Trong bài “Tâm sự thời Covid” khi mà đại dịch này đang diễn ra gây thảm họa không chỉ ở nước ta mà trên toàn cầu với số người mắc và tử vong ngoài tưởng tượng, tôi bày tỏ 2 mong ước:
1- Muốn chọn đúng cách điều trị thì phải hiểu bệnh Covid, con Covid. Nếu không sẽ chữa “lợn lành thành lợn què” và làm sao giảm nhanh số người tử vong.
2- Giảm căng thẳng cho người dân do giãn cách, về giấy đi đường và phong tỏa.
Sau khi bài viết đăng trên vanhoavaphattrien.Vn, tôi rất vui vì có rất nhiều người bình luận và chia sẻ. Hầu hết là đồng tình và cho là bài viết rất bổ ích. Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của BS Nguyễn Thu cho rằng, bài viết thiên về huyết học, còn các rối loạn khác thì đề cập sơ qua và thuốc Hoạt huyết CM3 có dữ liệu và chứng cứ gì trong điều trị đông máu rải rắc trong lòng mạch … chứ chưa nói là trong điều trị Covid-19. Đây là một ý kiến hay, và có trách nhiệm của người thầy thuốc. Dùng thuốc phải nắm được dữ liệu về thuốc, chứng cứ hợp pháp.
Vì vậy, một lần nữa xin cảm ơn ban đọc quan tâm tới bài viết “Tâm sự thời CoVid” và trên cơ sở đó, tôi tập trung trả lời ý kiến của BS Nguyễn Thu.
Trước hết, tại sao tôi thiên về Huyết học ?
Một bệnh có rất nhiều tổn thương, là chuyên nghành huyết học thì thường đi sâu vào những gì mình biết, có kinh nghiệm, nhất là theo các nghiên cứu đã công bố cũng như thực tế đang diễn ra ở vụ dịch Covid- 19 ngay tại nước ta thì một trong những nguyên nhân gây tử vong là rối loạn đông máu, tăng đông tắc mạch, đông máu rải rắc trong lòng mạch, suy đa tạng, thuộc lĩnh vực huyết học. Phác đồ diều trị của Bộ Y tế đã ghi rõ gói thuốc số 2: Có thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Chính vì với tâm tư muốn đưa thuốc kháng đông vào càng sớm càng tốt , nhưng phải an toàn không gây chảy máu khi dùng. Đó là lý do, tôi thiên về huyết học. Tôi nghĩ còn nhiều triệu chứng khác và tổn thương khác ở người bị Covid, như suy hô hấp, cơn bão cytokine, mất khứu giác v.v … Các chuyên gia truyền nhiễm, phổi, miễn dịch thần kinh, tai mũi họng …sẽ đi sâu vào phân tích thì tốt hơn.
Theo tờ Zingnews: Quận 6 Thành phố HCM là quận đầu tiên phát thuốc kháng viêm kháng đông cho Fo điều trị tại nhà. Theo Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin chia sẻ “Đây là quyết định phải làm sau khi tham khảo ý kiến của các Bác sĩ. Các phường có phần chần chừ, với tư cách là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm”. May mắn, từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn. Uống từ 5-7 ngày thì xét nghiệm âm tính”
Theo tôi thì Virus giảm xuống là nó tự chết vì tuổi thọ của nó chỉ khoảng 7-14 ngày cộng với sức đề kháng của cơ thể, không phải do thuốc diệt được virus, mà là ngăn chặn được biến chứng do tăng đông. Qua thực tế ở quận 6, càng chứng minh dùng thuốc chống đông chống viêm càng sớm càng tốt .
Thuốc chống đông có nhiều loại, tôi không biết quận 6 dùng thuốc loại gì? Dù sao đạt được kết quả ban đầu là đáng mừng rồi.
Về dữ liệu và xuất sứ thuốc Hoạt huyết CM3 như thế nào?
- Năm 1986 - 1987: Chương trình A do GS Nguyễn Đình Tứ làm chủ nhiệm đặt hàng tìm thuốc từ đông dược hỗ trợ điều trị bệnh lý phóng xạ. Bệnh phóng xạ có nhiều tổn thương, trong đó có chảy máu, rối loạn tuần hoàn máu. Chúng tôi chọn : Nghiên cứu tìm thuốc từ đông dược điều trị rối loạn đông máu, chảy máu trong bệnh phóng xạ. Đề tài thuộc vấn đề 7 - Chương trình A. Nơi tiến hành: Khoa máu - độc - xạ ( A7) Viện Quân y 103. Dựa trên loại thuốc lý huyết đông y {gồm : thuốc chỉ huyết (cầm máu) , thuốc hoạt huyết ( lưu thông máu ) và thuốc Hành huyết phá ứ (chống các cục máu làm ứ máu)}. Qua nghiên cứu độc cấp, độc mãn, invitro, invivo, chúng tôi đã xây dựng được bài thuốc HOẠT HUYẾT CM2 ( Có nghĩa là cầm máu thứ phát. CM= cầm máu, 2. là thứ phát, dùng trong các trường hợp chảy máu ở bệnh lý nền gây nên, không dùng trong chảy máu tiên phát như: bệnh ưa cháy máu, giảm tiểu cầu, …).
- Từ năm 1988- 2000: Đề tài được nâng cấp, tên là “ Nghiên cứu Thuốc Hoạt huyết CM2 phục vụ phòng chữa bệnh phóng xạ” mang Mã số: 50B-02-03B do tôi làm Chủ nhiệm Đề tài này. Có đến 20 cán bộ, bác sĩ các chuyên nghành liên quan ở Viện 103 cùng tham gia.
Sau nghiên cứu Invitro, invivo, dựa vào học thuyết lưu biến huyết của Coplei (nhà huyết học), Nội dung : Tuần hoàn máu không chỉ phụ thuộc vào yếu tố cơ học ( Tim – mạch máu), mà còn phụ thuộc vào chất dịch trong lòng mạch, độ nhớt máu . Đây là luận điểm mới, rất có giá trị trong chẩn đoán và điều trị rối loạn lưu thông máu. Các xét nghiệm nghiên cứu tập trung vào luận thuyết này . Chúng tôi gây mô hình đông máu rải rắc trong lòng mạch trên thỏ, dùng xét nghiệm đông máu toàn bộ và nhiều xét nghiệm khác. So sánh điều trị thuốc chống đông Tây y: Heparin, với thuốc kháng đông Hoạt huyết CM2. Kết quả lô thuốc Hoạt huyết CM2 tất cả thỏ đều sống, lô dùng Heparin tỷ lệ sống ít hơn, còn lô chứng đều chết hết. Cả ê kíp nghiên cứu vừa ngạc nhiên vừa phấn khởi. Đã có thuốc thay thế thuốc kháng đông Tây y. Tiếp theo là nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng ở các trường hợp có biến chứng hội chứng đông máu rải rắc trong lòng mạch ở nhiếu bệnh lý. Kết quả rất tốt. Không có tác dụng phụ của thuốc, không phải theo dõi xét nghiệm đông máu chặt chẽ như khi dùng thuốc kháng đông Tây y. Đó là vì: Thuốc Hoạt huyết CM2 chỉ ức chế hoạt hóa đông máu chứ không làm bất hoạt các yếu tố đông máu, gây giảm tiểu cầu như kháng đông Tây y.
Tiếp theo, chúng tôi nghiên cứu mở rộng tác dụng của thuốc trong rối loạn tuần hoàn não, tắc mạch chi, bệnh lý máu, ung thư, bệnh lý thận .V.V…
Đề tài dược Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu năm 1990 với kết luận: Đề tài nghiên cứu công phu khoa học, chất lượng, Hiệu quả - an toàn- kinh tế.
Do sự ứng dụng ngày càng nhiều nên năm 1997 được duyệt dự án “ Công nghệ sản xuất thuốc Hoạt huyết CM3, trên cơ sở nghiên cứu thuốc Hoạt huyết CM2” do tôi làm chủ nhiệm Dự án được nghiệm thu năm 2000. Hiện nay, Hoạt huyết CM3 dưới dạng viên nang mềm do Công ty dược Phúc Vinh sản xuất, được Cục quản lý dược-Bô Y Tế cấp SĐK : VD-27170-17:
Thuốc Hoạt huyết CM3
Chỉ định :
Rối loạn tuần hoàn não do xơ vữa mạch máu
Xuất huyết do đông máu rải rắc trong lòng mạch
Phòng biến chứng do xạ trị , hóa trị
Tác dụng Phụ : - không
- Chưa có phản hồi từ khi đưa vào sử dụng Hoạt huyết CM3.
Cho đến nay, tỷ lệ tử vong ở TP HCM do CoVid 19 chưa lạc quan. Thông tin này được ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết chiều 17/9. Cuộc chiến chống Covid còn phải cố gắng hơn nữa. Đội ngũ y tế, phải vừa diều trị, vừa liên tục hội trị để cùng tìm biện pháp tốt nhất, hạn chế tử vong. Sự đóng góp kinh nghiệm rất cần trong lúc này, bất kỳ ở đâu, kể cả người thầy thuốc về hưu. Bệnh lý Covid-19 rất đa dạng, phức tạp, cần tập họp nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia để tìm ra phương cách chữa trị cho những người không may bị nhiễm Covid 19.
Người dân đang mong chờ nhiều về kết quả điều trị và phòng bệnh để đỡ căng thẳng lo âu vì Covid.
Hy vọng với việc đẩy mạnh tiêm phòng CoVid 19 sớm bao phủ toàn dân, đồng thời không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiệm nghiêm khuyến cáo 5 K của Bô Y tế, kết hợp với điều trị cho những người bị nhiễm CoVid 19 sớm khỏi bệnh, giảm tử vong đến mức thấp nhất, cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng người dân là trên hết, trước hết, không có ai bị bỏ lại phía sau, vừa phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
TR-M-V