Chuyện kể tâm linh

Ngày ông ngoại tôi còn, những lúc vui vui chúng tôi hay nài ông kể chuyện xưa ở quê. Chuyện của ông thì nhiều lắm, chủ đề xoay quanh đồng ruộng, ao chuôm, cuộc sống đời thường của những người nông dân chân lấm tay bùn. Chuyện nào của ông cũng hay, cũng khơi gợi trí tưởng tượng của con trẻ thật phong phú.
241222362-1559694497755827-2270332283853457135-n-1631353982.jpg
Ảnh minh họa NAG Vũ Quân

Chuyện kể xưa và nay

Trong kho tàng chuyện kể của ông có lẫn những chuyện về ma, về thế giới thần bí. Chúng tôi sợ nhưng vẫn háo hức nghe. Có câu chuyện như này: Vào một đêm hai ông, ông tôi và một ông em họ rủ nhau đi câu ở cái ao của gia đình trong họ mạc. Ao rộng lắm, nhìn sang bờ bên kia ngút mắt với cây cối, lau sậy chen nhau um tùm. Đêm không có trăng nên mọi vật trông mờ ảo lắm. Ngồi câu được một lúc thì có tiếng ùm ũm giống như ai đang giặt dịa, tắm táp rửa ráy gì thì phải. Nước động cá bỏ đi chả cắn mồi. Hai ông chuyển chỗ câu. Ngồi lúc lâu không gian im phắc chỉ có tiếng dế giun rỉ rả, bỗng lại có tiếng ùm ũm phía đối diện. Hai ông bực quá chuyển chỗ mấy lần đều vậy, xách cần câu về không. Ông giải thích với chúng tôi là bị ma nó trêu, tốt nhất là về.

Hồi bé chúng tôi sợ rúm khi nghe kể, nhơn nhớn một chút thì nghĩ chắc có kẻ nào rỗi hơi trêu hai ông đấy thôi! Cho đến ngày tôi đọc được bài viết của bác Nguyễn Tài Đức, một nhà nghiên cứu tâm linh thì suy nghĩ của tôi đã chuyển hướng. Mời các bác đọc bài viết của bác Đức.

Chuyện tâm linh - Chuyện kể về ma da

Ma lam hay còn gọi là ma da là những vong linh của những người bị chết đuối, phần nhiều là trẻ em. Những vong linh chúng sinh đó bị giam giữ dưới nước sau khi chết đuối, chưa được đầu thai chuyển kiếp. Chúng hay tìm cách bắt thêm người, làm chết đuối… Do vậy, mà thân nhân của những chúng sinh đó phải làm Lễ bắc cầu để giải thoát họ, lên bờ đi đầu thai chuyển kiếp. Chúng ta thử tìm hiểu về Lễ bắc cầu. Lễ chiêu hồn thường do các bậc chư tăng tiến hành, lập đàn cúng, và được bầy biện tổ chức như sau:

1) Một bàn thờ đặt trong một cái kiệu (hay long đình), bên trong bầy hai cái mão: một cái mão trắng cho thần Hà Bá là vua sông nước, còn mão kia màu vàng cho vị thần gọi là Âm phù dẫn hồn sứ giả. Ngoài hương đèn hoa quả xôi chè còn có một tờ sớ điệp để thỉnh cầu hai vi thần trên.

2) Một bàn thờ nhỏ kê trước cái kiệu là cho vong hồn người chết gồm một bài vị (hay tấm ảnh), một cái đầu heo, một đĩa đựng hai đồng tiền xin xăm.

3) Đặc biệt còn có thêm một bàn nhỏ nữa trên có để một tấm gương nhỏ quay mặt về hướng sông gọi là kiếng soi đường cho lễ khai quang vì hồn ma lạc lõng không biết hướng về.

4) Trước bàn thờ vong, bên trái có dựng một cây gậy gọi là kim tích trượng, tượng trưng quyền phép cùa Địa Tạng vương Bồ tát; ở đầu gậy có một cái vòng đồng treo một giải vải đỏ viết chữ Nam vô thập phương chư Phật. Gậy phép này để đưa vong hồn về cõi Phật.

5) Trước bàn thờ vong bên phải có một cây nứa tre còn lá tươi ở ngọn để treo cành phướn (gọi là thấn phan) tức là một giải giấy trắng: trên đỉnh có chữ Úm bằng Phạn ngữ (chữ đầu trong câu thần chú: Úm ma ni bát minh hồng), bên dưới thì có ba dòng chữ dọc ghi danh tính và ngày sinh, ngày mất của vong hồn.

6) Dưới chân bàn thờ có để một con hình nộm (để thế mạng cho vong hồn) và một chuồng có con gà trống (thần kê) để hướng dẫn hồn ma, một om đất đựng những lá bùa.

7) Rồi đến một cây cầu làm bằng một tấm vải trắng căng từ bàn thờ nhỏ ra tận bờ nước, ở đó lại kê thêm cái thang nhỏ có 3 bậc làm bằng cọng là chuối. Chủ đích là để vong hồn từ dưới nước leo lên đến bàn thờ vong. Kích thước của cây cầu hồn bằng vải thì chiều ngang là một thước mộc Việt Nam xưa (0m40), nhưng chiều dài tùy theo là vong hồn nam hay nữ. Đàn ông thì ba hồn bẩy vía, đàn bà thì ba hồn chín vía, (Vậy chiều dài của cây cầu cho đàn ông là: 0m40 x 7 x 3 = 8m 40)

Cuối cùng, ở bờ nước có một chiếc thuyền neo sẵn, để cho vị sám chủ lễ và vợ con người chết leo lên bơi nhiều vòng trên mặt sông. Vị sư vừa tụng niệm vừa cầm “cành phan” khua ra chiêm thu vong hồn về, xong dẫn vong hồn lên bờ sau khi đó hình nhân được ném xuống để thế mạng và cái yểm bùa để trấn quỉ ma quấy phá.

Trên đây mô tả Lễ chiêu hồn hay còn gọi là Lễ bắc cầu. Chúng tôi chưa bao giờ tham dự buổi lễ này, vì không có duyên. Nay xin kể về câu chuyện sư cụ Thích Phúc Trí, ra tay cứu vớt những chúng sinh bị chết đuối - ma lam :

Xã Mễ Trì thuộc Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Xã Mễ Trì cũ có 3 thôn: Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ và Phú Đô. Đất thổ cư của thôn Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ giáp nhau, chỉ phân cách bằng một dải đất trũng, người dân địa phương thường gọi là Ao Khoang. Xưa kia chủ yếu dùng để thoát nước mưa từ vùng đất phía đông và đông bắc 2 làng. Đầm Mễ Trì là một đầm rất dài và rộng. Đầm là chỗ sinh hoạt của cuộc sống cư dân hàng ngày như thả cá, tắm giặt, đây cũng là nơi lũ con trẻ hiếu động trong làng thường ra nô đùa bơi lội và đã xảy ra nhiều tai nạn sông nước. Những người bất hạnh bị chết đuối đó người ta thường gọi là ma lam. Lẽ xưa, thì người nhà các nạn nhân phải nhờ các Pháp sư hay nhà chùa, làm Lễ bắc cầu để giải trừ oan khiên, tạo một con đường đưa các oan hồn, uổng tử đó tới cửa phật, giải hết nỗi oan khiên.

Nhưng do nhiều gia đình nạn nhân vì những lý do và hoàn cảnh hoặc do thiếu sự hiểu biết về các cõi tâm linh, nên không làm lễ này…bởi thế những ma Lam không được tiếp dẫn, siêu thoát, cứ quanh quẩn nơi bị nạn và lại còn bắt thêm những kẻ bất hạnh khác phải chết theo thành một đàn, một lũ ma Lam…

Khi Hà Nội làm con đường Láng – Hòa Lạc vào năm 2001 thì nhiều đầm, ao của làng Mễ Trì bị lấp. Đầm xưa trở thành con đường cao tốc Làng – Hòa Lạc, nhưng cũng từ đó nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra tại cung đường đi qua xã Mễ Trì. Vào những năm đó, khi đang trụ trì chùa Mễ Trì Thượng, các Phật tử thưa chuyện với sư cụ Thích Phúc Trí về những chuyện tai nạn tang thương đã xảy ra trên con đường cao tốc chạy qua nơi đây. Bằng tình thương và phật pháp, Ngài đã triệu lũ ma lam đến hỏi chuyện và thuyết phục, giảng giải cho những vong linh đó con đường giải thoát. Sư cụ hỏi: Tại sao các người lại tụ tập hại người như vậy ?

Lũ ma Lam con trẻ tâu rằng: Bạch sư tăng, vì xưa kia còn đầm nước chúng con còn có chỗ bơi lội nô đùa, nay đầm bị lấp thành đường cao tốc, chúng con không còn chỗ chơi nghịch, nên tu tập bắt người cho vui. Lũ ma kể rằng cứ bắt thêm được một người thì cả lũ lại reo hò.

Sư cụ lại hỏi: Bắt người ta như thế nào ?

Lũ ma tâu: Bạch sư tăng, dễ lắm, họ đang đi xe máy, chúng con nhảy lên bịt mắt là bị đâm xe ngay vào rệ đường, chết toi.

Sư cụ răn dạy rằng: Sao các người lại tạo bao nghiệp ác như thế. Nghe ta, từ nay chúng ngươi từ bỏ những việc làm tội ác đó, sám hối các tội lỗi đã làm, nương theo cửa phật, làm những điều tốt lành.

Nghe lời giảng giả xong, lũ ma lam tuân theo. Bằng tình thương và Đạo pháp, sư cụ Thích Phúc Trí đã độ, giải thoát cho các vong linh trên vào hầu cửa Phật. (sư cụ không lập đàn cúng lễ, mà dùng Pháp đạo của Ngài)

Thật là:

“ Phép Phật xưa nay rất nhiệm màu

Nghìn năm dễ thấy mấy ai đâu ”

Từ đó con đường cao tốc đi qua làng Mễ Trì không còn những tai nạn thương tâm nữa. Xin được thán tán công đức của sư cụ Thích Phúc Trí, và xin được vinh danh sự vi diệu, bất khả tư nghì của Phật Pháp.

 

Theo Chuyện quê