Chuỗi  thời gian

Truyện ngắn của Trọng Bảo

28/01/2024 07:12

Theo dõi trên

Ông Xuyên ngả người nằm xuống ghế xích-đu. Tờ báo trong tay ông rớt xuống đất. Một làn gió hiếm hoi lọt qua bức tường rào cao không làm ông cảm thấy mát hơn. Ông đang bực. Ban sáng, ông đem một triệu đồng đến góp để trùng tu nhà thờ họ và xây mộ tổ.

Ông gặp đúng lúc một thằng vào hàng con cháu cũng đang nộp tiền. Tay nó đang cầm một nắm bạc lẻ, mặt mũi còn lấm lem bùn đất. Nó vừa mới tát ao bán cá lấy tiền đóng góp. Nhìn xấp tiền mới cứng trên tay ông, nó nói bóng nói gió với một thằng khác: “Tiền không sạch đem mua vật liệu xây mộ tổ thì có mà sui cả họ!” Thằng kia buông một câu lửng lơ: “Thôi thì để đấy, sau lễ khánh thành cho đám thợ xây một bữa rượu thịt chó cũng được!” Ông nghe mà uất. Không chấp trẻ con nhưng ông cứ thấy sường sượng.

dt2ag-1706369057.jpg

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn trên Internet.

 

Từ ngày về hưu ông Xuyên như người bị tách ra khỏi xã hội. Sự hẫng hụt, vô lo càng làm cho ông thấy bức bối. Cổ nhân có câu “nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên cuộc đời ông đến lúc này là tương đối chỉn chu, viên mãn. Thế nhưng sao ông vẫn cứ cảm thấy không vui.

*

Ông Xuyên còn nhớ những năm sáu mươi, trong cuốn sơ yếu lý lịch của mỗi người đều có một dòng “ngày tham gia cách mạng”. Cái dòng ấy thật quan trọng. Nó là cánh cửa cuộc đời. Nhiều người đã đi lên kể từ khi ghi ngày, tháng, năm vào cái dòng ấy. Với ông Xuyên, bắt đầu từ độ đặt bút viết vào dòng kê khai ấy đến lúc ký vào bảng lương cuối cùng tại chức là cả một chặng đường đời hơn bốn mươi năm. Ông thấy tự hào. Song sao chợt có một nỗi buồn thoáng qua, không sâu nhưng nó cứ quanh quất đâu đây. Thì ra cả đời sóng gió, gập ghềnh, đua tranh, bợ đỡ hay dìm dập thì cuối cùng cũng phải kết thúc. Cái dòng trong sơ yếu lý lịch có tính chất mở đầu ấy chỉ dành cho mỗi người ghi một lần thôi.

Ông Xuyên thấy hẫng hụt. Bởi về hưu tức là từ nay ông đã bước sang một thế giới khác. Đó là “thế giới ACC” mà các cụ hưu trí vẫn thường nói đùa với nhau. ACC tức là “ăn-chờ-chết”. Thật là kinh khủng và vô nghĩa quá. Chỉ cần thoáng nghĩ đến điều đó, ông lại cảm thấy thảng thốt. Ông còn khỏe lắm. Chỉ bực mụ vợ quản lý chặt. Một lần, cô thư ký nhớ nghĩa cũ, tình xưa nhắn tin vào điện thoại di động, mụ vợ xem được tịch thu mất máy và cảnh cáo: “Về hưu rồi thì biết điều! Tôi bảo ăn là ăn, bảo ngủ là ngủ. Ngày còn công tác tôi thả cho mà xông xênh, đú đởn, giờ thì liệu hồn”.

Có người bảo ông nên viết hồi ký. Cuộc đời ông xem ra cũng đáng viết lắm chứ. Từ một người có thể nói là “chân đất, mắt toét mà vươn lên làm đến chức vụ ngang cấp thứ trưởng cũng thật nên viết. Nhưng ông chưa viết. Ông sợ mình lại rơi vào cái chuỗi thời gian “ba hồi” nghiệt ngã của cuộc đời như người ta thường khái quát về những người hưu trí. Ba hồi đó là: “hồi ký, hồi sức và hồi kèn”. Hồi ký là ngồi tại nhà mà nghiền ngẫm, mà ghi chép lại cuộc đời mình rồi đem xuất bản cho người ta đọc. Tha hồ mà kể công, mà chiêm nghiệm, dạy đời, chẳng ai bắt bẻ được. Viết về mình ai chả kể lể công lao, kỳ tích của bản thân, đùn đẩy trách nhiệm, thất bại cho người khác. Hồi ký thường là xung khắc, đối chọi nhau chan chát. Nhưng đã khối người về hưu nhờ viết hồi ký mà thành danh hơn cả khi còn đang công tác. Hồi sức là khi ngắc ngoải ở bệnh viện (cứ nghĩ đến đã kinh). Một đời người tung hoành ngang dọc mà tới lúc phải dây rợ cắm chằng chịt khắp cơ thể, dẫn lưu, tiếp máu, tiếp nước thì còn ra làm sao nữa. Vậy mà, khối người tiền của chất cao như núi mà cũng chẳng hồi sức nổi. Còn hồi kèn thì là đoạn cuối, kết thúc ở ngoài nghĩa địa. Tiếng kèn réo rắt đưa người ta vào cõi vĩnh hằng nhưng đến nay cũng chả ai biết nơi đó có phải là chốn bồng lai tiên cảnh như vẫn đồn đại hay không.

Cứ nghĩ đến cái “chuỗi thời gian ba hồi”, ông Xuyên lại giật mình thon thót. Ông buồn đến nẫu cả người. Ông cũng muốn tham gia với tổ thơ của các cụ nghỉ hưu. Khi còn đương chức giám đốc một cơ sở kinh tế lớn nhất tỉnh suýt nữa ông đã trở thành nhà thơ, hội viên hội văn nghệ tỉnh hẳn hoi. Ấy là một lần, hội văn nghệ tỉnh tổ chức cuộc thi thơ “Mùa xuân đất mẹ” tìm đến các doanh nghiệp xin tài trợ. Ông xuất luôn quỹ phúc lợi nhà máy ủng hộ hai chục triệu đồng. Thế là đám văn sĩ kính nể ông, thi nhau viết bài lăng-xê. Nhà máy ông tự dưng nổi lên như cồn, trở thành một điển hình tiên tiến của tỉnh, được cấp trên để mắt, rót ngân sách đầu tư. Văn phòng giám đốc luôn có khách văn ghé thăm. Mấy bài thơ kiểu “con cóc” ông viết từ thời còn chiến tranh được đám các nhà thơ “nâng cấp” lên đọc nghe cũng xuôi tai đáo để, rồi được đăng báo, bình tại hội thảo, ngâm trong hội diễn nữa. Hứng khởi, ông vừa chỉ đạo sản xuất vừa làm thơ. Một năm được bảy tám chục bài. Đám văn sĩ tỉnh nhận thù lao mông má lại, chêm thêm vào những mây gió, buồn vui, khao khát, giận hờn thế là hoàn chỉnh xuất bản một tập thơ khá dày dặn. Ông chi tiền in luôn bảy trăm cuốn, biếu tặng hết lượt các quan chức, đối tác trong ngoài tỉnh. Ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh mấy lần đề nghị ông làm đơn vào hội. Nhưng ông chưa kịp viết thì được điều động về bộ. Giờ nghỉ hưu, thơ ông có kém gì mấy cụ ở phường. Nhưng khốn nỗi ông không thể hoà nhập được với họ, đành chịu. Ông buồn. Ông luôn tự hỏi tại sao lại khó bắt nhịp lại với cộng đồng đến thế. Phải chăng ông là cán bộ cấp cao. Khi đã lên cao, hàng quan chức lúc về hưu khó hạ xuống thứ dân, trở lại đời thường. Cũng chưa hẳn là thế. Có lẽ là tại quá trình phấn đấu đi lên ông đã tự đánh mất dần những gì mình vốn có. Đó chính là bản ngã của con người...

*

Ngày còn chiến tranh. Thanh niên trai tráng luôn luôn sẵn sàng nhập ngũ, rời quê hương lên đường ra mặt trận. Ông Xuyên cũng trong lớp người đó. Nhưng khi súng nổ ở xa thì tất cả còn hăng hái. Thậm chí có người còn cắt máu viết đơn xung phong nhập ngũ. Song lúc bom nổ ở gần thì người dũng cảm, kẻ yếu hèn thường bộc lộ bản chất. Ông Xuyên đã vô cùng hoảng sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy máu. Đó là hôm máy bay Mỹ ném bom trúng bến phà sông Tương lúc đông người. Ông cùng đội thanh niên xung kích có mặt sau trận bom. Nhìn cảnh người chết, người bị thương nằm la liệt, máu me đỏ lòm ông run cầm cập, xé mãi không nổi cuộn băng để bó buộc cho một thằng bé bị thương gẫy tay. Giữa khi ấy lại có tiếng ù ù rồi ai đó hét lên: “Máy bay... Mỹ... lại... đến... đấy!” Hoảng quá, ông vội cuống cuồng xốc thằng bé lên vai chạy như điên vượt qua bờ đê vào xóm. Thằng bé được ông cứu lại chính là con trai duy nhất của đồng chí bí thư huyện uỷ. Thế là, ông được đồng chí bí thư để mắt quan tâm, cất nhắc. Ông được bổ nhiệm vào chức bí thư đoàn xã. Cứ ngỡ đó chỉ là chân sai vặt, xung kích thi đua cho có phong trào. Ngờ đâu lại do “cơ cấu” mà nên. Cơ cấu thường gấp vạn lần phấn đấu, hy sinh. Tuy có người chỉ vì bi kịch “cơ cấu” mà hỏng cả đời. Song phần lớn là nhờ cơ cấu mà nhiều người dù chỉ vào hạng “tầm tầm bậc trung” lại vượt hẳn lên. Là bí thư đoàn, ông được cơ cấu vào đảng uỷ xã, tham gia hội đồng nhân dân. Từ cấp xã ông lên huyện. Cũng chỉ bằng con đường đoàn thể ông lại được vào “cơ cấu” cấp huyện. Huyện ông thời ấy là một trọng điểm nên được trên chú ý, tập trung xây dựng thành điển hình. Đã là một đơn vị điển hình thì mọi mặt phải toàn diện. Song thời buổi chiến tranh nhiều khi chỉ tiêu kinh tế, công nông nghiệp tăng trưởng vài phần trăm, dân no ấm thêm đôi chút lại chẳng gây ấn tượng bằng cảnh trống giong, cờ mở, mít tinh rầm rộ, khẩu hiệu băng rôn rợp trời.

Là cán bộ phong trào, ông Xuyên cũng có chút tài năng tổ chức. Những diễn đàn “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” hay hội thảo “Sống như anh” ông đều làm khá rầm rộ. Các xã nô nức thi đua với nhau. Thanh niên hăng hái xung phong ra trận, phụ nữ đăng ký ba đảm đang, thiếu nhi làm nghìn việc tốt. Phong trào thi đua của huyện ông không bao giờ ngừng nghỉ. Mà ở chỗ nào cũng có bóng dáng, vai trò của ông. Ông Xuyên được đánh giá là con người năng động, là cán bộ có năng lực, được cất nhắc lên mãi. Ông trở thành một nhân cốt được giữ lại để xây dựng phong trào ở hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn.

Chiến tranh thường như vậy. Nó là thử thách cam go làm rõ trắng đen, yếu hèn, dũng cảm. Tuy nhiên cũng có những người nhờ chiến tranh mà che giấu được khiếm khuyết của mình. Khi đất nước còn cơ chế bao cấp ông Xuyên cũng như tất cả các cán bộ khác, đều chung cảnh ngóng chờ hàng phân phối, gom góp tem phiếu mua gạo thịt hay tìm cách móc ngoặc với nhân viên mậu dịch quốc doanh bớt xén, tuồn hàng hóa ra bán ngoài chợ đen ăn chênh lệch giá. Từ khi ông Xuyên đảm nhận một chức vụ có liên quan đến tài chính kinh tế của tỉnh thì cuộc sống gia đình ông khá giả hẳn lên. Ông không còn phải lo đói rách, thiếu thốn. Tuy thế ông luôn căn dặn vợ con quần áo đẹp vẫn phải mặc lẩn vào trong, có tiền thì chôn xuống đất thà bị mối xông còn hơn là gửi tiết kiệm lấy lãi, lộ mặt tư bản chủ nghĩa. Khi đất nước, quốc dân còn nghèo, ông đã thoát nghèo. Nhưng ở cơ quan chả ai biết là ông giàu.

Đến thời cơ chế thị trường tình hình lại khác. Giàu nghèo phân chia, phân cực. Cán bộ đi xe hơi đời mới, xây biệt thự, chi tiêu xa xỉ dần dần cũng trở thành bình thường, đỡ bị những con mắt nhòm ngó, soi mói. Nếu so vào bảng lương thì bốn mươi năm phục vụ của ông chả mua nổi một chiếc xe máy loại tốt nhất. Nhưng thời buổi chính thu chẳng bằng phụ thu này, chỉ qua một nhiệm kỳ đã có tiền tỷ trong tay. Ông vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên cầm tờ tiền của nước Mỹ. Sao nó cứ như tiền giả. Chỉ mấy tờ mỏng tang mà bằng cả đống tiền Việt Nam đồng. Vợ con ông cũng mở mày, mở mặt. Tiền vào cửa sau nhiều hơn cửa trước. Có nhiều việc được giải quyết ở phía hậu trường. Chả trách mà ngày xưa hậu cung thao túng được cả triều đình. Một hôm, ông vừa ở cơ quan về, bà vợ ông hỏi ngay:

- Cơ quan ông đang khuyết một chức phó phòng phải không?

- Sao bà biết?

Bà vợ ông không trả lời mà lại bảo:

- Thằng Bản nó vừa đi học về, có bằng cấp hẳn hoi đấy! Ông nhớ là phải chú ý đến nó đấy!

Thế là ông hiểu. Thằng này nó đã “làm việc” với mụ vợ ông rồi. Ông đành nghĩ cách bố trí cho nó vào vị trí ấy. Được đề bạt, nó quay sang phục vụ ông tốt hơn. Dần dà, ông rút ra một kinh nghiệm sử dụng cán bộ ở cơ quan mình. Ông chia họ ra làm hai loại “xa và gần”. Cán bộ xa chính là những người làm được việc, giúp ông hoàn thành chức trách, nhiệm vụ cấp trên giao. Cơ quan có thực hiện được chỉ tiêu, kế hoạch hay không là nhờ các cán bộ này. Loại “cán bộ gần” là những người chẳng làm được việc gì theo chức trách cho ra hồn nhưng lại biết cách quan tâm đến thủ trưởng. Thủ trưởng chỉ húng hắng ho đã biết tìm dầu gió. Thủ trưởng đi chơi ten nít biết lo sân bãi. Thủ trưởng vi hành thì chuẩn bị cơ sở, nơi ăn nghỉ, gái gủng, phong bì phong bao. Hai loại cán bộ này bây giờ ở cơ quan nào cũng có. Và bao giờ cũng vậy, công việc thì thủ trưởng đưa cho loại cán bộ xa, ăn chia cho bọn ở gần, vừa kín tiếng, đỡ lộ. Ông Xuyên rất tâm đắc giải pháp sử dụng cán bộ theo kiểu “xa và gần” thấy mọi việc đều xuôi chảy. Nhưng chuyện đời là vậy, cảnh kẻ làm người ăn, cốc mò cò xơi mãi thì chóng hay chầy cũng sinh mâu thuẫn. Những người có năng lực, làm được việc đâm ra chán nản, bê trễ công việc. Những kẻ bất tài thì lên mặt. Nhưng mâu thuẫn tất sẽ có cách giải quyết. Ông Xuyên áp dụng triệt để biện pháp luân chuyển cán bộ. Bướng ư? Làm việc thiếu chăm chỉ ư? Khó gì, cho đi cơ sở, vùng sâu vùng xa, tiếng là thử thách, rèn luyện cán bộ, thực ra là hạ phóng đày ải cho biết. Bao nhiêu cán bộ đã được “hạ phóng” về cơ sở, ông không nhớ hết.

Một hôm, trên đường đi công tác ở miền núi, ông nghỉ ở một nhà hàng đặc sản thú rừng cạnh đường. Ông và đám tùy tùng đang ăn uống ngon lành chợt nghe “choang” một tiếng. Đó là tiếng vỡ của thuỷ tinh. Có một giọng lè nhè phía sau. Ông Xuyên giật mình ngoái lại. Một gã đầu tóc bù xù tay cầm lăm lăm một đoạn vỏ chai vỡ, giọng sặc mùi rượu:

- Còn nhớ không! Còn... nhớ... không! Chiến sĩ thi đua hai năm liền đấy nhé! Thế mà nỡ đày ải ở chốn khỉ ho, cò gáy thế này hả... hả...?...

Ông Xuyên nhổm dậy, lùi lại. Cậu lái xe lập tức giơ thân ra che cho thủ trưởng. Ông Xuyên cố nhớ. Hóa ra hắn tên là Khoa. Hắn là cái thằng hay cãi, làm thì được việc nhưng chẳng chịu phục ai. Một lần hắn còn dám đứng lên phê bình ông về công tác cán bộ. Thế là hắn đi đời luôn. Ông hạ phóng hắn về cơ sở phụ trách một trạm ươm cây giống giữa rừng. Trạm ươm ấy mấy năm liền ông không đầu tư, chỉ rót kinh phí cầm chừng. Hắn chán nản, thối chí, đâm ra rượu chè bê tha lè nhè suốt ngày. Sau vụ này có người ám chỉ, gọi chệch tên ông là “Xiên” (ý là xỏ xiên). Ông tức tối muốn truy tìm xem đứa nào dám cả gan gọi ông như thế nhưng đành chịu. Nhiều việc vừa mới xảy ra ở cơ quan đã thành chuyện dân gian, truyền miệng, hơi đâu mà truy tìm nguồn gốc. Mà truy sao cho được. Sau ông rút ra kinh nghiệm là cứ làm ngơ, mặc kệ, thế gian nói mãi mỏi mồm.

*

Ông Xuyên bị đột quỵ phải nhập viện. Ông hoảng. Ông lo cái chuỗi thời gian “ba hồi” của mình bị trục trặc, chưa kịp hồi ký đã sang hồi sức, áp sát hồi kèn. Tuy nhiên, ông chỉ bị xuất huyết não nhẹ. Bệnh viện lưu ông lại để theo dõi, bồi bổ vì ông nguyên là cán bộ cao cấp.

Khu điều trị bệnh nhân VIP vắng vẻ. Mấy hôm đầu buồng bệnh ba giường chỉ có một mình ông. Ông nằm xem ti vi, đọc báo suốt ngày cũng buồn bởi chẳng có người trò chuyện. Vài ngày sau thêm một bệnh nhân nữa đến nằm cùng phòng. Anh ta là trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh. Lập tức buồng bệnh tập nập hẳn lên. Người ra, người vào liên tục, quà cáp ùn ùn. Tay này bị chứng đau lưng nên lên bệnh viện trung ương kiểm tra rồi nằm lại mấy hôm dưỡng bệnh. Nhưng ông Xuyên biết tỏng tâm địa của hắn. Hắn nắm sinh mệnh của nhiều cán bộ hàng tỉnh. Nằm viện cũng là dịp để hắn tranh thủ thu hoạch cuối năm. Những túi quà, hoa quả, sữa đường chỉ là phương tiện để những người đến thăm nhét phong bì vào cho đỡ ngại phải đưa trực tiếp. Sau khi rút lấy phong bì trong những túi quà, hắn xếp đầy hoa quả, đường sữa trên cái giường trống giữa hắn và ông Xuyên. Hắn bảo ông dùng được thứ gì thì cứ dùng.

Ông Xuyên im lặng vừa buồn lại vừa tức. Giá mà ông còn đương chức thì thằng cha này đã là gì. Ông Xuyên tự ái nhìn mấy quả cam chua loét để lỏng chỏng ở cái tủ nhỏ trên đầu giường. Mụ vợ mải đề đóm, mua vội. Cô con gái út thì bận đi picníc với đám bạn bè. Ông nằm ở bệnh viện mấy ngày mà chẳng ai buồn ngó ngàng đến. Bà vợ bảo: “Ôi dào! Cứ ở bệnh viện mà nghỉ ngơi, vừa đỡ cơm nhà, vài bữa tôi ngớt việc đến đón hãy về”. Cô con gái út nghe tin bố ốm thì điện về: “Thank bố! Cái xe Spacy bố mới mua cho con chạy bốc lửa lắm. Chúc bố chóng khỏe nhé!”

Giá mà đương chức ông vào viện thế này thì đám đệ tử “cán bộ gần” hoạt động rộn ràng phải biết. Chúng sẽ túc trực vo ve quanh ông cả ngày. Rồi chúng nhanh nhảu thông báo cho các địa chỉ cần phải cử người đến thăm, nhân tiện kiếm chút phụ thu khi thủ trưởng ốm. Bây giờ ông đã nghỉ hưu, hết lộc, “thớt hết tanh tao”, tự dưng đám ấy tản hết.

Ông Xuyên nằm trùm chăn kín đầu để khỏi chứng kiến cái cảnh nhộn nhịp ở giường bên cạnh. Thời gian một ngày ở bệnh viện sao thật là lê thê. Ông mong cho chóng tối. Nhưng buổi tối vẫn có nhiều người đến thăm tay trưởng ban tổ chức chính quyền. Ông nghe loáng thoáng họ nói với nhau khi ra khỏi phòng: “Sao cái lão nằm giường bên cạnh trông quen quen thế nhỉ?” Ông nghĩ thầm: “Ngày đương chức tao hay xuất hiện trên ti-vi làm gì mà chả quen”.

Cuối cùng ông Xuyên cũng có người đến thăm.

Khi người đó bước vào phòng nhìn quanh, tay trưởng ban đã lập cập chạy ra đón, giọng líu đi:

- Chào anh! Anh...

- Ơ! Cậu cũng phải đi viện à? Bệnh gì thế?

- Dạ! Thế anh...

- Mình vào thăm một người đang nằm điều trị ở đây!

- Thế người đó là thế nào với anh ạ?

- Bác ấy tên là Xuyên... Thủ trưởng cũ của tôi... Biết tin bác ấy ốm, mình vội về ngay!

Nghe vậy, ông Xuyên lật chăn ngồi nhỏm dậy. Ông chưa nhận ra là ai thì người ấy đã túm tay ông vì vui mừng, hối vội hỏi thăm sức khỏe. Nghe ông nói chỉ bệnh nhẹ, người đó mới yên tâm ngồi xuống giường trò chuyện với ông. Ông Xuyên vẫn chưa nhận ra người đến thăm mình. Ông hơi băn khoăn, sợ hỏi tên thì khiếm nhã. May lúc ấy, tay trưởng ban nhanh nhảu:

- Bác ạ! Đồng chí phó chủ tịch tỉnh em bận thế mà còn xuống tận đây thăm bác.

Ông Xuyên đã lờ mờ nhớ ra. Sau lại nghe hai người nói chuyện với nhau ông nhận ra đó là anh phó phòng thuộc cơ quan ông ngày trước. Anh ta là người làm được việc nhưng bộc trực. Chính anh cũng bị ông “hạ phóng” về một tỉnh miền núi xa xôi. Nhưng không như nhiều người khác, anh này vẫn kiên trì vươn lên bằng chính tài năng, sự phấn đấu của mình. Từng là một người lính phục viên, anh rất quen với việc có lệnh là đi nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ. Anh không nghĩ là bị “đày” đi cơ sở mà coi là một dịp tốt để rèn luyện, thử thách để khẳng định mình. Bây giờ anh là một phó chủ tịch tỉnh khi tuổi còn rất trẻ.

Lúc chia tay ông Xuyên, anh phó chủ tịch tỉnh cứ năn nỉ: “Hè tới mời bác lên chỗ em. Tỉnh em có khu nghỉ dưỡng, suối nước khoáng nóng hay lắm bác ạ!”.

Ông Xuyên hơi ngường ngượng khi bắt tay anh phó chủ tịch tỉnh.

Sau lần anh phó chủ tịch tỉnh viếng thăm, trong lòng ông Xuyên tự dưng nhen lên một thứ tình cảm mới, rất khác với những gì đã sẵn có trong ông bấy lâu nay. Ông chợt nhận ra, ai rồi cũng sẽ đến ba hồi cuối của đời mình. Nhưng mấy ai sẽ thanh thản và không xa lạ với đồng loại khi đã về chiều nếu suốt cuộc đời chỉ biết sống vị thân...

Tr. B

(Rút trong Tập truyện ngắn Đồng tiền lá đa-tác giả Trọng Bảo, NXB QĐND)

Bạn đang đọc bài viết "Chuỗi  thời gian" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn