Cỏ lau

Hoàng Thị Tuấn Hương

03/12/2021 11:51

Theo dõi trên

Mưa tầm tã mấy hôm rồi làm cho mọi đồ vật ẩm ướt, hôi hám quá. Hôm nay, nắng bừng lên. Gió hiu hiu thổi, vạn vật như hát ca cùng ánh nắng chan hòa. Lũ trẻ nhỏ rủ nhau lên đồi chơi và đào sắn non về ăn.

co-lau-1638507115.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm

 

Qua đoạn đường nhựa, rẽ trái là tới con dốc leo lên đồi Nhạc Sơn. Con dốc nhỏ, trơn nhẫy. Lom khom leo lên, đầu gối chạm mặt, phải bám vào bụi cây ven đường mới có đà lên. Trên dốc có nhà bác Thụ, cô Thăng Cánh ẩn mình dưới bụi mai già và vườn mít cổ thụ. Lên tới đồi, một màu xanh thẫm ngút ngàn của các loại cây cỏ. Những bụi đùm đũm lá xanh mỡ màng, gai chi chít, đầy những chùm quả đỏ ối như mâm xôi gấc, ăn ngọt lịm. Lau lách um tùm. Chúng nó phải dùng dao phát bớt những cây sà xuống mới có đường đi.

Lau lách là thân cỏ. Những cái lá to hơn ngón chân cái, dài và sắc cạnh như lưỡi lam, lỡ bị nó cứa vào sắc lẻm, máu tứa ra mới biết.  Đang mùa lau làm đòng đòng nên mấy đứa thi nhau bẻ những cây lau bụng chửa, lấy đòng đòng ăn. Có hai loại lau: lau nếp và lau tẻ. Cây lau nếp thân to và mỡ màng hơn. Đòng đòng của nó to và trắng ngà. Cây lau tẻ nhìn thân đanh chắc và đòng đòng màu hơi thâm. Với được cây lau bụng chửa, tước mấy lá trên ngọn ra, đòng đòng non mượt hiện ra trước mắt. Ngửa cổ, nhắm mắt và giơ tay từ từ thả đòng đòng vào miệng, vị ngòn ngọt, bùi bùi, deo dẻo cứ nhẹ nhàng lan tỏa. Ăn xong, môi đứa nào cũng thâm xì. Lau nhiều vô kể nên đứa nào đứa nấy đều được một ôm đòng đòng đưa về. Có đứa còn lấy đòng đòng gắn quanh miệng làm ông già râu bạc nhìn ngộ ghê.

  Mùa đòng đòng chỉ kéo dài khoảng mười ngày.  Sau đó đâm bông lên màu tim tím, tua tủa như lông nhím. Khi mùa đông tràn về, cây cối thi nhau trút lá thì đồi Nhạc sơn bạt ngàn một màu trắng bàng bạc vẫy gọi. Cả một triền đồi mênh mông dập dờn trong gió như những đợt sóng triều dâng. Bông lau đứng đơn lẻ một mình, nhìn không có gì đặc sắc , nhưng cả một đội quân hùng hậu đứng sát cánh bên nhau, tạo nên một vẻ đẹp dịu dàng  mà không kém phần mạnh mẽ. Có phải vậy không mà những bông hoa đồng nội đã được về thành thị, khiêm nhường đứng trong những bình gốm tô điểm cho vẻ đẹp của những ngôi nhà sang trọng ? Những bông lau quấn quýt lấy nhau, rời nhau ra rồi lại ào ạt quấn quýt.

  Cuối đông, lá lau khô xào xạc. Những bông lau sau khi dâng vẻ đẹp mộc mạc cho đời cũng trở nên xác xơ. Những làn gió núi ùa tới, đưa những bông lau mỏng manh bay đi khắp mọi miền để tìm chỗ hạ cánh cho mùa sinh sôi, nảy nở tiếp. Những bụi lau bố mẹ ở lại tiếp tục đâm chồi, nảy lộc để chuẩn bị chào đón một mùa bông lau nối tiếp.

Theo Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Cỏ lau" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn