Chuyển không thể thành có thể

Thời chúng tôi học phổ thông đi học trễ như cơm bữa. Có những buổi sáng đi học trễ tôi phải vòng ra đám mía sau trường vượt qua hàng rào dây thép gai (của Mỹ), tiếp cận cửa sổ, đưa vở cho các bạn, chờ thầy cô quay lưng viết trên bảng "a lê hấp" nhảy vọt qua cửa sổ vào lớp ( cửa sổ thời đó không có khung chỉ có một ô hình chữ nhật). Thầy quay xuống nhìn tôi, dụi mắt mấy cái như là gặp ma.

Thầy hỏi tôi:" Nãy giờ em ở đâu?".

Tôi tròn xoe mắt trả lời:" Thưa Thầy, hồi đầu tiết tới giờ em ngồi ở đây. Em nổi tiếng con nhà nghèo, học giỏi và đi học đúng giờ. E rất ngoan ngoãn, hiền lành...". ( mệnh đề này không phải là mệnh đề Toán học). Tôi kể một hơi về đức tính của một học sinh đạo đức tốt. Thầy nói: " hình như chỗ đó của thằng Chánh". Tôi đính chính: " Chỗ này của em, nhưng Chánh dành ngồi vì bạn ấy nói phong thủy tốt dễ đỗ vào đại học. Vì thế em ngồi một buổi, Chánh ngồi một buổi để hai đứa đều đỗ đại học Thầy ơi!". Vậy là qua đẹp những buổi đi học trễ.

chuyen-khong-the-1644717637.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

Trời cao có mắt, đến học kỳ 2 chỗ ngồi của tôi không ở gần cửa sổ nữa mà ở dãy hành lang. Một trận cân não đặt ra, cái khó ló cái khôn. Thường vào đầu tiết thầy cô rất ghét xin ra ngoài, dựa vào đặc điểm đó, chờ thầy quay lưng tôi đi chà lui vào lớp, nếu bắt gặp thầy sẽ hỏi: " đi đâu?". Tôi trả lời:" cho em ra ngoài". Thầy quát:"mới vào tiết mà xin ra, vào chỗ ngay!". Vậy là danh chánh ngôn thuận được vào lớp.

Hồi đó, Tôi rất thích phát biểu trong giờ Văn, một hôm Thầy dạy văn lớp 11 giảng bài “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, Thầy đang cao hứng đọc: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Rồi Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng. Và Anh chết trong khi đang đứng bắn. Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Đến đây, tôi không chịu nổi giơ tay nhưng Thầy chưa kịp gọi tôi đã đứng phắt dậy và nói:”Thưa Thầy! Máu của người có mấy lít mà làm gì phun như vòi nước vậy? Vô lý quá”. Thầy tròn xoe mắt chưa kịp phản ứng, tôi bồi thêm: “Đừng nên thần thánh hoá quân đội ta làm giảm giá trị chiến thắng. Bỡi vì, thần chiến thắng người là hiển nhiên!”. Nói một hơi xong tôi ngồi xuống. Cả lớp gần như nín thở và chăm chú nhìn Thầy chờ đợi sự phán quyết. Tôi bắt đầu sợ và quan sát, Thầy trợn mắt rồi nói:”Vì tác giả dùng nghệ thuật nói quá”, thầy tiếp tục: Cũng như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết : Sắc đành đòi một, tài đành họa hai. Nghe đến đây tôi lại tức anh ách, lập tức nói: “Thưa Thầy, tài ba là vậy, nhưng em thấy không xứng đáng chút nào vì khi gặp khó khăn không đủ bản lĩnh giải quyết mà phải bán mình. Vậy có phải chăng khi cuộc sống rơi vào bế tắc, phụ nữ có nhan sắc thường bán mình hay sao??”. Nói đến đây Thầy lập tức mời tôi ra khỏi lớp và đưa xuống phòng Hiệu trưởng uống “ nước trà” thay cho Cafe, vì cafe thời đó quý lắm. Và suýt chút nữa bị xếp đạo đức yếu.

Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Ở ngôi thứ ba, cho nên không thầy cô nào bắt bí được tôi.

Thời phổ thông của tôi đầy ắp kỷ niệm! Cái tội " lừa thầy"  và hay phản biện của tôi phải trả giá bằng nghề dạy học của mình. Tôi tin chắc rằng sau 33 năm dạy học tôi cũng bị học trò " lừa" và bắt bẻ tôi nhiều!

Ôi! Dẫu sao cũng là nhân quả, trả hết kiếp này cho xong!

( Sau này tôi nói với con tôi: Sự nghiệp của mẹ hôm nay không những đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt ( khóc khi bị kiểm điểm) mà còn bằng máu nữa ( do thép gai cào trong những lần nhảy rào vì ham học). Do đó bằng mọi giá mẹ phải giữ lấy sự nghiệp của mình!).

Theo Chuyện quê