Nhà thơ, nhà báo Lê Tiến Vượng vừa cho ra mắt cùng lúc hai tập, thơ, là “Lục bát đùa chơi” và “Lục bát thế thời”. Anh tìm thơ ngay trong đời sống thực của nơi anh sống và của chính lòng anh. Thơ anh như phóng sự xã hội và thấp thoáng trong ấy là nhật kí lòng anh. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà thơ, nhà báo Lê Tiến Vượng về chuyện sáng tác.
Được biết ông là họa sĩ đồ họa, điều gì đã khiến ông chuyển sang làm thơ, mà bước ngoặt là tập thơ đầu tay in riêng năm 2002 có tên “Khách muộn mùa thu”?
- Thực ra tôi đã yêu thơ và thuộc nhiều thơ từ bé cùng với thời gian tôi yêu Hội họa và tập vẽ linh tinh ra sách ra vở và sân kho HTX ở quê hồi tôi đi sơ tán, sống và học tập ở đó, những câu thơ và âm hưởng của thơ là do bà tôi đọc cho nghe qua chuyện kiều, các bài thơ ca dao, dân gian… phải nói là bà tôi là một kho sưu tập các loại thơ dù bà tôi không biết chữ, phải nói là người gieo vào tôi những hồn thơ đâu tiên chính là bà tôi.
Và bài thơ đúng nghĩa đầu tiên của tôi là khi tôi biết thầm yêu trộm nhớ một cô bạn học cùng lớp 6 hồi cấp 2, và sau này khi đi bộ đội, với những năm tháng xa nhà, tôi có viết nhiều hơn, đó là những bài “nhật ký bằng thơ” viết về đủ thứ xung quang mình, trong nhiều cuốn nhật ký của tôi đều có chép những bài thơ như vậy, mãi sau này khi in tập thơ đầu tiên “Khách muộn Mùa thu” năm 2002, tôi có lấy một số bài ở trong đó có chỉnh sửa đôi chút. Trong tập này thì có đủ các thể loại thơ như: Thất ngôn, ngũ ngôn, Lục bát, song thất lục bát…
Và đa số ông viết thơ lục bát, đó là thế mạnh, hay ông yêu thể thơ truyền thống, hay còn lý do nào khác nữa?
- Riêng với Lục bát thì là một thể loại thơ tôi yêu thích nhất, một phần vì ngày xưa bà tôi đọc cho nghe hầu hết là thơ lục bát, nên âm điệu Lục bát nó say đắm, vang vọng, trầm bổng trong tôi mỗi khi cầm bút viết về đề tài nào đó. Thêm nữa Lục bát là thể thơ “đặc sản” truyền thống được hầu hết người dân Việt Nam yêu thích, dễ đọc, dễ cảm nhận… Nên tôi chọn Lục bát để chuyên trở những câu chuyện, những tâm trạng của tôi trước cuộc sống ồn ã phố xá mưu sinh hay chuyện làng quê đang biến mất mỗi ngày.
Tôi luôn viết đan xen chất trào lộng, chữ tình, nhịp nhàng như cung đàn dân tộc, nên rất dễ đọc, dễ nhớ và có thể đọc ở mọi nơi mọi lúc, trên bàn trà, tiệc mừng liên hoan đều mang đến tiếng cười vui vẻ.
Bạn đọc được biết đến hàng loạt tập thơ lục bát như: “Lục bát bên đời”, “Lục bát khóc- cười”, “Lục bát Phố”… với chất Folklore, và mới đây cùng lúc hai tập thơ “Lục bát đùa chơi” và “Lục bát thế thời”, chất Folklore vẫn đậm đặc. Phải chăng ông muốn giễu nhại cái xấu, cái bất công, để cảnh tỉnh con người?
- Thơ với tôi thực sự là một “dự án” nghiêm túc, với tâm thế một Nhà thơ, tâm tư một Nhà báo, tôi muốn mỗi bài thơ giống như một lát cắt, một phóng sự thơ với muôn mặt đời, muôn mặt người cùng sự tương phản trắng đen, thiện ác, sự nhếch nhác đua đòi, thói dị hợm của những ông quan, sự ngu ngơ của bao người lam lũ từ quê đến phố mưu sinh trong vòng quay nghiệt ngã bất tận... thêm cách thể hiện câu thơ “bông đùa, diễu cợt, trào lộng mà chữ tình... với cách viết “tửng từng tưng” như kẻ “vô tình” nhìn thấy, cảm thấy mà nói lên lòng mình, hay như kẻ “vô minh” chợt thấy mình “ngộ ra” bao điều ngược xuôi trong hành trình di tìm lý tưởng... Là một Nhà báo, tôi không ngại va chạm, không ngại xông xáo vào nhiều vẫn đề “hót” những lề thói cũ, những liên doanh, những nhóm lợi ích, những tệ nạn lừa lọc, trí trá, tham nhũng “quyền, tiền, đất đai, biến của công thành của tư... Nơi mà:
... Đồng làng, chả bóng ai cày
Chí Phèo, Thị Nở tung bay phố phường
Nghĩ về quê mẹ mà thương
Sông quê cũng cạn, huê hường phôi pha
Làng mình, chả phải làng ta
Nén nhang khấn mẹ, khấn cha... cay xè.
(Tưởng)
Thơ tôi cũng nặng tính hoài niệm như người đi xa trở về tìm lại những gì đã mất, tìm lại những tình người, tình quê chất phác hiều hậu, kiên gan dũng cảm thửa nào...
Như thế, ông tin dòng thơ thế sự vẫn có đất sống trong xã hội ngày nay?
- Có thể nói là hầu hết các tập thơ tôi viết đều là thơ Lục bát mang thông điệp “THẾ SỰ - THẾ THỜI” như tiếng nói của một người với nhiều người, tiếng lòng của muôn người đến với một người... Khi mà thơ ca một thời luôn say xưa với “chủ nghĩa lãng mạn” xuất phát từ cái nhìn “duy cảm, duy tình” thi vị hóa những câu chuyện riêng tư xa lắc, hoặc “bâng khuâng” với mấy cuộc tình lâm ly tiếc nhỡ, lỡ làng, mong manh dễ vỡ những thứ “đẩu đâu” bên ngoài ... với tôi, thơ cần quay về với cái thường ngày, với thời cuộc, với cuộc sống thật, con người thật, để cảnh tỉnh, gọi nhau trở về, không chỉ viết cho mình mà còn viết cho người đọc... Tôi quan niệm thơ ngày nay cũng là hàng hóa, nên cần “sản xuất” thơ sao bán được cho người cần, đã là hàng hóa thì phải viết theo hiệu lệnh của thị trường thơ... Tức viết cái thị trường cần, chứ không phải cái mình thích. Vì viết theo “thị trường” nên cần giản dị, dễ đọc, dễ nhớ, không tìm hay sử dụng các “mỹ từ óng ành” hay các cách “ví von kiểu cách điệu đà” không “mã hóa” thơ nhiều, thơ tôi gần với ca dao, đồng dao, đậm chất dân gian nên khi Đài tiếng nói Việt nam chuyển thể sang các làn điệu chèo, văn, sẩm, hay ngâm thơ... rất dễ đi vào lòng người với ca từ mộc mạc chân quê, nhưng chọn lọc, giàu hình ảnh, gợi về miền quê, góc phố, mà dí dỏm, tỉnh thức về những miền quê, tình quê đang rạn vỡ, thánh phố lố nhố mỗi ngày… vì thơ “thế sự" nên trong thơ nó “đụng chạm” nhiều tầng, nhiều lớp, nó “khoan sâu” vào nhiều vỉa “nhạy cảm” mà nhièu việc còn đang bàn cãi miên man...
Là nhà báo, nên thơ thế sự cùa tôi luôn “đeo bám” thời cuộc, những vấn đề của hôm nay có nguyên nhân từ hôm qua và có nguy cơ hậu quả đến mai sau, đó là những thói hư tật xấu, những trưởng giả, gia trưởng nơi miền quê, hay những chiêu trò o bế, những liên doanh “thân hữu” những kẻ nửa mùa, thói háo danh, ganh đua nơi phố thị… Với tôi thơ thế sự là thể loại “đắc dụng” nhất, nhanh nhất đến được với đọc giả hôm nay, vì vậy mà tôi luôn tin và sẽ tiếp tục làm nhiều thơ thế sự trong các tập tiếp theo của tôi.
Nhưng ông in nhiều tập thơ lục bát, có sợ bị nhàm chán?
- Như tôi đã nói, Lục bát là thể thơ “đặc sản truyền thống” nên sẽ có nhiều người viết, giống như hàng hóa nhiều người cùng sản xuất vậy, tuy nhiên đó là “nguy cơ – thời cơ” trong nền kinh tế thị trường thơ hôm nay, nhà thơ phải tìm cho mình “thương hiệu” thơ của mình sao cho không lẫn vào thơ người khác, lục bát chỉ là con thuyền chuyên trở thông điệp những bài thơ khác biệt, độc đáo mang thương hiệu của riêng mình. Nên cái quan trọng là hàng hóa trở cái gì chứ không phải là con thuyền, hiểu sâu sắc điều này nên tôi không lo nhàm chán hay lẫn vào các đoàn thuyền lục bát mênh mang, tấp nập ngoài kia. Để tự tin vững bước trên xa lộ thơ hôm nay.
Và ông có ý định tìm một cách biểu đạt khác cho thơ, hay vẫn chung thủy với thể thơ lục bát?
- Tôi đang thực hiện “dự án” thơ mà Lục bát là phương tiện chuyên trở tốt nhất những thông điệp mà tôi cần gửi đến “khách hàng, đọc giả” cho tới thời điểm hiện nay. Đến khi nào tôi cần phải dùng đến phương tiện “vận chuyển thơ” khác, thực hiện một dự án khác tôi sẽ thay đổi, tôi đã có dự định sẽ dùng con tàu thể loại “thơ tự do” để biểu đạt, vận chuyển những câu chuyện, những thông điệp mới trong những tập thơ tiếp sau năm 2025, vì hiện nay tôi đã có hơn 40 bài đã sẵn sàng, nhưng tôi cần cơ số hơn gấp đôi để bắt đầu “dự án” đó, cần những câu chuyện thương hiệu truyền thông, “bao bì”… trước khi tạm niêm cất bảo trì “con tàu lục bát” một thời gian.
Xin trân trọng cảm ơn ông!