Cuộc chiến sau 50 năm nhìn lại: Tình hình chung trước khi mở chiến dịch (Viết sau ngày giải phóng)

Cho đến giữa tháng 3-1972, lực lượng Việt Nam Cộng hòa ở Trị - Thiên gồm có 2 Sư đoàn bộ binh (1, 3), 2 Lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258), 3 Thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép (11,20, 17), 17 Tiểu đoàn pháo binh từ 105 mm đến 175 mm (258 khẩu), 4 Tiểu đoàn, 94 Đại đội bảo an, 302 Trung đội dân vệ, 5.000 cảnh sát.
nhap-ngu-1648006286.jpg

Sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ lên đường nhập ngũ tháng 9/1971.Ảnh tư liệu.

Với lực lượng trên đây, Việt Nam Cộng hòa tập trung bố phòng trên hai hướng Quảng Trị và Thừa Thiên. Đặc biệt ở Quảng Trị, Việt Nam Cộng hòa liên tục duy trì Sư đoàn bộ binh 3, hai Lữ đoàn 147 và 258, hai Thiết đoàn 11 và 20 (chưa kể lực lượng bảo an dân vệ địa phương). Tổng cộng khoảng 50.000 quân chủ lực, 100.000 quân địa phương và Bảo an. Xét về mật độ thì đây là nơi tập trung quân mạnh và dày đặc nhất trên toàn chiến trường.

Lực lượng Việt Nam Cộng hòa ở Quảng Trị được phân chia thành ba tuyến:

• Tuyến ngoài cùng (tuyến giáp ranh), bố trí tương đối liên hoàn, chặt chẽ, có không gian rất rộng, kéo dài từ biển Đông đến gần biên giới Việt - Lào, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, phá hoại sự chuẩn bị của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từ xa. Lực lượng bảo vệ tuyến này chủ yếu là không quân, pháo binh, biệt kích; trong trường hợp khẩn cấp, một bộ phận quân chủ lực sẽ được điều động làm nhiệm vụ nống lấn càn quét.

• Tuyến giữa, tuyến phòng thủ quan trọng nhất gồm hệ thống các điểm cao, các căn cứ mà từ lâu Mỹ - Thiệu đã từng tuyên bố và vững tin là "bất khả xâm phạm". Hệ thống đó gồm: động Ông Do, điểm cao 365, 548, 597, 241, 544… kéo đến Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quáng Ngang, đồi 31. Nhiệm vụ của tuyến này là ngăn chặn các cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bảo vệ các thị xã, thị trấn, các căn cứ, đường giao thông quan trọng và các vùng đã được bình định. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Việt Nam Cộng hòa thường xuyên tổ chức thành từng khu vực phòng thủ cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn hoặc tương đương vừa có thể liên kết phòng giữ vừa có thể độc lập tác chiến.

• Tuyến trong cùng, còn gọi là tuyến phòng ngự dự phòng - kéo dài từ đường số 1 ra biển Đông, gồm các thị trấn, thị xã đông dân Đông Hà, Cửa Việt, Ái Tử, Quảng Trị. Các đơn vị chủ lực ở tuyến này có nhiệm vụ vừa sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, vừa phối hợp chặt chẽ với bảo an, dân vệ,, đánh phá các phong trào đấu tranh, hoặc nổi dậy của dân chúng.

Trên cơ sở phân chia tuyến, vùng hoạt động, Sư đoàn 3 và các Lữ đoàn, Thiết đoàn phối thuộc tổ chức phòng thủ ở Quảng Trị thành năm khu vực cấp Trung đoàn: Trung đoàn 57 bố trí ở Quán Ngang, Dốc Miếu xuống đồi 31; Trung đoàn 2 từ Bái Sơn đến Cồn Tiên; Trung đoàn 56 từ điểm cao 241 đến Tân Lâm; Lữ đoàn 147 từ Mai Lộc đến Động Toàn; Lữ đoàn 258 từ Tân Điền đến điểm cao 367; Thiết đoàn 17 có ba Chi đoàn đóng ở Gia Lệ Thượng, Đông Lâm, Nhị Thượng. Sở chỉ huy Sư đoàn 3 do viên chuẩn tướng Vũ Văn Giai chỉ huy, đóng tại Ái Tử...

Để giành thắng lợi, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã huy động rất nhiều tân binh cho trận quyết chiến này. Lớp thanh niên lứa tuổi mười tám đôi mươi khắp các tỉnh miền Bắc được tổng động viên nhập ngũ trước đó. Nhiều người lính lên đường nhập ngũ 1971 và 1972 là những thanh niên từ 30 trường đại học, cao đẳng: gần 10.000 bộ đội gồm sinh viên và cả giảng viên trẻ đã gác bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Hiện nay ở Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị có nhiều bia mộ của những người lính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ghi năm sinh là từ 1950 đến 1954. Lứa tuổi trẻ ấy đã cống hiến xương máu và tuổi xuân cho sự trường tồn của dân tộc, cho đất nước hôm nay mãi mãi độc lập và thống nhất. Họ đã ghi vào lịch sử BÀI CA BẤT TỬ.

Trái Tim Người Lính