VHPT - Các nhạc sĩ danh tiếng người Huế viết thể loại Bolero đều sinh trưởng ở các làng nghề truyền thống - chằm nón. Hàng đầu là nhạc sĩ Châu Kỳ (sinh 1923 - mất 2008 người làng Dưỡng Mông), nhạc sĩ Thu Hồ (sinh 1919 - mất 2000 người làng Tân Mỹ), nhạc sĩ Hồ Đình Phương (sinh 1927 - mất 1979 người làng Phước Tích).
Điều này có thể hiểu do họ đều lớn lên giữa môi trường sinh hoạt phong phú thơ văn, âm nhạc dân gian. Các mẹ, các chị chằm nón thuộc rất nhiều thơ ca hò vè, ca dao tục ngữ và ca Huế theo kiểu “truyền miệng”. Hàng ngày họ tụ họp chằm nón thường hát hò để giải trí.
Một ngày cuối năm 2008 sau khi nhạc sĩ Châu Kỳ qua đời tôi về thăm làng Dưỡng Mông quê anh (trong sách Địa dư chí làng xã Thừa Thiên- Huế ghi rõ không phải viết là Dưỡng Mong). Hiện nay thuộc xã Phú Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên- Huế. Đường quê láng nhựa sạch sẽ, lượn theo sông Như Ý trong xanh, im mát. Dưỡng Mông là một trong năm làng nghề chằm nón bài thơ xứ Huế nổi tiếng: Tây Hồ, Mỹ Lam, Dạ Lê, Phủ Cam.
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh năm 1923 tại làng Dưỡng Mông, làng quê thuần nông nằm bên con sông Như Ý hiền hòa. Ngày xưa muốn lên về thành phố mất nửa giờ đò dọc. Trong làng, người dân không tự hào về những ông nghè, ông cống, mà họ tự hào mỗi khi ai đó nhắc đến nhạc sĩ Châu Kỳ - người con tài hoa.
Châu Kỳ viết ca khúc đầu tay “Trở về”, gây được tiếng vang trong giới tân nhạc, sau đó ông lần lượt cho ra đời các nhạc phẩm: Khúc ly ca, Từ giã kinh thành, Mưa rơi, Khi ánh trăng vàng lên. Chuyên tâm vào việc sáng tác âm nhạc cũng là cách để tìm quên.
Trong sáng tác văn học, nghệ thuật, người đàn ông thường có một nỗi buồn rầu hay tuyệt vọng nào đó nhen nhóm ngọn lửa sáng tác. Bằng những giọt nước mắt "đàn ông" làm của cải riêng tư, với Châu Kỳ cũng như vậy, nước mắt “đàn ông” trở thành một ám ảnh, khôn nguôi làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo. Đi xa quê tìm quên vì hạnh phúc gia đình tan vỡ (vợ ông theo người thứ ba), từ đó ông viết về quê hương, về tình yêu, về cuộc đời như thác lũ không kìm nén được.
Nhạc phẩm của Châu Kỳ ra đời trong hoàn cảnh như thế, được giới trẻ miền Nam đón nhận nồng nhiệt vào những năm 1959-1960. Điển hình nhất của ông là ca khúc “Giọt lệ đài trang” viết vào năm 1957, kể chuyện tình có thật của nhạc sĩ, bị một nàng tiểu thư đài các Huế coi thường. Sau này tình cờ gặp lại cố nhân ở TP.HCM lúc ông đã nổi tiếng, còn nàng thì bơ vơ, cuộc đời nghèo khó, gian truân. Cứ như thế nhạc tình buồn của Châu Kỳ là phún thạch của hoả diệm sơn chất ngất từ hồn ông.
Chọn TP.HCM sinh sống hơn ¾ cuộc đời, Châu Kỳ luôn luôn dành tình cảm yêu thương nhất đối với Huế, qua những ca khúc “để đời” như Thương về miền trung, Miền Trung thương nhớ, Huế xưa, Hương Giang tôi còn chờ, Tìm nhau trong kỷ niệm…Ông sáng tác khoảng 200 tác phẩm, làm nên tên tuổi của nhiều danh ca một thời: Hoàng Oanh, Băng Châu, Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh, Phương Dung. Tác phẩm của ông qua thời gian thẩm định đã được nhiều nhạc sĩ theo thể loại trữ tình quê hương (thế hệ sau 1960) xác nhận ít nhiều họ có chịu ảnh hưởng từ ông. Suốt đời, nhạc sĩ Châu Kỳ “củ mỉ cù mì” sáng tác không ngừng như con ong chăm chỉ. Theo ca sĩ Phương Dung và thân hữu cho biết ông chỉ có hai cái tật dễ thương: một là đến quán nhậu đi xe, say thì (quên) đi bộ về, nên bị mất xe đều đều. Hai là say thì chạy xe rất nhanh. Còn trong đời sống gia đình ông chung thủy với vợ.
Tưởng nhớ nhạc sĩ Châu Kỳ, tôi về thăm vườn xưa nhà cũ (gần trường cũ tôi dạy). Ngồi một mình bên ngôi đình làng Dưỡng Mông nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông, trước mắt tôi nhìn ra không xa, giòng sông Như Ý lửng lờ trôi. Bỗng vọng lại, từ trong ngõ vắng, giọng một cô thiếu nữ chằm nón cất lên tiếng hát mượt mà “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, một chiều xuân em đã hẹn hò. Như ướm tình trong cánh hoa mơ, khơi hương theo làn gió. Hỏi nhau rằng nên viết thành thơ”...Giọng hát cô thiếu nữ mộc mạc, chân chất trong ngày cuối năm gợi cho tôi một nỗi buồn man mác..
Châu Kỳ mất tròn 15 năm. Nhưng đến nay nhạc Bolero của ông vẫn thao thiết vang lên mỗi khi xuân về…