Còn thương rau đắng mọc sau hè

Lâm Hùng

04/09/2021 01:42

Theo dõi trên

Nhiều người dân miền Tây khi nghe âm điệu dân ca từ bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè" của Nhạc sĩ Bắc Sơn chắc hẳn không thể quên cánh đồng khô gốc rạ trong mùa nắng hạn. Còn rau đắng đất, mộc mạc như cô gái quê thẹn thùng, khép nép, chỉ “mọc sau hè” hay bên những bờ mương, liếp vườn và dưới chân những gốc rạ khi lúa mùa một vụ mới vừa gặt xong.

224070974-1048552782640845-9111899670640404789-n-1630665711.jpg

Những hạt rau đắng đất đã ngủ quên từ mùa nước để chờ khi chân ruộng chớm khô là chợt bừng tỉnh giấc, nẩy mầm vươn lên từ lòng đất. Ngày trước, dân quê mình còn nghèo, nhà ở xa chợ, kiếm một cọng rau đã khó, nói chi đến chuyện ăn ngon, ăn sướng. Có lẽ vì vậy mà loài rau đắng ngắt này được chọn làm rau cho những bữa cơm quê! Dần dà, cái vị đắng ấy trở nên ngọt ngào thấm vào miền ký ức của biết bao người khi xa quê đều mang theo một nỗi nhớ da diết từ lời ru của bà, của mẹ:

“À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng

Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa…”

Từ lâu, rau đắng nấu canh với cá rô đồng là món ăn quen thuộc của mỗi người dân quê trong cái nắng đổ lửa của những ngày sau Tết. Nấu canh rau đắng cũng không cầu kỳ gì, chỉ cần bắc nồi nước thật sôi, cá rô làm sạch bỏ vào nấu chín. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho rau đắng vào và nhắc xuống khỏi bếp ngay. Vì nếu để sôi già quá, rau sẽ dai, đắng nghét, mất ngon. Đơn giản thế thôi trong bữa cơm quê bên chái bếp luôn ấm nồng để mà thương, mà nhớ! Có một điều khá đặc biệt là khi kết hợp với món cháo cá lóc, vị đắng của rau giảm đi rất nhiều và còn có hậu ngọt rất đặc trưng. Muốn nấu một nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng đất đúng cách cũng khá kỳ công. Cá lóc đồng phải chọn loại từ 1 kg trở lên. Cá được làm sạch, phần đầu, lòng và xương để riêng. Phần thân cá thì lạng lấy thịt phi lê rồi thái từng miếng mỏng xấp ra dĩa. Hành lá và tiêu xay nhuyễn rắt lên mặt. Khi nồi cháo bắt đầu nhừ thì cho đầu, lòng và xương cá vào cho ngọt nước, nêm nếm gia vị là dùng được. Các bước chuẩn bị đều hoàn tất. Khi ăn, chỉ cần để lớp rau đắng xuống đáy tô trước, rồi trải lớp cá lóc thái lên trên, múc từng vá cháo đang sùng sục trong nồi cho vào. Rau đắng đất gặp cháo nóng chỉ còn vị ngòn ngọt, đăng đắng đậm đà khó tả. Những miếng cá lóc thái mỏng vừa chín tới giữ nguyên vị ngọt. Cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị tiêu cay cay hòa với hơi nóng và vị ngọt của cháo, của cá, của rau, cứ tê tê trên đầu lưỡi tạo nên những tiếng hít hà sảng khoái…

230858160-1048553009307489-6769104654549545895-n-1630665825.jpg

Phải chăng vì trong các thứ ẩm thực, các món ăn có vị đắng thường là kén chọn người thưởng thức, phải những ai quen thuộc, thấu hiểu chúng thì mới cảm thụ được cái ngọt ngào tưởng không thể nào chạm tới được ẩn đằng sau vị đắng kia. Nhưng suy cho cùng, nghiệm ra từ ẩm thực đã có một nhà văn từng nói: “Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi”. Còn đối với rau đắng thường thì những đứa trẻ, khi nghe nhắc đến nồi canh rau đắng là cứ lắc đầu nguầy nguậy, không thèm ăn, vì… đắng quá! Để rồi thời gian qua đi, mỗi con người trên miền quê này lớn lên, quen dần với vị đắng của rau, rồi từ từ cảm nhận được cái vị ngọt của nó!

Ai buộc đời mình vì một cọng rau

Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng

Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng

Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình

Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh...

Nhạc sỹ Bắc Sơn hay những người từng sống trên mảnh đất miền Tây thân thương này đã từng biết, từng nhớ và sẽ còn nhớ mãi rau đắng – hương quê ngọt ngào! …

“Xin nắng hạ thôi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh dạo quanh, khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh”…

 

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Còn thương rau đắng mọc sau hè" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn