Chuyện bán tương

“Thắng ơi, thắng ơi, dậy thôi con…”

Những tiếng gọi liên tục làm tôi phải lồm cồm bò dậy dù vẫn muốn ngủ tiếp. Dụi dụi mắt, hóa ra là bác Thư – chị gái mẹ tôi.

- Cháu chào bác, bác lên chơi đấy ạ?

- Bác đi chợ vào thôi chứ chơi bời gì. Thế cái Linh đâu

- Nó vẫn đang ngủ trong nhà bác ạ

- Dậy đi thôi, hai con dậy đi thôi, dậy mở quán bán hàng cho mẹ mày kiếm đồng.

- Vâng, đêm qua cháu làm việc khuya nên nay dậy muộn ạ

- Ừ dậy thôi. Bác mua cho 5 nghìn bánh cuốn để trong bàn. Còn đây là mấy chai tương, bảo mẹ mày bán cho bác nhé.

Vừa nói, bác Thư vừa lôi ở cái bao tải con con trong giỏ xe ra mấy chai tương đựng trong vỏ chai mắm Nam Ngư.

- Mấy chai thế hả bác?

- 8 chai con nhé, bảo mẹ mày bán cho bác.

mam-1650167278.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

Tôi đang định hỏi xem là bán thế nào, đúng lúc ấy, mẹ tôi phóng xe đạp từ ngõ vào

- Chị đi chợ vào đấy à

- ừ, tôi mua cho chúng nó mấy nghìn bánh. Với cả mang lên cho dì bán hộ tôi 8 chai tương đây này.

- Vẫn như mọi khi à?

- Ừ vẫn như mọi khi, bán cho tôi 10 nghìn một chai.

- Đây, em gửi chị 80 nghìn luôn nhé

- Ô hay cái bà này, còn chưa bán mà đã đưa tiền là thế nào

- Thôi đưa luôn, bán tí là hết ấy mà. Chị đi mua ở đại lý về chị có phải trả tiền luôn không?

Sau một hồi hai bên giằng co xem là có nhận 80 nghìn luôn không. Bác tôi lên tiếng

- Thôi được rồi, thế đây, trả cho dì một đồng lãi.  (Bác thư rút một tờ 10 nghìn đưa cho mẹ tôi).

- Chị bị sao đấy, tôi bán hộ thôi, được bao nhiêu đâu mà lãi với lời

Thấy cuộc giằng co có vẻ lại diễn ra tiếp, tôi đi ra giếng đánh răng, rửa mặt. Cơ mà nói là giằng co thôi, chứ thực ra chỉ là hai bên đùn đẩy qua lại vài cái ấy mà.

Vệ sinh cá nhân xong, tôi vừa bước vào đến sân, bác Sâm từ đâu đi sang.

- Ái chà, hôm nay nhà chú Thắng lại có tương đấy à? Tương của bà Thư đây chứ gì?

- Vâng đúng rồi đấy bác. Bác Thư vừa mang lên đấy ạ. 10 nghìn một chai ạ

- Để cho bác một chai. Ở nhà chắc còn được hai bữa nữa, mua luôn không hết. Lần trước cũng mua của nhà cháu mà.

- Vâng ạ.

Thấy mẹ trong quán, tôi niềm nở chạy vào

- Mẹ ơi, con bán được một chai tương rồi này.

- Bán gì, con ra bảo là mẹ cháu biếu bác thôi

- Vâng.

Tôi quay ra chỗ bác Sâm ngồi, bác Sâm tay đưa 10 nghìn rồi bảo

- Đây chú Thắng, chú Thắng cầm cho bác.

- Thôi bác ạ, mẹ cháu bảo biếu bác chai tương bác ăn thôi, mẹ cháu không lấy tiền đâu

- Ôi, cái gì bà cũng cho, hàng bán mà cứ cho, bác trả tiền đây này.

Bác Sâm đang bế cháu, với theo tôi không được, thế là để tờ 10 nghìn vào hè. Mẹ tôi từ trong quán chạy lên

- Gớm cái bà này, khó tính như ma ấy, cho cái gì cũng không lấy

- Có bà mới hâm ấy, bán hàng mà suốt ngày cho

- Thì tôi có tôi mới cho, chị em hàng xóm tình cảm với nhau cho nhau chai tương không được à?

- Thôi, mở hàng, bà cầm lấy tiền hôm nào cho tôi sau, mở hàng mà không trả tiền mất may.

Cuộc giằng co lần này đáng ra sẽ căng thẳng hơn nếu bác Sâm không đưa ra được cái lý lẽ mà tôi nghe còn phải chịu. Thế là mẹ tôi phải lấy 10 nghìn ở hè bỏ vào cái ví bán hàng.

Bác Sâm tay bế cháu, tay kia cầm chai tương, đi ra ngõ trong cái tâm thế dường như của “kẻ chiến thắng”. Vừa thấy bác đi ra khỏi cổng, tiếng nói sang sảng vang lên, tôi ngồi trong nhà cũng nghe rõ mồn một

- Bà Hồi đấy à, nhà bà Vui mới có mẻ tương ngon của bà Thư, bà có ăn không?

- Đâu, tôi có, nhà tôi cũng đang hết đây.

- Đi vào đây, mẻ này ngon, thơm lắm

Bác Sâm với bác Hồi hồ hởi đi vào, mặt bác Hồi tỏ rõ vẻ rạng ngời

- Nhà bà Vui mới có mẻ tương ngon à bà?

- Vâng, bác em làm ăn, còn mấy chai thì mang lên đây để xem ai ăn thì bán thôi, chứ có phải làm chuyên để bán đâu bác

Bác Hồi tiến đến nóc bể, mở chai tương ra ngửi

- Ôi, tương thơm quá, đúng là tương của bà Thư. Lần trước tôi mua trên này, ăn có tháng đã hết rồi, lên nhà bà không có, ra chợ mua mà không được ngon thế này.

- Nhà bác ăn một tháng đã hết cả chai tương rồi cơ á?

- Ừ, ông Hoàn ông ấy chấm khỏe lắm, rau muống luộc có mà chấm đẫm, rồi ăn với nước rau, kho cá.

- Một chai ăn được có bao lâu đâu. – Bác Sâm cũng họa thêm vào.

- Mà tương bà Thư cũng nhiều bột nữa, người ta làm chỉ cho phần ba chai thôi, đằng này làm ấy làm đầy gần lên tận ngọn thế này. Ăn ngậy với thơm lắm

- Vâng, chị em làm để nhà ăn là chính mà. – Mẹ mình cũng lên tiếng.

- Bà cho tôi 2 chai nhé.

- Mỗi chai 10 nghìn, 2 chai 20 nghìn. – Tôi và mẹ chưa kịp nói gì, bác Sâm lên tiếng nói luôn.

- Tôi mang về rồi tôi lên tôi giả tiền nhé.

Nói rồi bác Hồi vội vàng cầm 2 chai tương đi nhanh ra ngõ. Bác Sâm cũng bế cháu đi theo ra. Tôi vội chạy ra hỏi mẹ

- Thế có lấy tiền tương của bác Hồi không mẹ?

- Lấy gì của bác, biếu bác thôi, có gì bác cũng mang cho mẹ mà.

- Thế sao nãy mẹ không nói gì?

- Nói làm gì, tính bà Sâm đồng bóng lắm, bà ấy nhiệt tình với tốt lắm, nhưng mà nói có nghe ai đâu, nói thế là bà ấy lại giãy nảy lên ấy mà.

Mẹ tôi vừa dứt lời, bác Hồi đến, trên tay cầm tờ 20 nghìn xanh lét. Dự cảm một cuộc giằng co quen thuộc sắp sửa nổ ra, tôi đi vội vào nhà.

…..

Chẳng biết cô em gái đã dậy từ lúc nào, thấy tôi đi vào, nó bảo:

- Hay anh đăng facebook bán tương cho bác Thư đi. Facebook anh nhiều bạn, bán gì chả được

- Facebook của anh mà lại để bán tương à? Mà mày chịu khó đăng lên nhóm chung cư đi, ổn hơn nhiều đấy, bán được, có thêm tiền, lại có nguồn tiêu thụ cho bác. Ở ngoài Hà Nội chắc người ta thích đồ quê lắm.

- Ừ nhỉ, em sẽ đăng là tương quê. Chắc chắn sẽ hết ngay thôi, tương để ở quán nhà mình toàn có 1-2 ngày đã hết cả chục chai rồi ấy.

Anh em tôi đang bàn hồ hởi, thấy tiếng bác Hồi ngoài sân.

- Cháu giai, cháu gái đang làm gì đấy. Bảo với mẹ cháu là bác lấy 2 chai nữa nhé, tiền bác để kia nha.

Tôi không kịp ú ớ gì, không kịp nói là mẹ cháu bảo không lấy tiền của bác đâu mà bác Hồi đã đi ra đến cổng rồi. Bác già rồi nhưng còn khỏe lắm. Tôi ra nóc bể chỗ mấy chai tương. Thấy còn có 3 chai với 2 tờ 20 nghìn. Hẳn là bác ấy canh lúc mẹ tôi không có nhà để đến trả tiền. Đúng là chết với mất bác hàng xóm nhà tôi mất thôi.

Tôi và em gái đi vào nhà, bàn tiếp kế hoạch bán tương. Sau khi thấy đã ổn, chúng tôi quyết định sẽ xuống tận nhà bác tôi, bác tôi là nguồn cung cấp hàng mà, bác không đồng ý thì sao được.

Vừa phi xe xuống sân chuẩn bị nổ máy, mẹ tôi về.

- Mẹ ơi, bác Hồi bác ấy nói lấy thêm 2 chai nữa, bác ấy trả 40 nghìn rồi nha

- Sao con vẫn lấy tiền của bác à?

- Bác ấy tự lấy rồi chạy về, con không nói kịp

- Cái bà hâm này, đúng là...

- À, mẹ đừng bán hết tương, phần con 1 chai nhé. Con mang đi Hà Nội ăn, thi thoảng tự dưng thèm mà không biết mua ở đâu.

Nói rồi hai anh em tôi xuống nhà bác Thư. Đến nơi, chúng tôi vui vẻ trình bày về ý tưởng của mình, rồi cam kết đầu ra ngon lành cho tương của bác. Nhưng trái lại với sự hào hứng của chúng tôi. Bác bảo:

- Tương bác làm mấy nhà mình ăn là chính, với gửi đi cho các anh. Tiện một mẻ thì bác làm dư ra, cho mấy bà hàng xóm nhà mày vì thấy họ khen chứ buôn bán gì. Làm cẩn thận, rang đậu, rồi ủ, rồi men chuẩn kì công lắm, bán thì lời lãi được bao nhiêu. Thôi, bán buôn cái nỗi gì.

Sau một hồi chia sẻ cũng như thuyết phục các thứ, càng nghe bác Thư nói về cách bác làm tương, chúng tôi càng tắt dần ý định. Thật sự làm tương ngon như của bác cũng vất vả lắm chứ. Trước khi về tôi đùa với bác

- Thôi, có gì hôm nào rảnh bác truyền nghề cho cháu nhé, để cháu làm tương cháu bán.

- Cha bố anh, bán chác cái gì, cứ lo đi làm đi. Một lúc của anh có mà bằng cả mẻ tương ấy.

Tôi và em gái về nhà. Có chút buồn nhẹ vì ý tưởng start-up chưa thành đã tạch. Tôi đi ra giếng rửa tay ăn cơm thì tá hỏa thấy 3 chai tương còn lại đâu mất sạch. Hỏi mẹ tôi thì mẹ khẳng định chỉ bán có 2 chai, vì tôi đã dặn để lại cho tôi rồi. Cơ mà cũng muộn rồi, thế là cả nhà đi ăn cơm rồi nghỉ trưa.

…..

Chiều đến, mẹ đi vắng, tôi chịu trách nhiệm trông hàng. Điều tôi ngạc nhiên là có đến cả chục người đến hỏi mua tương. Cơ mà nhà tôi đâu có còn chai nào, tương để tôi mang đi Hà Nội còn không có nữa là. Đang nghĩ vẩn vơ xem chai tương đi đâu mất thì giọng nói quen thuộc lại vang lên

- Chú Thắng phải trả công cho bác nhé, nay bác bán được cho chú Thắng chai tương đây này

Vâng, không ai khác vào đây, là bác Sâm. Nói rồi bác đưa cho tôi tờ 10 nghìn.

- Cháu cảm ơn bác, thế bác muốn trả công thế nào ạ?

- Bác đùa thôi chứ công cán gì, mà chú Thắng ra múc cho bác 3 nghìn cà.

Tôi biết rằng nếu tôi nói biếu bác Sâm chỗ cà ấy, bác ấy sẽ lại giãy nảy lên cho xem. Mà tôi thì không thích giằng co với bác ấy, thế là tôi múc cho bác ấy hẳn 5 muôi, trong khi đáng ra chỉ có 3 muôi thôi.

Chút không vui vì chai tương định mang đi Hà Nội nãy giờ đâu mất tiêu, tôi thầm nghĩ: “Mấy bác hàng xóm quý mẹ tôi thế này cũng tốt. Bán anh em xa, mua láng giềng gần ấy mà. Chúng tôi đi làm xa cũng đỡ lo hơn”.

Đúng lúc mẹ về, tôi vào nhà lấy đồ đi tắm với giặt quần áo.

.....

Tắm giặt xong, tôi vừa vào nhà. Lại thấy bác Sâm đã ngồi đấy rồi, bác ngồi cạnh mâm cơm.

- Bác xin lỗi chú Thắng nhé, bác không biết là chú mang tương đi Hà Nội ăn, nên bán mất rồi. Nếu không ngại thì lấy chai của nhà bác kia, bác mới ăn có 1 bữa thôi.

- Ôi thôi, không sao đâu ạ, mai cháu xuống bác Thư xin chai khác được rồi.

- ừ, thế thì được rồi, làm bác cứ áy náy nãy giờ. À nay bác lấy được tiền hàng, tặng cô chú với bà 5 quả dưa chuột.

- Ôi, đợt này bác được nhiều không ạ?

- Được hơn trăm chú à, xâu mỏi cả tay đấy.

- Thế thì bác còn mua quà cho nhà cháu làm gì, lần sau bác không cần làm thế đâu.

- Ôi dào, bác với mẹ cháu ở nhà như chị em ruột, có gì cũng san sẻ cho nhay ấy mà.

Cả nhà đang rôm rả, bác Hồi thì thầm bước vào tay cầm cái bát con.

- Nay nhà bác có màu, biếu mẹ con nhà cháu mấy miếng thịt chó

Tôi nhìn cái bát nhỏ xíu trên tay bác Hồi mà phì cười. Rồi nở một nụ cười thật tươi để cảm ơn.

Tình làng nghĩa xóm đẹp thật đấy. Tôi cá là những người kiểu như bác Sâm, bác Hồi hay mẹ tôi ở vùng quê nào cũng có. Họ sống với nhau bằng sự chân thật và mộc mạc. Kiểu nhiệt tình khủng khiếp của bác Sâm đôi khi khiến người ta phải khó chịu cơ mà đáng quý vô cùng. À quên, cả những pha “giằng co đậm nghĩa tình” với bác Hồi nữa. Mẹ tôi biếu họ chai tương lúc này, thì lúc khác mọi người lại cho nhà tôi cái khác. Suy cho cùng cũng chỉ là cho đi cho lại thôi, cơ mà tình cảm cứ thế đi lên nhiều lắm”.

Cơ mà hôm nay mẹ tôi còn chẳng biếu được họ tương, bữa tối hôm nay của nhà tôi.

Chuyện làng quê