Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải nghĩa chiêm khê mùa thối như sau: “Vụ chiêm thì bị hạn, vụ mùa thì bị úng; chỉ nơi không thuận lợi cho việc trồng lúa”. Từ điển Tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) thì chỉ "(Tình trạng hay gặp ở vùng chiêm trũng là đất gieo trồng) trong vụ chiêm hay bị khê, trong vụ mùa hay bị thối".
Còn Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam (Việt Chương, quyển Thượng, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) thống kê biến thể chính là chiêm khê mùa úng (thối) và giải thích: "Chiêm: Lúa chiêm, mạ gieo vào khoảng tháng 9, 10 âm lịch; Khê: khô; Mùa: Lúa mùa, mạ gieo vào khoảng tháng 3, 4 âm lịch. Nhà nông chỉ cầu sao cho mưa thuận gió hoà, đó là yếu tố cần thiết để được mùa. Năm nào mưa không thuận gió không hoà thì thế nào cũng mất mùa, đói kém. Lúa chiêm cấy vào mùa hanh khô nên thiếu nước khó bén rễ. Lúa mùa cấy vào mùa hè, nắng nóng mưa nhiều, lúa dễ thối vì úng ngập".
Như vậy, Trung tâm Từ điển học và Nguyễn Đức Dương giải nghĩa câu này hướng theo chuyện về hiện trạng đất gieo trồng. Còn Việt Chương nghiêng về hướng nhận định thời tiết (mưa gió) ảnh hưởng tới năng suất mùa vụ. Điểm chung của cả ba từ điển là đều cho "chiêm khê mùa thối" là tình trạng đất đai không thuận cho nhà nông trong việc canh tác lúa nước qua hai mùa quen thuộc xưa nay.
Theo tôi, cần phải hiểu câu nói nói về 2 hướng: 1) tình trạng đất và 2) cách làm đất.
Trong nhà nông, có hai từ quen thuộc liên quan tới công việc làm đất.
Thứ nhất, với vụ chiêm có từ làm ải, tức "làm cho đất khô, dễ tơi nát bằng cách cày, cuốc lên để phơi nắng lâu [trước khi gieo trồng vụ mới]" (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Cày ải (cày lật đất), phơi ải, lật ải (phơi qua nắng gió cho đất khô nỏ), đổ ải (tháo nước vào ruộng khi đất đã phơi đủ độ khô).
Ải phơi khô, cứng đanh, có màu trắng sáng, tháo nước vào cho ngập, đất sẽ bở tung. Lúc ấy chỉ cần bừa qua là có thể cho ta mặt bằng đất nhuyễn, sột sệt, rất thuận lợi cho việc cấy. Thứ nhất cày ải, thứ nhì rải phân. Một cục đất nỏ bằng một giỏ phân. Gặp ải tốt, cây lúa bén rễ và sinh trưởng rất nhanh.
Thứ hai, với vụ mùa có từ làm dầm, tức "làm cho đất đang có nước mềm nhuyễn bằng cách cày hoặc cuốc đất lên để ngâm nước lâu [trước khi gieo trồng vụ mới]" (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Những chân ruộng trũng, người cho cho nước ngập đều và lâu. Dầm ngấu sẽ cho thành phẩm đất dẻo và nhuyễn, cấy mạ mùa rất tốt.
Nhưng việc làm ải, làm dầm muốn tốt phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Bởi phơi ải phải được nắng, vào cuối năm mùa lạnh, trời hanh khô kéo dài thì đất mới bay hơi, khô hết mức. Gặp nước sẽ bở bung như tôi vôi vậy. Chứ vào những năm mưa gió xập xùi, trời ít nắng, ít hanh heo, đất phơi ải thâm sì, tháo nước vào vẫn "nằm im", vón cục, phải bừa đi bừa lại mới vỡ hết. Đất này được gọi là "khê", mô phỏng tình trạng giống như cơm hay cháo "bị cháy, nát nhão, bốc mùi khét, không sử dụng được". Cũng vậy, thời tiết, mưa gió không thuận, vào tháng 5, tháng 6 (âm lịch) mưa nắng thất thường, đất không được ngâm đều để trải qua giai đoạn "ủ trong nước", không ngấu và dĩ nhiên, không đảm bảo yêu cầu của công đoạn "làm dầm" cần thiết. Chiêm thối cỏ, mùa nỏ đất. Đất chiêm mà khê, đất mùa mà thối thì coi như công việc làm đất của nhà nông chưa đạt yêu cầu (theo lẽ thường phải đạt). Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống chỉ phát huy tác dụng khi khâu làm đất diễn ra thuận lợi. Đó là tiền đề để vụ lúa sắp tới đạt sản lượng cao.
Phải năm mùa thối chiêm khê
Khó mong lúa chín gặt về sây bông.