Đám cưới vắng cô dâu

Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn

09/01/2022 22:33

Theo dõi trên

Một đám cưới “có một không hai”, nhưng thật đầm ấm, thắm tình hậu phương và tiền tuyến. Mặc dù rất tiếc vì hoàn cảnh chiến tranh cô dâu không được dự đám cưới của chính mình, nhưng khi trở về chắc cô cũng hài lòng về sự chu đáo của hai họ, hai gia đình và chính quyền đoàn thể…

dam-cuoi-1638668720.jpg
 

         

Tháng Giêng, năm 1972, sau ba tháng huấn luyện tân binh tại Đoàn 22B, Nguyễn Lương Tiến được cấp trên cho nghỉ phép 10 ngày trước khi vào chiến trường B5.

Hết thời gian nghỉ phép, Tiến trở về đơn vị. Bây giờ đã là những ngày cuối đông nhưng trời vẫn rét như cắt da, cắt thịt…mặc dù Tiến đã mặc tất cả những gì có thể lên tấm thân nhỏ bé chưa đầy bốn mươi kilôgam và chiều cao khiêm tốn 1m55…mà vẫn rét run cầm cập. Tiến khoác vội ba lô ngồi sau xe đạp của Lộc, người vợ sắp cưới ở cùng làng để trở về đơn vị. Lộc muốn ưu tiên cho người yêu sắp ra chiến trường đỡ vất vả nên dành lấy việc chở Tiến. Gió mùa đông bắc thổi mạnh làm chiếc xe đạp cà tàng cùng hai người nhiều lúc bị xiêu vẹo nhích dần từng quảng nhỏ…đến dốc Minh Lộc cả hai người đành xuống dắt bộ vì không thể chở nhau qua dốc. Mặc dù trời rét vậy nhưng trên khuôn mặt trái xoan với làn da trắng hồng  của Lộc đã lấm thấm những giọt mồ hôi. Với dáng người cao thon thả Lộc như được tôn thêm vẻ đẹp khi khoác trên mình chiếc áo nhung màu mận chín và chiếc quần lụa đen. Đi bên Lộc, Tiến cũng hơi chạnh lòng vì anh thấp hơn Lộc chừng mười phân…Vượt quảng đường ổ gà gần 30 km, cuối cùng Tiến và Lộc cũng đã đến được nơi đơn vị đóng quân. Cuộc chia tay giản dị nhưng đầy bị rịn… nắm tay Lộc, Tiến chỉ nói mấy lời:

- Chờ anh em nhé, ngày thống nhất anh sẽ về bên em.

Lộc trao cho Tiến chiếc vỏ gối cùng chiếc khăn mùi soa có thêu hai trái tim và đôi chim bồ câu lồng nhau bằng chỉ đỏ với dòng chữ: “ Xa nhau biết nói chi đây/ Một ngày nhớ một, hai ngày nhớ hai”. Cầm tay nhau mãi, Lộc xúc động, nghẹn ngào nói:

  • Chúc anh lên đường mạnh khỏe, đừng buồn nghe anh, hẹn ngày đoàn tụ…

Đêm hôm đó, Tiến không sao chợp mắt được… hình ảnh bạn gái luôn chập chờn hiện về trong giấc ngủ… Tiến nhớ lại, suốt mười ngày nghỉ phép hai người hầu như không rời xa nhau nửa bước… Dưới ánh trăng  mùa đông lạnh lẽo họ rảo bước bên nhau, tay trong tay như quên đi cái rét ngọt  của những ngày có gió mùa về. Tiến nói nhỏ vào tai Lộc:

- Lần này vào chiến trường chưa biết ngày nào về, em có chờ được không? Lộc nép mình vào lòng Tiến khẽ nói:

- Sao anh lại hỏi thế?…Thế rồi hai người ôm hôn nhau đắm say bên dòng sông Nghèn thơ mộng…

Mãi say sưa với những kỷ niệm đẹp của những ngày nghỉ phép…Tiến giật mình bởi tiếng còi báo động và tiếp đó là tiếng đại đội trưởng Thắng vang lên:

-Toàn đơn vị tập hợp …

Gần sáng hôm sau đoàn xe chở đơn vị Tiến đã đến được phà Long Đại và sau đó tiếp tục chuyển quân vào Đá Bàn. Cũng đã giáp tết Nguyên Đán nên đơn vị  Tiến được lệnh cấp trên dừng lại ăn tết với đồng bào miền núi cao tỉnh Quảng Bình. Lúc này không khí xuân đã tràn ngập với đồng bào dân tộc Vân Kiều. Một số người đeo gùi hối hả đi chợ sắm tết nhưng cũng chỉ có vài thứ đơn sơ không có được sự trù phú, nhộn nhịp như những phiên chợ tết ở vùng đồng bằng. Nhưng dù sao không khí tết đã làm Tiến rạo rực nhớ về quê, nơi ấy có người yêu đang hàng ngày mong ngóng…Tiến vội cầm bút viết thư gửi cho Lộc: “ Lộc em yêu! Vậy là anh đã chính thức đến gần với nơi “hòn tên mũi đạn”, ước mơ cháy bỏng sớm được vào chiến trường đánh Mỹ của anh đã thành sự thật. Chỉ ít hôm nữa thôi anh sẽ giáp mặt với quân thù…Mùa xuân đang về trên đất mẹ, đây là cái tết đầu tiên mà anh phải xa quê, xa bố mẹ, gia đình và em. Nhớ lại Tết năm ngoái giờ này anh cùng em rủ nhau đi chợ tết để mua sắm quần áo mới, pháo tết và câu đối đỏ. Em mua tặng anh cuốn lịch tay trong đó có đăng ảnh diễn viên Như Quỳnh giờ anh vẫn còn giữ. Mỗi khi nhớ em anh lại mở ra xem, bạn anh thích lắm chúng ghen tỵ với anh đấy. Em còn nhớ đêm giao thừa chúng mình khoác tay nhau đi xem văn nghệ của xóm và đốt pháo không? Nghĩ tới đây anh muốn chạy ù về để được gặp em…”.

Ở một đoạn khác, Tiến lại viết: “ Từ hôm xa anh đến nay em có được khỏe không? Hôm đấy về đến nhà chắc trời tối?anh thương và lo cho em quá…Tết này, em nhớ thay anh lo tết cho hai gia đình chu đáo nhé. Em động viên mẹ anh, Cụ rất buồn vì lần đầu tiên xa đứa con trai đầu lòng. Ngày mai ăn tết xong là bọn anh sẽ  tiếp tục hành quân, chúc em và gia đình năm mới mạnh khỏe an khang. Hôn em nhiều…”.

Một cái tết đơn sơ trên đất Quảng Bình đã qua, đơn vị của Tiến được lệnh hành quân sang nước bạn Lào. Vượt qua Cổng trời, Tiến gần như kiệt sức bởi dốc quá cao lại trơn trượt, phải mang vác nhiều thứ vũ khí, quân tư trang và mỗi người cõng thêm 20 kg gạo.Tiến ngồi tựa vào ba lô thở hổn hển mồ hôi thẩm ướt đẩm mấy lượt áo. Mặc dù lúc huấn luyện anh đã đeo gùi đá  rất nặng vượt dốc nhưng chẳng thấm vào đâu khi vượt Cổng trời. Đất nước Triệu Voi lúc này đang là mùa khô, các khe suối trong những cánh rừng săng lẻ nước đã cạn nên bộ đội hành quân khát nước vô cùng.  Để làm dịu cơn khát, Tiến kể lại câu chuyện ngày xưa khi vua Quang Trung cùng các quân sĩ tiến quân ra Bắc, thấy quân sĩ khát nước Vua  bèn nói: “ Phía trước chúng ta sắp có một rừng mơ”. Quân sĩ nghe vậy ai cũng đỡ cơn khát. Sau gần một tháng trên đất Lào, đơn vị của Tiến được lệnh hành quân về huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiến và một số đồng đội được tăng cường cho đại đội đặc công và anh vinh dự được tham gia trận đầu tiên là trận đánh vào căn cứ Nước ngọt. ..Đêm mùa hè ở giải đất hẹp miền Trung, cái nóng của gió lào rát bỏng trên da thịt, đại đội đặc công của Tiến được chia làm ba mũi đánh mật tập vào căn cứ Nước Ngọt. Theo mệnh lệnh vào giờ G quân ta sẽ nổ súng và 2 giờ sáng sẽ làm chủ trận địa, nhưng do điều nghiên để sót một hỏa lực nên khi ta áp sát căn cứ bị địch bắn ra dữ dội. Một số chiến sĩ bị hy sinh trong đó có cả Chính trị viên đại đội. Tiến được phân công đặt bộc phá mở chính, anh bò qua những hàng rào dây kẽm gai để tiếp cận mục tiêu địch, do sơ suất đụng vào mìn sáng. Hỏa lực đại liên của địch bắn xối xả vào đội hình của ta. Tiến chỉ kịp nằm lăn xuống bên cạnh cái lốp ô tô của địch. Lợi dụng lúc khẩu đại liên của địch bị ta tiêu diệt, anh chồm dậy ôm khối bộc phá lao vào cửa chính dật nụ xòe. Một tiếng nổ dữ dội vang lên tiếng đất đá rơi rào rào xen lẫn tiếng hô xung phong của đồng đội. Do nằm quá gần mục tiêu Tiến bị sức ép và ngất đi. Đến lúc tỉnh dậy anh đã thấy mình đang nằm trong trạm xá. Đại đội trưởng Thắng đến thăm và hỏi đùa anh:

          - Nào đồng chí tân binh đánh trận đầu có sợ không?

Tiến ấp úng thừa nhận:

- Lúc đầu cũng sợ thủ trưởng à, em sợ quá bị tè ra cả quần, nhưng đến khi nổ súng cảm giác sợ không còn nữa…và bây giờ thì thôi rồi.

Đại đội trưởng Thắng động viên:

-Bọn tớ hồi mới vào trận cũng vậy mà …nhưng dần sẽ quen thôi. Cậu cứ nghỉ ngơi cho khỏe rồi ta lại tiếp tục chiến đấu nhé…

Sau trận đánh đầu tiên ấy Tiến lại viết thư về cho Lộc “để khoe” chiến công của mình, trong thư có đoạn Tiến viết: “ Anh đã trở thành người lính, ước mơ cháy bỏng được trực tiếp chiến đấu đã thành sự thật. Anh em mình sẽ cùng nhau thi đua lập công.Ở hậu phương em vẹn nghĩa thủy chung, trên tiền tuyến anh hăng say diệt Mỹ… ”.

Sau này, cứ sau một trận đánh trở về, Tiến lại viết thư gửi người yêu, mặc dù biết có thể thư sẽ không đến tay nhưng anh vẫn hy vọng một ngày Lộc sẽ nhận được hơi ấm của anh qua những bức thư nhỏ…Từ khi vào chiến trường, Tiến gần như không nhận được lá nào của Lộc ( do đơn vị thay đổi liên tục)  đã làm anh lo lắng. Cho đến mới một ngày gần đây anh nhận được thư của Lộc, anh vô cùng sung sướng lật vội những trang thư. Thư của Lộc viết: “ Anh thương yêu của em! Mới đó mà anh xa em gần một năm rồi, không ngày nào là em không ngóng tin anh.  Hàng ngày đi làm đồng em còn khuây khỏa còn đêm về nhớ anh không tài nào ngủ được, chỉ ước sao em cùng được vào chiến trường cùng anh để san sẻ một phần gian khổ cho anh”… Trong thư Lộc cũng thông báo cho Tiến biết tình hình quê nhà địch đánh phá hết sức ác liệt, máy bay địch gầm rú suốt ngày cầu Nghèn và quốc lộ số Một bị đánh hỏng. Đặc biệt Lộc cũng báo tin cho anh biết sắp sửa cô được ra Hà Nội học lớp trung cấp kế toán. Ôm bức thư vào lòng, rồi mở ra đọc lại  nhiều lần mà Tiến không biết chán…Niềm vui xen lẫn nỗi buồn tạo nên tâm trạng thật khó tả…

Rời trạm xá về đơn vị, Tiến  được lệnh chuẩn bị để tập kích Đồn Nhì…Đêm đó trời mưa dầm, đơn vị của Tiến chia làm ba mũi bí mật tiếp cận mục tiêu. Tiến được phân công mũi thứ nhất cùng hai đồng đội là Hoàng Sâm và Trần Quý đánh chính diện cổng đồn.Như phát hiện được mục tiêu, địch tập trung hỏa lực bắn như mưa vào phía ba người. Tiến hô to:

- Nằm xuống…nhưng không kịp nữa rồi một làn lửa lóe lên và Hoàng Sâm bị trúng đạn hy sinh tại chỗ, Tiến và Trần Quý dùng súng  AK bắn điểm xạ vào ổ đề kháng của địch. Tên lính bắn đại liên kêu lên một tiếng “hự” rồi ngã vật, cả ba mũi cùng xông lên.Phải gần ba mươi phút giằng co quân ta đã làm chủ trận địa chiếm được Đồn Nhì. Nhưng sau đó từ phía đồn Nhất địch dùng pháo 37 mm bắn tà âm xuống như ngô rang. Mũi thứ hai vẫn chưa mở được cửa, nên phần lớn anh em bị trúng đạn hy sinh, số anh em bị thương mắc kẹt ở hàng rào không ra được. Trời sáng, lính địch ở đồn Nhất kéo xuống hòng bắt sống quân ta. Tiến và đồng đội đành phải rút vào rừng  để bảo toàn lực lượng.

Trận đánh này, Đại đội của Tiến bị tổn thất nặng nề, ngoài Hoàng Sâm, Trần Quý cũng đã hy sinh. Tiến chợt nghĩ: “ Ở chiến trường cái chết chỉ là gang tấc, mới hôm qua thôi Hoàng Sâm vừa bị ong đốt mặt sưng húp kêu đau…giờ này đã hy sinh rồi. Trần Quý hôm qua còn khoe với anh vừa nhận được thư vợ và biết tin đã có cậu con trai đầu lòng, Quý vui mừng khôn xiết… giờ này cũng đã phải nằm lại. Không biết bao giờ lại đến lượt mình đây”…

Nghiệp “binh đao” đã quen dần với Tiến, sau hơn hai năm chiến đấu ở mặt trận B5 ác liệt. Tiến tham gia hàng trăm trận đánh, nhưng may mắn anh chỉ bị thương nhẹ. Anh đã được đơn vị cử ra quân khu để báo cáo điển hình. Đêm trước khi lên đường về hậu phương Tiến không sao ngủ được tâm trạng buồn vui khó tả. Cứ nghĩ đến cảnh được về hậu phương sà vào lòng mẹ và gặp người yêu lòng Tiến lại xốn xang, rạo rực. Bây giờ đã là cuối năm 1973, Hiệp định Pa ri về  chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được ký kết, quân Mỹ đã rút dần về nước, nhưng quân Ngụy vẫn tồn tại lực lượng khá mạnh nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch vẫn liên tiếp xảy ra, nhưng hậu phương lớn miền Bắc đã ngớt tiếng bom Mỹ. Đường quốc lộ Một A đã thông suốt đến Quảng Bình nên Tiến ra Bắc khá thuận tiện. Trên đường về quân khu, ngồi trên xe tải, Tiến viết vội vài dòng gửi gia đình và Lộc báo tin anh được ra Bắc rồi ném xuống đường nhờ người dân mang về cho gia đình.Sau đó Tiến được được đơn vị thưởng cho về phép ba ngày để thăm nhà. Trở về quê xóm thôn tiêu điều quá.Cầu Nghèn bị địch đánh hỏng phải đi tạm bằng cầu phao, những bãi bần bên sông Nghèn bị cháy sém, những hố bom sâu hoắm chi chit bên đường làng. Anh bộ đội chiến trường về làng được người dân đón tiếp thật niềm nở ân cần và cảm phục như những người anh hùng. Gặp bố, mẹ, Tiến mừng lắm, nhưng khi hỏi Lộc đâu, mẹ chỉ vào bức ảnh và nói: Nó đã ra Hà Nội học từ hồi đầu năm, em gửi ảnh về cho nhà đấy. Trên khuôn mặt anh bỗng thoáng hiện lên một nỗi buồn man mác…

Thời gian này bố của Tiến đang mang bệnh hiểm nghèo, nên sau khi biết được anh chỉ được nghỉ phép ba ngày rồi lại vào chiến trường không biết ngày nào trở lại, nên gia đình Tiến đã có cơi trầu đến gia đình Lộc xin cho hai trẻ được kết hôn để bố Tiến biết mặt con dâu. Được sự nhất trí của hai họ và chính quyền xã đồng ý cho được đăng ký kết hôn. Hai gia đình quyết định báo cho Lộc về tổ chức đám cưới. Lúc này, Lộc đang đi thực tế ở Hà Tuyên nên không về kịp, nên hai gia đình vẫn tiến hành tổ chức đám cưới theo dự định.

 Đám cưới thời chiến tranh tuy đơn sơ nhưng thật ấm cúng, chỉ có bánh kẹo, trầu cau và thuốc lá nhưng quan khách hai họ bà con làng xóm đã đến dự kín rạp ở sân nhà. Chính quyền địa phương và cán bộ huyện đội cũng đến chúc phúc cho gia đình như chứng dám cho tình yêu của đôi bạn trẻ. Những tràng pháo tay vỗ râm ran, sau mỗi tiết mục văn nghệ chúc mừng. Trong không khí vui vẻ ấy, mọi người đến dự hết sức ngạc nhiên khi thấy mỗi chú rễ trong bộ quân phục mới tinh ngồi đó mà chẳng thấy cô dâu đâu… Nhiều người nói chắc cô dâu còn ở trong nhà để trang điểm, mấy đứa trẻ chen lấn vào để được xem mặt cô dâu…Ban tổ chức phải xin lỗi mọi người vì lý do mà cô dâu vắng mặt…Mọi người ngỡ ngàng trước “đám cưới lạ”, nhưng sau đó biết rõ lý do ai cũng tỏ ra thông cảm và thương cho chú rễ và cô dâu. Khi Ban tổ chức giới thiệu đại diện cô dâu chú rể phát biểu, Tiến xúc động nói: - “Tôi hết sức cảm kích trước sự quan tâm của hai họ, bà con làng xóm và các cấp chính quyền đã đến dự đám cưới đông đủ, thay mặt cô dâu tôi xin cảm ơn tất cả mọi người. Ngày mai tôi sẽ tiếp tục trở lại chiến trường để chiến đấu. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để đáp lại tấm lòng của bà con”…Nói đến đây, Tiến đứng lặng hồi lâu nhìn hàng chữ lồng và đôi chim bồ câu, lòng thắt nghẹn khi nhớ lại hình ảnh chiếc vỏ gối và chiếc khăn mùi soa bạn gái tặng trước lúc lên đường, Tiến thầm nhắc: “Em thương yêu! Trong ngày vui trăm năm hạnh phúc không có em nhưng xóm làng và họ hàng đã chứng dám cho ngày cưới của đôi ta. Anh tiếp tục xa em để trọn tình với non nước. Ngày đoàn tụ của anh em mình chắc không còn bao lâu nữa…Nhớ anh, em phải gắng học hành cho tốt”…Hôn em nhiều”…

Nhiều người đến dự đám cưới đều có cùng nhận xét: “Một đám cưới “có một không hai”, nhưng thật đầm ấm, thắm tình hậu phương và tiền tuyến. Mặc dù rất tiếc vì hoàn cảnh chiến tranh cô dâu không được dự đám cưới của chính mình, nhưng khi trở về chắc cô cũng hài lòng về sự chu đáo của hai họ, hai gia đình và chính quyền đoàn thể. Bởi tại chiến tranh nên có đám cưới đặc biệt này. Cô dâu và chú rễ là người thiệt thòi không được hưởng những ngày vui hạnh phúc, nhưng chắc họ cũng hiểu rằng đất nước còn chia cắt, họ phải gác lại niềm hạnh phúc riêng tư để chờ ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, lúc này hạnh phúc của họ mới thực sự trọn vẹn”.

Cuối năm 1975, Tiến được xuất ngũ trở về địa phương sau gần năm năm chiến đầu gian khổ ác liệt. Quê hương đã có nhiều nét đổi thay, đường sá đi lại hết sức thuận tiện, chiếc cầu gỗ vững chãi vắt vẻo qua con sông Nghèn trong xanh uốn lượn, những hố bom Mỹ ngày nào đã được san lấp… Xuống xe rảo bước về làng, người đầu tiên Tiến được gặp là em gái của anh vừa đi làm cỏ lúa về. Hai anh em ôm nhau khóc rấm rứt khi em gái báo tin bố anh đã mất…

Sau bao ngày xa cách, Tiến lại được sống hạnh phúc bên người vợ trẻ. Lộc sau khi tốt nghiệp ra trường được nhận về cơ quan của huyện công tác. Tiến thi đỗ đại học ngành kinh tế và ra Hà Nội học. Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất của vợ chồng trẻ là có một cậu con trai đầu lòng bụ bẩm giống bố như hai giọt nước. Sự thiếu vắng cô dâu trong ngày cưới năm xưa giờ đây đã được đền đáp. Đôi vợ chồng được sống hạnh phúc bên nhau khi đất nước đã bình yên.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Đám cưới vắng cô dâu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn