lời. Mỗi lần nhận tin vui của tôi là mẹ khoe khắp lối xóm. Người cùng làng cho biết tôi gặp chuyện trắc trở là mẹ thắp hương thành kính thầm xin ông bà ông vải và cầu trời phật phù hộ, mong cho con mau chóng vượt qua chuyện không may. Có gì ngon, mẹ cũng muốn để dành cho tôi mặc dù mẹ không biết khi nào tôi trở về. Dù sao thì cũng nhờ đó mà mẹ vơi bớt nỗi nhớ se lòng đứa con đang ở xa, không biết nơi chân trời góc bể nào.
Tết nào tôi báo tin sẽ về ăn Tết là mẹ vui lắm. Mẹ tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón tôi về ăn Tết. Tôi hình dung ra ánh mắt mẹ vui như trẻ lại và dáng đi tất bật của mẹ mà không khỏi se sắt trong lòng. Ngày tôi lại rời xa quê, mẹ lại chuẩn bị đủ thứ quà Tết quê bắt tôi mang đi cho hết.
Tôi dần lớn khôn và đã quen dần và yêu thích cuộc sống phồn hoa nơi đô thị. Có lần về quê, mẹ cho biết cô bé ngày xưa đã lấy chồng làng bên. Thỉnh thoảng em vẫn đến thăm mẹ và hỏi thăm về tôi. Chợt thấy nhớ những những kỷ niệm của hai đứa ngày xưa đó. Em và tôi không có hẹn ước và chỉ là bạn thân của nhau thôi. Nhưng mãi mãi em vẫn là một phần của quê hương trong tâm trí tôi.
Rồi tôi có gia đình riêng mẹ mừng lắm. Bận rộn với mưu sinh nơi quê người nên những lần tôi về quê cũng thưa dần đi. Những hình ảnh quê xưa bây giờ chỉ còn trong tiềm thức và chợt một đêm nào đó giấc mơ đưa tôi trở về những năm tháng ấu thơ bên mẹ khiến tôi chợt nhớ mẹ đến ứa nước mắt. Bỗng một hôm nào đó tôi giật mình khi nhìn thấy hình dáng ai giống mẹ trên đường đi làm về. Tôi thầm hứa với lòng mình sẽ sớm đưa vợ con về thăm cha mẹ. Nhưng những bộn bề công việc và cuộc sống hối hả mưu sinh nơi đô thị khiến tôi quên mất dự định hôm nào. Có những cái Tết tôi và gia đình không về thăm quê, thăm mẹ được quá xa xôi. Thương lắm mẹ những ngày giáp Tết, cứ chiều chiều ra ngõ ngóng trông với hy vọng mong manh tôi sẽ về để mẹ được gặp con,gặp dâu, gặp cháu.
Những lần cha mẹ ốm, tôi tranh thủ về thăm một hai hôm rồi vội vã ra đi. Rồi một ngày kia, mẹ đột ngột từ giã cõi đời, tôi về không kịp về để gặp mẹ trước khi mẹ nhắm mắt. Quê hương giờ đây chỉ còn cha già yếu và mẹ tôi chỉ còn là hình ảnh sau màn sương khói trên bàn thờ. Tôi nhớ hình bóng mẹ lưng còng, chống chống gậy đi trên đường những trưa nắng chang chang ngày xưa. Còn đâu dáng mẹ đang đứng chờ con nơi đầu ngõ. Mùi mồ hôi quen thuộc ngày xưa mà tôi ngửi thấy khi còn nằm trong trong lòng mẹ như còn lẩn khuất đâu đây.
…Rồi đến khi tôi tóc đã điểm sương, quá nửa đời người, tôi quyết định từ bỏ mọi bon chen của cuộc đời, trở về quê xưa, trở về nơi chôn rau cắt rốn để sống cuộc sống bình thường ở thôn quê. Các con tôi đang cũng đang sống rất xa quê. Không biết tôi lại giống như cha mẹ tôi ngày xưa không? Tôi sẽ lại ngồi buồn nhớ những đứa con ở xa quê. Không biết bọn trẻ đang bôn ba xa nhà, thích cuộc sống mới, có nhớ quê, có nhớ cha mẹ già đang mong ngóng không?
Chuyện Làng quê