Năm 1972 trên chiến trường Miền Nam quân và dân ta đã có rất nhiều trận đánh lớn, với những chiến công vang dội. Để tăng cường lực lượng chi viện cho chiến trường Miền Nam thừa thắng xông lên. Năm 1972 có nhiều đợt tuyển quân được huấn luyện, khẩn trương hành quân vào chiến trường Miền Nam. Xã chúng tôi thanh niên đã hăng hái đăng ký khám tuyển, viết đơn tình nguyện, tìm mọi cách để được lên đường nhập ngũ.
Xã nằm bên con sông Ngàn Phố thơ mộng. Con sông quanh năm nước trong vắt bắt nguồn từ hàng chục nhánh nhỏ từ nước bạn lào qua thượng nguồn hợp lại thành sông Ngàn Phổ. Con sông Ngàn Phố uốn lượn ôm lấy từ đầu xã đến cuối xã, đầu xã giáp Sơn Ninh cuối xã giáp Sơn Tân. Con sông đã đem lại rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, giao thương với bên ngoài.
Cả xã 3/4 làm nghề đan lát, nghề mộc, nghề làm bánh các loại như bánh đúc, bánh ú, bánh mướt, kẹo Cu Đơ là nơi đầu tiên nấu kẹo này. Có các hợp tác xã thủ công nghiêp, làm guốc, làm quạt, làm mành và buôn bán. Số còn lại làm nghề nông, nhưng bán nông nghiệp nghĩa là hết mùa cấy hái lại đan lát (buông dầm cầm chèo) Nói về buôn bán dân quê tôi có mặt trên mọi nẻo đường từ chợ Choi, chợ Gôi xa hơn chút chợ Nền Rạp (sơn Trung) chợ phố Châu nhưng chỉ gánh bộ, các bà, các chị gánh bộ đi từ 3-4 giờ sáng tối mịt mới về nhà. Rất cần mẫn hàng ngày không kể nắng, hay mưa vẫn gồng gánh buôn bán kiếm gạo nuôi con cho đến lúc trưởng thành. Chưa ai thống kê thời gian đó cộng lại sẽ là mấy trăm nghìn km, nếu đi vòng quanh Trái Đất này thì được bao nhiêu vòng nhỉ?. Những gia đình khá giả sắm thuyền xuôi Vinh đem những đặc sản chuối, mít, chè......đi từ chiều hôm nay để sáng mai kịp bán chơ Vinh, sau đó mua những thứ hàng thiết yếu về bán sỹ cho các chị bán hàng xén. Người có điều kiện thu mua cau khô khi đủ số lượng lớn theo các đoàn tàu hỏa ra Hà Nội bán và mua vải như lụa và những hàng Hóa quê nhà cần về bán sỹ. Cảnh quê tôi hồi xưa tuy vẫn nghèo, nhưng khá sầm uất, cảnh trên bến dưới thuyền lúc nào cũng nhộn nhịp.
Quay lại chuyện đi bộ đội. Cuối tháng 12/1972 cả xã có 23 thanh niên lên đường nhập ngũ, hồi đó được đi bộ đội là mừng lắm, oai lắm. Đặc biệt được vào các đơn vị chủ lực, được vào Miền Nam chiến đấu. Dù rằng ai cũng biết ngày đi nhưng không hẹn ngày trở lại, hôm tôi đi cả đêm cậu (bố) tôi khóc nhiều, lúc tiễn con đi Cậu dặn tôi "nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực" con ạ.
Thịnh Long là xóm nhỏ gần 100 hộ dân (nay 3 xóm nhập thành một xóm) Có 4 thanh niên lên đường đợt này. Trong đó 3 đều anh em cùng họ Phạm. Tôi lúc đó mới 17 tuổi có 2 anh còn ở chiến trường Miền Nam nên được tạm hoãn, nhưng tôi dấu gia đình viết đơn tình nguyện xin vào bộ đội. Đến khi có giấy báo nhập ngũ gia đình mới biết. Trường hợp thứ 2 Phạm Quang Mạnh con bác Dương ,anh Mạnh da khi nào cũng đỏ sợ bị huyết áp không trúng tuyển nên đã bàn với em con ông chú là Phạm Đình Quang con chú Dung (cũng đi khám tuyển đợt này và Quang con chú Dung chắc chắn sẽ trúng tuyển vì Quangrất mạnh khỏe) là anh Mạnh sẽ đổi tên thành Quang, nếu anh Mạnh không đủ sức khỏe sẽ lấy hồ sơ của Quang đi bộ đội. Còn Quang con chú Dung khám tuyển đi đợt sau .nhưng đợt khám tuyển lần đó cả 3 anh em họ Phạm đều trúng tuyển. Anh Mạnh con bác Dương đổi tên thành Phạm Thanh Quang, con chú Dung vẫn như cũ là Phạm Đình Quang. Sau thời gian gian huấn luyện ở đoàn 22 Sơn Lĩnh Chúng tôi hành quân bộ vào Quảng Bình. Đơn vị biên chế tôi và anh Phạm Thanh Quang ở C8-D5 đều là xạ thủ B41 sau tôi chuyển về B cối 82 ly của C8-D5. Anh Quang khi vào chiến trường được tăng cường về C7 -D5. Phạm Đình Quang về C6-D5. Cả 3 anh em cùng ở một tiểu đoàn.
Khi vào đến Lộc Ninh chú Tấn chú ruột của Phạm Đình Quang khi đó là tham mưu trưởng trung đoàn pháo binh f 7 (công trường 7) đã hỏi và tìm gặp tôi, cuộc gặp gỡ rất ngắn ngủi trong cánh rừng già nguyên sinh và vì chú rất bận nên phải về đơn vị. Cuộc gặp mặt giữa chiến trường của 2 chú cháu thực sự đã làm cho tôi rất xúc động.
Ngày 31/3/1975 trung đoàn 270-f341 nhận vụ đánh đồi Tràn đêm 30/3 từ trong cánh rừng nguyên sinh chúng tôi hành quân xuyên rừng đến 4 h sáng ngày 31/3 đơn vị đến vị trí tập kết (trận này tôi đã kể ở bài trước nên tôi xin phép chỉ kể về trường hợp Phạm Đình Quang hy sinh). Quang lính C6, người rất to khỏe nên được phân công vác khẩu trung liên RBD, đánh hướng cửa mở của C6. Đội hình C6 đánh từ rừng cao su, mũi của Quang chiến đấu rất dũng cảm ngoan cường đã chọc thủng tuyến phòng ngự của địch. Nhưng chúng được pháo binh 105-155 từ căn cứ Túc Trưng bắn như vãi đạn xuống đội hình tấn công của C6, ngoài ra máy bay trinh sát VO10 bay liên tục trên trời bắn đạn khói xuống các mũi Tấn công của C6 chỉ điểm mục tiêu cho pháo và máy bay cường kích A37 của địch ném bom vào trận địa của ta. Sau khi pháo binh địch bắn chuyển làn máy bay ngừng ném bom quân địch tổ chức phản công C6 tuy ae đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường nhưng địch lúc này rất mạnh. C6 do một số anh em bị thương vong đành phải tạm thời lui quân cũng cố lực lượng. sau khi xốc lại lực lượng đã tổ chức tấn công lần 2, C6 đã làm chủ trận địa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi trận chiến vừa kết thúc tôi tìm gặp Hòa C6, gặp được Hòa tôi hỏi ngay Quang thế nào, được Hòa cho biết Quang đã chiến đấu rất dũng cảm ngoan cường và đã anh dũng hy sinh khi địch tổ chức phản công và không lấy được thi thể, đơn vị đã tổ chức tấn công lần 2 giành thắng lợi ae đã đem thi thể của Quang mai táng tại khu vực của đơn vị ở chiến trường. Sau khi Miền Nam được giải phóng Các liệt sĩ của f341 trong đó có Quang đã được quy tập về nghĩa trang Xuân Lộc.
Theo kế hoạch đơn vị sẽ tổ chức đánh vào chi khu quân sự Túc Trưng, nhưng giờ phút chót kế hoạch đã thay đổi ,chúng tôi khẩn trương hành quân về đánh thị xã Xuân Lộc ngày 9-21/4/1975.
Trường hợp anh Phạm Thanh Quang (Mạnh) hy sinh. Đây là trận đánh ở Hà Tiên tháng 12/1977 Hôm đó D5 đánh cửa mới hướng chính diện. D5 vào vị trí tập kết khá sớm khoảng 4 h sáng đã có mặt, cả tiểu đoàn nằm dọc ruộng lầy nước lấp xấp không có lúa chỉ ít cỏ mọc rải rác. Bổng nhiên tôi thấy anh Quang đi lom khom từ C7 tới sát tôi khoảng cách chừng 300m và nằm xuống bên cạnh, (đây là lần đầu tiên chứ trong chiến đấu rất ít khi anh em tìm nhau để nói chuyện) hỏi tôi có lạnh không, tôi bảo hơi ớn lạnh một chút vì sáng sớm người dầm nước ướt thế này làm sao không lạnh được, vả lại thời gian chờ nổ súng lâu quá, bao giờ trước trận đánh cũng có chút bồn chồn, lo lắng . tôi hỏi lại anh. Anh có lạnh không? anh bảo mình thấy trong người lạnh lắm và anh nói chuyện gia đình, quê hương, Đúng lúc đó nghe tiếng nhắn gọi, anh bảo thôi mình về đây.
Đúng 5h 30' pháo các loại của ta bắn vào mục tiêu của địch, sau 40' pháo bắn cấp tập, sau đó pháo bắn chuyển làn. Bộ đội xung phong, trận địa cối 82 ly bố trí vào giữa ruộng lầy bắn được vài quả bàn đế ngập xuống bùn phải vận động lên mé chân đồi đất cứng mới bắn được. Ở đây rất gần quân pốt tuy nguy hiểm nhưng đành chấp nhận. Hướng cửa mở ban đầu tương đối thuận lợi nhưng phát triển được 200 m địch chống trả quyết liệt nên gặp nhiều khó khăn. Đến 11 h trưa tiếng súng nổ dữ dội hướng cửa mở, lúc này tôi bồn chồn lo lắng lắm, phần lo cho các đồng đội, bạn bè, phần lo cho anh Quang không biết bây giờ ra sao. 12h trưa khi đơn vị làm chủ được trận địa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi chạy vội hỏi anh em C7 tình hình anh Quang B41 sao rồi, ở đâu? Nhưng rất buồn anh em báo anh Quang chiến đấu rất dũng cảm và đã anh dũng hy sinh nơi cửa mở.
Trong số 23 anh em cùng nhập ngũ tháng 12/1972, một số đồng chí đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, trong đó 2 người là anh em cùng họ với tôi. Thật buồn 3 anh em bà con ở trong một xóm nhỏ cùng đi bộ đội, cùng ở một đơn vị, 2 người đã anh dũng hy sinh, còn một mình tôi may mắn được trở về. Các anh đã chiến đấu dũng cảm, đã anh dũng hy sinh để cho đất nước được thống nhất, hòa bình như ngày hôm nay.
Theo Trái tim người lính
Nguyễn Minh
09:21 30/09/2021
Trận Đồi Tràn c7 có Trực và Định cùng quê Hà Tĩnh Hy sinh ( Minh không nhớ Xã). Vì Minh đi làm cơ Tử sĩ, M.lượm gói anh Định vào Võng nên nhớ mãi.Cả D5 hy sinh mấy Anh Hòa biết không....