Vừa buông đũa thấy trời sẩm tối, Hải Bắc dắt xe nhà khỏi nhà vội vã quên luôn việc chào bà nội, anh chàng sợ nếu gặp cơn mưa tiếp theo, đường tới nhà cô bạn gái bên xóm Vạn khó đi, bởi lúc ngập sẽ không thấy đâu là ao hồ, đâu là con đường nhỏ. Yêu nhau được gần ba năm, tuy nhiên Hải Bắc cảm thấy hai người như có duyên nợ từ muôn kiếp trước, ở ngôi làng cổ này, việc nên vợ nên chồng sau vài tháng yêu nhau là bình thường. Thời gian yêu nhau, dưới ánh trăng mờ tỏ, cây gạo đầu ngõ nhà bạn gái Hải Bắc đã chứng kiến đôi trẻ nhiều lần trao nhau nụ hôn say đắm. Sống ở quê không không ai rảnh để yêu chơi, yêu bời như ngoài nơi phố thị, bởi thế nhiều người đã cưới ngay khi gặt xong vụ mùa, chưa kể nhiều đôi còn bỏ qua giai đoạn tìm hiểu chỉ nhờ mai mối cũng con đàn cháu đống cùng nhau. Nói đúng ra tình yêu của Hải Bắc đã đủ sâu nặng cũng như thời gian tìm hiểu, giờ đây chỉ cần một đám cưới để mối tình được kết tinh thành duyên vợ chồng.
Dân làng Văn Xá hay nói “phép vua thua lệ làng”, bởi thế nhà nào có con gái đến tuổi cập kê, ngay khi dùng bữa tối xong, bao giờ ông bố cũng pha một ấm trà đặc, bà mẹ sẽ đi xích chó ra sau vườn rồi mở hé cổng, khi có trai làng ghé vào chơi, các vị song thân thường lui ra ngoài hè hoặc ra đầu ngõ ngồi cho tụi trẻ được thoải mái. Nhà nào tối đến càng đông đám trai làng ghé chơi, bố mẹ cô gái càng nở mặt cùng hàng xóm láng giềng do con gái mình xinh đẹp, đảm đang nên nhiều thanh niên để mắt tới. Ở trong làng không hiếm chuyện bi hài việc đi tán gái, nhiều anh chàng non gan thường tiết kiệm tiền mua bao thuốc để mời mấy người bạn hộ tống mình tới nhà người đẹp, nếu không rất có thể lúc ra về lại bị đám táo tợn hơn ở khác thôn cho xuống ao tắm mát vì ghen tức. Nhiều gia đình khó tính kèm con chặt quá, hầu hết mái ngói đều vỡ toang do nhận những cơn mưa gạch đá, gặp tình cảnh dở khóc dở cười đó, cô gái chỉ còn cách ra thành phố để tìm hạnh phúc cho riêng mình, bởi đám trai làng quyết tẩy chay cho ế đến già. Khác với đám bạn thủa còn mặc quần thủng đít, do Hải Bắc là sinh viên học ngoài thành phố nên cao giá hơn một chút, chính vì thế lúc đến nhà bạn gái trồng cây si, Hải Bắc một mình một xe đạp thẳng tiến. Tuy trời tối nhưng nhờ ánh trăng khi mờ khi tỏ, Hải Bắc đạp xe tới đầu xóm Vạn chưa một lần sa xuống ổ gà, cây gạo ngay đầu nhà cô bạn gái đứng lặng im không lay động vì trời lặng gió, dù đeo kính cận nhưng Hải Bắc vẫn thấy có đàn quạ đậu tít trên những cành cao nhất.
Trong ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, tiếng thoi đưa lách cách quen thuộc vang lên, giờ này chắc Hạ Huyền bạn gái của Hải Bắc vẫn chú tâm bên khung cửi. Giống như mấy nhà ở trong làng, cánh cổng nhà Hạ Huyền đã hé mở từ khi nào, Hải Bắc yên tâm dắt xe vào trong sân, bởi cậu tin chắc nhà bạn gái đã xích chó tận cuối vườn. Rót cho khách bát nước vối còn ấm, bà mẹ Hạ Huyền mỉm cười cầm chiếc rổ có mấy cuộc len đi ra ngoài, Hải Bắc đoán khi trời bắt đầu se lạnh, bạn gái mình sẽ được bà mẹ tặng cho chiếc khăn len nhiều màu sắc, thành quả của những buổi ngồi đan len và trông xe cho cậu. Hạ Huyền ngừng dệt vải ra buồng ngoài tiếp chuyện cùng bạn trai, vốn con nhà lao động nên cô quen với cảnh làm việc luôn tay không ngừng nghỉ, chính vì thế vừa nói chuyện cô vừa thêu một chiếc áo long bào do một thương gia đặt hàng, theo như lời của Hạ Huyền, khi nhận thêu chiếc long bào cho khách, cô sẽ mất khoảng bốn năm mới hoàn thành xong. Ngồi ngắm Hạ Huyền tỉ mẩn chăm chút từng đường kim mũi chỉ, Hải Bắc nhẩm tính thời gian thêu một chiếc áo lâu như vậy, khéo đến ngày vu quy việc thêu long bào vẫn chưa xong được.
Bằng một giọng nói êm ái, Hạ Huyền giải thích cho bạn trai việc cô phải dùng tới 10 cân sợi tơ tằm để dệt vải trước khi thêu, số vải để may long bào hết 12 mét, sợi kim sa được làm từ vàng thật, chưa kể khuy áo bằng đồng mạ vàng, rồi ngọc trai Phú Quốc để tô điểm làm mắt rồng. Không bận tâm đến những lời bạn gái nói, tranh thủ lúc cơn gió thổi làm tắt ngọn đèn dầu, Hải Bắc ôm lấy tấm thân mảnh dẻ của bạn gái rồi trao cô nụ hôn say đắm. Đã quen với thói bạo dạn của bạn trai, Hạ Huyền hưởng ứng lại một cách nhiệt tình, chàng sinh viên vừa hôn vừa cuống cuồng cho bàn tay đi thám hiểm cơ thể bạn gái, việc chạy đua với thời gian là có lí do, bởi vì nếu trong nhà tắt đèn lâu quá, bà mẹ Hạ Huyền sẽ từ ngoài cổng đánh tiếng đi vào.
Sự vụng trộm luôn có sức hấp dẫn riêng của nó, lúc ánh đèn dầu được thắp sáng, Hạ Huyền chỉnh lại quần áo rồi tiếp tục thêu thùa, ngồi đối bên cạnh là anh chàng si tình đang thở dồn dập như vừa chạy từ đầu làng tới vậy.
Thấy không còn sớm nữa, trước khi chia tay nhau Hải Bắc ghé tai Hạ Huyền nói nhỏ:
-Tháng 9 anh sẽ ra trường, đến tháng 11 anh nói bà nội tới thưa chuyện để cưới em nhé.
-Sao phải vội thế anh, Hạ Huyền ngạc nhiên hỏi.
Vừa gò lưng đạp xe qua mô đất, Hải Bắc vừa trả lời:
-Anh thích lấy em về làm vợ cho bà nội có cháu bế.
2
Thôn Hạ năm nay được mùa khiến đường làng ngõ xóm trải một thảm rơm vàng óng, khi mùa màng bội thu cũng là lúc những người nông dân tạm quên đi nhọc nhằn một nắng hai sương, họ bắt đầu lo việc dựng vợ gả chồng cho con cái. Vốn là xã thuần nông nên bà con suy nghĩ đơn giản và thực chất, nhà nào sinh con trai đều quan niệm, khi có con dâu tức là thêm một lao động khi vào thời vụ, chưa kể họ sớm có cháu bồng cháu bế ở tuổi mấp mé ngũ tuần. Ngược lại nhà có con gái tự hào vì có chàng rể, lúc cần công to việc lớn sẽ thêm người gánh vai đỡ đần, chưa kể gả con gái sớm như tháo được ngòi quả bom nổ chậm, hoặc thực tế hơn đỡ mất tiền mua gạch xây miếu thờ bà cô tổ. Dòng họ Tống ở thôn Hạ đã mấy đời độc đinh, chính vì thế lúc cậu con trai vừa tròn đôi tám, ông Tống Phước Hạo đã nhờ các bà thím trong họ tìm xem có đám nào vừa đôi phải lứa, ông muốn vợ mình sẽ đánh tiếng là vừa.
Dòng họ Tống nhà ông phiêu dạt từ Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến vùng đất Vũ Thư tỉnh Thái Bình này hành nghề phù thủy tính ra được tám đời, tuy nhiên điều khiến thầy phù thủy Tống Phước Hạo luôn cảm thấy phiền muộn trong lòng không biết thấu tỏ cùng ai, đó là cậu con một Tống Phước Thiên nhất quyết không chịu nối nghiệp tổ tông. Nhằm tránh mặt bố mình, suốt mùa hè Tống Phước Thiên trốn về quê ngoại trên Tuyên Quang, anh chàng thích theo mấy người cậu ruột vào rừng xẻ gỗ, nói chính xác đi làm lâm tặc, chính vì việc này khiến vợ chồng ông bất hòa suốt. Ngay khi vụ mùa đã gặt xong, thầy phù thủy Tống Phước Hạo bắt vợ lên Tuyên Quang để triệu hồi con trai về Vũ Thư để lo việc lấy vợ sớm. Theo suy tính của ông thầy phù thủy Tống Phước Hạo, nếu dòng họ Tống bị đứt gãy sự nối nghiệp từ người con trai, lúc đó ông sẽ tính đến việc truyền nghề cho đứa cháu đích tôn của mình để truyền tử lưu tôn nghề phù thủy.
Vợ ông thầy phù thủy chưa kịp lên Tuyên Quang thì tin dữ ở đó bay về, con trai ông trong lúc chạy trốn khỏi sự truy bắt của lực lượng kiểm lâm không may ngã xuống vực tử nạn. Ngày đón thi hài đứa con duy nhất về quê nhà an táng, ông Tống Phước Hạo được mấy người em vợ tiết lộ, nếu như chỉ ngã xuống vực chắc Tống Phước Thiên vẫn bảo toàn mạng sống, tuy nhiên súc gỗ vàng tâm lao theo khiến vị công tử họ Tống hồn lìa khỏi xác. Ngồi chết lặng bên cạnh quan tài của con trai, ông thầy phù thủy hỏi lại:
-Vậy súc gỗ vàng tâm đó hiện nay ở đâu.
Người em vợ của ông thầy phù thủy nói:
- Súc gỗ đã tịch thu rồi, em nghe một tay kiểm lâm nói sẽ xin mua về đóng quan tài.
-Cậu có biết tay đó tên là gì, nhà ở đâu không, ông Tống Phước Hạo chất vấn.
Một người em vợ khác mau mắn trả lời:
-Tay đó là Trần Hải Nam nghe nói người làng Văn Xá ở dưới xuôi.
Sau ngày làm lễ cúng 49 ngày cho con trai xong, ông thầy phù thủy quyết định nhập thất trong 100 ngày để tu luyện, mọi việc hàng ngày ông không bận tâm đến, khách khứa đều miễn tiếp đón. Do quen với công việc huyền bí và tâm linh của chồng, bà vợ ông hàng ngày vẫn đều đặn thắp hương trên bàn thờ người con trai xấu số, nhiều lúc nghĩ đến đám bạn cùng trang lứa bắt đầu học để ôn thi tốt nghiệp, đứa thì xung phong nhập ngũ khiến lòng bà thêm tan nát. Năm đó ngay khi vừa giao thừa xong, khi đất trời giao hòa làm một để chào đón tết Nguyên Đán, thầy phù thủy Tống Phước Hạo bốc một nắm đậu đen rồi hướng mặt về ngôi sao Bắc Đẩu, ông lẩm nhẩm đọc thần chú bằng tiếng Phạn từ đêm mùng một cho đến qua ngày rằm tháng giêng, mỗi lần đọc đúng 49 lần câu thần chú.
Đúng ngày giỗ đầu của con trai, thầy phù thủy Tống Phước Hạo đã dùng một lá bùa có chữ Phạn dán vào mặt một hình nhân thế mạng, đây là hình nhân có ghi đầy đủ tên tuổi và quê quán người kiểm lâm đã tham gia truy bắt Tống Phước Thiên cùng đám lâm tặc. Sự mất mát đứa con duy nhất khiến ông thầy phù thủy đã bất chấp tất cả, giờ đây trong đầu ông chỉ nung nấu suy nghĩ trả thù cho con trai, dù biết rằng có ngày bị nghiệp quật. Đặt hình nhân thế mạng của kiểm lâm Trần Hải Nam giữa các ngọn nến đang cháy, thầy phù thủy Tống Phước Hạo dùng hai tay bắt quyết còn miệng niệm thần chú bằng tiếng Phạn đúng 7 x 7 = 49 lần, sau đó ông cắm đúng 9 x 9 = 81 cây kim khắp dọc hình nhân. Tiếng chuông gọi âm binh của thầy phù thủy lúc khoan lúc nhặt, trong ánh sáng khi mờ khi tỏ, buổi lễ hoàn tất cũng là lúc hình nhân bắt đầu chảy máu không ngừng, ông thầy phù thủy châm lửa đốt lá bùa rồi dí vào hình nhân cho đến khi mọi thứ hóa tro tàn.
3
Khi tiếng gà gáy bên hàng xóm vọng sang, nhìn ra ngoài sân, cụ Thiêm biết hôm nay sẽ oi ả vì nắng sớm, bà cụ bắt đầu quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Do thói quen từ chục năm nay, lúc dọn dẹp xong bà cụ ra giếng múc một chậu nước, sau đó dùng khăn lau sạch cỗ quan tài của mình. Làng Văn Xá vốn có nghề mộc gia truyền, chính vì thế nhà nào có người già trên bảy mươi tuổi, quà mừng thọ của đám con cháu dành cho các cụ chính là cỗ quan tài bằng gỗ tốt. Bởi vì theo quan niệm của dân làng, lúc được ngắm nghía và chăm chút cỗ quan tài của chính mình, khi nhắm mắt xuôi tay các cụ sẽ ra đi thanh thản hơn rất nhiều. Ngắm cỗ quan tài sạch bong không còn một hại bụi, cụ Thiêm thở dài nghĩ đến người con trai vắn số của mình, con trai cụ rời xa dương thế lúc mới ngoài bốn mươi, việc này ít nhiều liên quan tới cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm do cụ vừa tự tay lau chùi xong. Ngày trước người con trai cụ Thiêm làm kiểm lâm ở trên Tuyên Quang, trong một lần vào rừng truy bắt lâm tặc, con trai cụ và đồng đội phát hiện ra những súc gỗ vàng tâm do bọn lâm tặc vừa xẻ xong nhưng phải vứt lại để tháo chạy. Nghĩ đến người mẹ già vừa bước sang tuổi 75 nhưng chưa có bộ hậu sự như mong ước, con trai cụ đã trình bày để xin mua lại mấy súc gỗ đó mang về quê đóng quan tài báo hiếu cho mẹ mình. Cảm động trước tấm lòng của nhân viên, việc mua hóa giá được cấp trên phê duyệt sau đó ít lâu.
Nhờ bàn tay tài hoa của những người thợ mộc lành nghề, cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm được chạm khắc kì công đã hoàn thành trong thời gian ngắn. Khi cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm được kê ở góc nhà, cụ Thiêm vui mừng khôn xiết, hồi đó nhiều người già trong làng thường xuyên ghé chơi, mục đích các cụ muốn được chạm tay vào cỗ quan tài rồi trầm trồ thán phục. Người già trong làng hầu như ai cũng muốn sau này khi hai năm mươi, họ sẽ được con cháu tẩm liệm trong quan tài bằng gỗ vàng tâm, sống có thể đơn sơ đạm bạc, nhưng lúc chết phải được hoàn thành tâm nguyện, âu cũng là qui luật “sống gửi thác về”.
Trời bắt đầu nắng to, hì hụi vần hũ mắm tép ra ngoài sân phơi thêm vài nắng, cụ Thiêm không sao quên được ngày định mệnh của 10 năm về trước. Hôm đó là những ngày cuối tháng mười âm lịch, con trai cụ là Trần Hải Nam về thăm nhà vẫn đang khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, khi vừa ăn sáng xong bỗng thổ huyết thành vũng khiến cụ và người con dâu kinh hãi. Lúc người con dâu đi gọi người tới giúp, con trai cụ máu từ thất khiếu chảy ra không ngừng. Trước khi chết, người con trai cụ chỉ kịp nắm tay mẹ già trăng trối; Con bất hiếu không ở lại phụng dưỡng mẹ được, cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm là tấm lòng của con, mẹ nhất quyết phải giữ cho bản thân mình, con chết đi không cần nằm trong đó vì sẽ không siêu thoát được. Hóa ra biết mình không qua được kiếp nạn, Trần Hải Nam sợ mẹ già nhường cỗ quan tài nên phải căn dặn cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Khi con trai cụ mất, năm đó cháu cụ là Trần Hải Bắc mới có 11 tuổi, thằng bé mồ côi bố chưa lâu, con dâu cụ đã âm thầm bỏ đi biệt xứ đến tận bây giờ không thấy quay về.
Hôm trước nghe Hải Bắc xin cưới cô thôn nữ Hạ Huyền nơi xóm Vạn dịp cuối năm, cụ Thiêm gật đầu chấp thuận, dù sao việc đứa cháu đích tôn đã biết nghĩ đến chuyện lập gia đình khiến cụ thấy là bước ngoặt lớn. Bởi vì suốt ba năm nay được hỏi về người con gái trong mộng của cháu mình, cụ Thiêm chỉ nhận được cái lắc đầu kiên quyết, giời không chịu đất thì đất chịu giời, cuối cùng ngày cụ mong đợi đã đến, khi thấy “cóc mở miệng” là lúc cụ Thiêm bắt tay vào chuẩn bị sính lễ.
4
Sau khi cúng rằm tháng mười, ông Tống Phước Hạo kê ghế ngồi ngay ở ngoài sân hóng gió, thời gian trôi nhanh nên mới đó con ông đã đi gặp liệt tổ liệt tông được hơn chục năm, cái cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh khiến ông hụt hẫng một thời gian. Nhưng ông trời không lấy của ai hết thứ gì, sau nhiều lần được vợ thuyết phục, ông thầy phù thủy đã bí mật qua lại ăn nằm cùng một người phụ nữ ở gần bến phà Sa Cao, kết quả của mối tình vụng trộm đó là sự ra đời của thằng bé Tống Phước Thực. Có con nối dõi ở tuổi gần 60, khỏi phải nói vị trưởng tộc họ Tống tại đất Vũ Thư mừng rơi nước mắt, ông quên bẵng việc trả thù tàn khốc năm nào cho đến đêm nay. Gần nửa đêm khi mọi thứ chìm vào giấc ngủ, ông thầy phù thủy tỉnh giấc khi thấy ánh trăng hạ huyền rọi vào phòng ngủ, kèm theo tiếng gọi thảm thiết của người con vắn số là Tống Phước Thiên, bằng năng lực của một phù thủy có thâm niên, ông hiểu đứa con mình ở thế giới bên kia đang bị một phù thủy cao tay ấn sai âm binh tận diệt. Không ngủ được vì kinh hoàng, ngay trong đêm ông Tống Phước Hạo đã bắt quyết và niệm thần chú sai âm binh đấu lại kẻ vô hình, kiểu oan oan tương báo này ông đã dự liệu từ trước, nhưng không ngờ nó đến muộn hơn ông nghĩ. Trận chiến giữa hai phù thủy kết thúc, lúc ông Tống Phước Hạo dùng 9 chiếc kim châm vào hình nhân thế mạng, từ buồng trong quí tử Tống Phước Thực đã ộc máu mồm rồi chết ngay lập tức.
--------
Ngồi một mình trước bàn thờ trong im lặng, cụ Thiêm đợi đồng hồ thong thả điểm 12 tiếng chuông liền kéo một hòm gỗ sơn đỏ dưới gầm phản ra ngoài. Lúc mở nắp hòm cụ Thiêm lấy ra một chiếc áo dài màu sẫm có thêu tứ linh mặc vào, sau khi vấn khăn xỏ hài, lúc này nhìn cụ uy nghi như một vị tướng vậy chuẩn bị ra trận. Cháu nội cụ là Trần Hải Bắc vốn đang là sinh viên đại học năm Nhất, vào một buổi tối đi chơi về đã phát điên phải nhập viện điều trị, biết cháu mình bị đám âm binh cùng hồn ma bóng quế đêm ngày quấy phá cũng như phù thủy yểm bùa nhưng cụ chưa hóa giải được do oan có đầu nợ có chủ. Kiên nhẫn đợi suốt ba năm, tuần trước khi cụ Thiêm ghé vào bệnh viện Tâm thần thăm đứa cháu tội nghiệp, lúc nghe nhắc đến hai mẹ cô gái ở xóm Vạn, cụ Thiêm đã hiểu ngay vấn đề. Làng Văn Xá gồm ba thôn Thượng, Hạ, Trung nhưng không hề có xóm Vạn, cạnh gốc cây gạo có hai lỗi rẽ, một lối dẫn tới nghĩa trang của làng nên buổi tối ít người lai vãng, lối rẽ còn lại dẫn tới khu đất hoang của hai ngôi mộ hoang phế, bia mộ đã bị năm tháng bào mòn chỉ còn hình chữ VẠN của nhà Phật thôi. Hạ Huyền không phải là tên cô gái, thật ra chính là đêm trăng. Trăng Hạ Huyền thường xuất hiện vào lúc nửa đêm sau ngày rằm tháng mười, thời điểm người con trai cụ bị yểm bùa rồi chết tức tưởi vào sáng hôm sau.
Đám con cháu họ Trần theo lệnh của cụ đã nhanh chóng đào hai nấm mộ hoang vô chủ trong nháy mắt, vì sự quấy rối suốt ba năm qua của hai nắm xương khô trong tiểu sành, cụ Thiêm đã trấn yểm cẩn thận rồi cho lấp đất lại. Ngoại trừ những bậc cao niên trong họ còn sống, thật ra số này còn rất ít, không mấy người biết được cụ Thiêm là con một thầy phù thủy nổi tiềng cao tay trong vùng, sau này thân phụ của cụ tự bấm độn biết được ngày mất của mình, chính vì thế ông được tôn làm Thành Hoàng làng. Diệt xong đám âm binh cô hồn, trấn yểm bùa và niệm chú để hai nắm xương không không còn hại người, cụ Thiêm cùng đám con cháu họ Trần bắt đầu lo hậu sự cho chàng sinh viên Trần Hải Bắc, kẻ bị điên suốt ba năm và chỉ tỉnh duy nhất một canh giờ trước khi chết. Biết cháu mình không thể cứu được, trước ngày hạ huyệt cho Trần Hải Bắc, cụ Thiêm đã dùng tất cả pháp thuật bùa chú của mình để ra tay đấu lại với tay phù thủy họ Tống ở huyện Vũ Thư.
5
Trong mười năm phải đứng ra làm ma cho hai người con trai nối dõi tông đường, dẫu có là sắt đá cũng phải tan chảy huống chi là con người. Thầy phù thủy Tống Phước Hạo là người duy nhất hiểu rõ, cái chết của đứa con bắt nguồn từ sự trả thù của mình gây ra. Đáng ra hơn 10 năm trước sau khi hạ sát được người kiểm lâm, thầy phải dừng tay tích thiện làm phúc, nhưng vì nỗi đau mất con quá lớn, thầy tiếp tục ra tay đến đời con của người đó khiến bây giờ phải gánh hạn. Bầu trời đang nắng chói chang bất thần mây đen kéo đến ầm ầm, chưa đầy 10 phút một cơn mưa rào bắt đầu trút nước xối xả, cơn mưa nhanh đến lại nhanh đi khiến cầu vồng ngũ sắc xuất hiện.
Từ bên ngoài cổng có sáu người đàn ông lực lưỡng khiêng cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm bước vào, nhìn cỗ quan tài được chạm khắc kì công, bất giác thầy phù thủy Tống Phước Hạo như cảm thấy có luồng điện chạy qua người, linh tính mách bảo thầy cỗ quan tài này được làm từ súc gỗ đã khiến đứa con Tống Phước Thiên phải bỏ mạng dưới vực sâu ngày nào, kể từ đó thầy chưa có được một ngày yên ổn. Chỉ vào cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm, cụ Thiêm nói một cách rành rọt; Vì cỗ quan tài này đã có bốn người thuộc hai họ Tống, Trần phải bỏ mạng. Hôm nay tôi xin tặng lại cho nhà thầy cỗ quan tài để khâm liệm công tử nhà mình, thầy hãy coi đây như một thiện chí hòa giải, ai đúng ai sai giờ đâu còn quan trọng. Nhận hay từ chối xin thầy cho một lời, dù sao họ Trần chúng tôi chỉ lưu lại đây thêm nửa canh giờ. Đầu giờ chiều khi con xe ô tô chở cụ Thiêm cùng con cháu quay về làng Văn Xá, thầy phù thủy Tống Phước Hạo cho an táng đứa con yêu quí của mình trong cỗ quan tài bằng gỗ thường.
Cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm được kê chính giữa gian thờ của dòng họ Tống, nó như một lời nhắc nhở nghiêm khắc về cái giá phải trả quá đắt cho sự thù hận một cách mù quáng.
Theo Chuyện Quê