CHATGPT- CÁC GÓC NHÌN ĐA CHIỀU
Chiều 15/02/2023, tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (số 176 Thái Hà, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo ChatGPT- Các góc nhìn đa chiều. Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia và các bạn trẻ tới tham dự. Trí thông minh nhân tạo (AI) là một vấn đề mang tính rộng mở, có thể ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều người trong tương lai không xa và ChatGPT là nền tảng nổi bật trong thời gian qua.
Các chuyên gia điều hành hội thảo gồm: TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng CMC ATI, trưởng nhóm LAB Blockchain tại Học viện Bưu chính Viễn thông; PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung đông và Châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt nam; Tiến sĩ Phạm Hiển: Trưởng phòng, Viện Ngôn ngữ học; TS Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới sáng tạo KHCN Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ; TS Phan Thuỳ Trâm, Phó Chủ tịch hội Nữ Trí thức Việt Nam; PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Chuyên gia về công nghệ giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
ChatGPT đang xôn xao mấy tháng qua trên các phương tiện truyền thông cũng như các cộng đồng xã hội, dù chưa chính thức được đăng ký dịch vụ tại Việt nam, tuy nhiên nó vẫn hiện hữu và lan toả cũng như tác động tới rất nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều phản ứng tích cực có, tiêu cực có, đánh giá, phản biện cũng nhiều.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một sản phẩm của AI (trí thông minh nhân tạo) với kho kiến thức rộng lớn. ChatGPT trả lời được như người (tốt nhất hiện nay), được đầu tư 1 tỷ USD, Microsoft đầu tư thêm 10 tỷ USD, trị giá hiện tại là 29 tỷ USD.
TS Đặng Minh Tuấn chia sẻ, ChatGPT dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất (transfomer), ChatGPT được huấn luyện trên dữ liệu lớn 175 tỷ tham số, 300 tỷ words, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng (tra cứu thông tin, tóm tắt văn bản, dịch thuật, tạo nội dung như: kịch bản, thơ, code…). Ưu điểm là vậy nhưng ChatGPT có những hạn chế như: Câu trả lời có thể không chính xác hoặc vô nghĩa, thiên kiến, gây tranh cãi; câu trả lời có thể chưa được cập nhật; phần lớn thiếu dẫn nguồn; có thể học từ phản hồi tiêu cực từ người dùng; không có khả năng sáng tạo mới (sáng tạo trong khuôn khổ tổng hợp những gì đã được huấn luyện); khả năng suy diễn hạn chế (chỉ dựa vào xác xuất, độ tương đồng và trọng số); có thể sử dụng làm phương tiện gian lận hay sinh đoạn text để lừa đảo; câu trả lời phụ thuộc vào dữ liệu và ý chí của người phát triển (có thể điều khiển).
Có nhiều ý kiến lo ngại, hay thổi phồng quá mức về sức mạnh của ChatGPT trong khi đây chỉ là công cụ phân tích dữ liệu và mô hình tìm kiếm tương đồng ngữ cảnh theo xác suất thống kê và trọng số (không phải hệ tri thức. Chúng ta cần kiểm chứng thông tin câu trả lời, có trách nhiệm khi sử dụng và quyết định ứng dụng từ những ưu điểm và hạn chế của ChatGPT góp phần nâng cao năng suất lao động.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ, trong khoảng 3 năm gần đây, nhất là đợt Covid19, chúng tôi ghi nhận các học sinh có rất nhiều công cụ công nghệ để đơn giản hóa việc học của mình. Ví dụ như các em có thể chụp ảnh bài tập của cô giáo ra, sau đó thì gửi lên mạng, lên nhóm học tập của các em lập tức có được lời giải. Về công nghệ, hầu như các em học sinh phổ thông đều có công cụ để làm được. ChatGPT quá mạnh so với công cụ được biết trước đó. Những bài toán trong sách giáo khoa đều giải được. Cái thấy được là ứng phó của học sinh trong học tập ấy là sự gian lận trong việc sử dụng công nghệ, thứ nữa là lười suy nghĩ. Trong khi đích đến của giáo dục là khai thác bản năng trong con người, khai thác tư duy. Đây là thách thức rất lớn cho quản lý giáo dục sắp tới.
PGS.TS Lê Phương Minh nhận định, những năm 2000 khi có Google, khi học sinh hỏi về việc học, thế hệ ông chỉ lên thư viện và đọc sách; còn các em bây giờ chỉ cần tìm kiếm trên Google. ChatGPT khác hoàn toàn với những công cụ mà chúng ta đang làm. Công cụ này rất lý thú, càng hoàn chỉnh sớm càng tốt.
Còn nhiều ý kiến của các chuyên gia và các tham dự viên rất bổ ích và gợi mở nhiều vấn đề, hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp.