Chuẩn bị tiếp nhận "Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam" (lần thứ 2)

Trái Tim Người Lính

04/05/2024 08:24

Theo dõi trên

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam kết thúc, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn sổ tay nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của Bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu được trên chiến trường được mang về Mỹ.

Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University (viết tắt là VNCA) tại Hoa Kỳ số hoá hình ảnh và thông tin, trong một dự án phi lợi nhuận mang tên “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam”. (Trước đây, chúng tôi dịch là "Di sản" nay xin đổi lại là "Chứng tích" cho rõ nghĩa hơn). Những bản copy, được lưu giữ bằng hình thức microfilm này, cũng có thể được xem như là “bản gốc”, chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng…

 

dt1-edvh1-1714785763.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong số hơn 30 triệu trang tài liệu của VNCA đang lưu giữ, có hơn 2,7 triệu trang về Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, thu được trên chiến trường. Những tài liệu độc đáo này chứa nhiều thông tin về các hoạt động quân sự, bao gồm thông báo tử vong, danh sách và địa điểm chôn cất liệt sĩ. VNCA hiện đang thực hiện một Dự án sử dụng các tài liệu và tư liệu phong phú, sàng lọc từ kho microfilm, để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh và được chôn cất, nhưng hài cốt vẫn còn mất tích và chưa được trả về với gia đình. Ngoài ra VNCA cũng thực hiện việc trao trả Chứng tich (Nhật ký, Thư riêng, v.v...) cho các cá nhân, hoặc thân nhân liệt sĩ tại Việt Nam.

Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai với cuộc sống hoà bình tốt đẹp hơn; đầu tháng 6/2023, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, phối hợp với Viện Hòa bình và Xung đột tại Đại học Texas Tech đã cử một đoàn cán bộ nghiên cứu và sinh viên sang Việt Nam tìm hiểu thực tế; đồng thời, bàn giao một phần “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam” cho Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”. Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận ghi nhớ về việc Hợp tác giữa Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University – Hoa Kỳ. Thực hiện Thỏa thuận nêu trên, dự kiến ngày 12/6/2024 tới đây, VNCA sẽ cử một Đoàn công tác sang Việt Nam và phối tổ chức bàn giao “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam” lần thứ 2, tại Hà Nội, với sự chứng kiến của các cơ quan Báo chí – Truyền thông.

Để chuẩn bị tốt nội dung cho sự kiện ý nghĩa và nhân văn nêu trên, từ hôm nay, chúng tôi sẽ tiến hành giới thiệu một số “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam”, được biên soạn trên cơ sở các tư liệu, do VNCA cung cấp độc quyền cho Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”.

Chúng tôi rất mong nhận được hồi âm của các Cưu chiến binh, thân nhân các gia đình Liệt sĩ và sự chung tay, góp sức của mọi người.

*

“Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam” Số 1/2024: CẦN TÌM THÂN NHÂN LIỆT SĨ XUÂN ĐIỀN (TỨC ĐẶNG MỶ) CÓ NGƯỜI THÂN TẠI TAM NÔNG, PHÚ THỌ (THỜI ĐIỂM 1969)

Hồ sơ mang ký hiệu F034603550359 là Chứng tích Chiến tranh của một người có tên là Xuân Điền, (cũng có thể được biết đến với tên Đặng Mỷ, hay liên quan) của một đơn vị không thể xác định. Hồ sơ bao gồm một quyển sổ ghi chép có các mục được ghi ngày 23 tháng 3 năm 1967 hoặc không ghi ngày, chứa các ghi chú cá nhân, thơ, và bài hát, cùng với danh sách địa chỉ của nhiều cá nhân ở miền Bắc Việt Nam. Nội dung cuốn sổ tay cũng bao gồm danh sách cán bộ của một đơn vị cỡ đội, đi kèm với một bảng kiểm tra trang bị và vũ khí.

Một số người với tên được liệt kê có thể liên quan/quen biết Xuân Điền:

- Nguyễn Tiến Dũng;

- Nguyễn Thị Huệ: Thôn Đông, Côi, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ;

- Hà Thị Bàng: Thôn Trên, Tư Mỹ, Lam Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ;

- Hà Văn Phú: Làng Tư Mỹ, huyện Tam Nông, Tỉnh Phú Thọ;

- Phùng Xuân Đôi: Hộp thư 53495 KP;

- Nguyễn Đình Lan: Trường Kỹ thuật, Khóa học đào tạo thứ ba, Dịch vụ Đường sắt Việt Trì;

- Lương Chung Ý: Thôn Bú…, Kim Đồng (chưa rõ thuộc huyện, tỉnh nào?).

(Ghi chú thêm: Tên của người này được đề cập trên trang đầu tiên của sổ ghi chép, “Kính tặng anh Lương Chung Ý.”).

- Nguyễn Thị Nhạn: Thôn Kỳ, Kim Đồng (chưa rõ thuộc huyện, tỉnh nào?).

- Hà Ngọc Xuân: Thôn Kỳ, Kim Đồng (chưa rõ thuộc huyện, tỉnh nào?).

Theo báo cáo của CDEC, hồ sơ di sản vật này đã được thu thập vào ngày 26 tháng 3 năm 1968, bởi Đại đội 2, Trung đoàn 34, Sư đoàn Bộ binh Hoa Kỳ 2/25, tại tọa độ 48PXT518215 [11.04564°, 106.37894°] ở tỉnh Hậu Nghĩa, CTZ 3. Di sản vật này và thông tin trong đó có thể liên quan đến các yếu tố của Trung đoàn 271, Sư đoàn 9 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dựa vào tài liệu thu thập, vẫn chưa rõ liệu ông Xuân Điền đã hi sinh, hoặc may mắn sống sót qua chiến tranh, hay sự kiện dẫn đến việc sổ ghi chép của ông bị thu thập. Tuy nhiên, dựa vào nơi mà sổ ghi chép này được tìm thấy, có thể ông Điền đã qua đời, và hài cốt của ông nằm trong khu vực lân cận, nếu chưa được phát hiện và xác định.

Ai biết thân nhân, hoặc đồng đội của Liệt sĩ (hay Cựu chiến binh) Xuân Điền ở đâu? Mời liên hệ với Ban Tổ chức sự kiện qua số điện thoại: 0913 210 520. Bạn cũng có thể để lại hồi âm dưới phần bình luận… để có thể tiếp nhận “Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam” nên trên, do phía Mỹ trực tiếp trao tặng.

Hà Nội, ngày 4/5/2024

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết " Chuẩn bị tiếp nhận "Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam" (lần thứ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn