Cựu chiến binh Đỗ Thế Nhân: Từ thợ đập đá đến Tiến sĩ dạy đại học

Chỉ với gần 6 năm tuổi quân (1978 - 1983), nhưng Hạ sĩ Đỗ Thế Nhân thật sự là một Cựu chiến binh. Hơn thế, anh còn vinh dự trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Thất Khê (Lạng Sơn) 45 năm trước và chứng kiến hơn 20 đồng đội hi sinh...

Ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng, tại một quán nhỏ giữa Sài Gòn, nhờ trí nhớ rất tốt, Nhân đã kế lại cho tôi nghe toàn bộ sự kiện "vỡ trận và mất chốt" ở Đại đội hỏa lực trên điểm cao 820 Tràng Định (Lạng Sơn) năm 1979. Chi tiết từng trận đánh mà anh tham gia và tên từng đồng đội đã hi sinh năm ấy. Rồi chuyện đi gài mìn phòng thủ và vác bê tông lên điểm tựa, những năm sau này...

b1dh1a-1686279687.jpg

TS Đỗ Thế Nhân (thứ hai từ phải sang) nhận hoa chúc mừng.

 

Cuối năm 1983, sau khi được đơn vị cho phục viên, Hạ sĩ Đỗ Thế Nhân đã một mình lên tàu Thống Nhất vào miền Nam tìm việc.

Nhân lang thang tới An Giang xin làm công nhân khai thác đá ở Châu Đốc. Vài tháng sau, khi xí nghiệp này giải tán, anh xin chuyển đến Vũng Tàu và vẫn làm nghề đập đá tiếp...

b2vh2ad-1686280069.jpg

Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công cho Đỗ Thế Nhân.

 

Bước ngoặt cuộc đời đến, khi người chủ của xí nghiệp này biết Nhân đã tốt nghiệp phổ thông, nên nhờ ôn thi cho mấy đứa cháu vào đại học và chính anh cũng thi luôn. Thật bất ngờ, khi nhóm có 6 thí sinh, thì 5 người thi đỗ Đại học, trong đó có Nhân.

Ra trường, anh từng trải qua công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị và lấy được bằng Thạc sĩ...

Sau khi Đại học Quốc gia TP. HCM được thành lập, có người bạn đã mời Đỗ Thế Nhân về giảng dạy. Và tại đây, sau gần 1/4 thế kỷ gắn bó với việc truyền thụ kiến thức cho hàng ngàn sinh viên, anh chẳng những đã lấy được bằng Tiến sĩ, mà còn là một trong những cán bộ lứa đầu tiên có công xây dựng Trường đại học Kinh tế - Luật...

TP.HCM, 9/6/2023

Trái Tim Người Lính