Cung đường Hạnh Phúc và Hà Giang ngoại truyện

Nguyễn Văn Nọi

24/10/2022 08:25

Theo dõi trên

185 km quốc lộ 4C được khởi công xây dựng từ năm 1959 và hoàn thành sau đó khoảng 8 năm. Đây là cung đường đèo dốc nằm ven các vách đá, vực sâu đi qua bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Chỉ với những dụng cụ thô sơ như xà beng, cuốc chim, búa, cuốc, xẻng... và những bàn tay chai sạn; 1.300 thanh niên xung phong và 1.000 đồng bào của 16 dân tộc tỉnh Hà Giang đã làm nên một kỳ tích. Con đường Hạnh Phúc, là tên Bác Hồ đặt cho cung đường thấm đẫm mồ hôi, công sức và cả máu của không chỉ từng ấy con người.

Ngồi cạnh tôi, khi xe đi qua những khúc cua của cung đường Hạnh Phúc, anh Phúc luôn chép miệng thốt lên:

"Đúng là kỳ tích hè! Chỉ với choòng và búa mà người Việt Nam mình có thể tạo ra con đường đẹp như rứa. Giỏi quá hè!".

dvh1ac1-1666574409.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi cũng ngạc nhiên không kém mặc dù cũng đã từng nghe, từng đọc về lịch sử đầy gian nan để xây dựng con đường Hạnh Phúc. Con đường đươc rải nhựa phẳng lỳ, đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đã có 14 thanh niên xung phong nằm xuống nơi đây trong thời gian xây dựng con đường. Các anh đã được Nhà nước phong tặng liệt sỹ. Có một tượng đài kỷ niệm 14 liệt sỹ thanh niên xung phong, cũng là tượng đài ghi nhận công lao của những người tạo nên một huyền thoại "con đường Hạnh Phúc" được xây dựng bên canh cung đường. Đoàn chúng tôi đã dừng xe vào thăm tượng đài, nghiêng mình trước anh linh những người đã nằm xuống, những người đã đổ bao mồ hôi công sức để mang hạnh phúc đến cho đồng bào vùng cao.

NGOẠI TRUYỆN

Tôi và nhạc sỹ, ccb lính xe tăng Quý Lăng được ban liên lạc bố trí ngủ cùng phòng. Quý Lăng nghiện thuốc nên cẩn thận hỏi tôi, vì tôi không hút thuốc:

"có chịu được mùi thuốc không?".

Chẳng lẽ lại nói "không" để nhạc sỹ phải băn khoăn nên tôi trả lời "không sao đâu, lính mà đồng đội".

Có một sự cố khá bi hài cho buổi tối đầu tiên ở Hà Giang. Đoàn chúng tôi có 32 người, có sáu cặp vợ chồng, còn lại là "độc thân". Có sáu phòng giường đôi, được cậu hướng dẫn viên trao chìa khóa trước cho các cặp đôi. Những phòng còn lại có hai giường đơn được bố trí cho các ông, các bà "độc thân". Tôi nhận chìa khóa phòng và cùng Quý Lăng lên phòng 502. Mở cửa phòng thì cả tôi và nhạc sỹ đều ngơ ngác, vì chỉ có một chiếc giường đôi ở giữa phòng. Quý Lăng định chặc lưỡi cho qua nhưng tôi không chịu. Hai thằng ngủ chung một giường nhỡ đêm ông ấy mơ ngủ mà quay sang ôm mình thì chết à. Tôi cầm chìa khóa phòng xuống lễ tân đòi đổi phòng thì họ nói đã giao đủ phòng theo hợp đồng cho hướng dân viên. Họ không còn phòng hai giường để đổi cho chúng tôi. Một cặp vợ chồng nào đó đã được giao phòng có hai giường đơn. Thật may, sau khi tắm rửa, lúc xuống sảnh để cùng đoàn đi ăn tối thì gặp vợ chồng Ngọc Dũng ở cùng tầng năm. Tôi kể cho Ngọc Dũng chuyện phòng ngủ chúng tôi thì Ngọc Dũng kêu lên

"phòng hai vợ chồng tôi lại có hai cái giường đơn, định để đồ lên một giường, nằm một giường mà thấy giường nhỏ quá".

Bích Hà vợ Ngọc Dũng cười tươi khi chúng tôi đổi phòng cho nhau, vậy là sự cố đã được giải quyết.

Quý Lăng có lẽ cũng muốn ở cùng phòng với tôi để có cơ hội kể câu chuyện "đẩy xe tăng" của anh ấy cho tôi nghe. Chắc Quý Lăng muốn tôi có tư liệu để biết đâu đấy, tôi có thể viết thành một câu chuyện hay kể về mối tình đầu của anh lính xe tăng. Quý Lăng học toán, dạy toán nhưng chỉ thích làm bạn với dân lý. Anh luôn dành cho dân lý những lời có cánh, còn với dân toán là những cái bĩu môi, những cái phẩy tay. Quý Lăng còn là nhạc sỹ, bài hát "mãi mãi tuổi hai mươi" là sáng tác của anh dành cho liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc - bạn cùng lớp toán với anh ở đại học tổng hợp Hà Nội. Bài hát ấy đã trở thành hành khúc của tuổi trẻ Việt Nam, được vang lên trong nhiều chương trình kỷ niệm chiến thắng hoặc tri ân các liệt sỹ. Quý Lăng thích đọc những bài viết của tôi về người lính, về người mẹ và về tình bạn bè. Chắc anh thích cái thô mộc, đơn giản trong cách hành văn của tôi. Có lần đọc xong một bài viết của tôi anh bình luận "hay lắm Nọi ơi! Viết nữa đi cho mọi người đọc với. Bọn nhà văn bây giờ viết chán lắm", có lẽ anh hơi cực đoan chăng?

Tối đầu tiên ở Đồng Văn, tôi và Quý Lăng về đến buồng ngủ đã hơn 11 giờ đêm. Sau khi ăn tối chúng tôi còn đi hát karaoke với nhóm khách tp. Hồ Chí Minh. Tôi thì chỉ hai cốc bia đã say còn Quý Lăng thì luôn uống cho đến khi rượu uống người. Sau khi dã lên giường nằm, theo đề nghị của tôi, Quý Lăng bắt đầu kể chuyện. Câu chuyện mới kể được phần đầu thì cả hai đã mơ màng và ngủ lúc nào không biết, sáng hôm sau cả hai nhìn nhau cười trừ và hẹn "tôi nay kể tiếp".

Tối thứ hai cũng là tối cuối cùng ở đất Hà Giang, đoàn chúng tôi nghỉ ở khách sạn Mai Đào 2, thị trấn Mèo Vạc. Tôi ăn tối cùng mâm với Quý Lăng, như thường lệ anh cầm cốc rượu đi từng mâm để "dzo" với mọi người. Cuối bữa, chủ nhà hàng đến mâm chúng tôi để cám ơn bằng rượu. Quý Lăng cầm ly cụng với anh bạn chủ nhà hàng mới ngoài ba mươi tuổi:

"Từ tối đến giờ cháu uống mấy cốc rượu rồi?", Quý Lăng hỏi ông chủ trẻ tuổi.

"Cháu mới uống 5 cốc thôi ạ vì đây là mâm thứ hai cháu đến cám ơn".

"Uống ít thôi cháu nhé! Đừng cậy trẻ mà uống nhiều rồi ngoài năm mươi tuổi sẽ khổ đấy. Tiền không phải là tất cả", Quý lăng vừa khuyên vừa vỗ vai chủ nhà hàng.

"Dạ vâng ạ! Cháu cám ơn bác".

Anh bạn trẻ ngạc nhiên vì ông khách đang tây tây không ép mình uống rượu mà còn cho mình một lời khuyên chí lý. Tôi thì cảm nhận hình như ông nhạc sỹ này càng say càng tỉnh, càng tình người. Tối hôm đó khi chúng tôi về đến khách sạn, tôi lấy chìa khóa lên phòng trước. Khoảng 30 phút sau thì có chuông điện thoại, Quý Lăng gọi:

"Nọi ơi! Phòng chúng mình số mấy nhỉ", ông nhạc sỹ say quá nên vào nhầm phòng khác.

"Phòng số 304", tôi trả lời. Mười phút sau thì Quý Lăng mở cửa bước vào. Sau khi từ nhà tắm quay ra, ông cựu chiến binh lính xe tăng trèo lên giường và phút chốc đã ngáy khò khò. Vậy là tôi không có cơ hội nghe câu chuyện "đẩy xe tăng" của ông ấy nữa rồi. Hẹn chuyến đi khác vậy nhé anh Quý Lăng, ông nhạc sỹ, ông lính xe tăng.

Trong đoàn chúng tôi có nhóm Ngọc Dũng K15 đến từ tp. Hồ Chí Minh. Nhóm có 9 thành viên, 3 nam, 6 nữ. Nhỏ tuổi nhất là cậu bé 4 tuổi, tự leo hơn hai trăm bậc thang để lên chân Cột cờ Lũng Cú như tôi đã viết ở bài "Cột cờ Lũng Cú...". Sáu nữ thần của nhóm tp. Hồ Chí Minh đều thích hát và hát khá hay. Mỗi chiều tối khi đoàn dừng nghỉ ở đâu là không khí ở nơi ấy rộn ràng hẳn lên là nhờ các nữ thần (Bích Hà, Thụy Khanh, Tuyết Mai, Hà - Diều hâu, Hiếu - Đại bàng). Sau khi ăn cơm tối là hát karaoke, là lang thang chợ đêm, là lên sân khấu biểu diễn, là kết nối mọi người cùng vui. Nếu thiếu các bạn nứ ấy và Ngọc Dũng trong chuyến đi này có lẽ chuyến đi sẽ giảm vui đi một nửa.

Đoàn chúng tôi đi Hà Giang được chia làm hai xe. Một xe 29 chỗ, một xe 16 chỗ, mỗi xe chỉ chở hai phần ba số chỗ vì đường nhiều đèo dốc. Khi đi tôi ngồi trên xe 29 chỗ nhưng khi về thì được Vũ An Ninh phân công sang ngồi xe 16 chỗ với nhóm bạn tp. Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ để "tiễn khách". Thật ra lý do chính là vì tôi "đơn thân", xe 29 chỗ các cặp đôi đã chiếm chỗ để thuận lợi khi xuống bến cùng nhau. Cứ tưởng sự phân công "tiễn khách" của ông Ninh là cho vui vậy mà lại thành "vận" với tôi, Vũ An Ninh thiêng thật.

Xe rời Mèo Vạc để về Hà Nội, chạy được khoảng hơn 200 ky lô mét thì trời bắt đầu tối. Lái xe bỗng quặt tay lái vào một trạm xăng ven đường và bảo chúng tôi là giải lao. Tôi tưởng xe hết xăng nhưng không phải, trạm xăng đó lại không có nhà vệ sinh nên rất bất tiện cho nghỉ giải lao. Tôi bất chợt thấy lái xe bê dụng cụ chữa xe ra đầu xe, tôi cảm thấy có gì bất ổn nên đi đến để hỏi lái xe.

"Xe bị hỏng gì à?"

"Không đâu anh, chỉ là bóng đèn xe bị cháy nên em phải thay bóng", bệnh ngoài da. Tôi nghĩ vậy nhưng vẫn đứng xem anh lái xe tháo cụm đèn để thay bóng đèn, cũng là để nếu cần phụ giúp thì sẽ có tôi.

"Anh cầm dùm em cụm đèn để em thay bóng", tôi biết ngay mà, phụ xe luôn cần cho những sự cố tương tự. Bóng đèn được thay bật thử thấy sáng choang, đúng bệnh rồi. Lái xe lắp lại cụm đèn và lên xe nổ máy, đèn xe bên vừa thay bóng lại tối om. Lái xe lại cầm cà lê, tuốc nơ vít nhảy xuống, tôi cũng xuống xe bám theo. Cụm đèn xe được tháo ra, lái xe bật đèn pin trên điện thoại soi kiểm tra còn tôi thì có nhiệm vụ giữ cụm đèn và quan sát. Anh lái xe ấn mạnh giắc cắm đèn thì thấy đèn sáng, buông tay ra thì đèn lại tắt.

"Ông tháo giắc cắm ra kiểm tra bên trong đi", tôi tư vấn cho lái xe. Lái xe nghe theo, ánh đèn pin soi vào gioăng cao su trong giắc cắm bị vênh, làm chân bóng mất tiếp xúc. Lái xe tháo bỏ gioăng cao su, cắm bóng đèn vào thì thấy bóng đèn sáng rất ổn định. Cụm đèn được lắp trở lại, lái xe cám ơn tôi và chắc nghĩ tôi cũng là thợ sửa xe. Xe về đến Nhà hát lớn Hà Nội gần mười giờ đêm thứ Bảy. Tôi đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được Vũ An Ninh giao.

Cám ơn các anh chị lớp Vật lý K15 Đại học tổng hợp Hà Nội đã cho tôi tham gia chuyến đi "CHÀO MÙA THU HÀ GIANG" đầy kỷ niệm và trải nghiệm thú vị. Cám ơn Ngọc Dũng và các nữ thần của anh đã khuấy động, gắn kết mọi người.

Cám ơn mảnh đất đẹp như tranh vẽ và con người luôn thẫm đẫm tình người - Hà Giang quê tôi.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Cung đường Hạnh Phúc và Hà Giang ngoại truyện" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn