Cuộc đời, sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tế Hanh

Mai Bá Ấn - Nguyễn Đăng Lâm

20/06/2021 13:18

Theo dõi trên

Chiều ngày 20/6, tại nhà thờ Trần Đại Mô chi phái tại làng chài Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi tổ chức trang trọng Lễ dâng hương kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tế Hanh (20/6/1921 – 20/6/2021).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không có điều kiện tổ chức các hoạt động kỷ niệm như kế hoạch đã dự kiến giữa Hội Nhà văn Việt Nam với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi.

4a-chan-dung-nha-tho-te-hanh-1624168732.jpg
Chân dung nhà thơ Tế Hanh

Tham dự buổi Lễ dâng hương kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tế Hanh có các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; lãnh đạo huyện Bình Sơn, lãnh đạo xã Bình Dương, những người thân trong tộc họ Trần của nhà thơ cùng các đồng chí trong BCH, hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi.

5a-ong-mai-ba-an-pho-chu-tich-hoi-vhnt-tinh-doc-dien-van-tai-buoi-le-1624247724.jpg
TS Mai Bá Ấn, Phó Chủ tịch Hội VHNT đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

 

1a-quang-canh-buoi-le-1624247724.jpg
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm
7a-ong-dang-ngoc-dung-uy-vien-btv-tinh-uy-truong-ban-tuyen-giao-cung-lanh-dao-ban-dang-huong-nha-tho-te-hanh-1624247724.jpg
Đồng chí Đặng Ngọc Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo Ban dâng hương nhà thơ Tế Hanh. Ảnh Đăng Lâm.

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh; sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921, mất ngày 16 tháng 7 năm 2009; quê ở vạn chài Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Cha ông là Trần Tất Tố, theo nghề dạy học và bốc thuốc. Ông có bốn anh em, trong đó người em út là giáo sư - nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Thuở nhỏ Tế Hanh học trường làng, trường huyện, sau ra học tại trường Quốc học Huế. Ông sáng tác thơ từ sớm và tham gia phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào (1939), nhận giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng. Năm 1947, làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung Bộ. Năm 1948, tham gia Ban phụ trách Liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ và là Ủy viên thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu V, được nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tặng cho tập thơ Nhân dân một lòng (1953). Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông tham gia Ủy viên thường vụ Hội khoá I, II; Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội NHà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986)… Bên cạnh hoạt động sáng tác, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết giới thiệu, phê bình văn học. Với những đóng góp xuất sắc của mình cho nền thơ cách mạng, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I (1996)…

6a-cac-dai-bieu-mac-niem-nha-tho-te-hanh-1624247724.jpg
Các đại biểu mặc niệm nhà thơ Tế Hanh

 

Đóng góp về văn học của Tế Hanh được chia thành hai giai đoạn lớn: trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Giai đoạn trước Cách mạng, thành tựu thơ Tế Hanh chủ yếu gắn với phong trào Thơ mới. Ông sáng tác từ sớm, đặc biệt từ khi ra học trường Quốc học Huế. Giai đoạn sau tháng Tám 1945, sự nghiệp văn học của Tế Hanh rộng mở với cả sáng tác, dịch thuật và viết phê bình.

Có thể nói rằng, Tế Hanh là một "bông hoa nở muộn" trên thi đàn Thơ mới. Khi Thơ mới đã bắt đầu đi vào các đề tài, siêu thực, siêu hình thì thơ Tế Hanh lại hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất và tình cảm. Trong khi mỗi nhà thơ là một thế giới riêng với bao vui buồn, đau thương, tuyệt vọng,... thì thơ Tế Hanh với khuôn mặt học trò dễ thương với những cảm xúc chân tình, bé nhỏ đã được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Hàng loạt những bài như Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ may đã ghi lại dấu ấn của một trái tim nhân hậu phảng phất những nỗi buồn trong trẻo. Ðặc biệt trong thời kỳ này, ông đã để lại bài thơ thật đặc sắc viết về làng quê chài lưới với dòng sông, với biển cả, với vị men nồng mặn của đất trời, với Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng - Cả thân hình nồng thở vị xa xăm - Con thuyền im bến mỏi trở về nằm - Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Tuổi trẻ với tình cảm hồn nhiên của mình, ông đã cảm nhận vẻ đẹp và sức sống bền vững của quê hương qua những hình ảnh thơ đẹp, giàu sáng tạo: Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng - Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.Quê hương là một bài thơ toàn bích được cấu tạo nên bởi hương vị mặn mòi của làng quê, bởi tuổi trẻ giàu yêu thương và khát vọng. Ngày ấy, tình cảm trong thơ Tế Hanh thể hiện rõ những cảm xúc của tuổi học trò trong trắng ngây thơ, tuy không khỏi có lúc hằn lên những buồn khổ, đau thương của cuộc đời: Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu - Ngàn đời không đủ sức đi mau - Có chi vương vấn trong hơi máy - Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau. So với những tiếng nói thơ ca đương thời từng trải như Chế Lan Viên, Huy Cận... thì nỗi buồn trong thơ Tế Hanh vẫn mang một vẻ non tơ, trong trẻo, lại không phải những nỗi buồn cá nhân, bé mọn mà là một nỗi buồn lớn cho thân phận của cả đất nước, quê hương. Ở giai đoạn này Tế Hanh không viết về cuộc đời chung quanh mà chỉ nói về tâm hồn mình.

9acac-dong-chi-lanh-dao-huyen-binh-son-dang-huong-nha-tho-te-hanh-1624247724.jpg
Các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Sơn dâng hương nhà thơ Tế Hanh. Ảnh Đăng Lâm
 
 
 

Từ bước ngoặt lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thơ Việt Nam đã phát triển với một nhịp độ nhanh chóng, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và hình thức, vừa mở đầu cho một thời kỳ mới, vừa là cơ sở để thơ tiếp tục phát triển trong các giai đoạn sau. Sự chuyển biến ấy được thể hiện một cách cụ thể và sinh động trong hàng loạt các sáng tác của các nhà thơ thời kỳ này. Tế Hanh cũng không là một ngoại lệ. Nhà thơ đã để lại được trong tập thơ đầu tay những hình ảnh cụ thể và da diết của những cánh buồm, dòng sông, con đường quê, sân ga...  Bài thơ của ông viết về quê hương lấy chính tên Quảng Ngãi làm đầu đề với lời thơ, điệu thơ hoàn toàn khác trước, để biểu đạt một cảm xúc mới - gân guốc, một nhận thức mới - cách mạng, theo cách cảm, cách hiểu riêng của tác giả, tuy nhiên bài thơ vẫn còn khô cứng và máy móc. Phải nhiều năm sau bài Quảng Ngãi, Tế Hanh mới đến được với sự giản dị, hồn nhiên trong Người đàn bà Ninh Thuận - một dấu ấn quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi cảm xúc và thi liệu của nhà thơ. Cuộc sống mới với những đổi thay quan trọng đã định hướng cho mọi xúc cảm thơ và tạo nên những phẩm chất nghệ thuật mới như nhà thơ đã từng viết: Dòng thơ tôi càng thưa bóng mây sầu - Càng lấp lánh những ánh trời hy vọng; Sang bờ tư tưởng ta lìa ta - Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà.

10a-chu-tich-hoi-vhnt-tinh-dang-huong-nha-tho-te-hanh-1624247724.jpg
Ông Trần Xuân Tiên- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh dâng hương nhà thơ Tế Hanh

Nếu nói rằng thơ chống Mỹ bắt nguồn từ thơ đấu tranh thống nhất nước nhà thì Tế Hanh là một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp hơn cả. Là nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc, Tế Hanh luôn luôn hướng về quê hương. Có thể nói những bài thơ của Tế Hanh về đề tài đấu tranh thống nhất, về nỗi nhớ quê hương được xếp vào loại những bài thơ hay nhất, thành công nhất. Nửa sau những năm 60 của thế kỷ trước, Tế Hanh đã nổi bật lên bằng những bài thơ về tình cảm nhớ thương quê của mình. Rung động chân tình, sáng tạo trong nghệ thuật cấu tứ, nhiều bài thơ của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Xuyên suốt các bài thơ của ông là một ý thức, một trách nhiệm đối với quê hương: Tâm hồn lớn lên với thời gian - Tôi không để tháng ngày thành nước chảy - Sống sao cho xứng với miền Nam - Nửa nước anh hùng đang rực cháy. Tình cảm quê hương được triển khai và nâng lên trong tình yêu đất nước. Nhiều bài thơ hay của ông là sự việc, câu chuyện được dẫn dắt bằng một tình cảm tha thiết dưới ánh sáng của trí tuệ, là sự hài hòa giữa mô tả và biểu hiện, giữa kể và tâm tình. Ðiểm mạnh trong thơ ông là tình cảm, là tâm trạng với giọng điệu thơ tâm tình, thủ thỉ, có tác dụng thẩm mỹ cao khiến người đọc rung động. Có một nỗi nhớ dòng sông quê hương khắc khoải chảy suốt một đời thơ không ngừng nghỉ. Nó hiện lên trong kỷ niệm, trong xa cách, trong xao động lung linh tưởng nhớ. Từ những ngày đầu tiên mới bước vào đời đến những năm tháng sau này đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến, biền biệt xa nhà, Nhớ con sông quê hương luôn luôn là một nỗi nhớ thường trực trong tâm hồn ông.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những bài thơ tình thật đặc sắc của Tế Hanh như Vườn xưa, Em ở đâu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão, Hà Nội vắng em, Không đề, Văn xuôi cho em... Khi đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", ông vẫn có những câu thơ da diết đến nao lòng: Tặng em thế kỷ chúng ta - Niềm vui nỗi khổ đều qua vội vàng; Biển một bên và em một bên - Ta đi trên bãi cát êm đềm - Thân buông theo gió hồn theo mộng - Sóng biển vào anh với sóng em. Có thể nói xa cách, nhớ thương là chủ đề tâm đắc nhất trong thơ tình Tế Hanh. Âm điệu da diết nhớ thương với những nỗi buồn man mác dịu nhẹ đã tạo nên nét tài hoa, dịu dàng đầy thương cảm. Nhiều người còn nhận xét, qua thời gian, có lẽ mảng thơ tình của Tế Hanh mới chính là mảng thơ nổi trội của đời thơ ông.

6a-anh-em-van-nghe-si-hoi-vhnt-tinh-chup-anh-luu-niem-tai-nha-tho-tu-duong-noi-tho-vong-nha-tho-te-hanh-tai-xa-binh-duong-1624168814.jpg

Anh chị em hội viên Hội VHNT chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ Từ đường Trần đại mô chi phái- nơi thờ vọng nhà thơ Tế Hanh. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm

Bên cạnh sáng tác thơ, Tế Hanh còn là dịch giả xuất sắc, có những đóng góp quan trọng nối nền thơ thế giới với nền thơ dân tộc. Vốn là người thành thạo Pháp văn, ông đặc biệt quan tâm đến các nhà thơ Pháp và nhiều tác phẩm của các nhà thơ Nga – Xô, Hunggari, Bungari, Đức, Ba Lan, Chi Lê, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Angiêri, Ănggôla, Séc, Mỹ, Tây Ban Nha, Iran, Haiti, Palestin, Mađagaxca, Thụy Điển, Mêhicô, Inđônêxia… Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt cho rằng có những câu thơ Tế Hanh dịch “hay đến mức xuất thần” và xác định: “Tế Hanh dịch thơ rất tài hoa, và nhiều bài thơ dịch của anh đã trở thành những bản dịch mẫu mực, khó ai vượt qua nổi”... 

Cũng cần ghi nhận những đóng góp quan trọng của Tế Hanh trong hoạt động phê bình, nhận diện nền văn học hiện đại, đặc biệt nền thơ thế kỷ XX. Trên thực tế, phải đến thời kỳ sau 1954, Tế Hanh mới bắt tay vào viết phê bình. Sau khoảng nửa thập kỷ, ông đã có tập tiểu luận, phê bình Thơ và cuộc sống mới (1961) gồm tròn 10 mục bài, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa thời đại của nền thơ cách mạng và trân trọng giới thiệu tiếng thơ của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu. Trong các thời kỳ sau này, ông còn nhiều lần nhắc nhớ, luận bình và ghi lại kỷ niệm về các nhà văn. Tiếc rằng những trang viết giàu chất văn học sử và kinh nghiệm sáng tác này lại không được nhà thơ lưu tâm tập hợp, in thành sách ngay khi còn tại thế. 

Những năm cuối đời, nhà thơ Tế Hanh bị bệnh về mắt, thị lực giảm sút nhiều. Hàng loạt bài thơ viết trong thời gian này in rõ dấu vết của gánh nặng thời gian tuổi tác và cảnh ngộ riêng của tác giả: Mắt anh không được như xưa - Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng - Nhìn mai như thể xuân sang - Nhìn chiều như thể thu choàng cỏ cây - Mắt em ngày trước hồ trong - Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi - Nói sao hết được em ơi - Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên - Em không thể mãi là em - Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa. Nhưng trên tất cả những nỗi buồn nhân thế vẫn là một mạch sống hồn hậu, tin yêu chảy trong đời như không bao giờ vơi cạn: Ta vẫn tin mãi nằm bên sự sống - Như đất như trời như núi như sông.

2a-dong-song-tra-bong-tho-mong-chay-qua-xa-binh-duong-huyen-binh-son-anh-nguyen-dang-lam-1624168813.jpg
Dòng sông Trà Bồng thơ mộng chảy qua Bình Dương quê hương nhà thơ Tế Hanh. Ảnh Nguyễn Đăng Lâm.

Dòng sông thơ của Tế Hanh đã chảy qua nhiều vùng, nhiều thời điểm của đất nước, đã phản chiếu một cách chân thành và trung thực bức tranh xã hội rộng lớn cũng như hành trình tâm trạng của chính mình. Tài năng và năm tháng đã đem lại cho nhà thơ Tế Hanh một cái nhìn đầy đủ hơn, ý thức hơn về quê hương, về dân tộc và cả về những rung động riêng tư. Gần một thế kỷ sống và sáng tạo, nhà thơ Tế Hanh thật sự ghi một dấu ấn quan trọng vào nền thơ Việt Nam hiện đại.

Nhắc đến Tế Hanh, tất cả chúng ta đều nhận ra rất rõ: Thơ ông hiền hòa, tươi mát như làng Đông Yên quê hương, trong vắt như con nước sông Trà Bồng luôn xuôi chảy một dòng. Sinh thời, khi đất nước còn chia cắt, nhà thơ Tế Hanh đã từng khẳng định:

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương…. (Nhớ con sông quê hương).

Và có lẽ, chiều hôm nay, 20/6/2021, trong hoàn cảnh đại dịch, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT tỉnh và lãnh đạo cũng như nhân dân tỉnh nhà không tổ chức được những hoạt động kỷ niệm lớn nhân 100 năm ngày sinh của ông, ông vẫn đang lặng lẽ, bình dị trở về cùng chúng ta tại ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa, trở về bên con sông quê yêu dấu - Con sông quê vẫn đang xuôi chảy từ nguồn về biển cũng như sự nghiệp thơ ca của ông chảy mãi cùng hậu thế mai sau và bất tử cùng tình yêu thiên nhiên cây cỏ:

Ngàn năm sau chỗ đôi ta

yêu nhau có lẽ lá hoa mọc đầy…

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời, sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tế Hanh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn