Cơm Nhà

Cuộc sống nơi quê nghèo, lắm lúc cơm chẳng đủ ăn, nhưng bữa nào bữa nấy đều rộn rã tiếng cười. Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, người ta lại chẳng trò chuyện với nhau nhiều như thế nữa, bữa cơm người xem điện thoại, người dán mắt vào ti vi, nếu không thì cũng vội vã ăn phần mình rồi làm việc khác.

com-nha-1628582590.jpg

 

"Đứa lớn trải chiếu ra đi, dọn cơm rồi qua nhà bác cả gọi bố về. Hở tí là ngồi lê, chuyện chi chuyện lắm rứa không biết."

Mẹ tôi ở trong nhà nói vọng ra, vừa nói tay vừa thoăn thoắt thái rau lợn.

"Dạ."

Tôi chạy đi trải cái chiếu nhựa ra chỗ thềm nhà, rồi vào dọn cơm, xong xuôi thì đứng sát chỗ tường rào, bắt đầu cao giọng hét lớn:

"Bố ơi về ăn cơm."

Tôi cứ đứng đó gào cho tới khi bố về thì thôi, hôm nào cũng vậy. Bố ngồi bên nhà bác cả, tôi ngó qua thấy bố đang hút thuốc lào, chẳng biết nói chuyện gì mà ông nào ông nấy đều cười khà khà, nhe cả răng.

Tôi lại bắt đầu lấy hơi, gọi tiếp:

"Về ăn cơm bố ơi."

"Bố ơi."

"Bố Đông ơi."

"Bố ơi về ăn cơm."

"..."

Bố tôi, rồi bác cả cùng mấy ông hàng xóm nhìn ra chỗ tôi, tôi cúi đầu chào rồi lại cao giọng chuẩn bị hét tiếp thì bố tôi giơ tay lên, làm tư thế như đầu hàng:

"Được rồi. Bố không bị điếc. Bố về giờ liền."

Tôi nghe được cậu trả lời của bố thì mãn nguyện chạy vào nhà. Mẹ đang ngồi chỗ thềm chuẩn bị xới cơm, nhìn tôi ngao ngán:

"Con gái con đứa chi rứa? Không chạy sang nhà mà kêu cho tử tế, đứng đây hét điếc hết cả tai."

Tôi cười hì hì nhìn mẹ:

"Con mà sang kêu là bố không chịu về mô. Lần mô mà không rứa. Phải hét như ri mới được."

Mẹ nhìn tôi, sau đó thở dài bất lực. Thi thoảng bà sẽ cảm thấy hoài nghi chính mình, lẽ ra nên sinh tôi là con trai mới phải. Vừa không có lỗi với tổ tiên, lại vừa không phải đòn roi uốn nắn quá nhiều. Tôi hiện tại chẳng khác gì một tên con trai mang hình hài một đứa con gái xinh xắn cả.

Cơm xới xong thì bố cũng về. Gạo vụ mùa mới thơm lừng, trắng ngà, hơi nóng còn bốc lên vấn vít trong không khí. Thích lắm. Mẹ lấy ra mấy bắp ngô với hai quả trứng gà để chỗ mâm, sau đó gạt ít cơm còn lại sang một góc, bắt đầu cạo cháy sột soạt. Tôi thích ăn cháy lắm, vừa thơm lại vừa bùi. Thời điểm ấy, năm nào được mùa cũng đủ gạo ăn, giáp hạt cũng không quá lo lắng. Nhưng nồi cơm bữa nào cũng có thêm vài bắp ngô, mấy củ khoai hoặc mấy củ sắn kèm vào. Tựa như cái đói nghèo ám ảnh nhà tôi, mẹ vẫn rất cẩn thận tiết kiệm từng chút một cho có cái gọi là "của để dành". Giáp hạt gạo đắt, lỡ mà hết gạo nhà tôi lại chẳng có tiền mua.

Tôi cầm bắp ngô lên, bẻ đôi rồi đưa cho bố một nửa, bố tôi nhận lấy rồi nhìn tôi cười hiền từ.

Mẹ tôi quay sang bảo:

"Ngày mô cũng tranh thủ đi ngồi lê, anh không chán à?"

"Sang uống hớp nước chè xanh với mấy bác chứ có chi mô. Mẹ mi hay hầy."

"Rồi thì nhà mình không có nước?"

Mẹ tôi hỏi vặn lại.

Bố tôi cười hề hề:

"Có người buôn chuyện vẫn hơn chứ? Đi uống cốc nước, hút điếu thuốc lào chứ có phải cờ bạc rượu chè chi mô mà mẹ mi lo."

"Đi quên cả giờ cơm để con nó kêu ầm làng ầm xóm rồi còn lí do lí trấu."

Mẹ tôi lườm bố, bố quay sang tôi, mặt nghiêm nghị:

"Sau ni sang tận nhà mời bố về ăn cơm nghe chưa, cứ đứng chỗ bờ tường mà hét nữa coi chừng đó."

Tôi lúc đấy giật mình, răng mắc luôn vào cả cùi ngô. Như thế này là làm sao? Là bố không chịu về ăn cơm mà, cuối cùng vẫn là con số khổ chịu tội. Tôi bi thương không nói thành lời, ra sức gặm hết cả bắp ngô to đùng.

Thời ấy chẳng có ti vi, cũng không có điện thoại chứ đừng nói đến internet như bây giờ. Bữa cơm vài ba món đơn giản, đĩa cá trích nhỏ, đĩa rau muống luộc to sụ và một bát lạc rang nước mắm, tô nước rau muống vắt nửa quả chanh, mùa hè thế là thành mĩ vị. Mọi người quây quần bên nhau ăn uống cười đùa vui vẻ. Bố tôi kể chuyện gì đó, chính sách đổi mới cái gì đấy mà tôi nghe không hiểu, mẹ tôi nhìn bố tôi trêu đùa:

"Ăn cơm cá trích còn bàn chuyện chính trị à? Cái đó có nhà nước lo rồi. Việc anh là ăn nhanh đi cho con nó dọn."

Bố bị mẹ ngắt lời có chút không vui, lại nhìn sang tôi, tôi đặt vào bát bố mấy hạt ngô vừa mới tách được để cổ vũ bố nói tiếp, mặc dù không hiểu gì nhưng tôi vẫn thích nghe, đơn giản vì tôi thích nghe mọi người trò chuyện.

Bố tôi đặt bát, buông đũa, quay sang vò xù tóc tôi:

"Đúng là con gái rượu của bố."

Tôi híp mắt hưởng thụ rồi cười hì hì.

Thật ra bố tôi vẫn còn một "hũ rượu" nữa đang ngủ say sưa trong nhà kìa. Ngủ tới sấm sét đùng đùng cũng không lay tỉnh nổi. Đó là em gái, "cục cưng yêu nhất trên đời" của mẹ tôi. Đến bây giờ vẫn vậy.

Cứ thế một bữa cơm diễn ra rất vui vẻ. Bố nói một câu mẹ chặn một câu, nhưng kỳ thực bố mẹ tôi lại rất yêu thương nhau, đến bây giờ luôn khiến cho con trẻ chúng tôi ngưỡng mộ lắm. Đời này, lấy được một người bằng nửa bố tôi là tuyệt rồi.

Có những ngày tôi sang nhà hàng xóm xem phim, cái ti vi màn hình lồi ấy, có cái ăng ten để chỗ góc sân, cứ xem được một lát lại rè rè rè rè, xong rồi cả lũ thay phiên nhau ra ôm cột ăng ten xoay vù vù, có lúc phim đang cảnh gay cấn thì mất sóng, ra xoay đi xoay lại cho được thì vào hết phim, cả bọn ôm nhau khóc ròng.

Hồi đó mê phim lắm, canh từng tập một. Nói mê phim chi bằng nói mê ti vi đi. Tôi chẳng khác gì bố đi buôn chuyện cả, chỉ tranh thủ rảnh tí lại chạy sang nhà hàng xóm xem ti vi, thậm chí còn gắng đến cả nhạc phim ở cuối, xem nốt cái quảng cáo rồi mới chịu chạy về. Mỗi lần mẹ tôi gọi "đứa lớn đi mô rồi" là tôi bắt đầu chạy như điên về nhà, dép còn không kịp xỏ mà ôm trên tay chạy luôn. Cũng có hôm mẹ dọn cơm sẵn, bắt đầu dõng dạc hướng bốn phương tám hướng gọi tôi và bố về ăn cơm.

Tuổi thơ cứ vậy trôi qua, gắn liền với ba tiếng "về ăn cơm" vang xóm vang làng. Nồi cơm đủ vị nấu bằng cái bếp lò cũ, kiềng sắt hoen rỉ, lửa đỏ rừng rực, và cái nồi nào cũng đen thui, lọ lem, chúng tôi hồi đấy còn mang cả cái nồi ra quệt lọ rồi bôi lên mặt nhau, bẩn thì khỏi phải nói.

Thi thoảng bếp lò lại đứt giây nán dòng tôi lại phải hì hục nối. Có lần tôi còn đi xin nhà cậu út cái giàn nháy cũ bé tí còn ba bốn bóng, về đấu vào đấy để nó nhấp nháy cho hay, và lại bị một trận đòn vang dội của mẹ.

Cuộc sống nơi quê nghèo, lắm lúc cơm chẳng đủ ăn, nhưng bữa nào bữa nấy đều rộn rã tiếng cười. Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, người ta lại chẳng trò chuyện với nhau nhiều như thế nữa, bữa cơm người xem điện thoại, người dán mắt vào ti vi, nếu không thì cũng vội vã ăn phần mình rồi làm việc khác. Cái dáng vẻ háo hức chờ cơm cạo cháy nồi chỉ còn là chuyện của kí ức. Cũng phải, bây giờ làm gì còn ai đói đến độ đấy nữa.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, ai cũng tất bật với chuyện của riêng mình, bữa cơm đủ đầy thành viên còn khó chứ đừng nói rộn rã như xưa. Trẻ con lớn lên, người lớn già đi, xoay vần chẳng mấy chốc mà hết kiếp người. Chúng ta cứ mải miết kiếm tìm đâu đó xa xôi cái gọi là bình yên và hạnh phúc, lại chẳng thể nhìn thấy đôi mắt hao gầy của mẹ cha ngày ngày chờ trông chúng ta về, ăn bữa cơm đoàn viên, nói vài ba chuyện trên đời.

Chúng ta có đôi khi bận rộn mãi trong cái guồng quay tất bật của cuộc sống, lại cứ nhìn mà chẳng thấy, những đổi thay nhỏ bé của những người thân yêu trong gia đình. Bao lâu rồi bạn chưa về nhà? Bao lâu rồi bạn không gọi cho bố mẹ thăm hỏi đôi câu? Bao lâu rồi nhỉ?

Chúng ta còn trẻ, còn khoẻ, còn mải miết bay mãi, nhưng bình yên đáng giá nhất, có một nơi tuyệt vời nhất vẫn mãi vẹn nguyện ở đó đợi ta, năm dài tháng rộng không thay đổi, đó chính là Nhà.

Hôm nay tôi nhớ Nhà!

Theo Chuyện quê