Văn hoá dự lễ hầu đồng xưa và nay, có hay không sự biến tướng?

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Đạo Mẫu - Đạo của người Việt), là điều mà toàn xã hội cần quan tâm. Trong đó có những tổ chức, cá nhân đang hoạt động ở lĩnh vực văn hoá. Bên cạnh đó thì việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức xây dựng tiêu chuẩn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như văn hoá dự hầu là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Văn hóa dự hầu xưa và nay

Thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng (hầu bóng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu), hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống, chứa đựng những giá trị văn hoá tâm linh của người Việt. Trong đó hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có nhạc cụ, lời ca, điệu múa.

Trải qua bao năm tháng, tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng vẫn tồn tại đến ngày nay, làm phong phú hơn vào kho tàng sống của truyền thống văn hoá Việt Nam. Với những giá trị văn hoá cốt lõi đặc sắc. Và rồi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (hầu đồng) đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2016.  

Xưa kia, lễ vật trong mỗi vấn hầu thường đơn giản. Vật phẩm cúng tiến cơ bản gồm: Xôi, oản, thịt, hoa, quả, trầu, cau, rượu, thuốc, bỏng ngô, vàng mã,… Số lượng mỗi vật phẩm không nhiều, không lớn, nhưng vẫn thể hiện được lòng thành kính của thanh đồng dâng lên các vị Thánh. Đồng thầy, thanh đồng được mời đến dự buổi lễ hầu Thánh đều là những người có tâm đức, am hiểu về lễ nghĩa của văn hóa hầu đồng theo cách chuẩn mực nhất. Khách mời ngồi dự hầu đúng lề lối, vai vế, thứ bậc trên dưới, không xáo trộn hoặc gây ồn ào. Họ coi trọng những vật phẩm (lộc) được ban phát trong mỗi giá hầu và tin rằng những thứ đó sẽ đem đến sự may mắn, bình an và hạnh phúc. Cho dù đó đều là những vật phẩm giản dị, hiện hữu trong đời sống hằng ngày.

Ngày nay, xã hội phát triển lễ vật đa dạng hơn, thay đổi cả về số lượng và chất lượng, gồm cả những sản phẩm hàng hóa, thực phẩm đương thời, đắt tiền, trong cả lễ chay và lễ mặn. Khách mời đến dự hầu cũng phong phú, tầng lớp xã hội cũng khác nhau. Không chỉ là những đồng thầy, thanh đồng đang hoạt động trong tín ngưỡng thờ Mẫu như trước kia. Mọi người ngồi dự hầu cũng tự do và ồn ào hơn. Người đến trước thì ngồi gần sập công đồng, người đến sau thì ngồi sau, không tuân theo thứ bậc, vai vế lề lối như xưa.

 

Có hay không sự biến tướng của văn hóa dự hầu đồng ngày nay?

Nếu như những vật phẩm được ban phát trong mỗi giá hầu xưa kia đều giản dị, số lượng ít, thì giờ là những vật phẩm có giá trị lớn, số lượng nhiều, trong đó có cả tiền, tùy theo điều kiện của người hầu. Đó là sự thay đổi rõ rệt nhất của văn hóa hầu đồng ngày nay. Một số khách mời đến dự hầu cũng với một tâm thế khác. Thay vì thành tâm kính lễ hoặc thêm hiểu biết về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, thì mục đích chính đến dự là được nhận nhiều lộc, ban phát nhiều vật phẩm, tiền mặt,...

Hiện tượng trên chỉ xảy ra ở một số thành phần khách mời khác đến dự hầu thì cũng dễ hiểu, nhưng nó đang dần len lỏi vào chính một số bộ phận nghệ nhân, đồng thầy, thủ nhang, thanh đồng đang hoạt động trong đạo Mẫu.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Đạo Mẫu - Đạo của người Việt), là điều mà toàn xã hội cần quan tâm. Trong đó có những tổ chức, cá nhân đang hoạt động ở lĩnh vực văn hoá. Bên cạnh đó thì việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức xây dựng tiêu chuẩn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như văn hoá dự hầu là điều cần thiết hơn bao giờ hết.