Chuyện về những người lính năm xưa

Thế hệ các anh, các chú, những người lính trên tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nếu nay những ai còn, tuổi đã ngoài Bảy mươi cả rồi. Hồi đó, tôi còn nhỏ mới là học sinh cấp Một, mà các chú, các anh đã vào học Đại học.

Tôi không rõ lắm về quê quán, tên tuổi cha mẹ, gia đình các anh, các chú. Chỉ biết sơ qua thông tin là khi đó lệnh Tổng động viên, dốc toàn lực lượng cho Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên đông đảo thanh niên miền Bắc hưởng ứng phong trào "Xếp bút nghiên, cầm súng lên đường vào Nam chiến đấu" "Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Thời gian huấn luyện tại hậu phương lớn miền Bắc để vào Nam chiến đấu khoảng 5, 6 tháng. Các đơn vị huấn luyện thời đó không có doanh trại tập trung như bây giờ, mà ở rải rác trong các nhà dân quê tôi. Mỗi gia đình tùy theo điều kiện mà các chú, các anh bộ đội ở 2, 3, hoặc 4 người. Các anh, các chú chỉ về ở nhà dân vào buổi trưa, buổi tối để nghỉ ngơi, còn huấn luyện tập trung ngoài thao trường, bãi tập, sinh hoạt, ăn uống tập trung tại sân kho hợp tác xã và nhà ăn bếp tập thể do quân nhu đơn bị đảm nhiệm.

doi-linh-1650410326.png
Ảnh do tác giả cung cấp

Thời đó có hai chú, một chú tên là Hỡi, một chú tên là Phi ở nhờ tại gia đình tôi tại thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, tôi nhớ láng máng, nghe nói các chú đều là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội. Các chú phải tập tành suốt ngày, chỉ những lúc nghỉ ngơi ở nhà, chú cháu mới tâm sự với nhau, tôi nhỏ nên các chú hay trêu đùa, nên cũng còn lưu lại một số kỷ niệm lúc vui vẻ, lúc dỗi hờn.

    Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt ở cả hai miền Nam, Bắc. Số liệt sỹ, số người chết, bị thương bởi bom đạn khốc liệt của các cuộc chiến đấu, các trận oanh tạc của máy bay Mỹ trên những mảnh đất quê hương đau thương, mà anh dũng kiên cường, cả hai miền Nam, Bắc với số lượng khá lớn, ngày càng tăng. Các liệt sỹ, những người hy sinh tại chiến trường miền Nam, miền Bắc đều được gửi giấy BÁO TỬ về gia đình tại địa phương làm lễ truy điệu rất long trọng và sau đó gia đình nhận bằng TỔ QUỐC GHI CÔNG treo tại vị trí trang trọng tại gia đình.

Sau này khi biết được các cuộc chiến đấu của chiến sỹ ta tại Thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm, họ hy sinh mất khá nhiều người dưới mưa bom, bão đạn, xác chồng lên xác, nhiều thi thể chiến sỹ ta và quân lính đối phương bị bới lên, vùi xuống nhiều lần, vùi trộn với đất cát, tan thành hồn thiêng sông núi. Rồi, xác các chiến sỹ nằm ở đáy sông Thạch Hãn, nơi giới tuyến của hai vùng chiến sự khi vượt sông sang Thành cổ Quảng Trị chiến đấu, bị bom, đan của máy bay, của các trận pháo kích của bọn giặc dã man từ ngoài biển bắn vào. Rồi mồ chôn chung của các chiến sỹ ta, được thờ chung tại đồng bằng Sông Cửu long. Họ cũng chính là những người lính ở đơn vị mà các chiến sỹ xuất thân từ quê hương miền Bắc, đang học trên giảng đường các trường Đại học đã xếp lại bút nghiên, lên đường chiến đấu.

Thời đó số người học hết cấp Hai, cấp Ba đã ít, chứ nói gì là các tinh túy của đất nước, những người học giỏi giang mới được vào học Đại học, với số lượng rất ít ỏi. Họ là những nguồn lực chất xám quý giá của đất nước sau này. Thế mà chiến tranh ác liệt, cuộc chiến tổng lực họ phải hy sinh tương lai đầy tiềm năng, tươi sáng, bỏ qua những ước mơ cháy bỏng, rời ghế nhà trường để góp xương máu của mình vào công cuộc giải phóng đất nước.

Chiến tranh khốc liệt, nhiều người đi, ít người về, biết làm sao được!

Không biết các anh, các chú trong đợt huấn luyện ấy, trong đoàn quân ấy, ai còn, ai mất. Từ bấy đến nay tôi vẫn hằng mong gặp lại dù chỉ một ai đó trong đoàn quân ấy năm xưa!

Những người đã anh dũng hy sinh trên khắp dải đất quê hương thay lời, xin thắp những nén hương tưởng nhớ tới công ơn của các anh, các chú đã góp phần cho nền độc lập của Tổ quốc, nền tự do của Dân tộc, nền thống nhất của nước nhà.

Ai là người còn sống khi đọc bài viết này tôi cũng xin được gửi lời tri ân, cũng như niềm mong mỏi muốn gặp lại để ôn lại ký ức thời thơ bé.

Xin nói thêm rằng, khi ấy tôi còn bé xíu ở quê, là trẻ con ngu dại, có điều gì không phải với các anh, các chú mong được bỏ qua. Hồi đó tôi tên gọi là Phạm Văn Đàm.

Còn bây giờ tôi cũng đã hơn sáu mươi tuổi với tên là Phạm Tuấn Giáo đang công tác tại Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự, địa chỉ 236 Hoàng Quốc Việt, Thành phố Hà Nội. Địa chỉ nhà riêng số 7, ngõ 3, Ngô Gia Tự, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Điện thoại: 0913 527 599.

Qua bài viết này rất mong gặp được các anh, các chú và người thân trong gia đình.

Ký ức thời thơ bé, cách đây hơn 50 năm chỉ còn lưu lại trong tôi một phần ít ỏi.

Trái tim người lính