Thông tin tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt Những dấu ấn lịch sử: Kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam"

Mộc Miên

01/03/2023 12:00

Theo dõi trên

Tối 28/2, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Những dấu ấn lịch sử nhằm Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023).

13nt-1677645679.jpg

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử 

Đến dự chương trình có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

2-nt-1677645729.jpg

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử

Phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử, đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: "80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - bản "Tuyên ngôn về văn hóa" đầu tiên này - vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong những ngày tháng 2 lịch sử, hoà chung niềm tự hào, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943 - 2023) - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, đã và đang được các cấp, các ngành tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sức lan toả sâu rộng. Trong đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử” là sự kiện tiếp theo thành công của Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Phim tài liệu và Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Nhìn lại để tiến xa hơn, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

3nt-1677645754.jpg

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: "80 năm qua, đặc biệt gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng và sự hòa quện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Được bảo tồn, phát huy từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội". 

"Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, phong cách con người Việt Nam" và "Văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng…". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

4nt-1677645805.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ, những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp, cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn…, Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân Việt là gìn giữ, bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc. Để làm được mục tiêu đó, cần sự chung sức, đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra….

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thẩm thấu sâu sắc vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc; tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa; đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế. "Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5nt-1677645844.jpg

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ban ngành từ Trung ương và địa phương tham dự chương trình Chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử

Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia; tính cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, như danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đang dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo được bạn bè quốc tế trân trọng và đón nhận.

6nt-1677645873.jpg

Các tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại chương trình khẳng định sức sống mãnh liệt của bản Đề cương trong sự nghiệp văn hóa nước nhà

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử với nội dung gồm 3 chương: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn".

8nt-1677645905.jpg

Các tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại chương trình khẳng định sức sống mãnh liệt của bản Đề cương trong sự nghiệp văn hóa nước nhà

Trong mỗi nội dung, khán giả đã được chứng kiến những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, đặc biệt là quy tụ những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng, Nhóm Phương Nam, Vũ đoàn Mây...

9nt-1677645960.jpg
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật

Đặc biệt, có hai ca khúc được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình là Ngọn đuốc soi đường (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh), Văn hóa trường tồn cùng dân tộc (Trọng Đài) được dàn dựng ấn tượng và cũng là những điểm nhấn của chương trình.

7nt-1677645934.jpg

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ tham gia chương trình đã tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ tham gia chương trình đã tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của “Đề cương về văn hóa” trong suốt chặng đường 80 năm qua.

14nt-1677645993.jpg

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử với nội dung gồm 3 chương

Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Một số hình ảnh tại Chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử diễn ra vào tối 28/2:

10nt-1677646047.jpg
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật
12nt-1677646095.jpg
 Tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật