Cốt cách và tâm hồn thầy luôn sống mãi trong trái tim em

Đặng Viết Tiến (Thị ủy Ba Đồn, Quảng Bình)

18/11/2022 20:48

Theo dõi trên

Hơn 30 năm trôi qua, kể lại một vài kỷ niệm về cố nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Việt (Trường ĐHSP Huế) mà tôi tưởng như đang đắm mình với những năm tháng đẹp đẽ nhất của thời sinh viên. Nơi ấy, tôi may mắn được học với những thầy giáo giàu lòng yêu người, yêu nghề, mà bóng dáng và tư chất luôn theo sát cuộc đời trò.

1-cot-cach-va-tam-hon-thay-1668779100.jpg
Cố nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Việt

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi mới chân bước chân vào giảng đường trường đại học. Với các bạn đồng khoá tôi không được may mắn như họ, tuổi trẻ với lòng tràn đầy nhiệt huyết tôi đã gửi lại trong thời gian ở quân ngũ. Trở lại giảng đường với hành trang người lính tâm trạng của tôi khác hẳn. Một chút buồn lo, hay sự phân tâm là điều dễ hiểu. Cuộc sống đời thường thì chẳng có gì đáng ngại, nhưng chuyện học hành thì quả là một vấn đề.

Theo thời gian cũng như được sự tận tình dìu dắt, giúp đỡ của quý thầy cô trong khoa mà việc học của tôi ngày càng chuyển biến rõ rệt. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết sinh viên đều có chung một cảm nhận khi được học với quý thầy cô trong ngôi nhà chung khoa Lịch sử, trường ĐHSP Huế là một niềm vui lớn. Sẽ là khiếm khuyết nếu không nhớ đến thầy, người tôi muốn nhắc tới đó là cố nhà giáo ưu tú, GVC Phạm Hồng Việt.

Thầy ơi! Thầy đã mãi đi xa nhưng trong bài giảng hôm nay của chúng em khi dạy về 2 nền văn minh trong Thế giới cổ đại luôn có hình ảnh của thầy. Vẫn còn đâu đây giọng nói trầm hùng của thầy khi nói về một số điều luật (trong 200 điều) của bộ luật cổ Hammurabi, đó là vấn đề trọng nam khinh nữ, hay đó là sự suy yếu dần về quyền của phụ nữ, cũng như mức độ tàn khốc tăng dần trong việc đối xử với nô lệ dưới sự cầm quyền của “Hội đồng trưởng lão”.

Qua bài giảng của thầy mà lần đầu tiên chúng em biết đến một “Vườn Treo Babylon”, là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại; nó được ca ngợi là một thành tựu nổi bật về kỹ thuật xây dựng với một chuỗi vườn bậc thang, có đủ các loại cây và dây leo đa dạng, tạo nên một ngọn núi xanh lớn được đắp bởi bùn và gạch. Công trình được xây dựng bởi nhà vua có tên Nebuchadnezzar II thời Tân Babylon trị vì (605- 562 TCN), dành tặng cho vợ của mình là nàng Amytis người Media, để làm bà khuây khỏa nỗi nhớ quê hương, nơi vốn có những ngọn đồi và thung lũng xanh tươi.

Dưới sự dẫn dắt của thầy, chúng em lại bị mê hoặc bởi “Những bánh xe nước” đã mở ra một kỷ nguyên mới trong nền văn minh nông nghiệp thời tiền sử; đó là sự uốn lượn và tuôn chảy của 2 con sông Ti-gơ-rơ (Tigris) và Ơ-phơ-rát (Euphrates). Ngày lại qua ngày nó đã bồi đắp và hình thành nên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn trước khi đổ ra vịnh Ba Tư. Asin (Achilles) không mãi là bất tử (Gót chân A sin) nhưng cũng không thể chiến thắng được trước sự quả cảm của các chiến binh Ba Tư, nếu như không đến từ sự thông minh hiếm thấy của các chiến binh Hi Lạp thông qua ngựa gỗ thành Troia (Tơ-roa), giai thoại được thần thánh hóa, nhưng đó cũng là cách để các em có thêm nguồn tư liệu để giảng dạy về những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong dòng chảy của lịch sử nhân loại. Qua đó cũng góp phần giáo dục thêm lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho thế trẻ.

Thầy ơi! Em còn nhớ như in vào một ngày cuối thu của năm 1998, khi em vừa dạy xong tiết “Văn hóa Hy Lạp - Rome cổ đại”, bỗng dưng em nhớ thầy quá! Nhớ cái ngày em được nghe thầy giảng về văn hóa cổ đại, nhớ về những ngày đã qua..! Em cố hình dung lại ngày xưa thầy giảng cho em như thế nào? Em cố chắt chiu từng lời dạy còn đọng lại để truyền lửa cho học trò của mình bằng những lời đầy nhiệt huyết của thầy ngày xưa, bằng cái phong cách uyên thâm, lắng đọng của thầy, bằng vốn tri thức mà em từng gom góp từ thầy trong những năm tháng được học với thầy.

Khi tiết giảng vừa xong, em cảm thấy lòng mình thanh thản lạ. Dư âm của tiết giảng như vị ngọt của hoa trái đầu mùa vẫn còn đọng mãi. Học trò của em chăm chú nghe em giảng về những thành tựu kỳ diệu, độc đáo của thời kỳ dĩ vãng xa xôi…Và thầy ạ! Nỗi nhớ cứ tràn ngập lòng em. Thưa thầy, nước mắt em như muốn tuôn trào! Trước mắt em hình ảnh của thầy cứ hiện về lung linh, tuyệt đẹp. Em nhớ về lớp học ngày xưa, từ ngày đầu nhập học, dù đời sống rất nhiều khó khăn, số sinh viên yêu môn Sử không nhiều, nhưng khi được nghe thầy giảng về thế giới cổ đại, đã say đến mức tưởng như không biết đến thời gian trôi đi, cứ chăm chú lắng nghe, nuốt trọn từng lời.

2-cot-cach-va-tam-hon-thay-1668779200.jpg

Vợ chồng thầy giáo Phạm Hồng Việt - Đặng Thị Tịnh cùng tập thể lớp Sử K.18 năm (1994).

Rồi năm học cuối, thầy đến với chúng em bằng chuyên đề: “Văn hóa thế giới cổ đại” đầy bổ ích và lý thú; khép lại cuộc hành trình ngọt ngào đến với bốn biển năm châu của đời sinh viên khoa Sử mà chúng em đâu dễ lãng quên! Cuối năm 1994, về nghỉ hưu theo chế độ, thầy vẫn hợp đồng giảng dạy tại khoa Lịch sử, tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết về nghề cho các thế hệ sinh viên,…

Em đã kể với học trò của em rằng: Ngày xưa, thầy có một người thầy dạy Lịch sử tuyệt vời! Khi thầy giảng về Alexandros, cứ tưởng như Hoàng đế đang cầm quân rong ruổi ngay trước mặt. Khi thầy giảng về các thành tựu kiến trúc cổ đại, cứ ngỡ ta đang đứng trước những kỳ quan thế giới, v.v…Những lúc đó, em cảm thấy tự hào trước những cặp mắt tròn xoe, khâm phục của lũ học trò.

Hơn 30 năm trôi qua, kể lại một vài kỷ niệm về thầy mà tôi tưởng như đang đắm mình với những năm tháng đẹp đẽ nhất của thời sinh viên. Nơi ấy tôi may mắn được học với những thầy giáo giàu lòng yêu người, yêu nghề, mà bóng dáng và tư chất luôn theo sát cuộc đời trò. Ngày trước khi đương tuổi thanh xuân, tôi học thầy những tri thức để hành nghề. Bây giờ tôi vẫn học thầy, học những điều tưởng như mình đã biết. Thế hệ những người như thầy là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Tri thức và nhân cách, đấy là thứ tài sản vô giá mà thầy muốn trao lại cho các thế hệ học trò cả khi không còn đứng trên bục giảng. Chúng tôi tôn kính và khâm phục thầy, không phải ở học hàm, học vị. Những thứ đó không ít người đạt được nhưng vẫn không khỏa lấp được khoảng trống về tri thức và nhân cách.

Thấm thoắt đã gần chục năm thầy mãi đi xa. Nhưng cứ mỗi độ đến ngày 20/11, lòng tôi lại bồi hồi nhớ những kỷ niệm xưa về người thầy hơn tôi một thế hệ. Những nhà giáo một thời như thầy đã thành người “thiên cổ” nhưng cốt cách tâm hồn thì luôn sống mãi trong tâm khảm các thế hệ học trò.

Bạn đang đọc bài viết "Cốt cách và tâm hồn thầy luôn sống mãi trong trái tim em" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn