Sinh ra ở huyện miền núi Tây Giang với bề dày truyền thống văn hóa và sự trù phú về nông, lâm sản, chủ nhân của gian trưng bày khá hoành tráng là cô gái Cơ Tu Coor Thị Nghệ (34 tuổi, trú tại thôn Ating, xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Chị Nghệ tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Tiểu học ra trường năm 2015 nhưng mãi không xin được việc làm. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị mù đôi mắt nên từ năm 2017, chị "khởi nghiệp" bằng cách dùng xe máy thu mua nông lâm đặc sản của bà con Cơ Tu từ xã Gari đến trung tâm huyện Tây Giang (khoảng 60 km) để bán và mua hàng tiêu dùng cần thiết về bán lại cho bà con quê hương. Cần mẫn như con ong hút mật, từ năm 2010 đến năm 2017, mỗi tuần chị đi 2-3 chuyến. Trung bình mỗi chuyến lãi khoảng 300.000 đồng.
Chị Nghệ cho hay, nhiều năm qua, chị cùng chồng vay ngân hàng số tiền 600 triệu để đầu tư mua hệ thống máy sấy nông sản (300 triệu) và trồng 2 ha cam bản địa, 1 ha táo mèo, 1 ha bưởi da xanh.
Vợ chồng chị lập một quầy hàng nhỏ bày bán hơn 40 nông, lâm, thổ sản vùng cao và các mặt hàng tiêu dùng từ TP. Đà Nẵng đưa lên (những mặt hàng này do bà con sản xuất hay hái từ rừng, vườn nhà); hoặc những tấm vải thổ cẩm do chính tay đồng bào dân tộc Cơ Tu vùng cao dệt; các món ăn như thịt trâu, bò, heo xông khói, bắp nếp, cam bản địa, dứa mật…
Theo chị Nghệ, cuộc sống hiện nay con người đứng trước mối lo về thực phẩm bẩn. Trong khi sản phẩm sạch từ người miền núi không được hoặc ít được người tiêu dùng ở miền xuôi hay thành phố tiếp cận nên chị và chồng (anh Riah Niềm, 34 tuổi) đã nghĩ đến việc làm một "cây cầu" giao thương nối giữa miền núi và đồng bằng. Sau khi tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, vợ chồng chị đã mạnh dạn làm cầu nối, mang giá trị của núi rừng đi xa hơn, tới tay người tiêu dùng thành thị, nhất là thị trường TP. Đà Nẵng đầy tiềm năng tiêu thụ.
Nhận thấy nông sản của bà con sản xuất ra như chuối, dứa… không ai thu mua, hoặc bán với giá rẻ nên nông sản thường hỏng. Để khắc phục tình trạng "được mùa mất giá" và được sự khuyến khích, hỗ trợ của các cấp, các ngành, từ tháng 12/2021, chị Nghệ thành lập "HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch" do chị làm giám đốc để giúp bà con tiêu thụ nông sản sạch với 21 thành viên. Hiện nay, HTX đang triển khai kế hoạch trồng ớt (1 ha), chuối các loại (1 ha), dứa mật (1 ha).
Chị Nghệ cho hay, mỗi chuyến "hạ sơn", HTX mang khoảng 40-50 mặt hàng nông lâm đặc sản vùng cao xuống TP. tham gia hội chợ với số vốn 20 triệu đồng, sau hội chợ tiền bán nông sản thu được 30 triệu, trừ chi phí lãi khoảng 7 triệu đồng và dùng vốn này mua tiếp để đi bán ở hội chợ khác. Cụ thể như giá: Tiêu rừng tươi 80.000 đồng/kg; tiêu rừng khô 200.000 đồng/kg, ớt xiêm giá 80.000 đồng, dứa mật, dưa rẫy đồng giá 20.000 đồng/kg, các loại đậu 35.000 đồng/kg, ruột riềng 100.000 đồng/kg... Khi thời tiết không có nắng, chúng tôi dùng máy sấy (đầu tư 300 triệu) sấy khô các loại nông sản như: măng rừng, táo mèo, chuối rừng, ớt, thịt bò, thịt heo… nên chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Bên cạnh đó sản phẩm của "HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch" luôn hưởng ứng và thường xuyên tham gia các "Phiên chợ hàng Việt", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình khởi nghiệp, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới diễn ra tại nhiều cấp khác nhau tại Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. "Thời gian qua, chúng tôi tham gia nhiều hội chợ, ban đầu chủ yếu là quảng bá sản phẩm, lấy thu bù chi, nhiều lúc thâm chi hay hòa vốn, nhưng cái được nhất là giới thiệu các mặt hàng cùng văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ Tu vùng biên viễn"- chị Nghệ chia sẻ.
Chia sẻ những thành công ban đầu đó nhưng chị Nghệ trăn trở cho hay: "Khởi nghiệp là một hành trình đầy gian lao đối với một phụ nữ Cơ Tu, ở địa bàn miền núi lại càng khó khăn hơn khi kinh doanh các mặt hàng có tính cồng kềnh, nặng nề và đường sá xa xôi nên chỉ có lòng nhiệt huyết và tình yêu quê hương mới theo nghề được. Song, chúng tôi luôn đảm bảo với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng, an toàn cho tất cả các sản phẩm…".
Có thể nói đây là mô hình HTX tiêu thụ nông sản vùng cao của đồng bào Cơ Tu miền núi huyện Tây Giang. Tuy trong giai đoạn thể nghiệm nhưng xem ra có nhiều hiệu quả, mở ra một hướng mới cho đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam có cơ hội: Tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Tây Giang là huyện miền núi biên giới Việt Lào thuộc tỉnh Quảng Nam (cách Tam Kỳ khoảng 200km và cách thành phố Đà Nẵng khoảng 120km về phía Tây), có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Từ lâu, tộc người Cơ Tu nơi đây đã sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.