Con đường dân sinh

Tùy văn của Ngô Đức Hành

21/05/2021 08:43

Theo dõi trên

Chẳng biết ai đặt tên cho con đường này bằng cái tên giàu ý nghĩa – đường Dân sinh. Chắc chắn đó phải là một người có đầu óc thông thái, làu kinh sử...Sau này tôi nghe phong thanh, hình như vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hay Bí thư Huyện ủy Can Lộc. Hoàn cảnh, chắc chắn của thời, miền Bắc bắt đầu bước vào cuộc kiến thiết vĩ đại khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chẳng phải “đao to búa lớn” nhưng cái thời sau Đại hội III của Đảng nó vậy.

con-duong-dan-sinh-1621560858.jpgCánh đồng đã thành phố

Khi tôi nhận thức được bên ngoài bản thân thì đường đã mang tên Dân sinh. Đó là con đường rải bằng sỏi, chạy dài từ cổng làng Nam Sơn, Đại lộc (cũ), nay là mấy khối phố của thị trấn Nghèn, tít tắp cánh đồng Nhà Hy, xóm Xuân Thủy bây giờ. Hai bên là ruộng lúa, ngút ngàn. Bên phải, hướng cánh đồng bắt đầu từ Chà Bày ngoài, rồi Uôi, Cồn Cự...; bên trái bắt đầu từ Biền Lạc.... Đường rợp bóng cây Phi lao, loại cây này từ Quảng Bình trở vào gọi là Dương. Dương có vẻ mỹ miều, xứ Nghệ chân chất hơn gọi là phi lao.

Suy cho cùng, đó là loài cây thuộc họ lá kim. Trong trường ca Sa Mộc của nhà thơ, thiếu tá Phạm Vân Anh, phi lao cũng là một loài Sa mộc. Ở Quảng Bình, tỉnh chung đèo Ngang với Hà Tĩnh, từng có mẹ Nghèng, nhờ trồng phi lao chắn sóng ở những “chang chang cồn cát” mà được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động. Quảng Bình, có hai người mẹ đi vào sử sách là mẹ Suốt và mẹ Nghèng.

Phi lao đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Đối với tôi, hơn cả thơ ca, nhạc họa; nhắc đến con đường Dân sinh là nhớ hai hàng Phi lao, đó là cả một “vùng trời ký ức”. Lũ trẻ mục đồng yêu những hàng phi lao dọc con đường đến lạ. Tiếng gió reo vui trên mặt lá, như bản giao hưởng cánh đồng. Những cành phi lao nhỏ làm roi chăn trâu, chăn bò...Chúng tôi lớn lên cùng với nó và nó đã trở thành một điều gì đó sâu thẳm trong tiềm thức và kỷ niệm. Lấp ló sau rặng phi lao là mặt trời đỏ ối, là cánh đồng mênh mông, là những mái nhà lô xô. Quá đỗi bình yên.

Tuổi mục đồng, gắn với con đường Dân sinh là buổi sáng/ hoặc chiều giong trâu ra đồng, hun chuột, cùng lũ trâu chúng bạn bơi qua những bố bom dài rộng, chi chít. Thị trấn Nghèn, từng có cầu Nghèn nằm trên tuyến quốc lộ 1A, nên từng hứng “mưa bom, bão đạn” những năm bom Mỹ thả. Quê hương, ruộng đồng đầy thương tích, “giàu” bố bom. Hôm nào không đi chăn trâu, trên vai tôi có đôi quang, lăn lóc dọc con đường ấy đi nhặt phân bò, phân trâu rơi vãi. Thời hợp tác xã nông nghiệp đã xa lắc, bón ruộng chỉ có phân phân chuồng, phân hữu cơ từ ủ từ bèo hoa dâu hoặc cây điền thanh. Và cũng chỉ có thế.

Chắc nhiều bạn trẻ bây giờ thắc mắc, nhặt phân rơi vãi làm gì? Xin thưa, về ủ trong chuồng trâu/ hoặc bò nhà mình để bón ruộng 5% hoặc cân cho hợp tác xã đổi ra lúa sau khi thu hoạch.

con-duong-dan-sinh1-1621560858.jpgĐường Dân sinh xưa đã được gắn biển Phan Kính
 

Những ngày “nông nhàn”, sau khi qua mùa lũ trâu phải đi cày ruộng, bọn trẻ chúng tôi dong trâu lên đồng. Buổi chiều sau khi cho trâu ăn no tròn, tắm táp sạch sẽ thì cho trâu về. Vì phân quý, nên lo nhất là trâu buồn ị, phân rơi trên đường trước khi về chuồng. Cứ mỗi lần phát hiện ra trâu cong đuôi lên là bọn trẻ cưỡi trâu phải lùi về phía đuôi trâu, nắm thật chặt đuôi ấn xuống. Hai chân thúc vào thân trâu để phi thật nhanh về ràn (phương ngữ Nghệ). Về ràn / chuồng, trâu mới ị là thành công, có thể khoe với bố mẹ.

Đi chăn trâu, đến mùa lúa xanh non, lũ trẻ sướng nhất là cho trâu ăn lúa. Thường trâu vươn cổ đến đâu thì lúa hợp tác xã bị trâu gặm đến đó. Lúa của hợp tác, trâu cũng của hợp tác, nhưng trâu còn cho nhà mình phân. Những lúc này chỉ cần cảnh giác ông thầu khoán (cách gọi người được đội sản xuất cử theo vụ trông coi ruộng đồng). Ông nào cũng có roi mây, phát hiện ra bọn trẻ cho trâu ăn lúa là vụt.

Mùa lúa đòng đòng, lũ trẻ sướng nhất là bóc đòng đòng sữa ăn no bụng. Đói, bữa lưng bát cơm độn khoai nên đòng đòng là món khoải khẩu của bọn mục đồng. Ăn đòng đòng, uống nước ruộng nhưng không đứa nào đau ốm gì. Thế mới biết cánh đồng, thời chưa có phân vô cơ, chưa có thuốc bảo vệ thực vật trong lành đến mức nào. Chân ruộng, chân lúa đầy tôm, cá các loại.

con-duong-dan-sinh2-1621560982.jpgPhi lao chỉ còn là ký ức
 

Mùa lúa gần chín thì đi câu. Lúa chín, cá xót mắt, nhảy dựng lên từ bờ ruộng này sang ruộng kia thì đi làm “vụng lóc”. Có nghĩa là khoét hố sâu giữa hai bờ ruộng, bôi trơn mép bờ cho cá dễ trườn lên, khi nhảy thì rơi xuống hố. Sáng ra thì đi nhặt cá. Đứa đi trước nhặt của đứa đi sau, gọi là đi ăn trộm “vụng lóc”. Nhiều khi “ốc mò cò xơi”, có đứa chẳng hề làm, nhưng giỏi dậy sớm “ăn trộm” của đứa mất công làm từ chiều tối hôm trước.

Tuổi lớn lên, gắn với con đường Dân sinh là những buổi làm đồng. Sáng hay chiều cứ nghe tiếng kẻng của đội trưởng, thông báo công việc trong ngày; ví dụ: đi cày, cấy, nhổ cỏ, bón phân, đi gặt...mà ra đồng. Người già tám chuyện với người già; bọn trẻ chọc ghẹo bọn trẻ cho đến khi đến cánh đồng mà hôm ấy đội sản xuất lên kế hoạch làm việc.

Tôi là đứa bé, được ưu tiên nhiệm vụ học tập là chủ yếu, trước khi rời quê ra Hà Nội học tập, chưa một lần được đi cày, đi bừa, cấy, gặt. Tôi chỉ mới có cơ hội tham gia một số công việc ít ỏi: đi nhổ cỏ lúa, tát nước...Những công việc thường bọn con gái làm. So với đám thanh niên nông thôn, tôi là đứa không có “khâu oai”; do vậy, rất ít các bạn nữ để ý đến mình. Thường những anh chàng cày, bừa giỏi; trong nhà có các công cụ như xẻng đào đất của Liên xô, có xe cải tiến (một loại xe kéo dùng cho công việc nhà nông) bằng bánh cao su là thuộc loại “đẳng cấp”. Đi làm đồng có thể ưỡn ngực hát nghêu ngao, đủ “sức mạnh” chinh phục bất cứ cô gái làng nào mà họ thích.

Đi làm đồng, cả buổi ức mãi chỉ được người lớn bình bầu 4 điểm. Trong khi các bà, các mẹ lớn tuổi chỉ đứng tán chuyện cả buổi vẫn được “bình bầu” 10 điểm. Một điểm ứng với một lạng thóc. Đội sản xuất cộng điểm ngày làm công suốt mùa vụ, đến mùa thu hoạch thì trả bằng thóc. Con đường Dân sinh, chứng kiến một thời “cười ra nước mắt” của hợp tác xã.

Gần nhà tôi có anh Khang, nhiều mánh lới. Phải đổi tên anh một chút, biết đâu già rồi nhưng anh vẫn muốn giữ bí mật? Chính anh là người “dạy” tôi biết cách làm ăn gian dối thời hợp tác. Anh rủ tôi đi xe phân bón ruộng. Nhà anh có xe cải tiến để chở phân. Thường thì hôm nào đổ phân, người có xe, hoặc người gánh bộ đến Kho phân của đội sản xuất. Ở đó có một cái cân tạ treo lên, trước khi phân được ghi vào sổ, người gánh đưa ra đồng phải cân trọng lượng. Khổ lắm, họ chỉ cân một đầu (một thúng, hoặc một sảo) rồi nhân đôi lên. Tôi quan sát anh, đầu nhấc cân của anh Khang bao giờ phân cũng được ấn xuống rất nặng; đầu không phân chủ yếu là rơm rạ dính phân, trọng lượng rất nhẹ. Cái này chắc chắn là ăn gian. Phân chở ra ruộng, phải gánh ra đổ đều trên mặt ruộng, thế nhưng phần lớn đổ gần bờ để còn quay về làm chuyến khác.

Lúa nơi có phân thường tốt bời bời, nhưng nơi không ai đổ phân, lúa vàng khè, còi cọc. Hợp tác xã thời tập trung quan liêu tan rã là phải, làm không đủ ăn là phải, bởi “cha chung không ai khóc”, làm chung ai không gian dối là dại. Hợp tác xã “cha chung” báo hiệu “sụp đổ” từ những điều rất đơn giản. Sau này tôi nhận ra, không phải cứ bắt dân góp ruộng, vào làm ăn chung thì có ngay chủ nghĩa xã hội. Một xã hội mà đến gần đây cũng đang được “làm mới” về khái niệm.

Đường Dân sinh là con đường không gắn biển, nhưng trong trái tim của nhiều thế hệ, đó là con đường của một thời khó lãng quên. Bây giờ con đường ấy đã được “định danh”, gắn biển là đường Phan Kính.  Phan Kính (1715-1761), quê Song Lộc (Can Lộc), tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, đỗ Thám hoa và làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông thuộc vương triều Nhà Lê Trung Hưng. Ông từng đi sứ Nhà Thanh và được hoàng đế Càn Long trọng tài đức và phong là "Lưỡng quốc đình nguyên Thám hoa". Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phan Quán làm quan đến chức Đông Các Đại Học Sĩ. Ông là một nhà văn, nhà sử học.

Hai hàng phi lao hai bên đường cũng không còn. Con đường sỏi đá mấp mô ngày xưa đã được thảm nhựa kết hợp bê tông xi măng. Chắc khoảng 5 – 10 năm nữa những cánh đồng còn lại, phía trước làng Nam Sơn sẽ “biến mất”. Thay vào đó là các khu dân cư. Người sinh, đất không đẻ. Rồi thị trấn Nghèn sẽ lên thị xã... Cánh cò trên đồng chỉ còn là ký ức. Dù sao, con đường Dân sinh đã hoàn thành sứ mệnh vì cuộc sống của người dân quê tôi. Dù con đường mai sau được chặt khúc ra đặt tên gì đi nữa thì cũng vì dân cơ mà.

Tôi đã đi tha thẩn trên con đường này. Có cả niềm vui và tiếc nuối. Nhìn cánh cò bay trong chạng vạng, nước mắt cay cay...

 

Hà Tĩnh, ngày 21/5/2021.

NĐH

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Con đường dân sinh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn