Chuyện tình của biển

Si Trang

22/01/2022 12:28

Theo dõi trên

Chuyến tàu ra đảo hôm ấy sóng không to lắm  nhưng biển xám đục, nặng nề thỉnh thoảng lại có những con sóng bạc đầu chồm lên mạn tàu, tung bọt trắng xóa. Thời tiết không xấu nhưng cũng chẳng đẹp làm cho những hành khách trên tàu có cảm giác khó chịu, ngủ gà, ngủ gật .Con tàu cứ băng băng rẽ sóng.

Cô gái có cặp mắt to, hoang dại  thích thú nhìn sóng biển, lần đầu tiên ra đảo ,lần đầu tiên cô có cảm giác lênh đênh  giữa đại dương. Biển đẹp quá, ồn ào, dữ dội không róc rách, dịu êm như con suối sau nhà cô…

Cả thời thơ ấu vất vả, nhọc nhằn cô làm bạn với rừng, với núi. Đêm mưa rừng sấm động, cô nằm nghe tiếng đại ngàn than thở. Ngày nắng gió cô nghe tiếng chim gù trong kẽ lá rừng , nghe tiếng suối róc rách,cần mẫn, len lỏi qua kẽ đá chảy ra dòng Seepoon về với biển. Cô yêu nơi ấy nhiều lắm, yêu cái tuổi thơ vắng bóng mẹ chỉ có dáng cha đổ mồ hôi, lưng còng với nương , với rẫy nuôi cô ăn học,khôn lớn thành người. Hạt lúa trên nương , quả bắp ngoài rẫy  cho cô một dáng hình cao chắc, thon thả,nắng gió Trường Sơn tô thắm làn da nâu bóng, mịn màng.

chuyen-tinh-cua-bien-1642829223.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

Học xong cái cách chữa bệnh của anh em người Kinh, cô về với buôn làng thôi. Cô về với những đứa trẻ mắt to ốc lồi, làn da den nhẻm, tóc khét mồ hôi. Cô về với lũ làng,về với tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang dập dìu bước chân con gái ngày mùa.

Ngày cô đi học, họ đã nhắn nhủ:

Hơ Vân này, cái bụng người già vui lắm! Học xong về với lũ làng đi! Họ vẫy tay nhìn mãi cho đến khi bóng cô khuất hắn sau dãy núi đen thẫm.Buổi tiễn đưa hôm ấy có cả ánh mắt của Y Lênh, người hay giúp cô vác bó củi nặng như con lợn về tận bếp.

Có lẽ anh cũng chẳng để ý gì đến cô, bởi sóng to mọi người gục ngủ mệt mỏi theo nhịp lắc lư của con tàu,còn anh thì cúi mặt chăm chú vào cái điện thoại gài cái sim 4 G chập chờn, lúc mạnh, lúc yếu .Cô làm anh và mọi người giật mình vì cứ mỗi lần sóng chồm lên dữ dội thì cô lại hú lên một cách thích thú.Trong mắt hành khách và anh thì đúng là vô duyên thật, ai cũng nhìn cô với ánh mắt khó chịu:

-Này cô, cô ở trên núi xuống đấy à? Không ngờ cô đưa ánh mắt nhiệt tình, lôi cuốn người đối diện:

-Dạ, đúng ạ !Sao anh biết?

Anh tò mò và cũng không kém phần ngạc nhiên vì cô hoàn toàn không biết đó là câu nói không thân thiện của mọi người:

-Là tôi nói thế!

Cô thật thà nhìn chàng sĩ quan trẻ:

-Đúng anh ạ!Em là đồng bào dân tộc ít người ,đây là lần đầu tiên em ra biển, thú vị quá, vừa cái bụng quá !

-Thì ra là thế !Anh gật gù:

-Cô đi ra đảo một mình, không có bạn bè đi cùng sao?

-Em rủ chẳng có đứa nào nó chịu đi, nên em đi cho biết đảo,rồi mai em về buôn nhận công tác, lũ làng đợi lâu rồi .

Cứ như thế họ nói chuyện với nhau trong suốt hành trình.Cô đã Tốt nghiệp trường cao đẳng y tế, về nhận việc ở quê nhà. Cái ngây ngô, thật thà của cô gái vùng cao cuốn hút anh sĩ qua trẻ. Anh xin số điện thoại của cô, cô mời anh về buôn cô chơi vào lễ cúng Giàng.Anh hứa lần sau về phép sẽ lên buôn làng của cô.

Đã mấy ngày rồi, ông Rock không ăn uống gì cả. Ông thở dài sườn sượt,quay mặt vào vách nứa, cặp mắt mệt mỏi, già nua cứ đờ đẫn nhìn vô định nơi nào ấy, xa lắm. Ông nghĩ mãi mà không ra, ông đã làm gì có tội với tổ tiên không mà con gái ông chịu cái phận hẩm hiu thế.

-Cha ăn đi chứ mấy ngày rồi cái ruột nó không nói gì à, cha không muốn ở cùng con gái nữa rồi?

Tiếng con Hơ Vân vọng ra từ sau bếp, nó đã đi làm về rồi. Con gái ông xinh thế kia, cái ma nào ám vào mà nó không thể lấy chồng. Hơ Vân đã qua 25 mùa rừng thay lá, tuổi của nó ở buôn này con cái đùm đề.Trai trẻ có nơi có người thương hết rồi.Lũ làng rỉ tai nhau: Hơ Vân bị con ma người  Kinh cho ăn bùa mê rồi,không có thầy nào giải được đâu.

-Cái bụng chỉ muốn về với ông bà thôi,nhưng mày như thế này thì cha biết trả lời với ma của họ Đinh như thế nào đây. Gìa Rock ể oải, than thở.

-Cha nói gì thế?

-Còn nói gì nữa hả con gái? Mày ra hỏi cái ngọn núi:Con gái không chồng chết đi có ai nhận không? Mày quên cái thằng người Kinh đó đi, ăn xong hai nồi bánh tét rồi nó tìm mày đâu.Con gái như mày, trai bản không vừa bụng đấy con ạ!

-Là con không thích đấy cha ơi!

-Còn ai nữa mà thích hả con,Y Lênh đợi mày, con mắt mỏi quá, cái tuổi xuân qua đi đã lấy vợ rồi.

-Cha đừng lo, con chưa thích thôi!

-Còn toàn bọn trẻ con thì mày thích ai? Rồi ông xuống giọng dỗ dành:

-Nghe cha đi, Hơ Vân à,cái thằng Y Mây góa vợ nhưng tốt bụng,chân nó còn đi rẫy không biết mỏi, nó quăng con cá dưới suối còn mạnh tay lắm!

Nghe cha nói mà Hơ Vân ngậm ngùi trong lòng, trái tim như hóa đá. Cha cô không hiểu được: bọn con trai trong buôn không làm cho nó mềm được đâu. Đúng là cái anh chàng sĩ quan người Kinh ấy đã bắt mất hồn của cô nhốt vào đâu ấy. Họ đã yêu nhau, anh đã hứa và hẹn với cô, cô tin anh là người tốt. Cô vẫn chờ anh!

Cô vẫn không thể nào quên được hôm ấy, cô và anh hẹn nhau ra mắt bố mẹ anh.Tàu vào muộn nên anh chưa về đến nhà. Cô từ quê xuống, tìm đúng địa chỉ anh nhắn. Đứng trước ngôi nhà hai tầng, khang trang nằm giữa phố, cô rụt rè gõ cửa. Mẹ anh lịch sự mời cô vào nhà, bà còn khen cô xinh nữa nhưng khi ngồi nói chuyện đợi anh về,  bà hỏi khéo về gia cảnh của cô, sắc mặt liền thay đổi ngay, bà không còn đon đả,vui vẻ nữa. Cô cứ ám ảnh mãi ánh mắt và giọng nói của mẹ anh:

-Tôi chỉ có một đứa con,tôi vất vả nuôi nó ăn học, cô là người Ê –đê, con trai tôi là người Kinh,…Họ hàng nhà này chưa có ai lấy vợ Ê-đê, khó đấy, mong cô thông cảm!

Hết ngọt nhạt, bà đuổi khéo thẳng Hơ Vân ra khỏi nhà .Cô ngậm ngùi, hiểu ra mọi chuyện nặng nề xin phép mẹ anh quay gót rời khỏi ngôi nhà ấy, không muốn đợi chàng sĩ quan của cô về. Hơ Vân không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài, cô tủi thân. Cô biết dù có cố gắng thế nào thì cô cũng không thể làm dâu nhà anh. Đêm ấy ,mình cô lang thang trên khắp các con phố xa lạ,chuông điện thoại của anh reo liên tục nhưng cô không muốn nghe nữa. Sáng hôm sau, cô đón xe về quê.

Cô lao vào việc làm niềm vui và quên anh. Những tấm ảnh cô cười rất tươi giữa  trập trùng đồi cỏ tranh Tây nguyên, cô không thích gửi cho anh nữa. Cái miệng cũng chẳng muốn kể cho anh nghe trạm xá của cô đã cứu được nhiều ca bệnh nguy hiểm nữa, cô không muốn anh cùng vui với cô nữa đâu! Lâu lắm rồi ,cô cũng không được nghe anh khen :Hơ Vân có nụ cười,ánh sáng cười theo ! Mỗi lần nghe anh nói vậy cô cứ muốn cười mãi. Nhưng cái đầu thì nói quên anh nhưng con tim thì lại đau, đau lắm!

Chiều nay, Hơ Vân lại thấy nhớ cái con người bạc bẽo ấy quá!Cô nhớ cái lần đầu anh đến quê cô,cha cô thử anh, bảo cầm cái rựa chặt cây, nhát chém vào cây sâu đến nửa thân cây ,cha ưa cái bụng lắm,còn cái dốc đá kia cô đã ngồi chờ để dẫn anh về buôn  cho khỏi lạc. Đêm trăng sáng,anh đã say sưa ngắm nhìn Hơ Vân nhảy với trai gái trong buôn, anh đã đánh được cồng nhịp nhàng theo từng bước chân…Nhiều, nhiều kỉ niệm lắm! Bây giờ anh ấy chắc cũng lấy vợ rồi. Trong tim chẳng còn hình bóng Hơ Vân nữa!Bất giác cô thở dài nhìn xuống dốc núi, bóng ai đổ dài trong trời chiều thế kia?Chẳng phải anh bộ đội người Kinh đấy ư?

-Giàng ơi, là anh ấy rồi!

                                                                        

Biển lặng, trời xanh nên hơn hai ngày và một đêm con tàu ra Trường Sa đã cập bến. Mọi người  lố nhố lấy hành lí rời tàu.

Người đàn bà  tuổi gần 60 ể oải, mệt mỏi sau mấy ngày say sóng đứng dậy, bước lên bến.Có trong mơ bà cũng không nghĩ mình sẽ đặt chân đến nơi này. Mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, nơi mà ta có thể thấy mặt trời mọc sớm nhất, nơi mà quanh năm chỉ có sóng biển vỗ lúc giận dữ , lúc hiền hòa.

Anh lính trẻ trong bộ quân phục Hải quân đón bà và dẫn đến nhà con trai và con dâu.Nói đến con dâu, cổ họng khô đắng, bà nuốt khan .Cách đây năm tháng, con trai điện thoại báo tin con sẽ cưới vợ: đơn vị sẽ tổ chức cho chúng con,mẹ chỉ ra dự thôi,không cần lo lắng gì cả. Nó chỉ thông báo mà không cần đến cảm giác của người làm mẹ. Bà chép miệng:Thôi thì nó đã hơn ba mươi tuổi đầu, nói mãi, mai mối hoài nó cũng chẳng chọn cô nào. Bây giờ trứng không nghe vịt thì vịt đành theo trứng.

Ngày cưới chúng, bà không có mặt vì biển động tàu không ra đảo, Lãnh đạo đơn vị tổ chức hôn lễ.Bà có biết con dâu mặt ngắn, mặt dài thế nào.Chỉ biết nó làm việc ngoài này.

Anh chiến sĩ nhanh nhẹn đẩy cánh cổng:

-Bác vào nhà đi, chị ấy có ca sinh ngoài bệnh viện, còn anh ở ngoài đảo chìm dò công sự chứ thủy triều sắp lên rồi bác ạ!

Bước vào ngôi nhà cấp bốn xinh xắn, có giàn mướp nở hoa vàng, làm dịu cái nắng gió của biển, cảm giác thân thuộc dễ chịu tỏa khắp người bà. Bà đưa mắt quan sát khắp nhà. Mắt bà bỗng sáng lên, rồi khựng lại  ở khung ảnh cưới của chúng nó: Chẳng phải cô gái Ê đê mà bà đã từ chối cách đây mấy năm hay sao! Bà thầm nghĩ: Thế là chúng nó không chia tay nhau, bà bất chợt thở dài: Yêu nhau mãnh liệt đấy chứ !

Căn  nhà nhỏ đầy đủ: Ti vi, tủ lạnh, bếp điện…không thiếu thứ gì. Đồ vật trong nhà được bài trí rất gọn gàng và tinh tế.Trên cái bàn khách nhỏ xinh có một bình hoa tươi xanh xanh,loài hoa bà chưa từng gặp , chắc là loài hoa riêng biệt của xứ xở này. Bà mở cái nắp nồi còn ấm, bên trong có cá kho ngọt với dứa, nước cá trong veo,miếng cá săn chắc, điểm mấy lát ớt đỏ , váng mỡ sóng sánh… nhìn hấp dẫn,chứng tỏ nữ chủ nhân là một người chu đáo, bà tạm an lòng. Cái bụng đã hơn một ngày, một đêm chỉ toàn bánh trái của bà sôi ục ục. Nồi cá này chắc là thức ăn cho bữa trưa. Nghĩ vậy, bà lấy cái nồi cơm điện, tìm gạo nấu cơm.

Bà dạo quanh đợi chúng về: Cả khu dân cư của đảo là Thị trấn Trường Sa, cỡ sáu, bảy chục hộ, đa số là vợ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế…Nhà cửa hao hao giống nhau. Nhà nào cũng có vườn rau nho nhỏ, giàn bầu hay giàn mướp chắc là để che mát khoảng sân. Những gốc đu đủ lùn sai quả xanh um. Mấy con vịt bầu lạch bạch ngơ ngẩn dưới gốc bàng, thấy bóng bà há miệng kêu:cạc cạc !!! Tiếng gà nhảy ổ cục tác trong nắng trưa, tiếng chó sủa vu vơ, vẳng bên tai như có chuông chùa ngân nga ....Bất ngờ thật đấy: Bình an, thân thuộc như quê nhà!

Ở giữa biển cả mênh mông, nơi mà chỉ có quanh năm sóng vỗ bạc đầu này bà mới thấu hiểu được sư hy sinh lớn lao của con trai và những con người nơi đây. Sự hi sinh ấy không phải hô bằng khẩu hiệu, bằng những bài hát, bằng những câu thơ…

Họ đã tạo nên những trang sử vàng của dân tộc. Những trang sử ấy được viết bằng xương, bằng máu…

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện tình của biển" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn