- Anh Tuân ơi, mai anh em mình ra viện rồi… chúng mình về trường bằng cách nào hả anh? Liên tỏ ra lo lắng.
- Em yên tâm, anh đã liên hệ được với xe của trạm xá nhà trường sáng nay vừa chở bệnh nhân vào, mai họ về sớm, anh em mình “bám càng” cùng đi nhé.
- Ôi, vậy thì còn gì bằng, cảm ơn anh nhiều nhé… Nói rồi Liên hớn hở bước vội ra khỏi khoa nội 4 của bệnh viện quân y 268 ở Huế, nơi Trần Văn Tuân đang điều trị ở đó vì bệnh sốt rét.
Chẳng là sau khi thi đại học xong, đang thời gian chờ đợi kết quả, Tuân được đơn vị cử vào rừng già lấy gỗ… không may anh bị sốt rét rừng nên phải nhập viện để điều trị. Ngày anh khỏi bệnh cũng là ngày anh nhận được giấy báo đỗ đại học, phải về trường nhập học gấp. Liên bị đau dạ dày có lẽ do ăn hạt bo bo và thức đêm để ôn thi nhiều nên cũng phải nhập viện. Liên cũng nhận được giấy báo của Trường đại học Tài chính kế toán và đã quá hạn mất 10 ngày, cô cũng sốt ruột về trường nhập học chẳng kém gi Tuân…
Đêm đó, hai người đồng đội cùng học ôn thi đại học ở Trường Văn hóa quân khu 4 lại cùng nằm viện điều trị ở Huế có cùng tâm trạng, họ cứ thao thức mãi mong trời chóng sáng để được về trường làm thủ tục nhập học. Tuân còn nhớ ngày Liên mới vào trường cô gái có dáng cao, eo thon khuôn mặt ưa nhìn với làn da trắng hồng, phổng phao trong bộ quân phục màu sáng đang đi từ bếp ăn của đơn vị về… gặp anh cô mỉm cười với cặp mắt hết sức thân thiện. Từ đó hình bóng của Liên cứ đọng mãi trong Tuân… và sự tình cờ cùng đi điều trị ở viện như càng điểm tô thêm tình cảm của hai người…
Trời chưa sáng rõ, lái xe của trạm xá nhà trường Nguyễn Ngọc Bộ đã đến từng phòng gọi Tuân và Liên nhanh chóng ra xe để về trường sớm vì đài báo sắp có mưa bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Chiếc xe U- oát đã cũ ì ạch vượt qua cổng bệnh viện rồi đi dọc bờ sông Hương hướng về Bến xe An Cựu rồi ra đường số 1 để về Quảng Bình. Tuân và Liên hai người ngồi ghế sau xe hào hứng nói chuyện rất rôm rả.
- Anh định bao giờ nhập trường? Liên thỏ thẻ hỏi.
- Chắc ngày mai lên hiệu bộ cắt giấy tờ xong là ngày kia anh đi luôn…Tuân đáp lại.
- Nếu kịp thì anh em mình cùng đi nhé, mọi người đỗ đại học trong trường ta đã đi hết rồi, hình như chỉ còn 2 anh em mình nữa thôi.
- Vậy thì còn gì bằng, anh cũng muốn được có bạn gái đi cùng cho vui.
- Anh đã đến Hà Nội chưa? Em chưa biết Hà Nội đâu anh ạ.
- Anh cũng đi một vài lần hồi còn bé ra thăm chú anh, bây giờ chắc cũng chẳng nhớ…
- Không lo đâu anh ạ, đi lấy củi trong rừng già không có người để hỏi vậy mà anh em mình vẫn tìm được đường về đơn vị…Vậy thì ở giữa Thủ đô người đông nghìn nghịt sợ gì lạc phải không anh?
- Ừ… Mà em còn phải lên Hương Canh, Vĩnh Phú đấy, trường em không phải ở ngay Thủ đô đâu nhé.
- Em biết rồi, khi đăng ký thi vào trường em cũng đã tìm hiểu… mà anh sướng thật là con trai lại được học ngay Thủ đô.
- Em đổi cho anh đi, anh nhường em đấy, Tuân đùa Liên.
Hai người say sưa nói chuyện như không biết trên xe còn có hạ sĩ lái xe Nguyễn Ngọc Bộ…
Ra khỏi Thành phố Huế, nhìn ra phía trước, bầu trời bổng tối đen lại, gió đã bắt đầu thổi, cơn giông từ phía chân trời đang ùn ùn kéo về, Liên lo lắng hỏi anh Bộ
- Chúng mình có tiếp tục đi được không anh?
-Vẫn phải đi đồng chí ạ, cố gắng đi nhanh để thoát ra khỏi cơn giông.
Đi được quảng đường chừng 20 cây số, chiếc xe như bắt đầu chậm lại bởi sức gió mỗi lúc một lớn dần, sấm chớp nổi lên ầm ầm, anh Bộ phải bật đèn xe nhưng phía trước vẫn mịt mùng bởi gió mưa, không nhìn rõ mặt đường… Chiếc xe lê lết vượt qua từng quảng nhỏ nhưng gió như mạnh hơn, mưa to hơn làm cho cả ba người hết sức lo lắng… Liên động viện anh Bộ:
- Anh chịu khó nhé, chắc sắp vượt qua cơn giông rồi… Nói vậy, nhưng trong lòng Liên cũng lo lắng lắm…
Anh lái xe cố căng mắt để lái xe lượn qua những hố nước trên đường làm cho chiếc xe luôn chao đảo, Tuân và Liên cứ bị dồn về từng phía hai người cứ như bị dán vào nhau…
Gió, mưa to quá xe không thể đi tiếp nên anh Bộ cho xe tấp vào bên lề đường chờ ngớt cơn giông để đi tiếp.
Tuân đề nghị:
- Anh Bộ ơi, có lẽ trời mưa còn lâu, chúng mình nên vào nhà dân bên đường nghỉ tạm, lát trời tạnh hẵng đi anh ạ.
- Tôi cũng nghĩ thế anh Tuân à, đồng chí Liên thấy thế nào?
- Vâng, em cũng đồng ý…
Anh Bộ lại nổ máy lái chiếc xe mò mẫm đến bên chiếc cổng của một nhà dân, rồi nhảy vội xuống xe gọi lớn:
- Nhà có ai ở nhà không? Anh Bộ gọi đến lần thứ ba, thấy có một người dáng nhỏ bé từ trong nhà đội nón, mặc áo mưa bước ra mở cổng.
- Con chào mẹ ạ!
- Không phải mẹ đâu, bọ (bố) đây….
- Vâng chúng con chào bố (cả ba cùng đồng thanh), bố cho chúng con vào nhà nghỉ nhờ một lúc à, trời mưa to quá.
Cả ba cùng đội mưa bước vào nhà thấy một người mặc áo bộ đội Tô Châu kiểu xuân hè đầu cắt ngắn đang ngồi hút thuốc rê bên bàn, Liên nhanh mồm chào trước:
- Con chào bố ạ!
- Các con vào nhà thay đồ đi kẻo lạnh, để mạ (mẹ) xuống đốt lửa cho các con hơ người đỡ lạnh nhé… Lúc này Liên mới biết mình bị nhầm, mặt đỏ bừng…
Thấy vậy, cả Tuân và Bộ đều im thin thít không dám cười…
Bất chợt, Tuân liên tưởng đến câu chuyện mà thằng Trung “nhắng” thường kể về: “Quảng Bình có hai bọ”. Với điệu bộ và khuôn mặt hài hước, hắn rủ rỉ:
- Hôm đó đơn vị phân cho tớ vào rừng lấy củi, dọc đường về khát nước quá nên đành vào nhà dân xin nước uống. Vừa bước vào cửa thấy một người to đậm vận bộ bà ba rộng thùng thình đầu cắt trọc đang băm chuối, tớ cũng ngỡ là đàn ông, nên chào bố. Đến khi vào nhà thấy một người nữa cũng quần áo bà ba, đầu cắt trọc, đang nồi trên tràng kỷ nhả ra những đụn khói thuốc rê bay lơ lửng mùi khét lẹt, tớ cũng lại chào bố… Đến lúc thấy người ngồi trên tràng kỷ mời uống nước tớ mới biết đó là đàn bà… lúc đấy tớ ước gì có đất nẻ để chui xuống đất, thật xấu hổ… Đận ấy hắn mang câu chuyện “Quảng Bình có hai bọ” đi kể khắp trường, ai nghe cũng lăn ra cười…
Trời đã quá trưa, được vợ chồng người dân bên đường đãi một bữa cơm hấp khoai khô no nê, cả ba người lại xin phép chủ nhà để tiếp tục lên đường. Trước lúc đi, Liên xin gửi lại tiền ăn trưa, nhưng vợ chồng họ cương quyết không nhận, người chồng xua tay nói:
- Các con nhỡ đường vào thì bọ mạ mời cơm chứ làm sao phải thanh toán… Thôi, trời đã gần tạnh rồi, các con tranh thủ mà đi kẻo chiều lại mưa nữa đấy.
Ba người vội cảm ơn gia đình rồi ra xe tiếp tục cuộc hành trình, lúc nay mưa có ngớt hơn nhưng đường đã bắt đầu bị ngập nhiều đoạn, chiếc xe ào qua các vũng nước, những giọt nước màu bàng bạc bắn tung tóe làm ướt hết những người đi bộ bên đường, anh Bộ lại phải ngoái đầu lại xin lỗi họ.
Đến 5 giờ chiều, chiếc xe đã đến được huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lúc này trời đã nhá nhem tối, lại do trời mưa to nước ngập nên xe phải dừng lại trên đoạn đường quốc lộ mà hai bên là những cánh đồng nước ngập trắng xóa.
Tuân lo lắng nói với anh Bộ.
- Nói dại, nếu tắc đường ở đoạn này mà nước cứ tiếp tục dâng cao là chúng mình không biết chạy vào đâu anh Bộ nhỉ?
- Ừ… nhưng chắc mưa cũng sẽ ngớt thôi, nước không lên to hơn nữa đâu, mình không đi được thôi chứ chờ đây chắc không sao. Nói vậy để động viên mọi người nhưng nhìn nét mặt anh Bộ thể hiện sự lo lắng lắm…
Liên thì vẫn hồn nhiên không tỏ vẻ lo lắng, cô còn say sưa kể:
- Hồi còn bé ở quê mưa lụt này bọn em thích lắm, khi nước ở sân nhà dâng lên là bọn em gấp thuyền giấy thả xuống rồi hò reo khoát nước đua thuyền. Khi trời ngớt bọn em lội ra đường đùa bỡn quần áo ướt sũng…
- Em trông vậy mà nghịch thế kia à? Tuân hỏi
- Ôi còn phải nói, lớn lên một chút biết đi chăn trâu, lúc ấy chúng em nghịch lắm, cây ăn quả trong vườn nhiều nhà bị bọn em hái trộm rồi ra ruộng bẻ ngô về nướng… Đến giờ nghĩ lại em vẫn cảm thấy vui.
- Em chưa nghịch bằng bọn anh đâu, ra đường thấy hai chú khuyển yêu nhau, bọn anh vội về nhà lấy đòn gánh luồn qua khiêng đi khắp làng, ấy vậy mà vẫn không tách ra được mới tài chứ lị…
- Ứ… cái anh này nói bậy không à, thôi em không nghe nữa, Liên nũng nịu…
Bỗng từ phía biển chớp giật liên hồi cơn giông lại ập đến rơi rào rào trên mui xe, nước bắt đầu tạt qua cửa sổ, Tuân và Liên ngồi dồn vào giữa xe để khỏi ướt. Hơi ấm từ người liên chuyền sang Tuân làm anh xốn xang… Giá như không phải trong hoàn cảnh này, chắc Tuân sẽ nói với Liên những lời có cánh…
Mưa dồn dập cả tiếng đồng hồ, đường quốc lộ đã ngập sâu chừng nửa mét, nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục dồn về làm cho chiếc xe như sắp bị rời khỏi mặt đường. Tất cả mọi người tỏ ra hết sức lo lắng. Rất may lúc đó có một chiếc xe tải Zin 130 cao to lừng lững bò tới gần xe của họ. Tia hy vọng lóe sáng trong đầu mỗi người, Liên reo lên:
- À, có xe to đây rồi, mình sang ngồi nhờ xe của họ các anh ơi…
Thấy Liên nói có lý, cả Tuân và Bộ đều hưởng ứng, vội vàng chuyển ba lô sang chiếc xe tải ngồi nhờ. Trên xe tải, hai đồng chí lái xe bộ đội đang ngồi trong ca bin hạ kính, nói vội ra:
- Lên thùng ngay, chiếc xe con sắp trôi kia kìa…
Vất vả lắm cả ba người mới lên được thùng xe, vừa lúc đó chiếc xe con cũng bị cuốn trôi xuống ruộng, thật hú vía… chỉ chậm vài phút nữa là cả ba sẽ trôi theo dòng nước.
Do trên xe không có mui nên Tuân và Liên chụm đầu vào nhau trong chiếc áo mưa, còn Bộ vì không có áo mưa nên xuống ca bin xin ngồi nhờ. Lúc này trên thùng xe chỉ con Tuân và Liên cùng 2 chiếc ba lô ngấm nước. Nước mưa ngấm vào người càng thêm lạnh… bụng đã đói cồn cào. Tuân luồn tay vào ba lô tìm kiếm gói lương khô 702 dúi vào tay Liên:
- Em ăn tạm đi cho đỡ đói.
Ôi anh kiếm đâu ra của quý này thế.
Hôm trước anh được đơn vị phát cho anh còn để dành.
Anh cùng ăn với em một nửa nhé, chắc bụng cũng đói rồi phải không? Vừa nói Liên vừa bẻ phong lương khô ra đưa cho Tuân một nửa.
Em ăn đi, anh không đói.
- Thôi đi ông tướng à, ăn từ trưa đén bây giờ đã gần nửa đêm rồi… đừng có sĩ nhé…
Liên ép Tuân phải cầm nửa phong lương khô để ăn và nói:
Anh không ăn , em trả lại anh đây này… Lúc này Tuân mới chịu cùng ăn.
Hai người đồng đội ngồi sát gần nhau hơn để sưởi ấm cho nhau trong cơn mưa lạnh… có lẽ vì hoàn cảnh trớ trêu mà họ không còn ái ngại giữ ý giữa người con trai chưa vợ và cô gái trẻ chưa chồng. Ở họ lúc này chắc chỉ là tình đồng chí, đồng đội. Họ ôm chặt nhau để sưởi ấm cho nhau và động viên nhau cùng vượt qua thử thách…
Nước dâng lên mỗi lúc một cao hơn, chiếc xe đã có dấu hiệu dịch chuyển. Ba người ngồi ở ca bin xe phải nhảy lên nóc vì nước đã tràn vào buồng lái. Thấy họ có vẻ hốt hoảng, Liên mới bắt đầu thấy sợ, khóc nấc lên, nước mắt đẫm cả vai áo củaTuân.
- Có lẽ chúng mình không thoát khỏi đâu anh.
- Em cứ bình tĩnh đi… động viên Liên vậy thôi nhưng mặt Tuân cũng đã tái lại vì lo sợ… Điều lo lắng của anh hồi chiều đã sắp thành hiện thực, Tuân nghĩ: “ Bây giờ mà chiếc xe tải bị trôi nữa thì không biết tính sao, từ xe đến cồn cát bên ven biển phải đến ba bốn cây số, ai mà bơi vào bờ được, mà Liên lại không biết bơi…”. Nghĩ vậy và anh nhắm mắt không dám nghĩ gì thêm nữa. Liên khóc mỗi lúc một to hơn:
- Mẹ ơi cứu con, thế là con không về với mẹ được nữa rồi như lời hẹn, chỉ ít phút nữa chiếc xe bị cuốn trôi là con cũng vĩnh viễn nằm lại nơi đây mẹ ơi…
Cố động viên Liên nhưng Tuân cũng bắt đầu giao động, anh chợt nghĩ: “Thế là cuộc đời mình đã chấm dứt từ đây, sau bao nhiêu năm được bố mẹ cho ăn học, được quân đội ưu ái cho ôn thi đại học để khi ra trường được phục vụ quân đội lâu dài… vậy mà bao ước mơ của mình cũng sắp bị chôn vùi nơi đây… Mẹ ơi, mẹ thông cảm cho con nhé, bố ơi, trong thư con gửi về hôm trước con có hẹn bố, con sẽ tranh thủ về nhà ít ngày trước khi nhập trường, vậy mà…”. Nghĩ đến đó hai dòng nước mắt Tuân cứ chảy dài, lúc này anh chỉ nghĩ đến cái chết. Cuốn tiểu thuyết: “Con tàu Ti Ta Nic” anh đọc ngày nào giờ đang hiện hữu…Và anh ôm chặt Liên hơn, có lẽ đây là cái ôm người con gái lần cuối cùng trước khi rời trần thế…
Thấy Liên khóc thảm thiết, hai đồng chí bộ đội lái xe tải cũng hoảng. Họ vội vàng đứng lên nóc xe kêu cứu, nhưng tiếng mưa rơi và sấm chơp làm vậy, ai có thể nghe được tiếng kêu cứu của họ… Một đồng chí bộ đội nâng khẩu CKC lên bắn mấy phát súng chỉ thiên làm hiệu kêu cứu…
Khoảng 15 phút sau, từ đằng xa, họ thấy có ánh đèn pin le lói, có lẽ từ trên một chiếc thuyền có vài người đang đi tới. Từ trên nóc ca bin xe, anh Bộ reo lên:
- Chúng mình sắp được cứu rồi, được cứu rồi…
Nghe anh Bộ reo lên, Tuân vội tung chiếc áo mưa vụt đứng dậy, nhìn về phía có chiếc thuyền đang đi tới, rồi anh cũng nhẩy cẫng lên thùng xe, đỡ Liên cùng đứng dậy:
- Em ơi chúng mình sắp được cứu sống rồi…
- Thế à anh… rồi Liên ôm chầm lấy Tuân mừng rỡ…
Khi chiếc thuyền gỗ đến gần, trong màn đêm Tuân nhìn thấy có hai người dân quân hình như một nam một nữ đang thay nhau chèo thuyền và tát nước trong thuyền ra…
Trong đời Tuân chưa bao giờ chứng kiến niềm vui, hạnh phúc nào hơn khi chiếc thuyền cập vào thùng của chiếc xe tải, anh khoác ba lô và dìu Liên sang thuyền trong niềm vui vở òa… Lúc này, trời đã gần sáng nhưng vẫn âm u, chiếc xe tải cũng đã bị cuốn trôi. Từ xa, những cồn cát trắng đã hiện lên nhấp nhô, nhưng phải gần một giờ sau thuyền mới đến được. Vì không có bến nên mọi người phải lội xuống nước, trên tay cầm theo chiếc can nhựa để đề phòng. Bước chân lên cồn cát Liên reo lên vì sung sướng.
- Thế là chúng mình được cứu sống rồi anh ơi, chúng mình không chết nữa phải không anh, em đang mơ hay là thật đây anh…
- Chúng mình còn sống, anh còn sống em còn sống và sẽ lại được về trường đại học em ạ …Tuân cũng vui mừng không kém gì Liên.
Được các anh chị dân quân đưa vào nhà dân nghỉ tạm một lúc, Tuân và Liên men theo bờ cát trắng ven biển đi bộ với gần 40 cây số để về Đồng Hới, còn anh Bộ phải ở lại chờ nước rút để tìm kiếm chiếc xe bị cuốn trôi.
Đã qua một đêm vật lộn với mưa gió, rét mướt trong sự âu lo tột cùng, giờ đây hai người lại phải đi bộ ròng rã, hai chân họ như không còn cảm giác, nhiều lần Liên ngồi khuỵu xuống, Tuân lại đỡ Liên, lên động viên cô:
- Sắp đến rồi em cố lên, tối nay mình sẽ đến đơn vị mà, mai mình vẫn kịp lấy vé tàu đi Hà Nội.
- Em mệt quá anh ạ, có lẽ em không đi được nữa đâu
- Em có nhìn thấy không? Làng Bảo Ninh kia kìa… quê hương của mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông đấy.
- Đâu… quê mẹ Suốt đấy hả anh?
- Đúng rồi, mẹ Suốt gần tám mươi tuổi còn chờ đò dưới bom đạn được mà em là thanh niên “gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” mà kêu mệt ạ… Tuân đùa Liên.
- Nào, thì chúng mình lại đi nào… Liên bật dậy và bước theo Tuân.
Phải đến 8 giờ tối hai người mới đến được đơn vị, doanh trại ngày nào đông vui là thế, giờ vắng tanh, chỉ còn một số đồng chí cảnh vệ và cán bộ khung nhà trường ở lại.
Đêm đó cũng là đêm Tuân và Liên chia tay nhau vì Liên được chuyển sang khối chính sách nên hai người không thể đi về trường nhập học như lời hẹn…. Những năm học đại học trong lòng Tuân luôn có Liên, nhưng từng đó kỷ niệm chưa đủ để anh đi tìm lại Liên.Và Tuân cũng biết rằng xinh đẹp như Liên chắc cũng đã có nhiều người cùng trường theo đuổi… Hai người bặt tin nhau đã 44 năm, tình cờ qua người bạn cùng học một trường với Liên đã cho Tuân số điện thoại nên họ đã nối lại liên lạc.
Gọi điện thoại cho Liên, Tuân thật sự xúc động khi Liên nhận ra tiếng nói của anh:
- Anh Tuân phải không? Em đây, Liên đây mà, anh đang ở đâu vậy…giọng của Liên cũng xúc động không kém.
- Mà sao em nhận ra giọng của anh.
- Kỷ niệm đêm đó làm sao em quên được
- Bây giờ em sống ở đâu?
- Tốt nghiệp Đại học xong em xây dựng gia đình và cùng chồng đi vào Tây Nguyên công tác anh ạ, bây giờ em đã có 6 cháu cả nội lẫn ngoại…
- Xin chúc mừng em nhé!
- Còn anh sao rồi?
- Anh cũng đã có 3 cháu cả nội lẫn ngoại rồi em ạ… Bây giờ anh đang sống ở Hà Nội. Những người thoát chết đêm đó đều là những người may mắn em ạ, vừa rồi anh có gặp lại anh Bộ trong cuộc hội ngộ của Trường ta, anh ấy khỏe và hỏi thăm em đấy…
Câu chuyện cứ thế nối dài… sau một khoảng thời gian hơn nửa đời người họ mới được nghe giọng nói của nhau, để ôn laị một kỷ niệm quá sâu sắc mà đến bây giờ cả hai đều nhớ không sót một chi tiết. Những người lính có trái tim nhân hậu, sống chết có nhau lúc hoạn nạn, chắc chắn họ sẽ là những người hạnh phúc và họ mãi mãi không thể quên nhau được.