Đài ga len - Ai còn nhớ

28/10/2022 10:19

Theo dõi trên

Anh cả tôi làm nghề cắt tóc ở Hà Nội, đã mang đài Ga len về nông thôn từ cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Lúc đó ở nông thôn cũng đang chuyển hóa từ tổ đổi công chuyển dần sang Hợp tác hóa nông nghiệp.

Đài Ga len đơn giản lắm. Chỉ cần một cuộn dây đồng làm dây giời (ăng ten), dài khoảng từ 15m-20m, chăng lên hai đầu cây tre, được giương lên từ 7-10 m, gọi là dây dương cũng được. Để đón sóng của đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tai nghe làm bằng một cuộn dây tóc (dây đồng nhỏ như sợi tóc), quấn vào hai thanh sắt, nhỏ mỏng như chiếc đóm hút thuốc lào, dài chừng hơn một đốt ngón tay. Kẹp thỏi nam châm ở giữa, nhỏ hơn ngón chân cái. Cho vào cái hộp nhựa, to hơn cái chén uống nước một chút. Một màng mỏng, vừa bằng miệng hộp, cho nam châm hút cố định, là thành cái tai nghe. Giữ cố định nam châm và hai cuốn dây, kẹp hai bên trong hộp nhựa, bằng lớp tráng xi.

dh3ab1-1666926997.jpg
Mắc Ăng ten ,theo trí nhớ của tác giả.

 

Một viên đá Ga len bằng hột ngô làm trung gian, giữa dây âm và dương, đồng thời nó cũng là trung tâm để phát ra âm thanh, truyền vào tai nghe.

Như đã hẹn từ chủ nhật tuần trước. Đúng buổi chủ nhật này, hai ông chú tôi lên hỗ trợ, bác và anh cả tôi dưng cột ăng ten.

Ăng ten đã cột sẵn vào cục sứ cách điện ở hai đầu hai cây tre. Hai ông chú mỗi ông một cây tre đi về hai phía. Ông chú và bác tôi về hướng Đông Bắc, trèo buộc lên cây vối vườn trước. Ông chú và anh cả tôi đi về hướng Tây Nam, buộc cây tre vào cây si vườn sau.

Dây ăng ten dài khoảng 20m, được căng thẳng tắp.

Một đường dây dẫn được nối vào trong nhà, để gặp đá Ga len.

Dây âm chôn xuống nền nhà, sâu chừng 80 đến 120cm.

Vậy là hoàn chỉnh một đài Ga len.

Khi nghe, chỉ cần mắc dây tai nghe, một vào dây dương, một vào dây âm. Nghe âm thanh to nhỏ là do dò tia từ đá Ga len.

Bác tôi làm đến bốn năm cái tai nghe, vì lắp ráp xong, đông bà con kéo đến xem và nghe, rồi học tập cách làm...

Tôi mê nghe đài Ga len đến mức trời rét, dậy từ sớm chờ nghe trước khi đến giờ Đài phát. Bác tôi thò đầu trong chăn ra bảo: "Thằng Sáu ngồi nghe, phong phanh như thế không sợ chết rét à"? Tôi hầu như không nghe thấy lời bác.

Vui sướng biết bao khi nghe tiếng: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội thủ Đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ".

Ngoài những tin tức miền Bắc chuyển dần từ tổ đổi công sang Hợp tác xã nhỏ (mỗi thôn là một HTX)... Miền Nam đau thương, Ngô Đình Diệm lập ấp dồn dân... luật 10/59 lê máy chém khắp nơi đàn áp phong trào Cách mạng... Tôi còn được nghe "đọc truyện đêm khuya", "tiếng thơ"... yêu thích lắm bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu qua giọng ngâm của chị Trần Thị Tuyết và chị Châu Loan.

Tôi nhớ mãi hình ảnh bác tôi đánh vật với đài Ga len. Mỗi trưa hè, bác cởi trần, tay trái nâng ống nghe bên tai, tay phải dò tia bằng chiếc kim trên đá Ga len, mình vã mồ hôi... để tìm tia nói to, rõ hơn. Chiều đến bác lại mang mạng tai nghe ra thành bể, mài cho mỏng bớt, để độ rung của tai nghe nói rõ hơn.

Một thời gian sau, bác và anh Cả tôi, cải tiến tai nghe. Làm cái phễu hình nón, gắn vào chiếc thùng, gọi là loa thùng. Chiếc tai nghe áp sát vào chiếc kim gắn vào phễu bằng giấy tôky, âm thanh phát ra, ba bốn gian nhà đều nghe thấy.

Chiều chiều bà con họ hàng, xóm giềng lại sang chơi nghe đài. Không phải cầm ống nghe úp vào tai nữa, mà ngồi nghe tự nhiên tiếng loa cải tiến.

Mọi người vừa nghe đài vừa tranh thủ làm việc riêng, đan quạt, vặn chổi, pha lan, bàn chuyện đồng áng, chuyện gia đình... thật vui vẻ.

Trong nhà các cụ ông trong họ nói chuyện rôm rả. Nhờ ánh sáng mới bác và anh Cả tôi mang về cho dân làng, thay đổi hẳn nếp suy nghĩ cổ hủ xưa.

Trẻ con nghe đài cũng ngoan hẳn ra, không đánh cãi nhau thường xuyên nữa. Thay vào đấy là nghe đài dạy hát, chăm học chăm làm... Tuổi thơ chúng tôi thường hát các bài: Em đi thăm miền Nam, Cây đèn Ông sao, Tiến lên Đoàn viên...

Tôi vẫn nhớ thương Bài hát ca ngợi Đài Ga len, có câu:

"Em yêu chiếc máy Ga len,

sớm chiều chờ nghe măng non

Em yêu người bạn Đuốc Sáng

cùng dắt em nhịp bước trên đường"...

Bây giờ chúng ta có rất nhiều phương tiện nghe nhìn, nhưng đã có một thời chúng tôi như thế...

Thời Đài Ga len đã xa.

26/10/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Đài ga len - Ai còn nhớ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn