Con chữ có được từ những cách làm hay

Trong một lần đi cơ sở về vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tôi may mắn được đến, được nghe, được trải nghiệm cùng thầy cô và các em học sinh, đặc biệt học sinh là con em bà con dân tộc thiểu số (DTTS), trên địa bàn xã Yang Trung, huyện Kông Chro (Gia Lai). Để nâng cao chất lượng học tập,  Trường TH&THCS Lê Quý Đôn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều biện pháp phù hợp, trong đó:  “Tiếng kẻng học bài”, “Góc học tập và mơ ước của em”; “Tủ sách đến làng” và “Trường học thân thiện, xanh sạch đẹp”… là những cách làm hiệu quả nhất.

 

          Tiếng kẻng học bài

          Cùng chúng tôi đến thăm, kiểm tra một số trường học trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Kông Chro (Gia Lai) chia sẻ: Kon Chro là huyện miền núi phía Đông của tỉnh Gia Lai, đời sống người dân còn nhiều vất vả, khó khăn. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục địa phương đã rất quan tâm đến việc xây dựng, củng cố trường lớp, đồ dùng dạy học, đặc biệt là khâu tuyển dụng giáo viên về dạy ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Để đưa được con chữ đến với học sinh DTTS trên địa bàn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên không chỉ về chuyên môn mà còn phải dùng tình cảm thật sự để chăm sóc cho trò, coi trò như con cháu trong gia đình của mình. Con đường các em đến trường vất vả bao nhiêu thì con đường để giáo viên ở đây truyền dạy con chữ cho các em cũng khó khăn bấy nhiêu. Nhưng nghĩ tới cuộc sống và tương lai phía trước của các em, ngày mỗi ngày nổi tiếp đến trường tận tình đem con chữ tới các em là trách nhiệm, niềm vui và hạnh phúc của thầy cô giáo chúng tôi.

Đến làng Hle Hlang (Yang Trung) khoảng 8 giờ, cái nắng như len lỏi qua từng hàng cây, từng mái nhà rông vút cao của người Ba Na, từ đầu làng đã nghe một hồi kẻng rất to kéo dài. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Đinh Brok, Trưởng thôn Hle Hlang nói như giải thích: “Thời chiến tranh, đây là khu kháng chiến, để bảo đảm an toàn, hễ có máy bay Mỹ đến là du kích đánh kẻng để thông báo cho bà con xuống hầm ẩn nấp, còn bộ đội và LLVT địa phương thì lên công sự quan sát, bắn máy bay. Ngày nay bà con người Ba Na mình ở đây vẫn dùng tiếng kẻng, nhưng là kẻng để thông báo cho các em học sinh vào phòng học tập, phụ huynh nghe kẻng thì nhắc nhở con cháu nghỉ chơi vào bàn ngồi học, ôn bài. Các thầy cô giáo “bám thôn làng” thì đi kiểm tra, nhắc học sinh ôn luyện, và hướng dẫn các em học tập. Nhờ cách làm này mà thời gian vừa qua ở đây không có học sinh bỏ học, chất lượng học tập cao hơn.

1-goc-hoc-tap-gan-voi-uoc-mo-cua-em-1690818129.jpgGóc học tập gắn với ước mơ của em

Không vội vã như trong chiến tranh, nhưng sau tiếng kẻng các em học sinh đã bỏ dỡ những cuộc chơi trên đường làng cùng đám bạn để về nhà học và làm bài tập. Em Đinh Thiêm (dân tộc Bah Nar) học sinh lớp 5, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn (Yang Trung) cho biết: Cha mẹ đi làm nương rẫy từ sáng sớm, đến tối mịt mới về, ở nhà ngoài học tập, ôn luyện bài vở, em còn hướng dẫn học cho đứa em lớp 2 nữa. Ngày trước, khi chưa có tiếng kẻng, có lúc mải chơi quên mất việc học, nên chuyện làm bài tập mà cô giáo giao về nhà không bao giờ có được. Nay khác rồi, cứ nghe tiếng kẻng, biết cái giờ học của mình đã đến, dù chơi đùa ở đâu, cũng chạy về học thôi. Nhiều bài toán khó chưa làm được thì gác lại để đó, học nội dung khác trước, đợi thầy cô giáo đến kiểm tra rồi nhờ thầy cô hướng dẫn. Biết con chữ, con số đã khó, nhưng học được cái nghĩa của từng bài học còn khó hơn, thôi thì cứ cố gắng, bên em còn có các thầy cô, có cha mẹ. Nói rồi Thiêm cười rất vui, rồi tiếp tục học.

Góc học tập và ước mơ của em

Ở Yang Trung (Kông Chro), trong nhiều trường học, giáo viên không những đã vận động tất cả các em đến lớp, mà còn hướng dẫn để cha mẹ học sinh dành những vị trí đẹp nhất trong ngôi nhà để làm “Góc học tập”, gắn với những ước mơ đầu đời cho con.

Thầy Lê Hoàng Tiến- Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lê Quý Đôn (Yang Trung) cho biết: “Toàn trường có 18 lớp, 495 học sinh, trong đó có 288 học sinh là con em của bà con DTTS địa phương. Để nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện có hiệu quả phương châm “Một ngày đến trường là một ngày vui”, trước hết Đảng ủy - Ban giám hiệu đã xác định những nội dung biện pháp phù hợp để xây dựng mô hình  “Trường học thân thiện, xanh sạch đẹp”. Trường học xanh, sạch, đẹp, thầy cô giáo thân thiện, gần gũi, tình cảm…là sân chơi lôi cuốn, là cơ sở để học sinh đến trường, yêu trường lớp, trân quý giáo viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cử các giáo viên có kinh nghiệm bám nắm thôn làng, bám học sinh, gần gũi động viên các em đến lớp, động viên phụ huynh cho con em mình tới trường. Đặc biệt đến nay, cái thành công nhất mà chúng tôi làm được là vận động, hướng dẫn phụ huynh dành một chỗ đẹp nhất trong nhà để làm “Góc học tập”, rồi hướng dẫn các em trang trí, bày biện, gắn góc tập với ước mơ của các em sau này. Với quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, nên năm 2020, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn đạt Trường chuẩn Quốc gia mức độ I;  từ năm học 2021-2023 đạt Tập thể Lao động tiên tiến”.

Cái hay của giáo viên bám thôn làng, là biết được từng hộ dân, từng ngôi nhà, từng em học sinh con của ai, đang học lớp mấy… rồi kinh tế, cuộc sống của từng gia đình, qua đó động viên các em đến trường, hướng dẫn các em học thêm. Cũng qua “công tác cơ sở” mà giáo viên Trường TH&THCS Lê Quý Đôn biết được các em đang thiếu, đang cần cái gì để bàn cách làm và hướng giúp đỡ, khi thấy các em thiếu sách để đọc, để học, trường thành lập “Tủ sách của làng” rồi luân phiên đưa đến các thôn làng vừa phục vụ học sinh học tập, nghiên cứu, vận dụng, vừa phục vụ bà con, nhất là số thanh thiếu niên.

2-huong-dan-truc-tiep-cho-hoc-sinh-tren-lop-1690818250.jpgHướng dẫn trực tiếp cho học sinh trên lớp

Dù công tác tại những điểm trường nằm ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng mỗi cán bộ, giáo viên đều luôn quyết tâm vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Chúng tôi đã cùng động viên nhau quyết tâm cố gắng, cố gắng thật nhiều để truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống, định hình tâm hồn, tính cách cho học sinh. Ngoài việc dạy chữ cho các em, giáo viên của trường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách ăn, ở sao cho hợp vệ sinh, cách phòng chống bệnh tật, nhất là dịch Covid-19 vừa qua. Tất cả giáo viên của trường đều coi học sinh như con, em của mình. Thấy quần áo các em rách, các cô thay người mẹ vá cho các em, xin quần áo cho các em mặc, nhất là quần áo ấm mùa đông, thấy các em thiếu sách vở, chúng tôi tự nguyện góp tiền mua sách vở tặng học sinh, các em vắng mặt dù chỉ một buổi học là thầy cô giáo đã đến tận nhà tìm hiểu lý do, thăm, hỏi, động viên các em tiếp tục đến trường. Bởi chúng tôi biết con chữ mà các em chắt chiu được là cuộc sống, là tương lai không những của các em mà còn của thôn làng, cộng đồng, xã hội…”. Cô Nguyễn Thị Như Yến, giáo viên dạy lớp 2B chia sẻ.

Chị Đinh Thị Guenh ở làng Tnang (Yang Trung) cho hay, khi được thầy cô giáo hướng dẫn làm góc học tập để con mình gắn ước mơ lên đó, vợ chồng tôi đã sửa sang lại ngôi nhà và đã dành một chỗ để làm góc học tập cho cậu con trai đang học lớp 5. Cháu rất phấn khởi, tới giờ là tự giác ngồi vào học, chứ không đợi nhắc nhở nhiều lần như trước. Để nuôi ước mơ, cháu tự làm các sản phẩm cắt dán, đồ dùng dễ kiếm và bổ sung thêm một số đầu sách, tranh ảnh minh họa…

3-cung-hoc-cung-vui-1690818365.jpgCùng học, cùng vui

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, em Nông Thị Linh, học sinh lớp 3B xúc động: "Trước đây em được liệt vào dạng “học sinh cá biệt”, do hay đi nương rẫy theo cha mẹ, lại ham chơi, nên liên tục bỏ học. Từ ngày có “tiếng kẻng học bài”, có sách để đọc, học thêm, có thầy cô giáo gần gũi động viên, lại được cha mẹ dành cho một góc nhà để làm “góc học tập”  em rất vui, nên đã tích cực đi học và học bài đầy đủ. Nhà em còn nghèo, góc học tập không sang trọng, màu mè, nhưng em viết vào đó, gửi vào đó những lời dạy của Bác Hồ, những câu thơ, câu văn hay và một ước mơ nho nhỏ đó là “lớn lên làm cô giáo”."

4-niem-vui-tren-san-truong-1690818415.jpgNiềm vui trên sân trường

Chia tay thầy cô giáo và các em học sinh Trường TH&THCS Lê Quý Đôn trong cái bắt tay như nắm chặt, những nụ cười tươi, những chia sẻ nhiệt huyết của giáo viên, những ước mơ nho nhỏ mà lớn lao của các em học sinh ở vùng đất khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy lòng mình xúc động đến lạ. Những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, đặc biệt những ước của các em thật bình dị, dễ thương và đáng trân trọng, chắp cánh bay lên và lan tỏa trong cộng đồng. Một năm học mới đã bắt đầu…